Tin tức

Cải tiến liên tục – chìa khóa nâng cao chất lượng chương trình đào tạo

Thứ năm - 20/02/2025 22:28
Đây là nội dung được nhấn mạnh tại Tọa đàm Tập huấn - Trao đổi kinh nghiệm đánh giá chất lượng chương trình đào tạo được tổ chức sáng ngày 20/02/2025 tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN (VNU-USSH).
Toạ đàm có sự tham dự của đại diện Ban Giám hiệu nhà trường; đại diện Ban Lãnh đạo, Trợ lý đào tạo và Trợ lý đảm bảo chất lượng (ĐBCL) của các Khoa, Viện, Bộ môn trực thuộc; đại diện Lãnh đạo và chuyên viên phụ trách công tác ĐBCL các Phòng, Trung tâm chức năng; chuyên viên phụ trách phát triển CTĐT Phòng Đào tạo; cán bộ được đơn vị giao nhiệm vụ tham gia đánh giá chất lượng chương trình đào tạo (CTĐT) trong năm 2024, 2025 và 2026.
Đây là diễn đàn nhằm thảo luận trao đổi kinh nghiệm tự đánh giá chất lượng, cải tiến nâng cao chất lượng đối với các CTĐT theo các bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng của Bộ Giáo dục Đào tạo và của Mạng lưới các trường đại học khu vực Đông Nam Á (AUN-QA).
PGS.TS. Đặng Thị Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn chủ trì toạ đàm
Phát biểu khai mạc toạ đàm, PGS.TS. Đặng Thị Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV nhấn mạnh, hiện nay các quy định, thông tư về công tác đảm bảo chất lượng có nhiều điểm mới so với năm 2024, do vậy, việc triển khai đánh giá, kiểm định chất lượng các CTĐT trong năm 2025 cần nhanh chóng thích ứng với những quy định mới. Các đơn vị thực hiện hoạt động kiểm định cần ứng xử với việc đánh giá CTĐT một cách thực chất, chắt lọc linh hoạt những đóng góp của Hội đồng đánh giá ngoài để điều chỉnh CTĐT một cách thiết thực, hiệu quả nhất.
Năm 2025, Trường ĐH KHXH&NV dự kiến tổ chức đánh giá ngoài 06 CTĐT đã hoan thành tự đánh giá trong năm 2024 (bao gồm 03 CTĐT bậc cử nhân và 03 CTĐT bậc thạc sỹ) và tiếp tục tổ chức quy trình kiểm định chất lượng 05 CTĐT, trong đó có 02 CTĐT theo Bộ tiêu chuẩn AUN-QA và 03 CTĐT theo bộ tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Vì vậy, hệ thống đảm bảo chất lượng giáo dục cần tiếp tục được hoàn thiện thông qua việc đầu tư nguồn lực rà soát và không ngừng nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo, trong đó tập trung vào các điểm tồn tại đã được xác định từ kết quả tự đánh giá và đánh giá ngoài.
TS. Phạm Huy Cường - Giám đốc Trung tâm Đảm bảo Chất lượng Giáo dục
Trình bày tham luận “Đánh giá chất lượng & cải tiến chất lượng CTĐT”, TS. Phạm Huy Cường - Giám đốc Trung tâm Đảm bảo Chất lượng Giáo dục, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết, bảo đảm chất lượng giáo dục đại học là quá trình liên tục, mang tính hệ thống, bao gồm các chính sách, cơ chế, tiêu chuẩn, quy trình, biện pháp nhằm duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục đại học.
Cập nhật thông tin mới nhất về các văn bản quy định và hướng dẫn đánh giá chất lượng CTĐT, TS. Phạm Huy Cường cho biết, các đơn vị cần lưu ý một số đổi mới quan trọng trong Thông tư 04/ 2025 về kiểm định chất lượng CTĐT các trình độ của giáo dục đại học , trong đó đáng chú ý đã xác định 10 tiêu chí điều kiện (yêu cầu bắt buộc cần đạt đối với các CTĐT) tập trung làm rõ hơn thể hiện sự đáp ứng của tiếp cận theo chuẩn đầu ra của giáo dục đại học hiện nay ở Việt Nam. Thông tư đặt ra yêu cầu thực tế cần có sự quan tâm, đầu tư nguồn lực cải tiến hơn nữa chất lượng CTĐT trong Nhà trường.
Giám đốc Trung tâm Đảm bảo Chất lượng Giáo dục cũng đã chia sẻ Quy trình tự đánh giá chất lượng CTĐT, các bước cơ bản hoàn thành Báo cáo tự đánh giá và chuẩn bị đánh giá ngoài; bộ tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong đối sánh giữa Thông tư 04/ 2016 và Thông tư 04/2025; Bộ tiêu chuẩn AUN-QA…
Nhằm cải tiến chất lượng liên tục, các đơn vị đào tạo cần lưu ý các tiêu chí điều kiện trong Thông tư 04/2025, như: Chuẩn đầu ra (CĐR) của CTĐT phù hợp với Khung TĐQGVN, bao gồm CĐR chung và CĐR chuyên biệt; đóng góp của từng học phần trong việc đạt được CĐR của CTĐT là rõ ràng; các phương pháp đánh giá kết quả học tập bảo đảm đo lường được mức độ đạt CĐR của từng học phần và CĐR của CTĐT… Vai trò của các giảng viên, lãnh đạo bộ môn và lãnh đạo khoa là rất quan trọng trong việc bảo đảm chất lượng chương trình đào tạo, trong đó có việc thực hiện kiểm định chất lượng CTĐT.
Tại tọa đàm, lãnh đạo và trợ lý đảm bảo chất lượng tại các khoa/viện/bộ môn, phòng chức năng đã có nhiều ý kiến thảo luận và để hoạt động đảm bảo chất lượng giáo dục năm 2025 tại Trường ĐH KHXH&NV được triển khai một cách hiệu quả nhất.
TS.Phạm Văn Huệ - Phó trưởng phòng Đào tạo báo cáo các kết quả cải tiến, nâng cao chất lượng trong hoạt động quản lý đào tạo
Theo TS. Phạm Văn Huệ - Phó trưởng phòng Đào tạo, trong năm 2024, nhà trường đã triển khai nhiều hoạt động nhằm cải tiến, nâng cao chất lượng trong hoạt động quản lý đào tạo theo tinh thần “chuẩn” và “chất”. Trong đó có việc điều chỉnh 28 CTĐT trình độ Đại học; điều chỉnh 35 CTĐT trình độ Thạc sĩ và 29 CTĐT trình độ Tiến sĩ; mở mới 01 CTĐT cử nhân và 01 CTĐT tiến sĩ, đã nghiệm thu cấp ĐHQGHN đối với 02 CTĐT thạc sĩ và 01 CTĐT tiến sĩ mở mới. 
Chia sẻ kinh nghiệm về điều chỉnh CTĐT từ kết quả kiểm định chất lượng đào tạo, PGS.TS. Nguyễn Văn Lượt - Phó trưởng khoa Tâm lý học nhấn mạnh, nhờ có kiểm định mà các đơn vị cải tiến CTĐT tốt hơn. Sau kiểm định, các đơn vị cần rà soát để cải tiến những vấn đề đã được hội đồng đánh giá khuyến nghị, như kết quả học tập mong đợi, cấu trúc và nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy và học tập, phương thức đánh giá sinh viên, hỗ trợ và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên…
PGS.TS Nguyễn Văn Lượt - Phó trưởng khoa Tâm lý học chia sẻ kinh nghiệm về điều chỉnh CTĐT từ kết quả kiểm định chất lượng đào tạo
TS. Nguyễn Hồng Duy - Phó trưởng khoa Khoa lưu trữ học và Quản trị văn phòng đánh giá cao ý nghĩa của tọa đàm trong việc cung cấp thông tin, trao đổi kinh nghiệm với các đơn vị, đặc biệt trong bối cảnh nhiều CTĐT đang được rà soát, chuẩn bị các tiêu chí để thực hiện kiểm định. Hoạt động Kiểm định CTĐT đã gắn chặt với thực tế đào tạo tại nhà trường. Đề xuất giải pháp cải tiến chất lượng dạy và học theo CĐR, TS. Nguyễn Hồng Duy nhấn mạnh 05 giải pháp, gồm: Cải tiến chương trình đào tạo; Nâng cao vai trò quản lý chuyên môn của từng bộ môn; Tăng cường hợp tác với các cơ quan, tổ chức trong việc tăng cường các hoạt động thực tập, thực tế cho sinh viên; Đổi mới phương pháp dạy học; Cải tiến phương thức đánh giá người học.
TS. Nguyễn Hồng Duy - Phó trưởng khoa Khoa lưu trữ học và Quản trị văn phòng
TS. Nguyễn Thị Kim Nhung - Phó trưởng khoa Xã hội học chia sẻ kinh nghiệm triển khai hoạt động đào tạo và kiểm định chất lượng CTĐT tại khoa Xã hội học
TS. Nguyễn Thị Thu Hường - Phó trưởng khoa Đông phương học đề xuất một số kiến nghị để nâng cao chất lượng kiểm định các CTĐT
Văn hóa chất lượng là điểm then chốt của các đơn vị đào tạo, đặc biệt là đơn vị có sứ mệnh dẫn dắt, đi đầu như Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Trong những năm qua, nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động đảm bảo chất lượng và kiểm định các chương trình nhằm nâng cao chất lượng đào tạo một cách bền vững. Tính đến năm 2024, VNU-USSH đã hoàn thành kiểm định chất lượng 100% CTĐT trình độ đại học đủ điều kiện kiểm định chất lượng. Đây là những con số đáng chú ý, thể hiện những nỗ lực không ngừng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, củng cố vị thế, uy tín của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn nói riêng và ĐHQGHN trong hệ thống giáo dục đại học trong nước và khu vực.
 

Tác giả: Thùy Dung - USSH Media

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây