TT Nghiên cứu Tôn giáo đương đại và những tham góp khoa học về chính sách tôn giáo tín ngưỡng với Ban Tôn giáo Chính phủ

Thứ ba - 02/01/2024 21:32
Ba báo cáo khoa học là các kết quả nghiên cứu được chắt lọc bởi các nhà khoa học thuộc Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN gửi tới Ban Tôn giáo chính phủ nhằm hoàn thiện các chính sách về tôn giáo, tín ngưỡng.
Ngày 27/12/2023 vừa qua, Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo đương đại (CECRS) thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN (VNU-USSH) đã có buổi làm việc và bàn giao các đề xuất tư vấn chính sách với Ban Tôn giáo Chính phủ.
Tại buổi làm việc, PGS.TS. Lại Quốc Khánh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo đương đại cho biết, bên cạnh hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực tôn giáo học và triết học, Trung tâm đã và đang đẩy mạnh công tác tư vấn chính sách. Không chỉ phát triển những vấn đề chuyên môn, học thuật, đội ngũ nhà khoa học của Trung tâm tích cực đóng góp những ý kiến, giúp các cơ quan chức năng như Ban tôn giáo chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,… hoàn thiện các văn bản pháp luật của nhà nước liên quan tới tôn giáo như Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo (2004); Luật tín ngưỡng, tôn giáo (2016) và nhiều văn bản pháp luật khác, góp phần giải quyết những điểm nóng liên quan tới tôn giáo và tộc người. Thông qua các hoạt động của mình, Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo đương đại thực sự là cầu nối để các giới chức cùng với các chức sắc, các nhà tu hành và giới nghiên cứu trong và ngoài nước gặp gỡ, trao đổi, tạo sự tin cậy lẫn nhau.
PGS.TS. Lại Quốc Khánh chia sẻ tâm huyết của các nhà khoa học tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN trong việc đóng góp trí tuệ vào sự hoàn thiện và phát triển của hệ thống chính sách về tôn giáo tín ngưỡng của Chính phủ
Ba báo cáo khoa học được Trung tâm trân trọng bàn giao tới đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ là những vấn đề đang được quan tâm hiện nay, gồm: “Về luật tín ngưỡng tôn giáo 2016, mấy vấn đề phía trước”; “Bình thường hoá quan hệ Việt Nam - toà thánh Vatican (cảm hứng từ các chuyến thăm của lãnh đạo Việt Nam tới Toà thánh)”; “Thực trạng thực hành tín ngưỡng ở Việt Nam hiện nay: một số vấn đề đặt ra”. Theo PGS.TS. Lại Quốc Khánh, đây là những báo cáo có tính khoa học và thực tiễn cao, được các nhà khoa học của CECRS chắt lọc để chuyển giao tới cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo nhằm góp phần xây dựng và hoàn thiện các chính sách tôn giáo tín ngưỡng của đất nước.
Trước đó, Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo đương đại đã tổ chức buổi toạ đàm khoa học và góp ý báo cáo tư vấn chính sách với sự tham dự của các nhà khoa học đầu ngành trong các lĩnh vực tôn giáo tín ngưỡng, triết học, văn hoá học… để hoàn thiện các khuyến nghị chính sách quan trọng của các báo cáo trên trước khi bàn giao tới Ban Tôn giáo Chính phủ.
Bà Trần Thị Minh Nga - Phó Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ đánh giá cao các kết quả nghiên cứu và tư vấn chính sách của các nhà khoa học VNU-USSH
Đánh giá cao những đóng góp của các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN nói chung và Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo đương đại nói riêng đối với hoạt động của Ban Tôn giáo Chính phủ, bà Trần Thị Minh Nga - Phó Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ cho biết, trong thời gian qua, các nhà khoa học với tâm huyết, trí tuệ đã có nhiều tham vấn giá trị cho cơ quan quản lý. Từ những kết quả nghiên cứu hàn lâm, giàu giá trị lý luận của các nhà khoa học tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn nói riêng và các trường đại học nói chung, kết hợp với thực tiễn triển khai tại trung ương và địa phương sẽ là cơ sở quan trọng để bổ sung cho các chính sách của Chính phủ về tôn giáo tín ngưỡng.
Bà Trần Thị Minh Nga nhấn mạnh, việc bàn giao các kết quả nghiên cứu giá trị từ Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo đương đại tới Ban Tôn giáo Chính phủ sẽ là khởi đầu tốt đẹp cho các hoạt động hợp tác sâu rộng giữa hai đơn vị. Hai bên cũng trao đổi mong muốn ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác để triển khai các hoạt động hợp tác một cách hiệu quả, nhanh chóng.
PGS.TS. Lại Quốc Khánh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo đương đại bàn giao 03 báo cáo khoa học về tôn giáo tín ngưỡng tới đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ
Lễ bàn giao các kết quả nghiên cứu của VNU-USSH tới Ban Tôn giáo Chính phủ có sự tham dự của các nhà khoa học uy tín

Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo Đương đại (Center for Contemporary Religious Studies (CECRS) có trụ sở tại P. 507, nhà A, 336 Nguyễn Trãi – Thanh Xuân – Hà Nội) được thành lập ngày 17/10/2007 là kết quả của sự hợp tác giữa Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn với Viện Nghiên cứu Tôn giáo (Missionswissenschaftliches Institut Missio e. V, tên tiếng Anh Institute of Missiology) có trụ sở ở Aachen, CHLB Đức nhằm thúc đẩy việc đào tạo và nghiên cứu các vấn đề tôn giáo ở Đại học Quốc gia Hà Nội.
Ngay sau khi được thành lập, Trung tâm đã tiến hành hàng loạt các hoạt động. Từ năm 2009 đến nay, Trung tâm tiến hành đều đặn chương trình hội thảo/tọa đàm quốc tế và trong nước thường niên về các chủ đề tôn giáo, thu hút đông đảo học giả đến từ châu Âu, Bắc Mỹ cũng như các nước trong khu vực. Có thể kể đến một số hội thảo như: 1.Tôn giáo và văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa (2009); 2. Triết học tôn giáo: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn (2010); 3. Tôn giáo và vấn đề hiện đại hóa” (2011); 4. Tôn giáo trong bối cảnh xã hội hiện đại (2012); 5. Tôn giáo trong đời sống công chúng (2013); 6. Tôn giáo và văn hóa trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay” (2014); 7. Nghiên cứu, giảng dạy các nhà tư tưởng Đức ở các đại học (2015); 8. Tôn giáo và đạo đức trong xã hội hiện đại (2016); 9.Các nhà tư tưởng, trí thức Kitô giáo ở Việt Nam trong so sánh với khu vực (2017); 10. Tôn giáo và khoa học phương Tây: một cách tiếp cận so sánh ở Việt Nam và khu vực (2018); 11. Tôn giáo – nguồn lực văn hóa và xã hội: ứng xử ở một số quốc gia và kinh nghiệm cho Việt Nam (2021); 12. Tôn giáo, tín ngưỡng dân gian ở Việt Nam và khu vực: Các cách tiếp cận nghiên cứu so sánh (12/2022).
Hàng năm, Trung tâm vẫn mời các giáo sư thỉnh giảng từ các nước tới trường giảng dạy các vấn đề liên quan tới các lĩnh vực tôn giáo học và triết học.


Tin bài liên quan:
Báo cáo khoa học về tôn giáo tín ngưỡng của CECRS - cơ sở lý luận giàu giá trị về tư vấn chính sách
Tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo, nghiên cứu khoa học về tôn giáo, văn hoá công dân
Trung Tâm Nghiên cứu Tôn giáo Đương đại ký kết Biên bản ghi nhớ với Viện Nghiên cứu Tôn giáo và Văn hóa công dân, Đại học Kyung Hee, Hàn Quốc

Tác giả: Thùy Dzung – USSH Media

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây