Ngôn ngữ
Lứa sinh viên như thầy Vũ Văn Thi thuộc về giai đoạn "một thời hoa lửa" của Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1972, khi vừa mới trở thành sinh viên năm thứ nhất của khoa Ngữ Văn, thầy Thi đã tạm gác lại những mơ ước sách vở, lên đường nhập ngũ. Trong hơn bốn năm, thầy đã từng là chiến sĩ pháo binh, rồi chuyển sang vị trí trắc thủ ra-đa của binh chủng tên lửa, bảo vệ Thủ đô. Cùng đơn vị với thầy lúc đó cũng có thầy Phạm Gia Lâm, thầy Nguyễn Bá Thành. Câu chuyện những anh sinh viên khoa Văn trở thành bộ đội tên lửa luôn khiến thế hệ trẻ chúng tôi thấy ngạc nhiên và khâm phục. Còn với thầy, vào thời kỳ đó, không có gì ngoài tâm niệm phải cố gắng hết mình để hoàn thành nhiệm vụ.
Chiến tranh kết thúc, năm 1976, thầy trở Trường về tiếp tục học tập và tốt nghiệp, được phân công về Khoa Tiếng Việt làm giáo viên giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. GS Hoàng Trọng Phiến là Chủ nhiệm Khoa thời đó, tận tình mở lớp hướng dẫn chuyên môn, dạy tiếng Anh, dìu dắt lớp trẻ nhanh chóng trưởng thành trong một môi trường hoàn toàn mới lạ. Ngay năm 1981, tức là chỉ sau khi tốt nghiệp, tham gia công tác tại Khoa tiếng Việt chưa được một năm, thầy được Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp cử sang nước bạn Campuchia dạy tiếng Việt tại Trường Ngôn ngữ (nay là Đại học Hoàng gia Phnôm Pênh). Đây là đợt đầu tiên Bộ cử đoàn cán bộ sang Campuchia giảng dạy. Đi nước ngoài giảng dạy, nói là lạ, nhưng cũng lại là quen. Một giảng viên - từng là lính tên lửa, sang dạy học tại một đất nước vừa trải qua một thời kỳ khốc liệt, nghèo đói, đau thương chồng chất. Nước mình cũng khó khăn, đoàn cán bộ giảng viên được "trang bị" cho bộ comple cũ lấy từ kho quần áo thường dùng cho sinh viên đi học nước ngoài thuê, để gọi là cho "tươm tất". Lương giảng viên vẫn theo chế độ trong nước, ăn cơm bếp như bộ đội. Mỗi phòng ở còn được phát súng AK và một băng đạn để phòng vệ. Sinh viên Campuchia háo hức học tập, người dân hiền hậu yêu mến thầy cô giáo Việt Nam. Nỗi lòng của những con người vừa trải qua chiến tranh, mong chờ một tương lai tươi sáng tốt đẹp trở thành sự đồng cảm. Các thầy cũng cố gắng học cả tiếng Campuchia, phong tục tập quán, hoà nhập với cuộc sống cùng người dân nước bạn. Trò gắng sức học tập, thầy tận tâm dạy tốt. Thầy Vũ Văn Thi là một trong số những người đầu tiên viết giáo trình dạy tiếng Việt cho Camphuchia. Thầy vẫn còn nhớ về sinh viên Chôrani, cả nhà đều chết trong chế độ diệt chủng, chính em đã được bộ đội Việt Nam cứu sống. Chỉ sau 5 tháng, em quyết tâm học thật giỏi tiếng Việt, nhiều lần viết thư thăm thầy. Sau này, cũng có thêm nhiều đoàn giảng viên của Khoa sang Campuchia giảng dạy. Và cũng như thầy Thi, chắc chắn đó là khoảng thời gian không thể nào phai mờ trong tâm trí mỗi giảng viên.
Sau khi trở về khoa, thày miệt mài nâng cao trình độ chuyên môn và nhiều lần đi giảng dạy tiếng Việt ở nước ngoài. Năm 1990, thầy Thi được cử tham gia khóa học tiếng Anh 5 tháng, tại Mỹ. Ngay sau khóa học này, thầy chính thức được mời giảng dạy tiếng Việt cho khóa học mùa hè (SEASSI) tại Cornell University bang New York (Mỹ), rồi năm học sau là khóa dạy tiếng Việt cho trường University of Washington, Seatle. Thầy từng giảng dạy tiếng Việt cho Putra University, Malaysia (1997) và Chungwoon University, Hàn Quốc (2005). Thày cũng đã tham dự hội một số hội thảo quốc tế tại Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Phi-lip-pin, Đài Loan... Trong quá trình tiếp xúc và giảng dạy với nhiều đối tượng người nước ngoài có nhu cầu học tiếng Việt, thầy nhận thấy có nhiều điểm thú vị. Giai đoạn đầu những năm 90, người Mỹ, sinh viên Mỹ rất háo hức học tiếng Việt và tìm hiểu về đất nước - con người Việt Nam. Có những sinh viên Mỹ họ đã tìm hiểu rất nhiều tài liệu, rồi học tiếng Việt rất giỏi, càng học họ càng có tình cảm tốt đẹp về đất nước Việt Nam. Sau đó, nguồn học viên đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc tăng lên, lúc đầu là do giao lưu văn hoá, sau này là mục tiêu kinh doanh, làm việc trong các doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam. Dù được cử đi học với mục đích là làm việc nhưng người học thường xuyên phải thực hiện những bài báo cáo, bình luận về một vấn đề về văn hoá, đời sống xã hội, con người Việt Nam. Vì vậy, nhu cầu của họ không chỉ đơn giản là học tiếng, mà cần phải có sự giao lưu, tìm hiểu về đất nước con người Việt Nam nhanh nhất thông qua các bài giảng và phương pháp giảng dạy của giảng viên. Chính những yêu cầu đó tạo nên động lực cho sự đổi mới và phát triển của Khoa và mỗi cán bộ giảng viên với tư cách là một nhịp cầu dẫn nối các nền văn hoá.
Năm 2006, với cương vị Chủ nhiệm Khoa Tiếng Việt và Văn hoá Việt Nam cho người nước ngoài, thầy cùng tập thể Khoa tập trung cho việc xây dựng chương trình đào tạo mới là Chương trình Việt Nam học, đồng thời đổi tên Khoa thành Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt. Các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới như Đức, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản đều có những khoa, trung tâm nghiên cứu về Việt Nam học. Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt thể hiện sự tiếp nối truyền thống hơn 45 năm xây dựng và phát triển, đồng thời đặt ra những yêu cầu mới về sự đầu tư theo chiều sâu, gắn lý luận với thực tiễn. Học tiếng Việt thực hành trên cơ sở một nền tảng vững chắc về Việt Nam học và thông qua tiếng Việt để giới thiệu về Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Đối với công tác đào tạo ngành Việt Nam học, thầy Vũ Văn Thi cũng có nhiều trăn trở. Chương trình Việt Nam học bắt đầu từ năm 2010, hai khóa đào tạo đã qua với hơn 100 sinh viên tốt nghiệp. Khoa cũng đã nhận chuyển giao chương trình cao học Việt Nam học từ Viện Việt Nam học và Phát triển, và bắt đầu tuyển khóa Thạc sĩ Việt Nam học đầu tiên tại Khoa vào năm 2015. Chương trình đào tạo Việt Nam học cho người nước ngoài cũng đang ngày càng có nhiều sinh viên theo học. Đây là một lĩnh vực nghiên cứu rộng, tính chất liên ngành cao. Trong thực tiễn giảng dạy, nhiều lần sinh viên Việt Nam và đặc biệt là sinh viên quốc tế đưa ra những thắc mắc về những vấn đề nhạy cảm của đời sống. Thầy cô cần đưa ra những cách lý giải thấu tình đạt lý. Thầy tâm đắc với ý tưởng giảng dạy môn Xã hội Việt Nam đương đại với những vấn đề thời sự luôn phải cập nhật, lý giải thấu đáo như vấn đề dân tộc, biển đảo, sự tiếp biến văn hoá, xu hướng phát triển...
Thầy Thi biên soạn nhiều giáo trình, sách tham khảo, không chỉ đóng góp trong hệ thống tài liệu chung của Khoa mà còn tham gia cùng các tổ chức giáo dục, truyền thông, văn hoá khác. Thầy viết cuốn Tiếng Việt cơ sở, 2006. Đây là một trong những cuốn sách dạy tiếng Việt tốt nhất cho đến nay. Không chỉ ở Việt Nam mà sách còn được sử dụng làm giáo trình giảng dạy tiếng Việt cho một số trường đại học ở nước ngoài như: Đại học Putra, Malaysia, Đại học Chungwoon, Hàn Quốc, Đại học Ngoại ngữ Xơ-un, Hàn Quốc. Thầy tham gia biên sọan sách dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài của Bộ giáo dục và Đào tạo. Đó là cuốn Quê Việt, gồm 9 cuốn: 3 cuốn sách dạy tiếng Việt, 3 cuốn bài tập và 3 cuốn sách hướng dẫn giáo viên. Thầy đã từng tham gia một số chương trình tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho các giáo viên dạy tiếng Việt tại Pháp, Thái Lan và một số chương trình trong nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tham gia 2 chương trình dạy tiếng Việt cho Đài Tiếng nói Việt Nam là Hãy nói Tiếng Việt và Tiếng Việt du lịch.
Thầy chia sẻ, sách dạy tiếng Việt cũng như sách dạy các ngôn ngữ khác, sau một thời gian cũng sẽ trở thành lạc hậu, cần phải cập nhật liên tục. Hệ thống giáo trình, bài giảng của Khoa sau khi mở thêm chuyên ngành và bậc đào tạo, đang được chú trọng bổ sung, hoàn chỉnh và nâng cấp. Phương pháp dạy tiếng Việt cho người nước ngoài hiện nay, theo thầy, đã có nhiều biến chuyển tích cực, từ kinh viện chuyển sang tập trung phát triển kỹ năng nghe, nói nhiều hơn. Trước đây, người nước ngoài học tiếng Việt thường có câu "phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam". Để giảng dạy tốt, giảng viên cần chuẩn bị giáo trình, bài giảng thật tốt, khoá học mới thật hiệu quả. Thầy chia sẻ, ở Khoa từ lâu đã thực hiện phương pháp dạy cho sinh viên nước ngoài có thể đọc lưu loát được tiếng Việt, chỉ sau từ 9-12 tiết, thày mong muốn phổ biến rộng phương pháp này để tiết kiệm thởi gian cho người học. Thầy Thi cũng có ý tưởng xây dựng một chương trình kiểm tra đánh giá trình độ tiếng Việt đạt đẳng cấp quốc tế như TOEFL, IELTS của tiếng Anh do Khoa phục trách. Bên cạnh đó, việc xây dựng ngành ngôn ngữ học ứng dụng rất cần thiết đối với chương trình đào tạo tiếng Việt cho người nước ngoài cũng như đào tạo giáo viên giảng dạy tiếng Việt, đáp ứng nhu cầu lớn của xã hội.
Tập thể cán bộ và giảng viên của Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt đang tiếp tục đoàn kết và nỗ lực phát triển Khoa lớn mạnh về tầm vóc và uy tín. Thày mong muốn Khoa xây dựng được chương trình đào tạo Tiến sĩ ngành Việt Nam học. Trong tương lai, Khoa không chỉ là một trung tâm đào tạo mà còn là trung tâm kiểm tra đánh giá trình độ tiếng Việt quốc tế, trung tâm đào tạo giáo viên giảng dạy tiếng Việt quốc tế, trung tâm nghiên cứu mạnh về Việt Nam học. Còn rất nhiều việc phải làm và trên con đường phát triển ấy, PGS.TS Vũ Văn Thi vẫn đang cùng với các đồng nghiệp, lặng thầm chung tay góp sức.
Tác giả: ThS. Nguyễn Thị Kim Huệ, ThS. Lê Thu Hà