Hợp tác nghiên cứu và bảo tồn di sản giữa Trường ĐH KHXH&NV và Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

Thứ bảy - 03/06/2023 03:25
Ngày 01/06 vừa qua, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội đã có buổi tiếp và làm việc cùng Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình trên cơ sở hợp tác nghiên cứu, bảo tồn và quản lý các di sản văn hóa lịch sử thuộc cố đô Hoa Lư, Ninh Bình.
Buổi làm việc có sự tham dự của GS.TS. Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN, TS.Phạm Hoàng Hưng - Trưởng phòng Hợp tác và Phát triển, PGS.TS Vũ Văn Quân -  Trưởng Khoa Lịch sử cùng Ban chủ nhiệm khoa, đại diện lãnh đạo Bảo tàng Nhân học, Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy tài nguyên văn hoá, các giảng viên bộ môn Văn hoá, Khảo cổ học thuộc Khoa Lịch sử.
Về phía Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình có sự tham dự của ông Nguyễn Mạnh Cường - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở; bà Trần Việt Phương - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở; bà Vũ Thanh Lịch - Phó Giám đốc Sở; ông Vũ Hồng Minh - Phó Giám đốc Sở và đại diện lãnh đạo các phòng ban trực thuộc.
 
A3
GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV nhấn mạnh mối quan hệ chặt chẽ và hợp tác lâu dài giữa Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN và Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình
Phát biểu khai mạc, Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn khẳng định: giữa Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN và Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình đã có mối quan hệ chặt chẽ và hợp tác lâu dài. Trường ĐH KHXH&NV có truyền thống lâu đời, vị thế hàng đầu trong nghiên cứu, đào tạo các ngành khoa học xã hội và nhân văn của Việt Nam. Trong đó ngành Lịch sử là một trong những thế mạnh của nhà trường, không chỉ trang bị cho sinh viên về kiến thức chuyên sâu về lịch sử Việt Nam, lịch sử thế giới, mà còn góp phần lưu giữ, bảo tồn di sản, truyền thống của dân tộc, từ đó nghiên cứu, phát triển và nâng tầm lịch sử Việt Nam trong khu vực và thế giới. Đây chính là tầm nhìn được chia sẻ giữa nhà trường cũng như Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, cùng với những cam kết thảo thuận hợp tác trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học được kí kết vào tháng 08/2015 giữa tỉnh Ninh Bình và ĐHQGHN, sẽ là nền móng vững chắc cho quá trình hợp tác lâu dài.
Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn cũng chia sẻ: Trường ĐHKHXH&NV có đội ngũ cán bộ, chuyên gia của nhà trường giàu kinh nghiệm với khả năng giải quyết và xử lí các vấn đề có quy mô từ tổng thể đến chi tiết trên cả phương diện lý luận cũng như thực tiễn, phù hợp với nhu cầu, chức năng, nhiệm vụ trong quá trình hợp tác và nghiên cứu của trường và Sở. Những thành công và thành quả thiết thực từ cả hai bên chính là những bước tiến quan trọng trong việc khẳng định Hoa Lư, Ninh Bình không chỉ là một địa danh lịch sử tại Việt Nam mà còn khẳng định vị thế là một di sản quan trọng trong khu vực.
Những kết quả nghiên cứu giữa hai đơn vị đã được khẳng định thông qua nhiều ấn phẩm, hội thảo mang tính cấp thiết và thiết thực cho sự phát triển của tỉnh Ninh Bình, trong đó có thể kể đến Hội thảo khoa học Nghề gốm cổ Ninh Bình: Truyền thống và Hiện đại. Chính vì vậy, với vị thế là trung tâm đào tạo, nghiên cứu, tư vấn trọng điểm về lĩnh vực lịch sử - văn hóa, di sản, bảo tồn và đặc biệt là sự hài hòa giữa nghiên cứu, bảo tồn với khai thác, phát huy di sản, Trường ĐHKHXH&NV sẽ đề xuất hướng hợp tác sâu, rộng hơn nữa, đẩy mạnh việc truyền bá các ấn phẩm khoa học phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Bình ra quốc tế.
Bà Vũ Thanh Lịch - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình nhấn mạnh việc hợp trong lĩnh vực tư vấn chính sách
Đại diên hai đơn vị đã có những chia sẻ về khuôn khổ hợp tác giữa Trường ĐH KHXH&NV và Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình trên 03 phương diện: Hợp tác nghiên cứu, tư vấn chuyên môn; Hợp tác và tư vấn chính sách; và Hợp tác đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thực thi hiệu lực, hiệu quả nhiệm vụ và quyền hạn của cán bộ.
Trên phương diện về nghiên cứu di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, Trường ĐH KHXH&NV và Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình cần có sự chung tay, nghiên cứu và điều tra và thống kê di tích lịch sử, từ đó phát triển và xây dựng bản đồ GIS về di sản văn hóa làm cơ sở dữ liệu quan trọng phục vụ xây dựng Quy hoạch tỉnh Ninh Bình; đồng thời kết nối công tác quản lý của ngành văn hóa với các lĩnh vực quản lý khác, phục vụ công tác quản lý và phát huy giá trị di sản trong phát triển kinh tế văn hóa và củng cố an ninh quốc phòng.
A4
PGS.TS Vũ Văn Quân - Trưởng Khoa Lịch sử, Trường ĐH KHXH&NV đề xuất một số nội dung hợp tác cụ thể nhằm tăng cường xuất bản các ấn phẩm nghiên cứu về Hoa Lư
Ngoài ra, Trường ĐH KHXH&NV cũng là đối tác tư vấn trọng điểm cho Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình trên các khía cạnh như: nghiên cứu và truyền thông quảng bá các giá trị di sản văn hóa; ẩm thực và văn hóa ẩm thực; thiết kế, bảo quản, trùng tu và tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa; chính sách phát triển du lịch bền vững, du lịch lịch sử văn hóa tâm linh; bảo tồn làng nghề; quản lý văn hóa đô thị và hoạch định phát triển văn hóa đô thị; quản lý các cơ sở thờ tự; ...
Thêm vào đó, Trường ĐH KHXH&NV cũng triển khai và phát triển thế mạnh trong việc biên soạn các công trình, ấn phẩm khoa học như: Bách khoa thư về Ninh Bình; Địa chí tỉnh (bộ mới theo quy chuẩn Quốc gia), thành phố, huyện, thị xã; Lịch sử Đảng bộ tỉnh, thành phố, huyện, thị xã; Từ điển địa danh và danh nhân; Điều tra, sưu tầm và giới thiệu tư liệu văn hiến tỉnh Ninh Bình; Công trình giới thiệu các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể Ninh Bình; Công trình giới thiệu các bộ sưu tập di vật, bảo vật tiêu biểu của tỉnh Ninh Bình.
Với vị thế là một trường đại học nghiên cứu, đa ngành và liên ngành, Trường ĐH KHXH&NV sẽ hợp tác và sớm triển khai các nghiên cứu trọng điểm như Trung tâm Hoa Lư: vai trò lịch sử và di sản văn hoá (điểm đánh dấu trọn vẹn của hành trình phục quốc; điểm đặc thù của tư duy quản lý và quản trị quốc gia; di sản văn hoá và động lực tinh thần phát triển của địa phương); Trung tâm Hoa Lư trong các mối quan hệ và tương tác quyền lực khu vực Đông Nam Á và Đông Á thế kỷ X; Bộ sách Lịch sử Ninh Bình (nhiều tập).
Với phương châm “coi việc duy trì và không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học trình độ cao có tinh thần tự chủ, sáng tạo cao trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ trọng tâm đồng thời là “giải pháp chiến lược” trong định hướng phát triển lâu dài”, Trường ĐH KHXH&NV sẽ cùng hỗ trợ Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho cán bộ của ngành trong các lĩnh vực; đồng thời tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cán bộ; lớp đào tạo ngắn hạn chuyển giao tri thức trong lĩnh vực tìm hiểu, quản lý, khai thác và phát huy các nguồn lực văn hóa.
Một số hình ảnh tại buổi làm việc
MG 8420 1
 
IMG 8432 1

Tin bài liên quan:
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn phối hợp tổ chức thành công Hội thảo về Gốm Ninh Bình
Hội thảo khoa học "Nghề gốm cổ Ninh Bình: truyền thống và hiện đại"

Tác giả: Đại Hữu. Biên tập: Thùy Dung - USSH Media

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây