PGS.NGƯT Phạm Thị Tâm - những bài viết không chỉ với một thời

Thứ ba - 11/08/2015 23:24
Tìm về Thư mục của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, hay của Trung tâm nghiên cứu về Phụ nữ, nhiều người dễ nhận thấy các bài viết, công trình nghiên cứu của Cô giáo chúng tôi - PGS.NGƯT Phạm Thị Tâm không nhiều, trong đó chủ yếu viết về kháng chiến chống ngoại xâm, về nghệ thuật quân sự (7/11 đầu mục).
PGS.NGƯT Phạm Thị Tâm - những bài viết không chỉ với một thời
PGS.NGƯT Phạm Thị Tâm - những bài viết không chỉ với một thời

Nhưng… hẳn cũng biết Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, tập 1, Nxb. Giáo dục, 1962 (viết một chương); Vài nhận xét về ruộng đất tư hữu ở Việt Nam thời Lý - Trần, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 52/1963; nhất là Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên - Mông thế kỷ XIII - cuốn sách làm thành một trong những công trình kinh điển của ngành Sử Việt Nam; cuốn sách mà đương thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc và gửi lời thăm hỏi tới hai tác giả Hà Văn Tấn và Phạm Thị Tâm; các học giả nổi tiếng Hoàng Xuân Hãn, Hoài Thanh khen ngợi và coi là “một kiệt tác sử học”… xuất bản lần đầu khi các tác giả đều chưa đến 30 tuổi!

Phó Giáo sư, Nhà giáo Ưu tú Phạm Thị Tâm/Ảnh: Thành Long

Và… những năm 1962, 1963, 1965 ấy… Tôi còn là cậu bé học phổ thông.

Năm vào đại học (1970) lần đầu tiên tôi được đọc cuốn này - bản in năm 1968 của thư viện Trường - chi chít những dấu bút chì của các anh chị sinh viên khóa trước để lại…

Trong mấy chục năm qua, khi đã là cán bộ giảng dạy ở Bộ môn Lịch sử Việt Nam Cổ trung đại, rồi Văn hóa học, tôi có nhiều dịp trở đi, trở lại với những bài viết của Cô. Không phải chỉ vì tôi được phân công giảng dạy về Lịch sử chống ngoại xâm và nghệ thuật quân sự truyền thống Việt Nam, về Lịch sử - văn hóa Việt Nam… mà gắn với những bài viết của Cô trong những thời khắc không thể quên.

*

Năm 1978, sau 2 tuần dẫn và “rải” sinh viên chuyên ngành năm thứ 4 và năm thứ 3 (hồi đó sinh viên các chuyên ngành, trong đó có chuyên ngành Lịch sử Cổ trung đại Việt Nam đi thực tập tốt nghiệp hàng tháng trời, còn sinh viên năm thứ 3 cũng được chia ra theo các anh chị - cho quen với chuyên ngành… đến 1 tháng) một vệt làng - xã từ Cổ Loa, Dục Tú, Nam Hồng, Thụy Lâm… ở Đông Anh - Hà Nội, sáng sớm ngày 3 tháng 5, tôi tranh thủ về Khoa, hy vọng tra, đọc thêm tài liệu về vùng ven sông Cà Lồ, sông Cầu… để chuẩn bị sắp tới sẽ dẫn sinh viên đến đó.

Đạp xe ra đến đường cái làng Dộc (Dục Tú)…

Quái lạ, đường xá gì mà vắng ngơ, vắng ngắt, chẳng có một bóng người. Chỉ có loa phát thanh của xã đang truyền đi tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam về hành động tráo trở của thế lực bành trướng Bắc Kinh với Tập đoàn Polpot gây ra ở biên giới Tây - Nam… và tình hình biên giới phía Bắc. Giọng phát thành viên thật đanh thép, khúc triết… Người cứ run lên như được truyền cảm giác khi nghe đọc Tùy bút Đường chúng ta đi của Nguyễn Trung Thành (Nguyên Ngọc) hay Tuyên bố của Bộ Ngoại giao những ngày tháng Chạp năm 1972…

Còng lưng trên chiếc Vĩnh Cửu 10 tuổi - tuy chưa “già”, nhưng vì “lốp cố vấn” nên cứ nặng trịch trịch, lịch bịch, thỉnh thoảng lại phải xuống lắp xích vào vì xích rão… Tay thì loen dầu, bụng thì cồn cào vì sáng dậy đã kịp có gì cho vào bụng đâu.

Thèm đâu đó ven đường có một quán ăn. Trong túi vẫn còn 1 đồng mà! Thèm một chiếc xe tải nào đó từ Đông Anh về nội thành để đi nhờ… Ngó ngơ mãi. Nhưng… quán xá hàng ngày dọc đường cửa vẫn im ỉm, xe cộ thì cũng chẳng thấy tăm hơi…

A… Hôm nay là ngày đổi tiền - lúc đi qua thị trấn Đông Anh mới à lên như vậy. Mà đổi tiền là gì nhỉ? Vẫn nguyên là 1 đồng cũ thành 1 đồng thống nhất ấy mà. Mình chỉ có 1 đồng, chốc nữa thể nào chẳng tìm được quán ăn thì lo gì? Thôi cố lên, cứ đến được cầu Đuống là coi như về đến Hà Nội.

Gần trưa thì cũng về đến Hà Nội.

Túi còn nguyên một đồng, bụng vẫn nguyên đàn kiến bò, cồn cào cái đói.

Không về Khoa ngay. Mà có về Khoa giờ này cũng chẳng có gì cho vào bụng. Tôi rẽ vào nhà cô Tâm ở khu tập thể Láng. Hồi đó, khu tập thể Láng là bản doanh của các nhà giáo của Trường Đại học Tổng hợp. Sau khi thầy Phan Hữu Dật chuyển ra ở trên Hàng Chuối, thì nhà Cô được chuyển từ cái gian hơn chục mét vuông sang đây - cùng dãy với nhà Thầy Đinh Xuân Lâm. Tiện đi lại cho Bộ môn, mọi họp hành, gặp mặt, tổng kết “liên hoan” của Bộ môn Lịch sử Cổ trung đại Việt Nam phần lớn đều diễn ra ở nhà Cô.

Khi thấy tôi dắt xe vào, Cô rời bàn làm việc, pha cho tôi ấm nước.

Rồi chưa hỏi han gì, Cô tôi đi xuống bếp.

Chưa uống chén nước, phần vì đói, phần vì tò mò muốn xem những tài liệu, mấy tờ giấy 5 hào 2 (ngày đó dùng giấy thếp có dòng kẻ, đến mấy chục năm vẫn giá 5 hào 2 xu một thếp - nên quen gọi loại giấy này theo giá bán) để trên bàn và mấy cuốn Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục,… đang mở.

À, Cô tôi đang viết bài về những hoạt động của triều đình Lý với biên cương phía Bắc.

Từ bếp, Cô tôi lên với tô mì sợi nóng hổi.

Ăn đi Kế, từ sáng em chưa ăn gì!

Sao Cô biết ạ?”

Với tôi, đó là một trong những bát mì ngon nhất mà tôi được ăn.

*

Cuối tháng 10 năm đó, tình hình biên giới phía Bắc càng trở nên căng thẳng, phức tạp. Thanh niên, sinh viên Trường được biên chế thành Trung đoàn Đại học Tổng hợp Hà Nội, cùng tuổi trẻ Thủ đô dồn lực lượng lên xây dựng phòng tuyến sông Cầu trên Yên Dũng (Bắc Giang).

Trên đường đạp xe lên phòng tuyến, với lềnh kềnh loa, đài, báo… để làm nhiệm vụ tuyên truyền, tôi vào nhà Cô, vừa đến báo cáo, xin phép Cô vừa hỏi xem Cô có nhắn gửi gì cho cháu Huy - con trai Cô, khi đó là sinh viên năm thứ nhất Khoa Vật lý của Trường, đang ở trên phòng tuyến…

Lần này thì vừa ngồi uống nước, vừa thưa với Cô quanh việc xây dựng phòng tuyến.

Câu chuyện về phòng tuyến sông Cầu của tuổi trẻ Thủ đô năm đó, rất tự nhiên, quyện vào chuyện phòng tuyến sông Như Nguyệt, những Đống Xác, Yên Phong, chợ Gầm, Đông Xuyên… trên Yên Phong, Hiệp Hòa (Hà Bắc - nay là Bắc Ninh, Bắc Giang) của thời Nam quốc sơn hà, mà Cô đi khảo sát và viết Thiên tài quân sự Lý Thường Kiệt

Rồi cũng đến lúc chào Cô lên đường.

Cô vào trong nhà, mang ra một gói giấy bọc cẩn thận.

Gì đấy Cô?”

Kế cầm lên cho cháu Huy và mấy anh em Khoa Sử ở trên đó!”

Không phải 1 chiếc khăn mặt, mà đến… 10 chiếc luôn!

*

Mấy chục năm đi qua.

Năm 1999, Hội Sử học Hà Nội tổ chức Hội nghị Khoa học Kỷ niệm 990 năm thành lập Vương triều Lý, tôi và Nguyễn Ngọc Hải tìm bài viết của Cô 20 năm trước tham khảo về chính sách làm yên biên giới của thời Lý.

Tháng 7/2008, không chỉ riêng tôi, mà các học trò - đồng nghiệp trẻ của tôi: Nguyễn Tiến Dũng, Nguyễn Ngọc Phúc, Nguyễn Bảo Trang hì hụi tìm về Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên - Mông thế kỷ XIII; về Chiến thắng Vân Đồn để góp phần cùng Khoa Lịch sử và tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc tế Thương cảng Vân Đồn Lịch sử, Tiềm năng và Các mối Giao lưu Văn hóa.

Và, cuối hạ, giữa thu năm 2011…

Biển Đông áp thấp rồi giông bão liên tiếp. Đất liền hết Hải Dương, Nam Định (tháng 9), Bắc Ninh (tháng 10) tổ chức khảo sát, hội thảo khoa học liên quan đến thời Trần, về Hội nghị Vương hầu Quý tộc ở Bình Than - Trần Xá năm 1282; về chiến trường Vạn Kiếp - Lục Đầu trong kháng chiến chống Mông - Nguyên; về luận cứ khoa học 750 năm hành cung Thiên Trường - Nam Định (1262-2012).

Trên bàn viết của tôi, bên những biên niên sử, những trang viết của Cô tôi từ “tuổi thanh xuân” (từ lời của Cô viết trong bức ảnh ghép: một của năm 1959, một của năm 1994 tặng Khoa khi về nghỉ) lại mở ra, với những ý kiến, chú giải về Vân Đồn, Tây Kết, kháng chiến chống Mông - Nguyên… Và, kinh nghiệm lịch sử, những chỉ dẫn vô giá của tổ tiên ta về một thời “vua tôi đồng tâm, anh em hòa thuận, cả nước góp sức” với hào khí Đông A… hòa vào những trang viết của tôi: Đã là dân không bao giờ bán nước!; Mặt trận Vạn Kiếp - Bình Than thế kỷ XII - kết tỏa phẩm chất, năng lực yêu nước Việt Nam.

PHÓ GIÁO SƯ, NHÀ GIÁO ƯU TÚ PHẠM THỊ TÂM

  • Năm sinh: 1937.
  • Quê quán: Hưng Yên.
  • Tốt nghiệp đại học tại Khoa Lịch sử (Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội) năm 1959.
  • Chuyên ngành đào tạo: Lịch sử Việt Nam cổ trung đại
  • Nhận chức danh Phó giáo sư năm 1984.
  • Nhận danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 2008.
  • Thời gian công tác tại Trường: 1959 - 1994.

+ Đơn vị công tác: Bộ môn Lịch sử Việt Nam Cổ trung đại (Khoa Lịch sử).

  • Các hướng nghiên cứu chính: Lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm, Lịch sử và lịch sử văn hóa Việt Nam
  • Các công trình khoa học tiêu biểu:

Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, tập 1. Nxb Giáo dục, 1962. (Viết một chương).

Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên - Mông thế kỷ XIII (Viết chung với Hà Văn Tấn)Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1968, 360 tr. (Tái bản 1970, 1972, 1975, Nxb Quân đội nhân dân, 2003).

Những trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử dân tộc (Viết chung). Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1976. (Tái bản 2003).

  • Các giải thưởng khoa học tiêu biểu:

+ Giải thưởng Khoa học Công nghệ ĐHQGHN lần thứ I (năm 2006) cho công trình Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên - Mông thế kỷ XIII.

 

Tác giả: PGS.TSKH.NGƯT Nguyễn Hải Kế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây