USSH Media xin trích dẫn bài phỏng vấn GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN khi còn là Phó Hiệu trưởng phụ trách công tác đào tạo, chính trị và công tác sinh viên (năm 2019), về nhận thức, quan điểm và định hướng phát triển hoạt động đào tạo của Nhà trường. Có thể một số khía cạnh trong bài phỏng vấn đã có sự đổi thay theo thời gian, nhưng liên/xuyên ngành dường như vẫn còn là xu hướng mà Trường ĐH KHXH&NV nói riêng và giáo dục đại học nói chung cần nhìn nhận và đổi thay kịp thời.
GS.TS Hoàng Anh Tuấn phát biểu tại Lễ Khai mạc Cuộc thi Hùng biện tiếng Việt cho lưu học sinh nước ngoài năm 2023 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN
Thế giới VUCA và cách mạng công nghiệp 4.0…
- Trên một số diễn đàn gần đây, thầy hay đề cập đến yêu cầu đổi mới đào tạo nhân lực để thích ứng với thị trường lao động rất “mới” và “khác” trong tương lai gần, trong đó thầy hay đề cập đến các khái niệm như Thế giới VUCA (the VUCA World) và Cách mạng Công nghiệp 4.0 (IR 4.0)… Xin thầy chia sẻ rõ thêm về hai khái niệm này?
“Thế giới VUCA” là khái niệm đã có từ mấy chục năm nay, hình thành bằng 4 chữ cái đầu của các thuật ngữ Volatility (biến động), Uncertainy (bất định), Complexity (phức tạp), Ambiguity (mơ hồ), được quân đội Hoa Kỳ dùng từ thời chiến tranh lạnh, sau này các nhà kinh tế học thường dùng để chỉ thị trường tài chính thiếu tính ổn định… Gần đây, nhiều chuyên gia giáo dục đại học quốc tế đã sử dụng thuật ngữ VUCA để nói về sự biến đổi khó lường của thị trường nhân lực trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (Industrial Revolution 4.0) đang tác động rất mạnh đến tương lai nghề nghiệp.
Bản báo cáo “Tương lai nghề nghiệp” (The Future of Jobs) của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố năm 2016 ước tính rằng: “Đối với thế hệ học sinh bắt đầu vào tiểu học hôm nay, 65% khi đi làm sẽ làm những việc cho đến nay còn chưa hiện hữu”. Cũng theo dự báo của WEF, trong giai đoạn 2015-2020, trung bình cứ 6 triệu vị trí việc làm mất đi, chỉ có khoảng 2 triệu việc làm mới được tạo ra, khối hành chính công giảm mạnh trong khi việc mới chủ yếu thuộc khối công nghệ cao và các ngành quản trị.[1] Thực ra, nguy cơ biến động của thị trường lao động dưới tác động của công nghệ hiện đại đã được cảnh báo từ nhiều thập kỷ trước. Chẳng hạn, tròn 20 năm trước (1999), Bộ Lao động Hoa Kỳ đã đưa ra con số ước tính 65% như báo cáo của WEF. Gần đây, năm 2017, Tập đoàn Dell Technologies thậm chí còn đưa ra con số ước tính cao hơn rất nhiều: trong 10 năm tới, khoảng 85% nhân lực sẽ làm những việc cho đến nay còn chưa hiện hữu.
- Như vậy, nhiều thách thức, nguy cơ đã và đang đặt ra, đòi hỏi không chỉ sinh viên mà cả giảng viên và cơ sở đào tạo phải đổi mới hoạt động đào tạo?
Đổi mới - sáng tạo là thuộc tính bắt buộc của bất kỳ một tổ chức hoặc xã hội nào. Không có đổi mới - sáng tạo sẽ không có phát triển. Giáo dục đại học không là ngoại lệ, cần bắt nhịp với xu thế phát triển như vũ bão hiện nay của công nghệ và thị trường lao động. Tôi đã từng đề cập đến một số thách thức đối với các đại học hiện nay.
Một là đòi hỏi ngày càng cao của các nhà tuyển dụng về phẩm chất và kỹ năng bên cạnh trình độ chuyên môn của sinh viên tạo ra áp lực đổi mới đối với Nhà trường trong việc cân đối giảng dạy kiến thức với đào tạo kỹ năng và phát triển tư duy tích cực cho sinh viên. Sự biến động về nghề nghiệp trong tương lai khiến hoạt động đào tạo của các trường đại học đối diện nguy cơ lạc hậu so với nhu cầu nhân lực mới.
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác và tài trợ giữa Trường ĐH KHXH&NV với Quỹ Đào Minh Quang về phát triển dự án Lập nghiệp và khởi nghiệp bền vững tại Việt Nam và tiếp tục cấp học bổng cho sinh viên VNU-USSH, tháng 11/2023
Sinh viên Trường ĐH KHXH&NV nhận được sự ghi nhận và hỗ trợ từ nhiều quỹ học bổng trong nước và quốc tế
Hai là yêu cầu chính đáng của sinh viên về môi trường học tập, không dừng lại ở kiến thức mà cả dịch vụ đi kèm: cơ sở vật chất, thiết bị học tập, không gian tự học, căng-tin, thực tập-thực tế (nhất là ở nước ngoài), các CLB phát triển chuyên môn, hoạt động văn-thể-mỹ, kết nối nhà trường-doanh nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp… Có một ví dụ rất hiện sinh: triết lý “học đau khổ để sống vui sướng” của sinh viên thế kỷ XX giờ đây bị coi là “lệch lạc” bởi sinh viên thế hệ 10x coi việc học ở trường “không chỉ là sự chuẩn bị cho cuộc sống, mà bản thân nó cũng là cuộc sống”! Vì thế, các trường đại học thế giới ngày nay lo đầu tư cải thiện cơ sở vật chất để thu hút sinh viên, khuyến khích sinh viên học tập và sinh hoạt tại trường, qua đó gắn bó với trường và không bỏ học…
VNU-USSH đang ngày càng hiện thực hóa ước mơ của nhiều thế hệ nhà giáo và sinh viên về một môi trường học tập và làm việc khang trang, hiện đại, nhân văn
Ba là nguy cơ mất thị phần tuyển sinh và đào tạo ở các khối ngành đào tạo truyền thống, nhất là các ngành khoa học cơ bản vốn ngày càng ít hấp dẫn người học. Trong những năm gần đây, tổng số thanh niên Việt Nam học đại học trong nước giảm đều, trong khi số lượng du học nước ngoài tăng mạnh, chưa tính đến xu hướng “du học tại chỗ” thông qua các chương trình đào tạo từ xa (distance) hoặc trực tuyến (online) của các trường đại học nước ngoài và các chương trình liên kết quốc tế với đại học trong nước… Theo báo cáo thường niên Open Doors của Viện Giáo dục Quốc tế (IIE), số lượng học sinh Việt Nam du học tại Hoa Kỳ tăng liên tục trong 17 năm qua, đạt con số 24.325 sinh viên vào năm 2018, đồng nghĩa hơn 800 triệu đô la Mỹ đã chảy từ Việt Nam sang Hoa Kỳ trong năm vừa qua,[2] chưa nói đến số lượng lớn du học sinh Việt Nam ở các nền giáo dục quốc tế khác.
Trường ĐHKHXH&NV đăng cai tổ chức khoá tập huấn thiết kế khoá học bằng tiếng Anh EMI dành cho các giảng viên đại học trên địa bàn Hà Nội với sự hỗ trợ của các chuyên gia đến từ Đại học Nam Úc
Bốn là sự chuyển dịch mạnh cơ cấu việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp sang khu vực ngoài công lập (tư nhân, quốc tế, phi chính phủ, khởi nghiệp...) đặt ra yêu cầu điều chỉnh cơ cấu chương trình đào tạo, thời lượng giảng dạy trên lớp, đầu tư phát triển hệ kỹ năng tổng hợp, rèn luyện thái độ chủ động và tư duy học tập tích cực để sinh viên có thể thích ứng được với những môi trường làm việc khác nhau trong tương lai. Hội nghị Thượng đỉnh Giáo dục Quốc tế (WISE) diễn ra tại New York tháng 9/2018 nhấn mạnh đến tầm quan trọng trong giáo dục nhận thức và tư duy “học tập suốt đời” bởi trong tương lai kiến thức học được ở trường đại học sẽ bị lạc hậu rất nhanh. Vì vậy, chỉ khi có quan điểm học tập thường xuyên, tư duy học tập suốt đời thì người lao động mới có thể thích ứng được với sự biến đổi của nghề nghiệp tương lai.
Năm là tư duy quản trị đại học chậm đổi mới là thực trạng đã được các chuyên gia giáo dục cảnh báo, đặc biệt là ở khối trường công lập. Nguy cơ này dẫn đến sự lỡ nhịp với xu thế đào tạo đại học thế giới, tụt hậu trong nhận thức, không dự báo được xu hướng thị trường nhân lực, thậm chí không hiểu được sự thay đổi ngay trong nhu cầu của chính người học, dẫn đến tình trạng quản trị đại học chạy không theo kịp so với nhu cầu của người học.
"Ngành" của Bộ - “nghề” của thầy - "nghiệp" của trò…
- Như vậy, có thể thấy một trong số các nguy cơ hiện hữu là sự “cũ” và “tĩnh” của cơ cấu ngành đào tạo hiện nay trong tương quan với tính “mới” và “động” của nghề nghiệp tương lai, thưa thầy?
Cơ cấu ngành đào tạo bao giờ cũng có xu hướng thay đổi chậm hơn so với sự biến đổi nhanh của nghề nghiệp và thị trường nhân lực, đặc biệt là trong bối cảnh của cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay. Tuy nhiên, phải nói một cách khách quan rằng cơ cấu ngành đào tạo của nhà nước không phải hoàn toàn “tĩnh” hay “khép kín” mà luôn được chính các cơ sở đào tạo kiến nghị để nhà nước bổ sung thêm. Vì vậy, các trường đại học phải vừa nhìn thấy quyền lợi, vừa nhận thức trách nhiệm xây dựng những những ngành đào tạo mới trên cơ sở nhu cầu nhân lực tương lai, tổ chức đào tạo thí điểm, sau đó kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo bổ sung vào mã ngành đào tạo. Ví dụ, hơn hai thập niên trước, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã tiên phong khai mở và đào tạo thí điểm ngành Du lịch học, nay đã được đưa vào danh mục mã ngành đào tạo chính thức của nhà nước.
Sinh viên ngành Việt Nam học, Trường ĐHKHXH&NV. Đây là ngành học có tính chất liên ngành, ngày càng thu hút sự quan tâm của người học Việt Nam và nước ngoài.
- Nhưng ngoài câu chuyện về các ngành đào tạo, ta còn phải nói đến hệ thống chức danh nghề nghiệp trong xã hội, hai khía cạnh này cần được lưu ý thế nào trong bối cảnh đào tạo nhân lực mới, thưa thầy?
Trước đây, câu chuyện “ngành” và “nghề” được nhắc đến trong mối liên hệ hữu cơ, rất chặt chẽ. Theo lô-gíc việc làm truyền thống, sinh viên tốt nghiệp ngành đào tạo nào thường có xu hướng làm việc ở lĩnh vực nghề nghiệp đó, liên quan đến mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đã được nhà nước ban hành. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, ranh giới “ngành - nghề” ngày càng mờ nhạt; xu hướng học ngành này, làm nghề khác ngày càng phổ biến. Xét đến cùng, đây là điều hoàn toàn bình thường trong mọi xã hội nếu chúng ta nhìn ra xu hướng lao động và nhân lực ở các quốc gia phát triển và diễn biến của chính sách trong nước, đặc biệt là chủ trương tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo tinh thần Nghị quyết 18 và Nghị quyết 19 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII.
Sinh viên nước ngoài học cử nhân và thạc sĩ Việt Nam học tại Trường ĐHKHXH&NV đã tạo nên môi trường học thuật đa văn hoá tại đây
Sinh viên khoa Việt Nam học và tiếng Việt của Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN đạt giải Nhất toàn quốc cuộc thi Hùng biện tiếng Việt cho lưu học sinh nước ngoài năm 2023 (Ảnh: Báo Tuổi trẻ)
Kiểm định các chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế được Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN chú trọng để hoàn thiện và nâng cao chất lượng chương trình đào tạo
Điều quan trọng là các cơ sở đào tạo cần nhận thức nhanh và đầy đủ về thực tiễn trên để có điều chỉnh về cơ cấu ngành đào tạo cho phù hợp. Bên cạnh việc mở mới các ngành đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội 4.0, các ngành đào tạo cũ không còn nhiều nhu cầu xã hội có thể giảm quy mô đào tạo hoặc cân nhắc khả năng tích hợp với một số ngành gần nhau để hình thành những ngành mới. Khi xã hội đã không còn nhu cầu nhân lực thì ngành khó tồn tại, trừ những ngành khoa học cơ bản mà bất kỳ xã hội nào cũng cần thì nhà nước sẽ đầu tư duy trì. Trên thế giới, việc xóa bỏ một chương trình đào tạo không còn nhu cầu xã hội là chuyện hết sức bình thường, dù không tránh khỏi hoài niệm và nuối tiếc.
Tại Trường ĐHKHXH&NV, người học được trang bị các kiến thức nền tảng về khoa học cơ bản để hỗ trợ việc học tập và nghiên cứu chuyên ngành; bên cạnh đó là tư duy phản biện và khả năng thích ứng với thị trường lao động. Hàng năm hàng nghìn lượt sinh viên được đi thực tập, thực tế tại nước ngoài như là một phần quan trọng trong chương trình học tại Trường.
Nhìn vào thực tiễn vận động của thị trường nhân lực những năm gần đây và dự đoán về xu hướng sử dụng lao động trong khoảng một thập kỷ tới, điều cần lưu tâm hiện nay là làm sao để hài hòa giữa ba yếu tố chính là: “ngành” của Bộ - “nghề” của Thầy - “nghiệp” của trò. Nhà nước đã khá mở về mã ngành đào tạo, thị trường nhân lực đã khá công khai xu thế vận động để sinh viên ra trường lập nghiệp - khởi nghiệp, thì chính giảng viên và trường đại học cần phải năng động và quyết liệt để làm cầu nối giữa hai đầu cầu là người học và thị trường nhân lực. Nói cách khác, người làm Thầy phải luôn đổi mới, sáng tạo để vừa duy trì được niềm đam mê và nghề mình đã chọn, vừa đảm bảo sự hình thành những ngành đào tạo mới đáp ứng hướng nghiệp cho học trò trong kỷ nguyên nhân lực số.
Lợi thế của Đại học Quốc gia Hà Nội: nền tảng Đa ngành/Khoa học cơ bản - xu hướng liên/xuyên ngành - tư duy Đổi mới/Sáng tạo
- Vậy, theo thầy, xu hướng chủ đạo của hệ thống ngành đào tạo trong tương lai là gì?
Nhiều quan điểm khác nhau đã được trình bày. Cá nhân tôi cho rằng, liên các ngành và xuyên khối ngành sẽ là xu hướng căn bản trong bối cảnh hệ sinh thái đại học được vận hành theo phương châm kết nối và đổi mới - sáng tạo.
Trong một thời gian khá dài, đại học Việt Nam đi theo định hướng ngành hẹp và chuyên sâu. Đào tạo chuyên ngành có những lợi thế nhất định, nhưng trong kỷ nguyên nhân lực số với trí tuệ nhân tạo và vạn vật kết nối tự động, liên/xuyên ngành có những ưu thế nổi bật hơn. Các chuyên gia giáo dục gần đây nói nhiều đến mô hình đào tạo nhân lực mới “T-shaped People” dựa trên sự kết hợp triết lý knowing something about everything với quan điểm knowing everything about something (của mô hình I-shaped People trước đây). Thực tiễn công việc mới yêu cầu người lao động tương lai cần biết rộng và hội tụ nhiều kỹ năng nhận biết, giải quyết vấn đề hơn chỉ là những kiến thức chuyên sâu và hẹp, vốn có thể được giải quyết bởi trí tuệ nhân tạo (AI). Ví dụ, hiện nay ở nhiều quốc gia, các công việc đơn lẻ như Lễ tân khách sạn, Hướng dẫn viên du lịch, Nhân viên bán hàng…đã được thay thế hoàn toàn bằng rô bốt; trong tương lai gần, các nghề phức tạp hơn như Phiên dịch, Tư vấn luật, Giáo viên… cũng có thể được thực hiện bởi máy móc với trí tuệ nhân tạo… Vì vậy, nhân lực cho thị trường lao động 4.0 cần nhiều hơn kiến thức chuyên ngành đơn lẻ; người học cần được trang bị kiến thức đa ngành, xuyên lĩnh vực, tư duy tích cực, kỹ năng tổng hợp...
Sinh viên Nhân văn Hà Nội khoẻ khoắn và năng động trong các hoạt động văn nghệ, thể thao
Chương trình học tại Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN chú trọng tới tổ chức các hoạt động thực tập, thực tế của sinh viên
Đặc biệt, bên cạnh các kiến thức khoa học-công nghệ (STEM), người ta bắt đầu nói đến vai trò tối quan trọng của triết học, đạo đức và tri thức nhân văn, nghệ thuật... Tại Hội nghị Thượng đỉnh Giáo dục Quốc tế gần đây, Chủ tịch Viện Giáo dục Quốc tế (IIE) Allan Goodman cho rằng những công nghệ có khả năng biến đổi xã hội ở quy mô lớn sẽ là những thứ cần có nền tảng đạo đức mạnh mẽ nhất, rằng các phán quyết dựa trên luân lý và đạo đức có thể mang tính cách mạng trong thời đại 4.0.[3]
- Trường ĐHKHXH&NV có thuận lợi gì nếu triển khai đào tạo liên/xuyên ngành và tinh thần đại học đổi mới - sáng tạo, thưa thầy?
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn nói riêng, Đại học Quốc gia Hà Nội nói chung, có lợi thế lớn trong việc thích ứng với đào tạo nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số bởi đây là trung tâm đại học đa ngành, đa lĩnh vực, hài hòa giữa khối ngành khoa học cơ bản và các ngành khoa học ứng dụng… hàng đầu của đất nước. Với khối ngành khoa học xã hội và nhân văn, bên cạnh việc duy trì các ngành khoa học cơ bản - vốn rất cần thiết cho bất kỳ quốc gia-dân tộc nào - Nhà trường đang triển khai xây dựng những “ngành lai” trên cơ sở liên kết các ngành hiện có. Chẳng hạn, bên cạnh ngành Quốc tế học và ngành Nhân học, Nhà trường đang triển khai xây dựng ngành “Nghiên cứu phát triển quốc tế” (IDS); bên cạnh 3 ngành đang có là Xã hội học, Công tác xã hội, và Tâm lý học, Nhà trường đang nghiên cứu xây dựng ngành lai phục vụ cho thực tiễn Lão hóa và Phát triển xã hội…
Tâm lý học trị liệu (Psychotherapy) đặc biệt cần kiến thức liên/xuyên ngành
Bên cạnh đó, một số ngành và chuyên ngành lai mang tính liên các khối ngành trong Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đang được triển khai xây dựng, chẳng hạn: giữa khối ngành Kinh tế và khối ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn đang hình thành các ngành/chuyên ngành lai như Kinh tế Quản lý, Kinh tế Du lịch, Kinh tế Báo chí - Truyền thông; Quản trị Kinh doanh Nghệ thuật; hoặc giữa khối ngành Kinh tế với khối ngành Khoa học Tự nhiên, Công nghệ… Rõ ràng, đặc tính đa ngành và khoa học cơ bản đang là một lợi thế lớn cho Đại học Quốc gia Hà Nội và các đơn vị thành viên trong việc phát triển các ngành đào tạo liên/xuyên ngành, đón đầu xu hướng nhân lực thời đại 4.0.
- Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của thầy!
[1]
The Most Important Skills for the 4th Industrial Revolution? Try Ethics and Philosophy.
[2]
Số lượng du học sinh Việt Nam tại Mỹ tăng năm thứ 17 liên tiếp
[3]
http://reports.weforum.org/future-of-jobs-2016/