Hội nghị giao ban được hai trường đại học đồng tổ chức thường niên. Trước đó, 3 hội nghị thường niên đã được tổ chức để bàn thảo, chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác về quản trị đại học, đào tạo, nghiên cứu, hợp tác quốc tế, đảm bảo chất lượng, truyền thông, quan hệ doanh nghiệp…
Trong năm học 2022-2023, hai nhà trường đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu, như hội thảo khoa học quốc gia “Khoa học cơ bản - vai trò và định hướng phát triển trong đào tạo và nghiên cứu khoa học”, hội thảo khoa học cấp trường “Giảng dạy và học tập triết học Mác - Lênin trong bối cảnh hiện nay”; tổ chức chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng và phát triển các ngành khó tuyển, xây dựng chương trình đào tạo mang tính hội nhập, hiện đại, tăng tỉ lệ xét tốt nghiệp của sinh viên. Giữa Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN và Trường ĐH KHXH&VN, ĐHQG TP.HCM đã xây dựng các tiêu chí công nhận tín chỉ của hai trường; xây dựng các chương trình trao đổi giảng viên, sinh viên và học viên, thực tập sinh; thúc đẩy công bố khoa học quốc tế, nghiên cứu khoa học của người học; phối hợp xây dựng đề án “Thu hút chuyên gia nước ngoài, nguồn nhân lực chất lượng cao”; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về chuyển đổi số trong quản trị đại học; trao đổi dữ liệu về công tác đào tạo khoa học cơ bản…
Theo GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN, Hội nghị là dịp để hai nhà trường cùng định vị vị thế trong bố cảnh có nhiều sự thay đổi của giáo dục đại học Việt Nam, phân tích thấu đáo xu hướng dịch chuyển, sự thay đổi của đào tạo khoa học xã hội và nhân văn trong bối cảnh hiện nay, bối cảnh tương lai với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, công nghệ giáo dục… GS.TS Hoàng Anh Tuấn cũng đánh giá cao kết quả đạt được sau thời gian hai nhà trường hợp tác các hoạt động chung.
GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN đánh giá cao kết quả hợp tác của hai nhà trường trong thời gian qua
PGS.TS Ngô Thị Phương Lan - Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh chia sẻ về tinh thần “One USSH” được vun đắp và xây dựng từ các thế hệ lãnh đạo của hai nhà trường đang được tiếp nối thực hiện. PGS.TS Ngô Thị Phương Lan cho rằng, đào tạo, nghiên cứu, phục vụ cộng đồng là ba trụ cột chính trong hợp tác giữa hai nhà trường và sẽ tiếp tục triển khai bằng những giải pháp cụ thể, có thể định lượng được. Tinh thần One USSH hướng đến việc chia sẻ triết lý phát triển, chia sẻ kinh nghiệm quản trị, chia sẻ nguồn lực và đặc biệt là cùng thực hiện những trọng trách mà đất nước giao phó cho các ngành khoa học xã hội và nhân văn.
PGS.TS Ngô Thị Phương Lan - Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV chia sẻ về tinh thần “One USSH” được vun đắp và xây dựng từ các thế hệ lãnh đạo của hai trường đại học
Tại hội nghị, hai trường đã trình bày các tham luận về xây dựng các chương trình đào tạo theo các định mức kinh tế kỹ thuật, kinh nghiệm chuyển đổi số, kinh nghiệm xây dựng chính sách hỗ trợ cho cán bộ đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư…
Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh là hai trung tâm đào tạo, nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn hàng đầu của đất nước, có bề dày truyền thống và có đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp bảo vệ, xây dựng, phát triển và hội nhập của Việt Nam. Từ hai ngôi trường này, nhiều thế hệ thầy và trò là các nhà khoa học, nhà sư phạm, nhà quản lý, chính trị gia, văn nghệ sĩ, doanh nhân cho đất nước… đã có nhiều thành tựu to lớn cho sự phát triển của quốc gia và để lại những dấu mốc quan trọng trên bản đồ khoa học thế giới trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.
Một số hình ảnh tại Hội nghị giao ban thường niên năm 2023: