Ngôn ngữ
Với mục tiêu đưa Khoa Văn học hoà nhập được với môi trường học thuật quốc tế, trong những năm gần đây, Khoa không ngừng đẩy mạnh các hoạt động hợp tác với các đơn vị trong và ngoài nước như: Viện Văn học, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Học viện Phật giáo, Viện Trần Nhân Tông, Công ty Cổ phần Văn hoá và Truyền thông Nhã Nam, Nhà xuất bản Văn học, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, Nhà xuất bản Trẻ... Đồng thời, Khoa Văn học cũng xây dựng được một số quan hệ hợp tác quốc tế với các đơn vị như Đại học Aix Marseille, Đại học Paris 7 (Cộng hoà Pháp); Đại học Charles (Cộng hoà Séc); Đại học Bắc Kinh, Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh (Trung Quốc); Đại học Thành Công, Đại học Kim Môn, Bảo tàng văn học hiện đại Đài Loan, Sở văn hóa thành phố Đài Nam (Đài Loan, Trung Quốc)…
Hàng năm, Khoa Văn học tiếp nhận nhiều lượt sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh nước ngoài (Trung Quốc, Ireland, Hoa Kỳ…) đến dự học các chương trình đào tạo đại học hoặc thuyết trình, trao đổi chuyên môn với cán bộ và sinh viên của Khoa.
Khoa Văn học thường xuyên duy trì hiệu quả hoạt động sinh hoạt chuyên môn, trung bình một tháng một lần tổ chức các toạ đàm khoa học trao đổi về các vấn đề học thuật quan trọng, giới thiệu công trình nghiên cứu mới, tác phẩm văn học mới… Đây là kết quả hợp tác với các đơn vị nghiên cứu, xuất bản trong nước và đã tạo được tiếng vang trong giới chuyên môn cũng như trong xã hội. Có thể kể đến các buổi ra mắt sách Những đứa trẻ mắc zịch (Trần Nhã Thụy, phối hợp với Nhà xuất bản Trẻ), Mộ phần tuổi trẻ (Huỳnh Trọng Khang, phối hợp với Công ty sách Nhã Nam), Huyền thoại Kim thiếp vũ môn (Thâm Giang Trần Gia Ninh, phối hợp với Nhà xuất bản Văn học), Từ Dụ Thái hậu (Trần Thuỳ Mai, phối hợp với Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam), Về Hana (Dịch giả Bình Slavická, phối hợp với Nhà xuất bản Phụ nữ), Chuyện Phố (Phạm Quang Long, phối hợp với Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam)…
Cùng với đó, Khoa Văn học đã đẩy mạnh hợp tác quốc tế thông qua việc mời các Giáo sư, nhà nghiên cứu từ các trường Đại học trên thế giới, các nhà văn, đến trao đổi chuyên môn như: Thuyết trình của GS. TS. Sun Laichen - Đại học California Fullerton – Hoa Kỳ về “Ảnh hưởng quốc tế của tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh”; toạ đàm cùng Giáo sư Colas Duflo, Đại học Paris Nanterre; toạ đàm “Sự tương đồng và khác biệt giữa văn học Đài Loan và văn học Việt Nam” do Giáo sư Tưởng Vi Văn đến từ Đại học Thành Công, Đài Loan thuyết trình; bài giảng “Sự ra đời của các chuyến đi qua văn học du ký thời Heian - Edo” của Giáo sư Kuramoto Kazuhiro; thuyết trình về nghiên cứu văn hiến sứ tiết Việt Nam của Giáo sư Trần Ích Nguyên (Đại học Thành Công, Đài Loan); Giáo sư Shimizu Masaaki (Đại học Osaka - Nhật Bản) giảng dạy chuyên đề Cách đọc Hán Việt cho Cao học Hán Nôm. Khoa Văn học cũng tiếp nhận sinh viên thực tập đến từ Đài Loan và tổ chức Khoá học Trung văn mùa hè giảng dạy tiếng Trung miễn phí cho sinh viên Khoa Văn học - là kết quả hợp tác với Khoa Văn học tiếng Hoa, Đại học Kim Môn, Đài Loan; giao lưu với nhà văn Bỉ Jean-Pierre Orban…
Tác giả: USSH Media
Những tin mới hơn