Qua hơn nửa thế kỷ, chương trình đào tạo của Khoa Lịch sử bắt đầu từ 3 năm, chuyển sang 4 năm, rồi 4 năm rưỡi, và tiếp tục chuyển về 4 năm, đã và đang đào tạo gần 8000 cử nhân, gần 1000 thạc sĩ và hơn 200 tiến sĩ. Sinh viên tốt nghiệp Khoa Lịch sử có mặt trên khắp mọi miền đất nước, đảm nhiệm nhiều lĩnh vực công tác. Trong bất kỳ cương vị nào, các cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ Khoa Lịch sử cũng thể hiện tốt năng lực, phẩm chất, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhiều người đã và đang đảm nhiệm những vị trí chủ chốt ở Trung ương và các địa phương, trong các cơ quan Đảng, chính quyền, cơ quan đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Các hướng hoạt động ngoại khóa tiêu biểu
- Thực tập khảo cổ học 15 ngày: sinh viên năm thứ nhất.
- Thực tế điền dã tại các di tích lịch sử văn hóa và làng nghề truyền thống: sinh viên năm thứ nhất đến năm thứ ba.
- Thực tập tốt nghiệp: sinh viên năm thứ tư.
- Học tập khoa học tại các bảo tàng: Bảo tàng Nhân học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Lịch sử Quân sự, Bảo tàng Mỹ thuật…
- Hoạt động Đoàn, Hội và các câu lạc bộ sở thích.
Vị trí công tác có thể đảm nhận sau khi tốt nghiệp
Sinh viên tốt nghiệp Khoa Lịch sử sẽ trở thành nhà sử học, nhà khảo cổ học, nhà nghiên cứu và quản lý văn hóa… có thể đảm nhiệm công tác nghiên cứu ở các viện, trung tâm nghiên cứu, các cơ quan nhà nước, đoàn thể xã hội có yêu cầu chuyên môn liên quan trực tiếp đến kiến thức lịch sử và văn hoá; giảng dạy lịch sử, văn hoá học tại các trường đại học, cao đẳng, phổ thông trung học; quản lí tư liệu lịch sử, quản lí bảo tàng, di tích lịch sử; làm công tác lịch sử, văn hoá ở các cơ quan nhà nước, đoàn thể xã hội; và những công việc liên quan đến những vấn đề khác nhau thuộc khối khoa học xã hội và nhân văn.
Các loại hình cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp có khả năng và cơ hội việc làm phù hợp
- Các học viện, trường đại học, cao đẳng có chương trình giảng dạy, nghiên cứu lịch sử và văn hoá, đặc biệt là các đơn vị có môn học Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam.
- Các viện nghiên cứu thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Sử học, Viện Khảo cổ học, Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Nghiên cứu Châu Mĩ, Viện Nghiên cứu Châu Âu, Viên Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi, Viện Dân tộc học, Viện Nghiên cứu Văn hoá, Viện Nghiên cứu Kinh thành,…), Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Viện Lịch sử Đảng, Viện Bảo tồn di tích, …
- Các cơ quan Đảng, Nhà nước và đoàn thể có sử dụng kiến thức lịch sử (các cơ quan trung ương của hệ thống chính trị, các cơ quan báo chí, UBND các cấp, bảo tàng, các trung tâm nghiên cứu lịch sử-văn hoá, các đơn vị quản lí di tích lịch sử, các nhà xuất bản, tạp chí chuyên ngành lịch sử, văn hoá…).
- Các Trường THCS, THPT, tiểu học.
- Các đơn vị nghiên cứu tại trung ương và địa phương.
- Các trung tâm lưu trữ, thư viện, bảo tàng.
- Các báo, tạp chí, đài phát thanh - truyền hình.
- Tham gia nhiều vị trí của các cơ quan Trung ương (các cơ quan Đảng, Chính phủ, các bộ, ban, ngành), các sở, ban, ngành ở các địa phương.