Tin tức

Có phải học ngành Công tác xã hội "chỉ đi làm từ thiện"?

Thứ sáu - 04/07/2025 00:01
TS Đặng Kim Khánh Ly nhấn mạnh, học Công tác xã hội không chỉ là "đi làm từ thiện", mà là một nghề nghiệp chính thức, chuyên sâu, nhân văn, có kỹ năng riêng và thu nhập xứng đáng với năng lực.
Chương trình đào tạo cử nhân ngành Công tác xã hội có gì đặc biệt?
Theo TS Đặng Kim Khánh Ly, Trưởng Khoa Xã hội học và Công tác xã hội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), chương trình đào tạo cử nhân ngành Công tác xã hội cung cấp cho người học kiến thức cơ bản về khoa học xã hội và nhân văn, kiến thức vững chắc về lý thuyết và phương pháp nghiên cứu và phương pháp thực hành trong lĩnh vực công tác xã hội.
Từ đó, giúp người học có nền tảng kiến thức vững chắc để nhận diện, phân tích và can thiệp với các các vấn đề xã hội của cá nhân, nhóm và cộng đồng yếu thế, dễ bị tổn thương trong môi trường toàn cầu.
Chương trình cũng xây dựng các môn học để đào tạo những kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp cho người học; chú trọng phát huy năng lực công nghệ trong phân tích dữ liệu, năng lực ngoại ngữ và năng lực đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Sau khi tốt nghiệp, người học sẽ trở thành các công dân năng động, có trách nhiệm, tư duy phản biện, có kỹ năng nghề nghiệp chuyên môn để thích ứng và thành công trong nhiều lĩnh vực như nghiên cứu, can thiệp ứng dụng, giảng dạy, hành chính nhân sự, dịch vụ cộng đồng, quản trị, quản lý, truyền thông, quan hệ công chúng, cũng như có khả năng tiếp tục quá trình học tập suốt đời.
Sinh viên ngành Xã hội học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN  tham gia nhiều hoạt động cộng đồng
Nhấn mạnh về điểm nổi bật của chương trình đào tạo cử nhân Công tác xã hội tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, TS Đặng Kim Khánh Ly cho biết, ngành Công tác xã hội của nhà trường được đào tạo trong một môi trường đầu ngành về Khoa học xã hội và nhân văn của cả nước nên chương trình đào tạo được xây dựng trên nền tảng lý luận sâu rộng và đa ngành.
Năm 2024, ngành Công tác xã hội của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã được kiểm định theo tiêu chuẩn AUN -QA (tiêu chuẩn kiểm định chất lượng các trường đại học Đông Nam Á).
Sinh viên không chỉ học Công tác xã hội đơn thuần mà còn tiếp cận được với tư duy phân tích liên ngành như Xã hội học, Tâm lý học, Nhân học, Triết học,... giúp các em có chiều sâu học thuật và năng lực tư duy phân tích.
Chương trình cũng chú trọng đến các học phần đổi mới sáng tạo, công nghệ và khởi nghiệp. Đây là yếu tố mới, mang tính xu thế thời đại. Sinh viên được rèn luyện năng lực công nghệ trong phân tích dữ liệu, hiểu biết về đổi mới sáng tạo và có tinh thần khởi nghiệp, tạo nên sự liên kết giữa khoa học xã hội và công nghệ, giúp sinh viên thích nghi tốt hơn với thị trường lao động hiện đại.
Ngoài ra, chương trình đào tạo của trường cũng nhấn mạnh đến chuẩn mực toàn cầu, trang bị năng lực ngoại ngữ, giúp sinh viên có thể học tiếp hoặc làm việc ở nước ngoài, trong các tổ chức phi chính phủ quốc tế. Đây là xu hướng quốc tế hóa và toàn cầu hóa nhân lực, mở ra cơ hội nghề nghiệp rộng hơn.
Học phí khoảng 16,9 triệu đồng/năm
Thông tin về điểm chuẩn trúng tuyển trong những năm qua, TS Đặng Kim Khánh Ly cho biết ngành Công tác xã hội tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân luôn có điểm đầu vào cao so với mặt bằng chung của các trường trong cả nước cùng tuyển sinh ngành này.
Năm 2024, nhà trường lấy 24,39 điểm ở khối A01; 27,94 điểm ở khối C00; 25,3 điểm ở khối D01 và 26,01 điểm ở khối D78. Học phí ngành Công tác xã hội khoảng 16,9 triệu đồng/năm.
Sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN tham gia tư vấn tuyển sinh cho thí sinh, phụ huynh
TS Đặng Kim Khánh Ly nhấn mạnh, sinh viên ngành Công tác xã hội tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn không chỉ học trong giảng đường mà còn được “xuống thực địa”, hòa mình vào đời sống xã hội ngay từ năm thứ hai. Nhà trường chú trọng thiết kế các kỳ kiến tập, thực tập tốt nghiệp và học phần thực hành gắn liền với thực tiễn.
Hệ thống địa bàn thực tập đa dạng và uy tín như: Các tổ chức phi chính phủ quốc tế và trong nước; Các trung tâm bảo trợ xã hội, các trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội công lập, tư nhân - nơi hỗ trợ trẻ em, người già, người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn,...; Các bệnh viện tâm thần, trung tâm y tế - tư vấn tâm lý - cai nghiện - phục hồi chức năng.
Bên cạnh đó, địa điểm thực tập còn là phòng công tác xã hội tại các bệnh viện lớn như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện E, Bệnh viện Huyết học và truyền máu TW,...; Các cơ sở giáo dục, trường học, trung tâm đào tạo kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên.
“Nhà trường cũng thường xuyên hợp tác với các chương trình trao đổi và dự án quốc tế, tạo điều kiện cho sinh viên có thể tham gia thực tập, học hỏi từ các tổ chức và trường đại học nước ngoài. Sinh viên có năng lực tiếng Anh và chuyên môn tốt có cơ hội giao lưu thực tập, thực tế cùng với các sinh viên quốc tế đến từ Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Canada, Úc… hoặc tham gia các hội thảo quốc tế về công tác xã hội”, TS Đặng Kim Khánh Ly thông tin thêm
Học công tác xã hội không chỉ là "đi làm từ thiện"
Hiện nay, nhiều phụ huynh cho rằng “học ngành Công tác xã hội sau này chỉ đi làm tình nguyện, từ thiện, giúp đỡ cộng đồng nên lương sẽ thấp”. TS Đặng Kim Khánh Ly nhấn mạnh, đây là suy nghĩ phổ biến, xuất phát từ việc nhận thức chưa đầy đủ về ngành Công tác xã hội, bởi người dân thường nhìn thấy qua truyền thông hình ảnh những người làm từ thiện không lương, hoặc các hoạt động giúp đỡ cộng đồng mang tính tự nguyện.
Tuy nhiên, ngành Công tác xã hội là một nghề chuyên nghiệp, có đào tạo kiến thức bài bản, có hệ thống việc làm và thu nhập ổn định, thậm chí rất tốt nếu có chuyên môn cao; là một ngành được pháp luật Việt Nam công nhận là một nghề chính thức.
 
Sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tham gia chương trình tình nguyện “Mùa Hè Xanh USSH” trong kỳ nghỉ hè
Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc ở nhiều vị trí chuyên nghiệp với mức lương theo năng lực như tại các cơ quan Nhà nước (nhân viên công tác xã hội bệnh viện, trường học, trung tâm bảo trợ, trại giam...), mức lương tính theo lương Nhà nước cùng phụ cấp, biên chế.
Các em cũng có thể làm việc tại các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế như làm cán bộ dự án, chuyên gia phát triển cộng đồng, tư vấn viên tại các tổ chức phi Chính phủ - mức lương có thể dao động từ 15 đến 40 triệu đồng/tháng hoặc cao hơn.
Một hướng đi khác là làm việc trong lĩnh vực giáo dục - truyền thông - nhân sự, với vai trò chuyên viên tuyển dụng, quản lý nhân sự, chuyên gia tham vấn học đường, cố vấn phát triển kỹ năng, MC truyền cảm hứng... - mức lương có thể từ 10 đến 30 triệu đồng/tháng tùy nơi làm việc. Sinh viên cũng có thể làm việc ở nước ngoài, hoặc tham gia các tổ chức quốc tế với thu nhập cao và điều kiện làm việc chuyên nghiệp.
“Học Công tác xã hội không chỉ là "đi làm từ thiện", mà là một nghề nghiệp chính thức, chuyên sâu, nhân văn, có kỹ năng riêng và thu nhập xứng đáng với năng lực. Người học ngành này không chỉ giúp người khác mà còn xây dựng được một sự nghiệp vững chắc cho chính mình, ở cả khu vực công, tư và quốc tế”, TS Đặng Kim Khánh Ly chia sẻ.
Đồng thời, nhấn mạnh hiện tỷ lệ sinh viên ngành Công tác xã hội tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn có việc làm sau khi ra trường 6 tháng chiếm từ 85-90%, theo khảo sát do trường thực hiện hàng năm.
TS Đặng Kim Khánh Ly cũng cho biết, ngành Công tác xã hội hiện vẫn rất cần những nhân lực được đào tạo bài bản. Cơ hội việc làm cao tại các bệnh viện, trường học, trung tâm chăm sóc xã hội, tổ chức NGO, hoặc trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, tư pháp và bảo trợ xã hội nói chung.
Nhà tuyển dụng cần người có kiến thức chuyên môn vững, có tư duy phản biện và ra quyết định linh hoạt hiệu quả, kỹ năng giao tiếp - tổ chức tốt, kỹ năng lập kế hoạch và quản lý công việc, hiểu công nghệ và có khả năng làm việc trong môi trường đa văn hóa, có năng lực ngoại ngữ để hội nhập quốc tế.
Báo Đại biểu Nhân dân: Có phải học ngành Công tác xã hội "chỉ đi làm từ thiện"?

Tin bài liên quan:
Ngành Công tác xã hội nhiều việc, lương tháng có thể 8-30 triệu đồng
Sinh viên 09 ngành KHCB của VNU-USSH tiếp tục được nhận Học bổng Thu hút tài năng
Ngành Tôn giáo học tại VNU-USSH: Ngành học nhập thế trong xã hội hiện đại
Ngành Việt Nam học tại VNU-USSH: Từ Việt Nam vươn tầm quốc tế
Ngành Văn hoá học VNU-USSH: trang bị cái nhìn đa chiều và phông kiến thức rộng cho sinh viên
Báo chí trong kỷ nguyên số: công nghệ trên nền tảng nhân văn
Ngôn ngữ và AI: Khi ngôn ngữ mở lối vào công nghệ
Sinh viên ngành Hán Nôm của VNU-USSH và lợi thế riêng biệt
Ngành Nhân học tại VNU-USSH: Từ phân tích hiện tại đến dự báo tương lai cho sự phát triển ở Việt Nam
 

Tác giả: Theo Báo Đại biểu Nhân dân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
[LANG_MOBILE]
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây