Yêu và gắn bó với ngành Quốc tế học từ thời sinh viên cho đến khi học hết chương trình NCS tại Trường ĐHKHXH&NV, TS. Đoàn Thị Thu Hương chia sẻ những kỷ niệm gắn bó với thầy cô và Nhà trường cũng như những khó khăn mà một NCS phải vượt qua để hoàn thành chặng đường học tập…
Nếu để nói về ngành Quốc tế học mà tôi yêu, thì đây là lĩnh vực nghiên cứu liên ngành có khuynh hướng dựa trên các ngành khoa học xã hội (khoa học chính trị, kinh tế học, xã hội học, luật học và truyền thông) và nhân văn (lịch sử, văn hoá, ngôn ngữ). Trọng tâm của nghiên cứu quốc tế là các vấn đề toàn cầu trong quá khứ và hiện tại, bao gồm vấn đề hoà bình và xung đột giữa các quốc gia, kinh tế chính trị quốc tế và phát triển, so sánh các hệ thống xã hội, kinh tế, chính trị, nghiên cứu các tổ chức và các vấn đề quốc tế và xuyên quốc gia. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập tăng cao, việc nghiên cứu chuyên sâu về quan hệ quốc tế không chỉ mở ra cơ hội hiểu biết về thế giới mà còn giúp bạn hiểu biết thêm về văn hóa, văn minh và tìm ra những bài học, những kinh nghiệm để có thể vận dụng vào chính đất nước bạn sinh sống.
Luận án tiến sĩ “Chính sách an ninh và phòng thủ của Liên minh châu Âu (2007-2019)” là chủ đề đã được tôi đam mê, tâm huyết và ấp ủ nghiên cứu từ khi còn là sinh viên bởi đây là một chính sách đặc thù của một thể chế khu vực đặc biệt. Xu hướng vận động của chính sách này có tác động không chỉ tới tình hình của khu vực châu Âu mà còn gây ra những biến động trên cả chính trường thế giới, nhất là khi an ninh và phòng thủ là lĩnh vực vô cùng phức tạp và nhạy cảm khi gắn liền với các vấn đề về chủ quyền và toan tính lợi ích quốc gia.
Có thể nói, qua phân tích và đánh giá thực tiễn triển khai Chính sách An ninh và Phòng thủ chung của Liên minh châu Âu (2007 – 2019), cá nhân tôi đã cố gắng đưa ra được những đặc điểm đặc trưng của một chính sách an ninh đặc thù, đồng thời dự báo xu hướng vận động của chính sách này tới năm 2025. Đây có thể được coi là kết quả mới và đóng góp cho sự phát triển của khoa học chuyên ngành quan hệ quốc tế. Luận án đã được nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản thành sách chuyên khảo để phục vụ nghiên cứu và giảng dạy.
Quá trình học NCS không phải là con đường màu hồng mà NCS cần phải trải qua rất nhiều thử thách như việc sắp xếp thời gian để có thể vừa tập trung nghiên cứu và hoàn thành tốt nhất luận án, vừa đảm bảo công việc cơ quan và chăm lo cuộc sống gia đình; quyết tâm, sự đam mê để tìm ra con đường giải quyết thỏa đáng vấn đề mà mình lựa chọn nghiên cứu với nhiều tâm huyết. Vì thế, quá trình học NCS có thể được coi là “phép thử” tạo tiền đề cho cá nhân tôi luyện để có thể hình thành nên các đức tính của một nhà khoa học thực thụ.
Cá nhân tôi đã gắn bó với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn 14 năm kể từ khi mới chỉ là cô sinh viên chân ướt chân ráo cho đến khi hoàn thành chương trình Tiến sĩ. Đối với tôi, đây là gia đình, là ngôi nhà thứ hai - nơi đã cho tôi quá nhiều sự yêu thương và những cảm xúc đáng trân trọng.
Với tôi, quá trình học tập, nghiên cứu tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn là phút giây tôi hồi hộp ôm sách lên văn phòng khoa nhờ cô hướng dẫn làm khóa luận tốt nghiệp; là lúc cả lớp tiếng Anh chuyên ngành khóc mắt đỏ hoe khi buộc phải chia tay người thầy chúng tôi rất mực kính trọng khi chương trình kết thúc; là những buổi học cao học buổi tối tại giảng đường nhà G với cái bụng rỗng mà hăng say tranh luận về chính sách đối ngoại Mỹ; là những chồng sách cao ngất ở thư viện được chúng tôi chia nhau mượn về để làm tổng quan nghiên cứu; là lúc cả lớp tôi mong ngóng thầy đừng cho nghỉ giải lao vì bài giảng của thầy quá cuốn hút; thậm chí cả những lúc chúng tôi bất ngờ tổ chức sinh nhật cho thầy cô hay khi lớp tôi dựng nguyên một video giải thích 7749 lý do đi học muộn để thầy không phạt cũng trở thành kỷ niệm….
Có thể nói “Khi ta ở, đất là nơi ta ở - Khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn”, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn gần như là nơi đã lưu giữ cả thanh xuân, tuổi trẻ, nhiệt huyết và cũng là cánh cửa mở ra đam mê và hướng đi sự nghiệp của cá nhân tôi.