Tin tức

Nâng cao chất lượng chương trình đào tạo là hoạt động thường xuyên, bền vững tại VNU-USSH

Thứ tư - 02/10/2024 05:00
Cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo không chỉ phục vụ mục tiêu kiểm định các chương trình đào tạo mà cốt lõi nhất là mang lại những giá trị tốt nhất cho người học.
Đây là nội dung được thảo luận tại toạ đàm Nâng cao chất lượng chương trình đào tạo (CTĐT) năm học 2024 - 2025 do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN tổ chức sáng nay 02/10/2024.
Toạ đàm có sự tham dự của PGS.TS Đặng Thị Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN, lãnh đạo và các trợ lý đảm bảo chất lượng, trợ lý đào tạo tại các khoa/viện/bộ môn, lãnh đạo và chuyên viên của các phòng/trung tâm chức năng của nhà trường.

Những lưu ý trong việc chuẩn bị các điều kiện kiểm định chất lượng CTĐT
Phát biểu khai mạc Hội nghị, PGS.TS Đặng Thị Thu Hương - Phó Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh, văn hóa chất lượng là điểm then chốt của các đơn vị đào tạo, đặc biệt là đơn vị có sứ mệnh dẫn dắt, đi đầu như Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Trong những năm qua, nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động đảm bảo chất lượng và kiểm định các chương trình nhằm nâng cao chất lượng đào tạo một cách bền vững.
Toạ đàm chính là diễn đàn để các khoa/viện/bộ môn và các phòng/trung tâm chức năng cùng rà soát, điều chỉnh, cải tiến CTĐT, cập nhật những yêu cầu mới trong việc đảm bảo chất lượng của nhà trường.
PGS.TS Đặng Thị Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV phát biểu khai mạc tại tọa đàm về cải tiến chất lượng chương trình đào tạo
Báo cáo về yêu cầu cải tiến chất lượng chương trình đào tạo ở Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN hiện nay, TS. Phạm Huy Cường - Giám đốc Trung tâm Đảm bảo chất lượng nhấn mạnh, những yêu cầu về đảm bảo chất lượng (ĐBCL) đào tạo đã được luật định, ngày càng cụ thể, “khắt khe” hơn. Việc tự chủ CTĐT hướng tới tự chủ cơ sở giáo dục gắn với trách nhiệm giải trình về chất lượng đào tạo, những tồn tại và nhu cầu xây dựng văn hóa chất lượng trong Nhà trường… yêu cầu việc cải tiến chất lượng phải được thực hiện liên tục.
Báo cáo đã cập nhật các tiêu chí quy định về Chuẩn CTĐT theo các văn bản hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, như tiêu chí quy định của Thông tư 17/2021 tiếp cận giáo dục dựa trên chuẩn đầu ra (CĐR); các chỉ số bắt buộc theo dõi, báo cáo đối với CTĐT theo Thông tư 01/2024; các tiêu chí điều kiện trong Dự thảo Thông tư quy định về ĐGCL CTĐT 2024 phân tích đối sánh các tồn tại trong CTĐT hiện nay.
Lưu ý những tiêu chí nhằm đáp ứng các yêu cầu về kiểm định chất lượng đào tạo hiện nay, TS. Phạm Huy Cường chia sẻ, các khoa/viện/bộ môn cần xây dựng CĐR của CTĐT phù hợp với Khung trình độ quốc gia Việt Nam, bao gồm CĐR chung và CĐR chuyên biệt. Cấu trúc và nội dung CTĐT được thiết kế và phát triển theo cách bảo đảm người học đạt được CĐR và có khối lượng học tập phù hợp với quy định. Một lưu ý là CĐR của CTĐT được đo lường đánh giá tại thời điểm người học tốt nghiệp.
TS. Phạm Huy Cường - Giám đốc Trung tâm Đảm bảo chất lượng
Cũng theo chia sẻ của Giám đốc Trung tâm ĐBCL, số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên cần đáp ứng yêu cầu thực hiện CTĐT theo quy định; khối lượng công việc của đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên được đo lường, giám sát để cải tiến chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng. Tỉ lệ việc làm bao gồm cả tự tạo việc làm, khởi nghiệp và học tập nâng cao trình độ của người học được xác lập, giám sát và đối sánh để cải tiến chất lượng.
Báo cáo nhấn mạnh, các khoa/viện/bộ môn trong toàn trường cần có sự chủ động trong hoạt động cải tiến, đổi mới hoạt động đảm bảo chất lượng đào tạo. Trên cơ sở kết quả định kỳ rà soát, Đánh giá giữa kỳ, Tự đánh giá và kết quả Đánh giá ngoài theo chu kỳ, các khoa/viện/bộ môn xây dựng và triển khai các hoạt động cải tiến chất lượng CTĐT do đơn vị quản lý: Rà soát CĐR CTĐT ít nhất 02 lần/5 năm; rà soát tổng thể CTĐT ít nhất 01 lần/5 năm; rà soát đề cương học phần hằng năm.
Đặc biệt lưu ý đánh giá mức độ đạt CĐR với sinh viên trước khi tốt nghiệp; tổ chức hoạt động dạy và học, hoạt động kiểm tra đánh giá theo tiếp cận CĐR. Bên cạnh đó, cần bảo đảm nguồn học liệu; Nâng cao chất lượng các hoạt động hỗ đào tạo và hỗ trợ người học; Đánh giá chất lượng định kỳ, đối sánh và cải tiến chất lượng liên tục.
Báo cáo cũng đã đưa ra những ý kiến tham mưu nhằm xây dựng cơ chế, hỗ trợ kỹ thuật, phối hợp từ các Phòng/ Trung tâm chức năng.

Tháo gỡ những khó khăn trong hoạt động chuẩn bị kiểm định CTĐT tại các đơn vị đào tạo
Tại tọa đàm, lãnh đạo và trợ lý đảm bảo chất lượng tại các khoa/viện/bộ môn đã có nhiều ý kiến thảo luận và thống nhất việc hình thành cơ chế phối hợp thực hiện cải tiến chất lượng CTĐT tại VNU-USSH.
Phát biểu tại tọa đàm, PGS.TS Đặng Hồng Sơn - Trưởng khoa Lịch sử cho biết, hoạt động kiểm định là hoạt động thường xuyên, gắn kết chặt chẽ với toàn bộ quy trình đào tạo của các đơn vị. Các phòng/trung tâm chức năng đã có những sự hỗ trợ kịp thời, chặt chẽ đối với hoạt động kiểm định CTĐT của các khoa/viện/bộ môn. Trưởng khoa Lịch sử đề xuất, Trung tâm ĐBCL với vai trò là đơn vị đầu mối cần xây dựng các báo cáo số liệu định kỳ nhằm cung cấp văn bản có tính chính xác cao nhất, thuận tiện cho các đơn vị đào tạo trong quá trình làm báo cáo kiểm định chất lượng CTĐT.
PGS.TS Đặng Hồng Sơn - Trưởng khoa Lịch sử
PGS.TS Nguyễn Văn Chiều - Trưởng khoa Khoa học Chính trị kiến nghị, cần tăng cường hơn nữa vai trò của các bên liên quan trong hoạt động xây dựng chương trình đào tạo. Trưởng khoa Khoa học Chính trị cũng nhấn mạnh, các đơn vị đào tạo cần ưu tiên các yêu cầu đảm bảo chất lượng theo một số tiêu chí trọng tâm của hoạt động kiểm định chất lượng CTĐT.
PGS.TS Nguyễn Văn Chiều - Trưởng khoa Khoa học Chính trị
Chia sẻ những kinh nghiệm trong hoạt động kiểm định chất lượng đào tạo, PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền - Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông cho biết, Viện đã phát huy sự chủ động của các cán bộ, giảng viên trong Viện, xây dựng các nhóm tình nguyện viên hỗ trợ để đẩy nhanh quá trình chuẩn bị các điều kiện cho hoạt động kiểm định.
PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền - Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông
PGS.TS Nguyễn Trường Giang – Phó trưởng khoa Nhân học cho biết, khoa đã có các hoạt động đổi mới, cải tiến CTĐT và hoạt động đào tạo, thực hiện truyền thông các hoạt động của khoa và thông tin ngành học trên các kênh truyền thông trong và ngoài trường, từ đó gia tăng số lượng sinh viên trong kỳ tuyển sinh vừa qua.
PGS.TS Nguyễn Trường Giang - Phó trưởng khoa Nhân học
TS. Vũ Anh Thư - Phó trưởng khoa Quốc tế học trao đổi về việc ghi nhận đóng góp của các giảng viên trong hoạt động kiểm định chất lượng các CTĐT
TS. Nguyễn Thị Kim Nhung – Phó trưởng Khoa Xã hội học đề xuất cần có kế hoạch thống nhất trong toàn trường về nhiệm vụ khảo sát người học phục vụ cho các hoạt động kiểm định chất lượng CTĐT
ThS Phạm Văn Huệ - Phó trưởng phòng Đào tạo
Chia sẻ tại tọa đàm, ThS Phạm Văn Huệ - Phó trưởng phòng Đào tạo cho biết, phòng Đào tạo sẽ có các hướng dẫn cụ thể về công tác đánh giá của các học phần, cung cấp các dữ liệu liên quan để các khoa/viện/bộ môn thuận tiện trong quá trình chuẩn bị cho hoạt động kiểm định chất lượng đào tạo. Mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng đào tạo, mang lại các giá trị tốt nhất cho người học tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN.
Đại diện Trung tâm ĐBCL khẳng định, hoạt động đảm bảo chất lượng là nhiệm vụ thường xuyên, tự thân của toàn thể cán bộ, giảng viên, các khoa/viện/bộ môn. Nhà trường sẽ có các hoạt động tập huấn cụ thể dành cho các trợ lý ĐBCL, giảng viên cũng như đầu tư nguồn lực cho hoạt động cải tiến, nâng cao chất lượng CTĐT tại VNU-USSH.

Tin bài liên quan:
Cải tiến chất lượng liên tục nhằm đáp ứng nhu cầu của người học và xã hội
Ba CTĐT của VNU-USSH hoàn thành đợt khảo sát chính thức kiểm định chất lượng trình độ Đại học
Thêm 7 chương trình đào tạo của Trường ĐH KHXH&NV được chứng nhận kiểm định chất lượng

Tác giả: Thuỳ Dung - USSH Media

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây