Ngôn ngữ
Lịch sử hình thành
Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn là một trong những cơ sở đào tạo và nghiên cứu tâm lý học có uy tín nhất trong cả nước. Tiền thân của Khoa là Tổ bộ môn Tâm lý học thuộc Khoa triết học, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội (1977) với nhiệm vụ giảng dạy môn Tâm lý học đại cương cho sinh viên trong trường. Ngày 10/12/1997, theo Quyết định số 644/TCCB của Giám đốc ĐHQGHN, Khoa Tâm lý học được tách ra thành một khoa độc lập với chức năng, nhiệm vụ chính là đào tạo đại học, saau đại học và nghiên cứu khoa học về khoa học tâm lý. Đây là cơ sở đầu tiên trong cả nước có chức năng đào tạo cử nhân tâm lý học với hình thức là một chuyên ngành độc lập.
Tại thời điểm thành lập, Khoa Tâm lý học có hai bộ môn là Tâm lý học đại cương và Tâm lý học xã hội, với 7 cán bộ giảng dạy trong đó có 1 phó giáo sư, 3 tiến sĩ và 4 cử nhân tâm lý học. Từ năm 2000 đến 2010, lần lượt ba bộ môn khác được thành lập trong khoa bao gồm: Tâm lý học lâm sàng, Tâm lý học quản lý – kinh doanh và Tâm lý học tham vấn, nâng số bộ môn thuộc khoa thành 5 bộ môn chuyên sâu. Năm 2020, bộ môn Tâm lý học đại cương đổi tên thành bộ môn Tâm lý học phát triển. Tính đến nay, tổng số cán bộ của khoa là 20 cán bộ, trong đó có 18 giảng viên và 02 chuyên viên. Số giảng viên cơ hữu hiện nay gồm 8 phó giáo sư, 08 tiến sỹ và 02 thạc sỹ-nghiên cứu sinh.
Thực hiện mục tiêu phát triển theo định hướng đại học nghiên cứu của Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Khoa Tâm lý học xác định rõ sứ mệnh và tầm nhìn phát triển với động lực chủ yếu là gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học và ứng dụng thực tiễn.
Sứ mệnh
Phấn đấu trở thành một cơ sở có uy tín về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực tâm lý học, về NCKH và thực hành tâm lý, đáp ứng nhu cầu xã hội về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần.
Tầm nhìn: Nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và thực hành kỹ năng trong các lĩnh vực của Tâm lý học, đáp ứng yêu cầu của xã hội và từng bước hội nhập quốc tế.
Thành tựu tiêu biểu
Với sự mệnh trên, tính đến năm 2024, Khoa đã đào tạo 27 khóa sinh viên chính quy tốt nghiệp (từ K38 đến K63), đang đào tạo 4 khóa sinh viên hệ chuẩn và 4 khóa sinh viên hệ CLC (từ K65 đến K68 ). Trong 27 năm qua, Khoa đã đào tạo hơn 1500 cử nhân, 46 tiến sĩ và hơn 200 thạc sĩ. Hiện nay số người đang theo học tại khoa là gần 400 SV chính quy, gần 100 sinh viên bằng 2, hơn 200 sinh viên hệ vừa làm vừa học, 154 học viên cao học và 26 nghiên cứu sinh.
Nhằm tăng cường cơ hội việc làm cho sinh viên, khoa đã tổ chức đào tạo theo định hướng chuyên ngành cho SV với 4 định hướng chuyên ngành vào học kỳ 7 của tiến trình đào tạo, và mở ra định hướng chuyên ngành thứ 5 vào năm 2023. Theo đó, bắt đầu từ khóa QH-2022-X, SV thuộc CTĐT của Khoa Tâm lý học được lựa chọn 1 trong 5 định hướng chuyên ngành cụ thể là tâm lý học phát triển, tâm lý học lâm sàng, tâm lý học tham vấn, tâm lý học xã hội và tâm lý học quản lý - kinh doanh. Với môi trường giáo dục, đào tạo có tương tác, kết hợp nghiên cứu khoa học, người học được phát huy tối đa tính sáng tạo, hiểu biết và kỹ năng của mình trong quá trình đào tạo để có thể hội nhập nghề nghiệp tốt nhất sau khi tốt nghiệp. Cơ hội việc làm của học viên và SV theo đó cũng rất phong phú, có thể kể đến một số vị trí như giảng viên, nghiên cứu viên, chuyên gia tham vấn tâm lý, đánh giá sức khỏe tâm thần, chuyên gia tâm lý học đường, chuyên gia tư vấn, tuyển dụng nhân sự, … trong các cơ sở như bệnh viện, trường học, các trung tâm chăm sóc – can thiệp tâm lý, các dự án của các tổ chức NGOs, các doanh nghiệp, các dự án cộng đồng …
Những tin mới hơn