Tin tức

Sự cần thiết của việc xây dựng Khung năng lực trí tuệ nhân tạo dành cho sinh viên

Thứ tư - 23/07/2025 05:16
Đây là nội dung được thảo luận tại tọa đàm khoa học với chủ đề “Xây dựng Khung năng lực trí tuệ nhân tạo (AI) dành cho sinh viên” do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN (USSH) và Tập đoàn META phối hợp tổ chức sáng nay 23/7/2025.
Tọa đàm nhằm thảo luận sự cần thiết phải có một khung năng lực về AI cho sinh viên cũng như tiếp thu các ý kiến thảo luận, góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học cho Khung năng lực AI dành cho sinh viên do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và Tập đoàn Meta phối hợp xây dựng.
Chủ đề của tọa đàm đã thu hút sự tham dự, thảo luận của hơn 100 đại biểu là lãnh đạo, chuyên gia đến từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Hội Thông tin Khoa học Công nghệ Việt Nam; đại diện Tập đoàn Meta; các trường đại học tại Hà Nội và TP.HCM, các viện nghiên cứu. Tọa đàm cũng nhận được sự quan tâm của hơn 20 doanh nghiệp công nghệ, các cơ quan báo chí và nhiều chuyên gia trong nghiên cứu và giảng dạy về AI và sinh viên các trường đại học.
Yêu cầu về trang bị năng lực số và AI cho sinh viên trong kỷ nguyên số
Ngày nay, sự trỗi dậy nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo (AI) đang định hình lại cách chúng ta làm việc, học tập và đổi mới sáng tạo. AI không còn là mối quan tâm của tương lai mà đã trở thành một yêu cầu cấp thiết ở hiện tại.
Theo ý kiến của các chuyên gia tại tọa đàm, trí tuệ nhân tạo ngày càng trở thành một phần không thể tách rời trong cuộc sống, đòi hỏi các hệ thống giáo dục phải chủ động trang bị cho người học năng lực sử dụng và đồng sáng tạo AI một cách có trách nhiệm, hiệu quả và đạo đức. Việc tích hợp các mục tiêu học tập về AI vào chương trình giáo dục chính thức là điều thiết yếu, nhằm giúp sinh viên và giảng viên tiếp cận AI một cách an toàn, có ý nghĩa và sẵn sàng thích ứng với một xã hội đang chuyển đổi số mạnh mẽ. Những cơ sở giáo dục không đáp ứng yêu cầu này sẽ khó duy trì được tính phù hợp và khả năng cạnh tranh trong bối cảnh mới.
GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Chủ nhiệm Dự án hợp tác giữa USSH và Meta phát biểu khai mạc tọa đàm
Ông Đăng Văn Huấn - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo
Theo ông Đăng Văn Huấn - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc ứng dụng AI trong hoạt động đào tạo và quản trị hiện đang đặt ra nhiều vấn đề như: làm thế nào để thẩm định, kiểm chứng số liệu và thông tin nhằm đảm bảo tính chính xác và minh bạch của những nội dung do AI tạo ra; vấn đề trong định vị vai trò của người dạy và người học cũng như vấn đề về đạo đức trong ứng dụng AI… Đây là những vấn đề đang rất được quan tâm tại các cơ sở giáo dục tại Việt Nam.
 
Ông Ruici Tio - Quản lý chương trình Chính sách về An toàn và Liêm chính Khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Tập đoàn Meta phát biểu tại tọa đàm
Theo ông Trần Văn Tùng - Chủ tich Hội TTKH&CN Việt Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN, trí tuệ nhân tạo đã thay đổi tư duy và việc triển khai các nhiệm vụ trong mọi lĩnh vực
Theo các chuyên gia, trong thời gian qua, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã thể hiện sự tiên phong trong việc triển khai khung Năng lực số do Bộ GD&ĐT ban hành đầu năm 2025.
Khung năng lực trí tuệ nhân tạo dành cho sinh viên đại học do nhà trường phối hợp với Tập đoàn Meta xây dựng là một phản hồi kịp thời trước yêu cầu cấp bách trong bối cảnh AI đang trở thành một phần không thể thiếu của đời sống học thuật, nghề nghiệp và xã hội. Khung năng lực này được hình thành trên cơ sở tham vấn các chuyên gia, nhà nghiên cứu, giảng viên và sinh viên, đồng thời tham chiếu các khung năng lực số và AI quốc tế đang được sử dụng rộng rãi. Nhà trường đã khẩn trương điều chỉnh 28 chương trình đào tạo, trong đó các nền tảng kiến thức đã được điều chỉnh hoàn thiện với những yêu cầu mới về năng lực trí tuệ nhân tạo, khẳng định cam kết của nhà trường trong việc mang lại những giá trị tốt nhất cho người học và cộng đồng.
Đề xuất 06 miền năng lực trí tuệ nhân tạo dành cho sinh viên
Khung năng lực trí tuệ nhân tạo dành cho sinh viên là kết quả hợp tác giữa Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (trực tiếp triển khai là Khoa Thông tin - Thư viện) và Tập đoàn Meta trong khuôn khổ dự án Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giảng dạy, học tập và nghiên cứu.
Để xây dựng Khung năng lực trí tuệ nhân tạo dành cho sinh viên, nhóm chuyên gia đã khảo sát và đánh giá năng lực trí tuệ nhân tạo và nhu cầu phát triển năng lực này của 1.000 sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh để làm cơ sở thực tiễn thực tiễn. Đồng thời, nhóm nghiên cứu đã tham chiếu các khung năng lực tham chiếu đang được sử dụng rộng rãi trên thế giới, từ đó phát triển một khung năng lực phù hợp cho sinh viên tại Việt Nam.
PGS.TS Đỗ Văn Hùng - Trưởng khoa Thông tin - Thư viện, Phó Chủ nhiệm dự án hợp tác giữa Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và Tập đoàn Meta đồng chủ toạ phiên thảo luận
Theo đó, nhóm nghiên cứu đã đề xuất Cấu trúc Khung năng lực AI bao gồm Các năng lực thích ứng lâu dài và Các năng lực AI cụ thể. Trong đó, các chuyên gia đến từ Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đề xuất 6 miền năng lực: Hiểu biết về AI và dữ liệu (AI hoạt động như thế nào?), Tư duy phản biện và đánh giá AI (Làm thế nào tôi đánh giá được đầu ra của AI?), Đạo đức và trách nhiệm trong sử dụng AI (Làm thế nào tôi đảm bảo AI được sử dụng một cách đạo đức và có trách nhiệm?), Lấy con người làm trung tâm, Trí tuệ cảm xúc, Vị sáng tạo (Làm thế nào để con người vẫn giữ vai trò trung tâm?), Ứng dụng AI cho chuyên môn (Tôi áp dụng AI như thế nào trong một bối cảnh cụ thể?), và Thiết kế và phát triển hệ thống AI (Tôi có thể tạo ra hệ thống AI như thế nào?). Mỗi miền năng lực được thiết lập theo 04 cấp độ phát triển: thành thạo, thông thạo, chuyên sâu và làm chủ, phù hợp với năng lực tiến triển của sinh viên trong suốt quá trình học tập và làm việc sau khi ra trường.
Dựa trên tầm nhìn coi sinh viên là những công dân có trách nhiệm và đồng sáng tạo cùng AI, khung năng lực nhấn mạnh vai trò của việc đánh giá phản biện các giải pháp công nghệ, nhận thức rõ trách nhiệm xã hội trong thời đại AI, thúc đẩy việc học tập suốt đời, và phát triển các giải pháp AI mang tính bao trùm và bền vững.
Khung năng lực AI cho sinh viên do nhóm chuyên gia của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN xây dựng
Ths. Trần Đức Hòa - Giảng viên Khoa Thông tin Thư viện chia sẻ về bối cảnh, tầm quan trọng và sự cần thiết xây dựng Khung năng lực AI cho sinh viên
Khung năng lực AI và yêu cầu từ thực tiễn
Tọa đàm đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ, giáo dục và các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng về các nội dung của Khung năng lực trí tuệ nhân tạo dành cho người học. Theo GS.TS. Nguyễn Qúy Thanh (Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN), khung năng lực trí tuệ nhân tạo cần tích hợp thêm hệ thống phân loại sắp xếp các mục tiêu học tập (bloom) đang được ứng dụng trong các trường đại học. Ngoài ra, cần nhấn mạnh khả năng tự học của sinh viên trong khung năng lực này.
GS.TS. Nguyễn Qúy Thanh - Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN
PGS.TS Nguyễn Thị Quế Anh, Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Luật, ĐHQGHN nhấn mạnh việc cá thể hóa người học trong các chương trình đào tạo, nhất là trong việc xây dựng khung năng lực trí tuệ nhân tạo của người học. Phó giáo sư Quế Anh cũng đánh giá, cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm, trí tuệ cảm xúc và sự sáng tạo trong xây dựng khung năng lực này là một điểm mới mẻ của các chuyên gia.
PGS.TS Nguyễn Thị Quế Anh - Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Luật, ĐHQGHN
Ông Tô Hồng Nam, Phó Cục trưởng Cục Khoa học, Công nghệ và Thông tin, Bộ GD&ĐT đóng góp ý kiến tại tọa đàm
Theo TS. Nguyễn Gia Hy (Thành viên Dự án hợp tác giữa USSH và Meta; giảng viên môn Trí tuệ nhân tạo tại Swinburne University - Úc, Nhà sáng lập SkillPixel) hiện nay, các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng cả những người ngoài lĩnh vực chuyên môn, nhưng họ cũng yêu cầu ứng viên phải có khả năng sử dụng AI khá thành thạo.
Nếu khung năng lực này được ứng dụng rộng rãi trong các trường đại học, thì nó sẽ tạo ra một điều kiện rất phù hợp và thuận tiện cho các doanh nghiệp. Các nhà tuyển dụng sẽ biết được năng lực tổng thể của ứng viên và khả năng sử dụng AI của họ trong lĩnh vực cụ thể đến mức nào.
TS. Nguyễn Gia Hy - Thành viên Dự án hợp tác giữa USSH và Meta; giảng viên môn Trí tuệ nhân tạo tại Swinburne University (Úc), nghiên cứu sinh về AI tại Deakin University, nhà sáng lập SkillPixel
Đánh giá cao sự thiết thực của dự án Khung năng lực AI dành cho sinh viên, TS. Nguyễn Ngọc Bình (Trưởng khoa Ngôn ngữ học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) cho biết, với khung năng lực này, các trường đại học sẽ có căn cứ để xây dựng chuẩn đầu ra dành cho sinh viên, đáp ứng yêu cầu của thị trường nhân lực. Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Ngọc Bình cũng lưu ý, cần cụ thể hóa năng lực giao tiếp và hợp tác của AI, khả năng phát triển năng lực ứng dụng AI của người học trong học tập cũng như cuộc sống.
Được biết, năm 2025, ngành Ngôn ngữ học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã mở định hướng chuyên ngành mới là Ngôn ngữ và AI, không chỉ là sự kết hợp giữa khoa học ngôn ngữ và công nghệ số, mà còn là nền tảng để hình thành những chuyên gia ngôn ngữ có tư duy công nghệ, năng lực phân tích dữ liệu và khả năng sáng tạo nội dung trong thế giới số hóa. Việc ứng dụng Khung năng lực trí tuệ nhân tạo dành cho sinh viên là nội dung quan trọng trong xác định rõ ràng hơn chuẩn đầu ra của sinh viên theo học chuyên ngành mới này.
TS. Nguyễn Ngọc Bình - Trưởng khoa Ngôn ngữ học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn
Từ năm 2020, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã hợp tác cùng Tập đoàn Meta triển khai dự án nâng cao năng lực số cho sinh viên và ban hành Khung năng lực số dành cho sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (tháng 5/2024). Trên cơ sở kết quả này, VNU-USSH đã được Bộ GD&ĐT đề nghị hỗ trợ xây dựng Khung năng lực số dành cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân và ban hành vào tháng 01/2025 vừa qua.
Tiếp nối các kết quả đó, từ năm 2023, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tiếp tục hợp tác với Tập đoàn Meta trong dự án nâng cao năng lực sử dụng AI cho giảng viên và sinh viên của Nhà trường. Hơn 250 giảng viên, chuyên viên và 1.000 sinh viên được đào tạo về AI. Cũng từ đó, Khung năng lực trí tuệ nhân tạo dành cho sinh viên đã được xây dựng và lấy ý kiến thảo luận của các chuyên gia.
Tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, các hoạt động đào tạo không chỉ hướng tới mục tiêu đào tạo người biết sử dụng công nghệ mà còn nuôi dưỡng những công dân số có tính nhân văn, bản sắc và trách nhiệm. Chiến lược tiếp cận năng lực số của nhà trường được phát triển dựa trên nền tảng nhân văn, với định hướng tích hợp giữa công nghệ và các giá trị nhân văn với triết lý “Công nghệ vì con người - Con người làm chủ công nghệ”.

Báo chí đưa tin về sự kiện:
Đài Phát thanh - truyền hình Hà Nội: 
Xây dựng khung năng lực AI dành cho sinh viên
Báo Nhân dân: Xây dựng khung năng lực trí tuệ nhân tạo dành cho sinh viên
Báo Giáo dục và Thời đại: Tọa đàm khoa học 'Xây dựng Khung năng lực trí tuệ nhân tạo dành cho sinh viên'
USSH đồng hành cùng Bộ GD&ĐT xây dựng và hướng dẫn triển khai Thông tư 02 về Khung năng lực số cho người học
Ngôn ngữ và AI: Khi ngôn ngữ mở lối vào công nghệ

Tác giả: Thuy Dzung, Xuân Bách - USSH Media

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
[LANG_MOBILE]
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây