Giáo sư, Tiến sĩ Nonna Vladimirovna Stankevich

Thứ tư - 19/08/2015 06:03
Tại Phòng truyền thống của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, trong số chân dung những nhà giáo được vinh danh của trường có tấm ảnh một nữ giáo sư người nước ngoài. Khách ngoài trường, các sinh viên lớp mới, khi thăm phòng này, thường lấy làm lạ, nhưng những lớp cựu sinh viên như chúng tôi thì không lạ. Đó là giáo sư ngôn ngữ học người Nga Nonna Vladimirovna Stankevich của Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp (ĐHTH) Hà Nội.
Giáo sư, Tiến sĩ Nonna Vladimirovna Stankevich
Giáo sư, Tiến sĩ Nonna Vladimirovna Stankevich

Chân dung Giáo sư Ngôn ngữ học Nonna Vladimirovna Stankevich.

Bà là người có nhiều cống hiến cho nghiên cứu ngôn ngữ học, Việt học và Việt ngữ học

Tên, họ đầy đủ của giáo sư là thế, nhưng chúng tôi chẳng cần thêm những phụ ngữ trang trọng khác, thường chỉ gọi là “Cô Nonna” (có hai chữ n ở giữa). Tôi nhắc tới hai chữ n là vì một chuyện vui vui. Hồi còn thầy Nguyễn Tài Cẩn, trong một lần gửi thư cho tôi và qua tôi, đề nghị Trường Đại học KHXHNV chứng nhận số năm công tác ở Trường để thầy cô gửi cho cơ quan quản lí người hưu trí ở Moskva, hết thư, thầy viết thêm: “T/B: N. nhớ viết tên cô: Nonna - hai chữ e nờ ở giữa. Nhiều lần anh em mình không để ý, viết một chữ n thành Nona, đi làm giấy tờ, nhất là ra công an, hộ khẩu… phiền lắm”.

Cô là một trong “Tứ Quý” của Khoa Ngữ văn ĐHTH Hà Nội ngày trước. Cái biệt danh Tứ Quý này là do đám sinh viên chúng tôi hồi ấy nghĩ ra, truyền tụng, để gọi bốn cô giáo mà chúng tôi rất yêu mến, kính trọng: cô Đặng Thị Hạnh, cô Lê Hồng Sâm, cô Hoàng Thị Châu và cô Nonna. Mỗi người một vẻ, nhưng cái sự sâu sắc, và sự sang trọng khả kính trong học thuật thì chung mẫu số. Bây giờ, Tứ Quý của chúng tôi nghỉ hưu đã lâu. Ngay như chúng tôi, những chú học trò nhà quê, tỉnh lẻ, mười chín đôi mươi của các cô ngày ấy, nay cũng đã “tà tà bóng ngả”. Cô Hạnh, cô Sâm, cô Châu vẫn ở Hà Nội, còn cô Nonna về nghỉ hưu ở tận Cộng hoà liên bang Nga, quê hương cô. Tạp chí Ngôn ngữ số 5-2015 vừa có bài viết chúc mừng sinh nhật tám mươi của cô (24 tháng 5), trân trọng khẳng định và đánh giá rất cao những đóng góp của cô trong nghiên cứu ngôn ngữ học, Việt học và Việt ngữ học.

Khi chúng tôi là sinh viên khoa Ngữ văn, đất nước đang còn chiến tranh, chia cắt. Cuộc sống thật nghèo. Cái gì cũng thiếu. Nhưng đáng lạ là sao ngày ấy không khí họchỏi trong nhà trường lại không thiếu. Ngày ấy, ở ta, bình thường, gặp một người nước ngoài là chuyện hiếm. Vậy mà chúng tôi có hẳn một cô giáo người Nga chính hiệu, lại ăn mặc kiểu Việt Nam, đội nón lá bài thơ, đến lớp ân cần giảng dạy như các thầy, cô người Việt khác. Lần đầu tiên chúng tôi gặp và nghe cô giảng bài, cảm giác thật lạ. Bằng tiếng Việt. Rất nhẹ nhàng. Người tinh ý dễ nghe ra có pha đôi chút “giọng Nghệ”. Khúc chiết, chẳng câu nào thừa, lặp. Tên tuổi của những nhà khoa học có tiếng trên thế giới thuộc lĩnh vực mà cô giảng dạy như Skalichka, Kasnelson, Iakhontov, Uspenskji, Greenberg… cùng tư tưởng, phương pháp… của họ đến với chúng tôi qua bài giảng của cô về Loại hình các ngôn ngữ từ những ngày đó. Về sau, khi học xong, được ở lại để đào tạo thành giảng viên, cùng làm việc ở bộ môn, tôi mới dần dần hiểu thêm về cô.

Quê cô là thành phố St. Petersburg (trước, là Leningrad), nơi có dòng sông Neva biếc xanh phản chiếu những chiều hoàng hôn tím và in bóng những lâu đài, cung điện, vàng son, tráng lệ, có những đêm trắng tháng Sáu diệu kì và lễ hội “Những cánh buồm đỏ thắm”, có Đại học Leningrad danh tiếng, nay đã đổi tên lại là Đại học St. Petersburg. Tại đấy, năm 1964, cô bảo vệ luận án tiến sĩ về “Phạm trù tính từ trong tiếng Việt hiện đại” dưới sự hướng dẫn cuả giáo sư S.E. Jakhontov, một cái tên rất quen thuộc với giới ngôn ngữ học quốc tế. Lúc đầu, cô học về ngữ văn Trung Quốc, với ngoại ngữ thứ hai là tiếng Tây Tạng (Tibetan). Vì giáo viên bị ốm, tiếng Tibetan không dạy nữa; tiếng Việt thay vào đó. Cuối khoá, cô thi tốt nghiệp bằng các môn tiếng Hán và văn học Trung Quốc, nhưng lại làm luận văn tốt nghiệp về Việt học.

Lẽ ra, cùng với những người đặt nền móng cho ngành Việt học ở Đại học St. Petersburg hồi ấy như N.D. Andreev, Nguyễn Tài Cẩn, I.S. Bystrov, M.V. Gordina, V.S. Panfilov, I.P. Zimonina, D. Letjagin, Cô sẽ tiếp tục nghiên cứu và giảng dạy về Việt học tại đó; nhưng mối lương duyên thiên định lại đưa Cô về làm dâu họ Nguyễn Tài làng Thượng Thọ, Thanh Chương, Nghệ An; và người bạn đời của Cô chính là nhà ngôn ngữ học tài danh - GS. Nguyễn Tài Cẩn. Về Việt Nam quê chồng, Cô được Bộ giáo dục tuyển dụng làm giảng viên tại ĐHTH Hà Nội, Khoa Ngữ văn, tháng 10 năm 1961, rồi từ đấy, gắn bó trọn vẹn với ngành Ngôn ngữ học của Trường (nay là Khoa Ngôn ngữ học Trường Đại học KHXHNV, thuộc ĐHQG Hà Nội) cho đến lúc nghỉ hưu. Thế là khởi nghiệp khoa học ở Leningrad, nhưng suốt thời gian làm nghiên cứu và giảng dạy, Cô lại hoàn toàn ở Việt Nam, mà hầu hết trong thời gian khó khăn, vất vả, chiến tranh của đất nước.

Hồi ấy, ngành Ngôn ngữ học, Việt ngữ học ở ĐHTH Hà Nội mới đang bắt đầu được gây dựng. Cô cùng các đồng nghiệp nỗ lực phát triển ngành. Lo biên soạn giáo trình và giảng dạy các môn về lí thuyết và phương pháp dịch, về loại hình các ngôn ngữ, cả dạy thực hành tiếng Nga, nghiên cứu về ngữ pháp tiếng Việt, rồi cô nghiên cứu cả về chữ Nôm (cùng với Thầy Cẩn), về Hán văn Việt Nam, đặc biệt là về giao thoa ngôn ngữ giữa Văn ngôn với Việt ngữ, nghiên cứu ngôn ngữ văn xuôi tiếng Việt cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX… Lĩnh vực nào cô cũng thu được những kết quả đáng trọng. Hai cuốn sách: Loại hình các ngôn ngữ (viết riêng), Ngữ pháp tiếng Việt (viết với Bystrov, Nguyễn Tài Cẩn), cùng với trên trăm bài viết của cô trên các tạp chí khoa học, sách nghiên cứu trong và ngoài nước đã được công bố. Riêng Loại hình các ngôn ngữ là cuốn sách duy nhất về lĩnh vực này, cho đến nay, tại Việt Nam, được biên khảo và dùng làm tài liệu giáo khoa chính thức cho sinh viên chuyên ngành Ngôn ngữ học. Thiết nghĩ, nên đề xuất để công trình này được nhận một giải thưởng xứng đáng. Cuốn Ngữ pháp tiếng Việt của ba tác giả trình bày một hệ thống và phương pháp miêu tả mà vào thời điểm công bố (1975), được coi là khá mới mẻ và thực tiễn.

Đóng góp của cô cho ngành Việt học không chỉ có vậy. Hồi còn chiến tranh, giao lưu quốc tế khó khăn, cô như cây cầu nối, vừa giới thiệu kịp thời những thành tựu và xu hướng nghiên cứu mới trong ngôn ngữ học thế giới và ngôn ngữ học Xô Viết vào Việt Nam, lại vừa giới thiệu văn hoá, văn học Việt Nam, Việt ngữ học ra nước ngoài qua nhiều tác phẩm dịch và các bài khảo cứu. Năm 2005, Tổng biên tập tạp chí Ngôn ngữ – GS. Nguyễn Đức Tồn – yêu cầu tôi viết cho một bài ngắn để giới thiệu và mừng tuổi 70 của GS. Stankevich. Khó, nhưng tôi đã cố gắng. Và viết xong, nghĩ ngay đến việc phải hỏi thêm thầy Cẩn để kiểm tra lại. Rất may, dịp đó Thầy đang ở Hà Nội. Tôi nhớ có hỏi thầy đại ý là: Cô có giới thiệu hoặc vừa dịch vừa giới thiệu nhiều tác phẩm văn học Việt Nam hiện đại sang tiếng Nga, có đúng không ạ? Thầy dừng giây lát rồi bảo: “Có đấy. Cô có dịch, giới thiệu tác phẩm của Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Anh Đức, Nguyễn Minh Châu”… Rồi từ từ đứng dậy, vào lục trong giá sách. Tôi vào theo, giúp một tay. Một chồng tác phẩm, khá nhiều, của Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Anh Đức, Nguyễn Minh Châu… lại của Huy Cận, Nguyễn Tuân, Hoàng Trung Thông… với những lời đề tặng, cảm ơn rất trân trọng. Tất cả đều được in bằng thứ giấy rơm màu nước dưa hoặc vàng xỉn, xám ngoách, sản phẩm ghi dấu một thời khó khăn, thiếu thốn.

Quãng trước, sau năm 1970, chính cô là người đầu tiên giới thiệu nội dung ngôn ngữ, văn tự của các văn bản Nôm cổ Chỉ Nam ngọc âm giải nghĩa, Thiền tông khoá hư ngữ lục… sang với giới ngữ học, Việt học Xô Viết; và những tư liệu này đã rất được quan tâm. Đặc biệt, cô cũng là người đầu tiên phát hiện, giới thiệu văn bản Công giáo Biện phân tà chánh viết bằng tiếng Việt, cực kì quý hiếm, tại Leningrad, gây tiếng vang lớn trong giới nghiên cứu Việt học, nhất là ở Liên Xô hồi đó.

Bên cạnh những công việc chuyên môn như thế, trước nay, cũng ít người biết rằng nhiều văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước, nhiều tài liệu của những đoàn cán bộ cấp cao khi đi công tác đã được dịch sang tiếng Nga qua tay Cô. Nhân một lần nói chuyện về việc này, tôi hỏi Thầy Cẩn, nửa đùa nừa thật: “Hình như hồi ấy chắc cũng chả có tiền nong thù lao gì đâu Thầy nhỉ”. Thầy chỉ cười bảo: “Cấp trên giao thì phải gắng thực hiện thôi. Cũng là một nhiệm vụ chứ. Nhưng mà ở mình có nhiều việc nó buồn cười lắm. Nhất là tài liệu làm việc của những đoàn thuộc bộ nọ ngành kia, hội này, hội khác… Cứ như bỏ bom. Mai hoặc cách vài ngày nữa lên đường thì hôm nay mang đến “nhờ chị giúp cho”. Thế là cô lại phải cố. Thức đêm thức hôm. Rành khổ”. Cô cũng là người dịch sang tiếng Nga rất nhiều bài viết của nhiều vị lãnh đạo cấp cao, là thành viên trong tổ dịch di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh sang tiếng Nga đầu tiên. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng thường yêu cầu bài của ông cho in trên báo Pravda phải do Cô dịch.

Cứ như vậy, những việc “hữu danh” và rất nhiều việc “vô danh”, cô lặng lẽ làm, lặng lẽ cống hiến. Cái cách làm việc của cô và của thầy Nguyễn Tài Cẩn thì sao mà nó bền bỉ, kiên nhẫn đến lạ lùng. Hồi chưa có máy photocopy, Từ điển Việt - Bồ đào nha - La tinh của A. De Rhodes chưa được dịch và in, mà muốn có tài liệu cho công việc, Cô và một phần là thầy Cẩn nữa, bỏ công chép lại toàn bộ ở Leningrad. Rồi quãng trước, sau năm 1975, ở một viện nghiên cứu có biên soạn cuốn từ điển chữ Nôm, nhưng chưa in ra được, Cô và thầy lại xin chép toàn bộ. Về sau, nói chuyện này với chúng tôi, Cô và Thầy đều bảo: “Những tài liệu quý và hiếm mà chưa in ra để sử dụng được thì mình phải cố bỏ công ra mà chép thôi. Để có cái mà làm việc. Loại ấy thường khó in lắm. Đợi thì biết đến bao giờ. Mình chịu khó chép sẽ có tài liệu để làm việc sớm được mấy năm”… Thực tế đã đúng như vậy. Có lần thầy Cẩn vừa cười vừa bảo: “N. thấy đúng chưa nhá. Tôi có tài liệu làm việc hai, ba năm nay rồi mà sách đã in ra được đâu. Khó chứ.”

Đi cùng thầy Cẩn tới làm việc ở Đại học Paris 7 một thời gian, cô và thầy đã nhờ ông Ph. Langlet, ông Y. Hervouet giới thiệu với ông L.M.J. Verinaud và L.M.CI. Lange để hai ông này giới thiệu cho được vào kho lưu trữ của Trung tâm truyền giáo nước ngoài (Séminaire des Missions étrangères – xây dựng từ năm 1663 ở 128 Rue du Bac, Paris hiện nay) khai thác tài liệu lưu trữ cổ. Thế rồi Cô đã phát hiện được và khảo tả khá kĩ, công bố giới thiệu hàng loạt tài liệu viết bằng chữ quốc ngữ thế kỉ 17 - 18 rất quý của Việt Nam: bao nhiêu tập, kí hiệu từng tập, mỗi tập gồm những gì, hiện trạng văn bản, nội dung, niên đại cụ thể… (Bài in trên tạp chí Khoa học - ĐHTH Hà Nội và trong cuốn sách Một số chứng tích về ngôn ngữ, văn tự và văn hoá của Thầy Nguyễn Tài Cẩn năm 2001).

Năm 1984, cô được công nhận và bổ nhiệm chức danh Giáo sư Ngôn ngữ học. Năm 1992, cô nghỉ hưu. Nhưng việc chuyên môn vẫn vậy. Bài dự hội thảo quốc tế, bài cho tạp chí khoa học… vẫn viết. Lại nghiên cứu Truyền thống ngôn ngữ học Việt Nam và sự tiếp xúc của nó với truyền thống ngôn ngữ học Trung hoa (sách: History of language sciences, in tại Berlin và NewYork, năm 2000), viết bài cho tạp chí Ngôn ngữ (Việt Nam) về hư từ, ngữ pháp trong văn bản Nôm cổ Truyền kì mạn lục, giới thiệu thành tựu và phương pháp mới của ngành từ điển học Nga… Mới đây, tạp chí Ngôn ngữ số 1-2015 vừa đăng bài của cô Một vài suy nghĩ về loại hình học và loại hình tiếng Việt - bài viết trình bày những ý kiến tổng kết sâu sắc về vấn đề này. Năm 2010, khi tôi có dịp đến thăm cô và thầy Cẩn tại Moskva, cô vẫn hỏi thăm các anh em bên nhà, ai nghiên cứu, công bố được những gì. Và còn dặn: “Có điều kiện thì gửi cho chúng tôi đọc nhá”.

Giáo sư Ngôn ngữ học Nonna Vladimirovna Stankevich là phu nhân của nhà ngôn ngữ học tài danh: GS.TS.NGND Nguyễn Tài Cẩn

Trở lại chuyện xưa, được biết, ngày mới ở Liên Xô về, Thầy cô được cấp trên phân phối cho ở một phần trong căn biệt thự khá đẹp trên một phố trung tâm Hà Nội. Rồi trong Trường ĐHTH hồi ấy bỗng xảy ra một cuộc gần như “cách mạng văn hoá” ở nước người. Tầm cỡ “la bô” thôi, nhưng cũng đã đủ tai hại. Một số nhà khoa học bên khối khoa học tự nhiên, rồi khối Ngữ văn lọt vào tầm ngắm trước. Thầy Nguyễn Tài Cẩn trong số đó. Phần biệt thự ấy cũng thôi, không ở nữa. Thầy cô xoay trở mua được một căn nhà gần chợ trời. Phía đối diện xế bên kia đường là một trại tạm giam, tạm giữ của công an. Hồi ấy, từ trung tâm thành phố đến chợ trời vẫn còn được coi là xa vắng. Ấy là chuyện ngày trước, tôi được nghe các bậc trưởng thượng kể lại, chứ khi chúng tôi quen biết thầy cô thì quang cảnh đã đổi khác hết rồi, trại ấy không còn nữa.

Sau hai cánh cổng sắt tầm ngang người đứng, hơi xập xệ, là lối ngõ vào nhà thầy cô, cũng đồng thời là cái sân nhỏ, hẹp, bám theo chiều dài tường nhà, phía trong có cây ngọc lan khá lớn đứng cạnh khóm tre nhỏ trồng làm cảnh nhưng xùm xoè, ít cắt tỉa. Dưới gốc cây ngọc lan có con cóc cụ, không biết nằm lì ở đấy từ bao giờ, thô lố đôi con mắt nhìn mọi người, chẳng biết sợ ai. Hồi lâu lắm rồi, có lần ngồi uống nước hầu chuyện thầy Cẩn, tôi nghịch ngợm đổ nước chè lên đầu thì nó cũng chỉ đưa tay gạt gạt nước đi rồi lại trố mắt nằm im, chả bảo gì. Cái bàn gỗ (hình như tự đóng lấy, không có vẻ thợ chuyên nghiệp làm), thầy Cẩn thường kê dưới gốc ngọc lan để làm việc và tiếp khách vào mùa hè. Quà của cô cho nhiều bạn bè, đồng nghiệp, học trò, là những bông ngọc lan Cô thu hái, đặt trong cái phong bì nho nhỏ do cô tự cắt dán lấy bằng giấy báo. Tự tại, thanh cảnh và thơm thảo…

Nhiều học trò của thầy và cô đã tới thụ giáo tại ngôi nhà đó. Có hồi, khoảng 1985-1990, thầy Cẩn tổ chức tại nhà một loạt cuộc nói chuyện chuyên về từng vấn đề một của ngôn ngữ học và Việt ngữ học (“nói chữ” là các semina) do một số thầy, trò, anh em, nhiệt tình tự nguyện tham gia, trình bày, thảo luận. Thầy và cô đắc ý, tự trào gọi là hợp tác xã khoa học. Tôi cứ vẩn vơ nghĩ: cái gọi là các nhóm nghiên cứu mà chúng ta đang bàn hôm nay, có lẽ cũng đã từng được hình thành và hình thành theo kiểu như vậy?

Thời bao cấp. Rồi chiến tranh phá hoại của không quân Mĩ. Bom đạn. Sơ tán. Gian khổ, chật vật, thiếu thốn đủ đường. Cấp trên lo cho Cô, khuyên Cô tạm tản cư về Liên Xô. Cô cảm ơn, rồi cả nhà cùng sơ tán với trường lên Đại Từ - Thái Nguyên. Đến khi phải sơ tán lần thứ hai tránh bom giặc cũng vậy, lại về với nông thôn, chả ngại ngần gì.

Cứ nghĩ: giả sử (chỉ giả sử thôi), ngày ấy, cô tản cư về quê cô để tránh bom, giữa lúc thầy Cẩn đang gặp khó khăn về hậu cảnh và không khí làm việc, thì thế nào nhỉ?… Ngày thầy được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học, được phong tặng danh hiệu cao quý Nhà giáo Nhân dân… mọi người quen biết, thân thiết đều vui và mừng thầy. Nhưng mà hình như vẫn nghe vẳng qua đâu đó… “xưa nay chỉ thấy người nay cười”… - câu trong lời dịch một bài cổ thi từ mãi bên Bắc quốc, được lấy làm lời dẫn cho bộ phim cổ trang nhiều tập, lâu nay thỉnh thoảng lại thấy phát trên ti vi buổi tối hàng ngày.

Hồi trước, có một dạo, tôi đi làm việc ở Đại học Cornell (NY. Hoa Kỳ). Cô cũng đi cùng thầy Cẩn sang làm việc ở đó mấy tháng. Một hôm tôi tới thăm thầy cô. Chuyện vãn về công việc, rồi cô khuyên tôi chú ý giữ gìn sức khoẻ khi phải xa gia đình. Lại bày cho cả cách nấu ăn, chăm nuôi trẻ nhỏ (con trai đầu lòng của tôi lúc ấy mới ba tuổi). Cô kể: “Anh biết không, hồi sơ tán, Việt và Nam [hai con trai cô] còn nhỏ. Đêm, tất nhiên, chỉ có đèn dầu thôi. Cô ngồi làm việc, đặt ngủ ở bên cạnh. Khi trẻ con khóc, đầu tiên là anh phải kiểm tra xem có thể bị kiến hay côn trùng gì đốt không, nếu không thì có thể đái dầm không, nếu không nữa thì có thể là đói, hoặc mùa đông là rét”… Tôi nghe, không chỉ thấy và học kinh nghiệm chăm sóc con trẻ, mà như thấy cô và các thầy, trò khác với sách vở và những đốm đèn dầu của đêm đông trong vùng sơ tán…, thấy lại quê tôi, vùng nông thôn gần biển, cửa ngõ ra vào của máy bay Mĩ thời ấy. Tiếng kẻng báo động. Tiếng súng phòng không. Tiếng bom nổ phía thành phố hay nơi nào đó, khi gần khi xa. Có đêm, nghe cả tiếng pháo kích từ tàu chiến Mĩ ngoài biển dội vào. Chúng tôi trẻ con, đang tuổi ăn tuổi lớn mà cái đói luôn ỳ xèo trong bụng. Tối đến, hai, ba anh chị em, mỗi đứa một góc trên cái phản gỗ ọp ẹp trong nhà, chụm đầu lụi hụi học bài, ngáp ngắn ngáp dài quanh ngọn đèn dầu ở giữa, có cái loa con con làm bằng bìa quyển vở cũ che không cho ánh sáng hắt ra ngoài, sợ máy bay Mĩ phát hiện…

Nói theo cách bây giờ, thế là cô đã hoà nhập với chúng ta. Về Việt Nam, một đất nước xa lạ, vào lúc còn đang rất nghèo khó, vất vả, vì mới ra khỏi cuộc kháng chiến chống thực dân chưa được bao lâu, cô đã nhanh chóng vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu và bình thản, tự tin nhập cuộc. Đến đận không quân Mĩ bắn phá, cũng sơ tán lên rừng tránh bom tránh đạn, vừa công việc vừa nuôi con nhỏ. Trong một bài viết gần đây về GS. Nguyễn Tài Cẩn (2012, trên tạp chí Từ điển học và Bách khoa thư), cô hồi tưởng lại: “Sơ tán xa Hà Nội trở thành một dịp sống gần nhau: bạn đồng nghiệp dễ thăm nhau, sinh viên hay đến nhà các thầy cô; lớp học không xa nhà ở, thư viện của Trường trong tầm đi bộ được, thư viện Khoa cũng gần lắm… Riêng đối với tôi, thời gian sơ tán ở Đại Từ, Bắc Thái rất bổ ích. Lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với thiên nhiên Việt Nam; được thấy bốn mùa thay nhau ở vùng trung du, có núi đồi, thung lũng, có con suối chảy giữa đồng ruộng; được tiếp xúc với đời sống nông thôn: nhà tranh cạnh đồng ruộng, bác nông dân đi cày hoặc gieo mạ, gặt lúa, ăn Tết ở nhà quê... Trước đó, khi còn ở thành phố, tôi dịch văn xuôi, thấy khó hình dung thực tế nhà văn, nhà báo miêu tả, hoặc khó hiểu cách so sánh, cách ví của tác giả. Thì nay được tai nghe, mắt thấy mới hiểu được. Như cảnh trâu đực húc nhau đáng sợ thật. Trâu điên ví với xe tăng cũng được. Tiếng máy bay B52 bay xa cũng thật giống tiếng cối xay thóc... Mùi thơm lúa chín ngoài cánh đồng, mùi hương hoa cau, hoa bưởi trong vườn... Vị nhạt nước vối, vị chát lá chè tươi xanh ...”

Chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ qua đi, cô lại về Hà Nội, lại cũng vẫn tem phiếu mọi thứ; tiêu chuẩn mỗi tháng được mua 13 cân lương thực độn mì, độn ngô… mà vẫn chuyên tâm nghiên cứu, giảng dạy… Tôi không thể biết cô và thầy có “bần” và “an bần” không, nhưng “lạc đạo” thì rõ. Không “lạc đạo” thì trong hoàn cảnh ấy, đào đâu ra những kết quả nghiên cứu như thế.

Cuộc sống thiếu thốn là vậy, nhưng trong giảng dạy, nghiên cứu, bao giờ cô cũng đặt ra yêu cầu cao nhất trong điều kiện có thể. Ngày tôi mới ở lại trường, chính cô và thầy Cẩn trong một lần ngồi nói chuyện đã khai tâm cho tôi thế nào là một bài nghiên cứu, tiêu chí đánh giá một bài nghiên cứu là ở đâu, tiêu chuẩn cần có của bài nghiên cứu là những gì, nó phân biệt với một bài báo là ở chỗ nào… một sinh viên chuyên ngành đào tạo ra thì phải đạt yêu cầu gì, biết làm gì… Hơn mười năm sau, khi ở Đại học Cornell, một hôm tôi giới thiệu hai người bạn của tôi với Cô, trong đó có P. người Thái Lan, xinh, vui tươi và năng động, nói tiếng Việt rất thạo bằng giọng đặc Hà Nội, lúc ấy đang là nghiên cứu sinh, đã làm việc cho một số chức quốc tế. Gặp gỡ đôi lần, Cô rất quý mến P. và bảo tôi: “Chúng ta phải gắng đào tạo được những sinh viên như thế.”

Về quê hương để nghỉ hưu, cô cũng như các thầy, các cô khác, để lại cho Trường cho Khoa toàn bộ thành quả nghiên cứu, giảng dạy của mình. Về nghỉ hưu, trong mấy thứ “đồ gia bảo” mà cô mang theo, có chiếc mũ sắt được cấp hồi chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mĩ, có tấm Huân chương kháng chiến chống Mĩ cứu nước (Huân chương thì chắc chắn rồi, nhưng hạng nào thì tôi không nhớ. Mà ngại hỏi. Vì bây giờ có gửi thư hỏi, thì biết Cô cũng ngại nói về những chuyện khen lao, nên… thôi).

Lại cứ lẩn thẩn nghĩ: Hoá ra toàn bộ quãng thời gian, tâm sức làm khoa học và giảng dạy, đào tạo sung sức nhất của cô, cho tận đến lúc được nghỉ hưu, luôn trong trạng thái “ở đây thì nhớ đằng kia, ở đằng kia lại nhớ về nơi đây”. Mà lẽ thường, “… ở hai đầu nỗi nhớ, nghĩa tình đằm thắm hơn…” như lời một ca khúc, gần đây vẫn thấy người ta hát. Khi cô ở Hà Nội thì nơi phương trời vời vợi xa kia là thành phố quê hương sinh ra Cô. Khi cô ở St. Petersburg hay Moskva bây giờ, thì Hà nội, có con đường cổ thụ lô nhô vươn tán, có con ngõ nhỏ nhìn nghiêng bóng mưa, có những ngày hè gay gắt nắng, một ít ngày thu se dịu heo may, rồi tháng Chạp cuối năm, rộn rịch những đào những quất, bởi… Tết rồi; Hà Nội với công việc nghiên cứu và giảng dạy về ngôn ngữ học và Việt học của cô có buổi chiều mùa hè oi ả vàng nắng mật ong, giảng dạy trên lớp mà tiếng ve trên cây cổ thụ sát lớp học kêu át cả tiếng các thầy, cô, chúng tôi múc nước té lên cây đuổi ve không xuể… có lẽ đã trở nên không thể xa mờ. Chả thế mà những lần Thầy Cẩn về Hà Nội đều mang máy ảnh chụp hàng loạt: lối ngõ vào nhà thầy cô trước đây, cái quán nước nhỏ bên đường gần nhà, cái cầu thang trong nhà tập thể, cái cột điện đầu lối rẽ vào ngõ, cửa sổ nhà ai xa xa, những đường dây điện nhằng nhịt trên trời… Để giải toả cho cái nhìn chắc là đầy vẻ thắc mắc của tôi về việc chụp ảnh như thế, Thầy giải thích: “Cô bảo chụp mang sang cho cô đỡ nhớ”. Và tôi im lặng.

Tháng 8 năm 2010, nhân có dịp đến thăm thầy cô ở Moskva, tôi hỏi han thầy cô nhiều chuyện, rồi nói: “Cô với thầy gắng giữ gìn sức khoẻ rồi khi nào có điều kiện thì cô lại sang Hà Nội Cô ạ. Hà Nội bây giờ đổi khác nhiều”… Cô nhìn ra ngoài trời qua khung cửa sổ trong giây lát, ánh mắt chừng như xa xăm, rồi quay lại, bảo: “Cô cũng muốn lắm, nhưng bác sĩ không cho”. Tôi biết, cô có vấn đề về sức khoẻ khi đi máy bay. Hôm ấy, tôi được anh Hoàng (một người bạn mới, chí tình, cùng với vợ anh là chị Hạnh, lo liệu cho chuyến công tác của chị Thu Hà, anh Phạm Ngọc Thanh và tôi) đưa đến nhà thăm Thầy Cô. Tình cờ hỏi ra, cô được biết, nhà chị Hạnh ở Nghệ An liền ngay nhà thầy Cẩn trước đây và anh Hoàng biết nhiều người họ hàng bên nhà thầy. Cô nhắc tới và hỏi anh về những chú nào, dượng nào, o nào, cháu nào… có còn làm gì, ở đâu… Tôi nghe và hiểu vì sao họ hàng bên thầy quý mến cô, như tôi đã được nghe và được thấy.

Đời sống Việt, tâm hồn Việt đã rất sâu sắc và hình như đã hoà vào tâm hồn Nga trong cô. Thế cho nên tôi mới kể thêm được một chuyện nhỏ nữa dưới đây.

Tháng 2 năm 2011, Thầy Nguyễn Tài Cẩn đường trần rẽ lối, quy tiên. Di cốt của thầy được đưa về quê. Trước khi về Nghệ An, thầy dừng nghỉ ở Hà Nội. Đón được thầy từ sân bay về đến nhà, gia đình và người thân, học trò của thầy, thiết linh sàng kính viếng. Giữa lúc mọi người bắt đầu thắp hương, chuẩn bị cắm vào bát hương, tôi bỗng thấy anh Nguyễn Tài Việt, trưởng nam của thầy cô, đi vội từ ngoài vào phòng, vừa đi vừa giở nhanh một cuộn giấy báo nhỏ, quấn kĩ, lấy ra ba cái chân hương đem từ bên Nga về, cắm vào bát hương trước, rồi việc thắp hương mới tiếp tục. Một cảm giác thật lạ thoắt lướt qua trong đầu tôi, không xác định được là gì, không biết diễn tả thế nào… Có câu “phúc đức tại mẫu”. Tôi như mơ hồ thoáng thấy đằng sau anh, sau việc làm ấy của anh là cái bóng của mẫu thân anh - Giáo sư Nonna Vladimirovna Stankevich./.

GIÁO SƯ, TIẾN SĨ NONNA VLADIMIROVNA STANKEVICH

  • Năm sinh: 1935.
  • Quê quán: Thành phố Leningrad (St. Petersburg) nước Cộng hoà liên bang Nga.
  • Tốt nghiệp đại học tại Đại học Tổng hợp Leningrad năm 1957.
  • Nhận học vị Tiến sĩ tại Đại học Tổng hợp Leningrad năm 1964.
  • Được công nhận chức danh Giáo sư năm 1984.
  • Thời gian công tác tại trường: 1961-1992.

+ Đơn vị công tác: Bộ môn Ngôn ngữ học (Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội). 

  • Hướng nghiên cứu chính: Loại hình học các ngôn ngữ và loại hình tiếng Việt; Ngữ pháp lịch sử tiếng Việt; Lý thuyết dịch.
  • Các công trình khoa học tiêu biểu:

Loại hình các ngôn ngữ.

 Ngữ pháp tiếng Việt (viết chung với GS. Nguyễn Tài Cẩn, GS. Bystrov)

Trên một trăm bài nghiên cứu đăng trên các tạp chí khoa học, sách nghiên cứu trong và ngoài nước.

Nhiều bản dịch sang tiếng Nga tác phẩm văn học, văn hóa Việt Nam.

Tác giả: GS.TS Vũ Đức Nghiệu

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây