Tổng kết công tác và xây dựng kế hoạch đào tạo trực tuyến theo quy định của ĐHQGHN

Thứ sáu - 02/10/2020 06:35
Ngày 02/10/2020, Trường ĐHKHXH&NV tổ chức Phiên họp Tổng kết công tác đào tạo trực tuyến và xây dựng kế hoạch đào tạo trực tuyến theo quy định của ĐHQGHN. Tham dự phiên họp có GS.TS Hoàng Anh Tuấn (Phó Hiệu trưởng Nhà trường) cùng đại diện LĐ các phòng chức năng, Trung tâm Đảm bảo Chất lượng Đào tạo; đại diện LĐ các đơn vị đào tạo.  

Mục đích của phiên họp nhằm nhìn nhận, đánh giá lại kết quả triển khai công tác dạy và học trực tuyến của Trường ĐHKHXH&NV trong thời gian qua, nhằm tìm ra những điểm mạnh, điểm yếu, rút ra những bài học kinh nghiệm trong thời gian tới. Phiên họp cũng thảo luận, đóng góp ý kiến về việc triển khai Quyết định số 2598/QĐ-ĐHQGHN về tổ chức và quản lý đào tạo trực tuyến của ĐHQGHN.

Tại phiên họp, các đại biểu đã lắng nghe ThS Đào Minh Quân (Phó Giám đốc Trung tâm TT Đào tạo và Ứng dụng CNTT)  trình bày tóm tắt về tình hình triển khai công tác đào tạo trực tuyến của Nhà trường thời gian vừa qua. Dữ liệu thống kê học kỳ 1 năm học 2020: số lớp học phần tổ chức dạy-học trực tuyến là 535 lớp, số lượt đăng ký là 23582, số sinh viên học tập trực tuyến là trên 6000, tổng số giảng viên tham gia giảng dạy trực tuyến là 280. Trong giai đoạn cao điểm của dịch Covid-19, trên 90% các môn học của Nhà trường ở bậc cử nhân và sau đại học được giảng dạy bằng hình thức trực tuyến thông qua nền tảng UPM. Việc triển khai giảng dạy trực tuyến nhanh chóng, kịp thời đã giúp Nhà trường đảm bảo được tiến độ dạy và học trong thời điểm khó khăn.

ThS Đào Minh Quân trình bày báo cáo tại phiên họp

ThS Đào Minh Quân chỉ ra các thuận lợi trong thực hiện giảng dạy trực tuyến: sự chỉ đạo kịp thời của Bộ GD&ĐT và ĐHQGHN; sự tâm huyết, chủ động và đồng thuận, ủng hộ của cán bộ, giảng viên; nền tảng giảng dạy trực tuyến tốt; sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Nhà trường. Bên cạnh đó còn có những khó khăn như: thời gian ngắn và gấp khiến nhiều giảng viên chưa kịp thích ứng; hệ thống CNTT và phần mềm chưa được chuẩn bị cho quy mô đào tạo lớn; hệ thống học liệu số còn hạn chế; điều kiện thiết bị, cơ sở vật chất của sinh viên còn thiếu.

Để khắc phục những khó khăn này, trong thời gian tới Nhà trường sẽ thực hiện một số giải pháp: tiếp tục tăng cường công nghệ hoá hoạt động dạy-học, xem xét các yếu tố đặc thù của lĩnh vực đào tạo để xây dựng lộ trình và tỉ trọng phù hợp; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên về phương pháp đào tạo trực tuyến; tăng cường tập huấn, hướng dẫn về phương pháp học trực tuyến cho sinh viên; xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách hỗ trợ giảng viên, sinh viên. Để triển khai quy định mới của ĐHQGHN, Nhà trường đặt ra các chủ trương: tái cấu trúc chương trình học theo hướng đảm bảo tối đa 20% số tín chỉ của chương trình được thực hiện theo hình thức trực tuyến; phân bổ hình thức giảng dạy theo hướng giảng kết hợp giữa giảng dạy trên lớp và trực tuyến (blended learning); ban hành các chính sách hỗ trợ xây dựng bài giảng điện tử, kinh phí giảng dạy cho giảng viên chính và trợ giảng.

TS. Cam Anh Tuấn (Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng) phát biểu đóng góp ý kiến

Tại phần thảo luận, các đại biểu đều nhất trí, thừa nhận tầm quan trọng của giảng dạy trực tuyến không chỉ trong giai đoạn có ảnh hưởng của dịch Covid-19, mà còn như một hình thức bổ trợ đắc lực cho hình thức giảng dạy truyền thống. Giảng dạy trực tuyến có thể giúp giải phóng gánh nặng với giảng đường truyền thống; tạo sự thuận lợi trong việc di chuyển, sắp xếp thời gian của giảng viên và sinh viên; giúp phát huy sự sáng tạo trong giảng dạy nhờ các tính năng trực tuyến…Mặt khác, các đại biểu cũng góp ý về một số vấn đề như: cơ sở hạ tầng, trang thiết bị trực tuyến của Nhà trường còn hạn chế, sự tương tác giữa giảng viên và sinh viên còn chưa cao; sự phối hợp và chỉ đạo của ban lãnh đạo các khoa với giảng viên còn chưa chặt chẽ; cơ chế xây dựng minh chứng giảng dạy trực tuyến chưa được chú trọng đúng mức…

GS.TS Hoàng Anh Tuấn phát biểu chỉ đạo phiên họp

Phát biểu kết luận phiên họp, GS.TS Hoàng Anh Tuấn (Phó Hiệu trưởng Nhà trường) tái khẳng định xu thế tất yếu của việc ứng dụng giảng dạy trực tuyến như một phần của lộ trình Chuyển đổi số hoạt động đào tạo mà ĐHQGHN đã đề ra. Phó Hiệu trưởng đánh giá cao những ý kiến đóng góp, phát biểu và hy vọng các thầy, cô sẽ tiếp tục phát huy tinh thần chia sẻ, phối hợp để thực hiện tốt công tác giảng dạy trực tuyến ngay cả trong giai đoạn hậu Covid. Nhà trường sẽ sớm tiến hành xây dựng các văn bản, chính sách về giảng dạy trực tuyến dựa trên quy định mới của ĐHQGHN để tạo điều kiện cho các thầy cô thực hiện.

Tác giả: Trần Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây