Vị giáo sư "khổ học thành tài" của Đại học Văn khoa

Thứ hai - 10/08/2015 08:40
Trong số các thầy cô giáo đã từng giảng dạy tại Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, giáo sư Trương Tửu có lẽ là người có số phận đặc biệt nhất: chính thức là giảng viên lớp dự bị Đại học Văn khoa từ năm 1952, được phong giáo sư năm 1957, cùng thời với Đặng Thai Mai, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Văn Giàu, Đào Duy Anh khi Văn khoa tách riêng Tổng hợp và Sư Phạm, nhưng đầu năm 1958, vì một lí do đặc biệt, ông đã sớm chia tay nghề giáo. Mặc dù vậy, kể từ sau khi không còn chính thức giảng dạy tại Khoa Ngữ Văn hai trường Đại học Sư phạm và Tổng hợp, giáo sư Trương Tửu vẫn được nhiều thế hệ học trò, đồng nghiệp nơi đây coi là một trong những người có công đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng ngành Ngữ văn nước nhà. Không những thế, trong tâm trí của nhiều thế hệ học trò, ông còn được coi là một vị giáo sư uyên bác, học nhiều, biết rộng, một người thầy “đầy cá tính”, rất ấn tượng.
Vị giáo sư
Vị giáo sư "khổ học thành tài" của Đại học Văn khoa

Một điểm đặc biệt khác, so với một số thầy cô giáo cùng thời được đào tạo một cách bài bản (Đặng Thai Mai, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, Hoàng Xuân Nhị), Trương Tửu lại được coi là vị giáo sư hoàn toàn “đi lên” và được công nhận bằng con đường tự học. Qua bản Tự bạch được Tôn Thảo Miên và Hà Công Tài ghi lại sau này, Trương Tửu kể lại rằng, ông sinh ra trong một gia đình nghèo (ít ai biết, cứ nghĩ ông thuộc gia đình trung lưu), ông nội làm tri huyện nhưng được mươi ngày thì mất, bà nội đưa cả gia đình về quê Gia Lâm làm lụng nuôi nhau. Cha ông vốn là người khá nghiêm khắc nhưng lại cho phép Trương Tửu được phát triển tự do theo ý muốn của mình. Điều này sẽ có tác động rất lớn đến đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách của ông, cả trong cuộc sống lẫn những phát ngôn khoa học. Năm 1927, đang học năm thứ nhì, trường Tiểu học Hàng Than, Trương Tửu tham gia cuộc bãi khóa của một nhóm sinh viên Trường Bưởi đòi chính quyền Pháp thả Phạm Tất Đắc, tác giả bài thơ Chiêu hồn nước, và bị đuổi học. Tuy nhiên, bằng sự thông minh và chí phấn đấu, Trương Tửu ngay sau đó đã tiếp tục con đường “tự đào tạo” của mình: ông rời Hà Nội xuống Hải Phòng học nghề thợ tiện, và một lần nữa vì tư tưởng tự do, ông lại bị đuổi học. Trở lại Hà Nội, Trương Tửu đã cùng với một số bạn bè thành lập một nhóm tự học và sau đó hoàn thành chương trình tú tài Pháp một vài năm sau. Từ năm 1941 đến 1946, Trương Tửu làm Giám đốc văn chương Nhà xuất bản Hàn Thuyên, từ đây một số công trình khoa học của ông cùng một số nhà khoa học khác như Đặng Thai Mai, Cao Huy Đỉnh đã được xuất bản. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, Trương Tửu là ủy viên Hội Văn hóa Việt Nam, Chi hội phó Chi hội Văn hóa Thanh Hóa, tham gia bí thư đoàn liên đoàn Văn nghệ kháng chiến liên khu IV, dạy trường Thiếu sinh quân, và sau đó trường dự bị đại học, tiền thân của Tổng hợp Văn, mà về sau vào năm 1957, ông chính thức được phong giáo sư giảng dạy rồi bị bãi nhiệm tại đó…

Giáo sư Trương Tửu (1913 - 1999)

Có lẽ, nếu không gặp phải “cơn sóng gió” vùi dập của cuộc đời, Trương Tửu sẽ còn có nhiều đóng góp hơn nữa trên con đường giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Biến cố bất ngờ đã biến ông từ một nhà giáo, nhà báo, nhà văn, trở thành một vị thầy thuốc suốt gần 40 năm, từ 1959 đến trước những ngày ông qua đời (1999). Sau khi thôi nghề dạy học, Trương Tửu lặng trở về ngôi nhà riêng của gia đình tại phố Hàng Gà, tự học nghề Y, chữa bệnh cứu người và tự cứu mình. Ông qua đời ngày 16 tháng 8 năm 1999 để lại rất nhiều tiếc thương cho đồng nghiệp và các thế hệ học trò Ngữ Văn cả hai trường Đại học Tổng hợp và Sư phạm. Sau khi ông qua đời, nhất là từ sau 1986 khi đất nước đổi mới, nhiều nhà khoa học, vốn là học trò và những người mến mộ ông đã có những hoạt động nhằm khẳng định lại công lao đóng góp của vị giáo sư khổ học Trương Tửu. Hàng ngàn trang viết của ông đã được in lại; hai cuộc hội thảo khoa học về ông do Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội và Hội Nhà Văn Việt Nam tổ chức vào các năm 2008 và 2013 nhằm chỉ ra những đóng góp và cả những hạn chế của giáo sư Trương Tửu đối với nền khoa học xã hội nước nhà. Năm 2014, giáo sư Trương Tửu được Hội Văn nghệ Hà Nội trao giải Thành tựu suốt đời vì những đóng góp lớn lao của ông cho khoa học.

Đánh giá về con người và sự nghiệp của giáo sư Trương Tửu thế nào cho đúng đắn và khách quan sau một thời gian dài ông bị lãng quên và thậm chí bị “hiểu nhầm”? Trước hết có thể khẳng định, về mặt con người, theo nhận xét của một số nhà nghiên cứu gần đây, Trương Tửu là một nhà giáo, nhà báo, nhà văn “dấn thân” và trung thực. Điều đặc biệt là vốn kiến thức uyên bác của ông phần lớn đều được tích lũy bằng con đường tự học, tự phấn đấu, nên đôi khi trong phát ngôn khoa học, ông không dễ được nhiều người đương thời chấp nhận. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, dù ở bất cứ lĩnh vực nào, Trương Tửu cũng đều sống hết mình, một cách hồn nhiên, nhiệt thành trong cả tư cách công dân, nhà văn, nhà giáo và nhà khoa học. Chỉ trong khoảng hơn 25 năm, từ 1931 đến 1956, Trương Tửu đã để lại hàng ngàn trang viết thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau (văn học, văn hóa, triết học, lịch sử); ông còn là một nhà văn (với hàng chục tác phẩm đã được in ra như Một chiến sĩ -1938, Khi chiếc yếm rơi xuống – 1939, Khi người ta đói – 1940, Một cổ đôi tròng – 1940…), nhà hoạt động xã hội nhiệt thành dấn thân vì sự tiến bộ chung của dân tộc. Một số học trò của ông, trong đó có cả giáo sư Hà Minh Đức, giáo sư Nguyễn Đình Chú, giáo sư Đặng Thanh Lê, giáo sư Nguyễn Văn Hoàn kể lại rằng, đến bây giờ sau nhiều chục năm trôi qua, họ vẫn còn nhớ như in giọng giảng bài sang sảng, nhiệt huyết của thầy Trương Tửu. Nói về sự nghiệp sáng tác văn chương của Trương Tửu, Nguyễn Vỹ người cùng thời với ông cho rằng: “Trương Tửu thuộc về loại nhà văn tự học, nhờ đọc sách nhiều. Có lẽ một phần nhờ trường Bách Nghệ huấn luyện, lại sẵn thiên tài văn nghệ nên lí luận của anh rất đanh thép, câu văn của anh như búa, như kềm. Lời nói anh vang ra như tiếng đập sắt trên đe. Lúc nào cũng nảy lửa, nghe chát cả tai”. Một số người khác lại nhận xét, văn sáng tác của Trương Tửu có phần hơi khô khan (Phong Lê). Chính bản thân Trương Tửu trong Tự bạch cũng thừa nhận mình không có tài trong thể văn hư cấu. Đóng góp quan trọng của ông có lẽ chủ yếu nằm ở mảng sách biên khảo, nghiên cứu, lí luận phê bình, không chỉ riêng lĩnh vực văn chương mà còn mở rộng sang cả mảng triết học, lịch sử, văn hóa. Tử 2003 đến 2014, hai nhà nghiên cứu Trịnh Bá Đĩnh và Nguyễn Hữu Sơn đã có công sưu tập, tuyển chon và giới thiệu 3 công trình được coi là tiêu biểu nhất của Trương Tửu: Trương Tửu - Tuyển tập nghiên cứu phê bình, NXB Lao động, 2007; Trương Tửu - Tuyển tập văn xuôi, NXB Lao động, 2009; Trương Tửu - Tuyển tập nghiên cứu văn hóa, NXB Văn học, 2013. Đặc biệt, hai cuốn về nghiên cứu và phê bình đã thể hiện tương đối đầy đủ cả mặt mạnh và mặt yếu của Trương Tửu trong sự nghiêp nghiên cứu.

Những đánh giá về Trương Tửu trong lĩnh vực nghiên cứu, phê bình, công bằng mà xét, cho đến lúc này, chưa hẳn đã có được tiếng nói hoàn toàn thống nhất. Một số người cho rằng, những ứng dụng của ông trong phê bình văn học Việt Nam, nhất là ứng dụng trong phê bình tác phẩm Truyện Kiều, còn “những nóng vội và cực đoan”. Một số người khác thì cho rằng ở thời điểm Trương Tửu áp dụng “lối phê bình khoa học” (mà ông tiếp thu từ nhiều trường phái hiện đại phương Tây thời ấy như Thực chứng, Phân tâm, và cả Marxít) có phần còn “sống sượng”, thậm chí gây “sốc”. Tuy nhiên, khi mà nền khoa học xã hội nước nhà còn mới “manh nha”, không thể phủ nhận những tìm tòi sáng tạo của Trương Tửu đã mang đến một làn gió mới. Giáo sư Nguyễn Văn Trung, một nhà nghiên cứu ở phía Nam trước 1975, nhận xét lối phê bình, nghiên cứu của Trương Tửu – Nguyễn Bách Khoa đã khẳng định điều đó: “Nguyễn Bách Khoa là người đầu tiên và độc nhất đã đưa ra một quan niệm phê bình rõ rệt và áp dụng nó một cách có hệ thống, với một lối văn lôi cuốn. Chưa xét quan niệm phê bình mác-xít đúng hay không đúng, chỉ xét về phương diện chủ thuyết và viết thành hệ thống hẳn hoi thì phải thừa nhận là Nguyễn Bách Khoa thành công hơn tất cả những nhà phê bình trước ông và hiện nay (tức năm 1968, thời điểm Nguyễn Văn Trung viết bài này (Lược khảo văn học, 1972).

Một sự đánh giá thật sự chính xác và công bằng về những công lao đóng góp của giáo sư Trương Tửu hẳn còn cần ý kiến nhận xét của nhiều người hơn và cần có thời gian. Nhưng đến lúc này, chúng ta, thế hệ thầy và trò của Khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp, Hà Nội hoàn toàn có quyền tự hào về ông, vị giáo sư “khổ học thành tài” của một thời “vinh quang và cay đắng”.

GIÁO SƯ TRƯƠNG TỬU

  • Năm sinh: 1913.
  • Năm mất: 1999.
  • Quê quán: Gia Lâm, Hà Nội.
  • Được phong học hàm Giáo sư năm 1957.
  • Giảng dạy tại Đại học Văn khoa từ 1954 đến đầu năm 1958.
  • Những công trình khoa học tiêu biểu:

Triết lí Truyện Kiều, in trên Đông Tây Tuần báo, năm 1931.

Những thí nghiệm của ngòi bút tôi, Đại đồng thư xã Hà Nội, 1938.

Kinh Thi Việt Nam, Hàn Thuyên, 1940.

Nguyễn Du và Truyện Kiều, Hàn Thuyên, 1944.

Tâm lý và tư tưởng Nguyễn Công Trứ, Hàn Thuyên, 1944.

Tương lai văn nghệ Việt Nam, Hàn Thuyên, 1945.

Truyện Kiều và thời đại Nguyễn Du, 1956.

  • Giải thưởng Thành tựu trọn đời, do Hội Văn nghệ Hà Nội trao tặng năm 2014.

 

Tác giả: Trần Hinh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây