“Bí quyết” để triển khai và công bố thành công một bài báo quốc tế: chia sẻ từ chuyên gia VNU-USSH

Thứ năm - 30/11/2023 22:10
Ngày 30/11/2023, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN (VNU-USSH) tiếp tục tổ chức chương trình tập huấn cho cán bộ, giảng viên nhà trường về cách thức triển khai nghiên cứu, viết bài công bố quốc tế và chia sẻ kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học.
MG 2610
Tham dự buổi tập huấn có đại diện Ban Giám hiệu, lãnh đạo các khoa/bộ môn, phòng, trung tâm trực thuộc, đông đảo cán bộ, giảng viên và nghiên cứu sinh đang học tập tại Trường (cả hình thức trực tiếp và trực tuyến).
Buổi tập huấn có sự chia sẻ của các diễn giả đến từ các khoa và ngành khác nhau: GS.TS Nguyễn Văn Chính (Khoa Nhân học), GS.TS. Nguyễn Tuấn Anh (Khoa Xã hội học), PSG.TS Nguyễn Quang Hưng (Khoa Triết học), PGS.TS Nguyễn Minh Hằng (Khoa Tâm lý học).
TS Trịnh Văn Định (Trưởng phòng Quản lí nghiên cứu khoa học, VNU-USSH) chia sẻ: các kết quả hoạt động KH&CN của Nhà trường trong những năm gần đây đã đạt những thành tựu đáng kể, năng lực nghiên cứu của đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên được nâng cao, đồng thời tăng cường sự tham gia của các đối tượng học viên. Theo số liệu thống kê trong 5 năm gần đây cán bộ trường đã công bố 644 bài báo quốc tế, trong đó có 238 bài báo thuộc cơ sở dữ liệu ISI/Scopus. Riêng năm 2023 giảng viên, cán bộ của Trường đã công bố gần 100 bài báo trên các tạp chí khoa học quốc tế. Tuy nhiên, số lượng đó hiện nay vẫn còn chưa tương ứng với nguồn nhân lực chất lượng cao của trường, cũng như chỉ tiêu mà ĐHQGHN giao. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu hiện nay trong việc xếp hạng đại học, bắt kịp xu thế chung của thế giới, đồng thời thúc đẩy, khuyến khích cán bộ giảng viên, nhất là cán bộ trẻ nghiên cứu khoa học, Nhà trường triển khai nhiều chính sách: đầu tư kinh phí, khen thưởng trong nghiên cứu khoa học. Chương trình tập huấn, trao đổi được tổ chức trong hai ngày 28, 30/11 cũng nằm trong chủ trương chung của Nhà trường nhằm khuyến khích, hỗ trợ cán bộ, giảng viên nghiên cứu và công bố quốc tế. Hoạt động này đã nhận được sự đồng hành, chia sẻ của nhiều nhà khoa học hàng đầu trong nhiều lĩnh vực, có kinh nghiệm và khối lượng bài báo, công trình công bố quốc tế khá đồ sộ.
MG 2563
Trưởng phòng Quản lí nghiên cứu khoa học phát biểu
Với kinh nghiệm đã từng công bố bài viết trên rất nhiều tạp chí uy tín trên thế giới, các diễn giả đã trao đổi rất cụ thể cách thức triển khai một vấn đề nghiên cứu, cấu trúc một bài viết khoa học, những lưu ý chi tiết để công bố thành công.
Buổi tập huấn bắt đầu với phần chia sẻ sôi nổi của GS.TS Nguyễn Văn Chính. Theo ông, quá trình nghiên cứu một vấn đề hay đề tài khoa học đều phải bắt đầu từ việc xây dựng một chiến lược để trả lời câu hỏi/nhiệm vụ nghiên cứu được đặt ra và phải xem xét vấn đề đó đã được thế giới nghiên cứu như thế nào, đã rút ra được cái gì, còn những điểm gì đang là khoảng trống, nghiên cứu của mình có gì mới hơn, đóng góp gì thêm cho khoa học và thực tiễn.
Các tạp chí khi xem xét một bài báo có đủ tiêu chuẩn để xuất bản sẽ đặc biệt quan tâm đến vấn đề trích dẫn, bởi thao tác đó không chỉ thể hiện sự nghiêm túc, chuẩn mực của tác giả mà còn là yêu cầu đạo đức nghiên cứu. Vì vậy trích dẫn phải rất minh bạch, chính xác tất cả những tham khảo của những học giả khác, nếu không chắc chắn sẽ bị các tạp chí từ chối xuất bản. Sau khi tìm được một tạp chí phù hợp với vấn đề mình nghiên cứu, cần phải nghiên cứu thật kĩ thể lệ, format của tạp chí đó, tránh trường hợp bị từ chối không phải vì chất lượng bài viết mà do không làm đúng theo quy định của họ. Vì trên thực tế, mỗi tạp chí có những quy định riêng, rất khác nhau và cụ thể.
GS.TS Nguyễn Văn Chính cũng lưu ý, sau khi đã hoàn thành tất cả những phần của bài viết theo format của tạp chí trước khi gửi đến các tạp chí nên/cần nhờ người bản ngữ đọc và chỉnh lý để đảm bảo sự chuẩn mực với văn phong quốc tế.
MG 2585
GS.TS Nguyễn Văn Chính thông tin thêm: tại Khoa Nhân học hiện đang có 2 chuyên gia người nước ngoài luôn sẵn sàng hỗ trợ đọc và chỉnh lí các bài báo nếu tác giả có nhu cầu.

PGS.TS Nguyễn Minh Hằng (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu liên ngành, chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn và trị liệu tâm lí) chia sẻ: trước khi đi vào một bài viết cụ thể cần lưu ý một số điểm: cần thiết lập dữ liệu cá nhân (xác định định hướng nghiên cứu, phù hợp với xu hướng nghiên cứu trên thế giới, giới thiệu lĩnh vực và năng lực của bản thân trên các kênh để các nhà khoa học trên thế giới biết đến mình); nên khai thác và tận dụng mọi nguồn lực quốc tế (tham vào các nhóm nghiên cứu quốc tế để có cơ hội tiếp cận xu hướng nghiên cứu mới trên thế giới, vừa được làm việc cùng với những chuyên gia hàng đầu); chú ý những quy định về bản quyền, đạo đức nghiên cứu của từng lĩnh vực cụ thể (nhân học, tâm lí học, xã hội học, lịch sử,…).
MG 2590

Sau khi đã chọn được vấn đề và triển khai xong nghiên cứu của mình, thì bí quyết quan trọng để đảm bảo bài báo được nhà xuất bản, tạp chí chấp thuận đăng ngoài việc phải tuân thủ chặt chẽ cấu trúc, thể lệ mà tạp chí quy định thì phải viết được phần giới thiệu (introdution) thực sự hấp dẫn, lôi cuốn, nêu bật tính mới trong nghiên cứu của mình. 


PGS.TS Nguyễn Quang Hưng: đi vào trao đổi cụ thể trong việc lựa chọn đề tài/vấn đề nghiên cứu: phải là vấn đề mình thực sự đam mê, phù hợp với hướng nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới, vấn đề phải có tính mới, hướng phát triển tiếp theo. Tuy nhiên, tính mới trong khoa học không phải chỉ là những vấn đề trên thế giới chưa ai nghiên cứu hoặc rất ít, thậm chí có những vấn đề đã được nghiên cứu hàng trăm năm nay, rất nhiều công trình đã được công bố, nhưng nếu tác giả tìm được những nguồn tư liệu mới, hoặc áp dụng phương pháp mới để tiến hành nghiên cứu thì đề tài vẫn được coi là có tính mới, có giá trị đối với sự phát triển của ngành khoa học đó.
MG 2639

Với kinh nghiệm của một chuyên gia trong lĩnh vực xã hội học, trước khi chia sẻ những vấn đề rất cụ thể để viết một bài bài tốt, khả năng được xuất bản cao, GS.TS Nguyễn Tuấn Anh đã có những phân tích rất sâu sắc, cụ thể, sinh động về quá trình nghiên cứu khoa học nói chung: bản chất của bài báo quốc tế là công bố kết quả của một quá trình nghiên cứu. Theo GS.TS Nguyễn Tuấn Anh: dựa trên một góc nhìn nhất định, cốt lõi của nghiên cứu khoa học là thu thập dữ liệu và phân tích dữ liệu để xem dữ liệu nói lên điều gì, dựa trên cơ sở các phương pháp nghiên cứu và luận lí.
MG 2652

Buổi tập huấn kéo dài từ 8h sáng, nhưng đến gần 1h trưa hội trường trực tiếp và trên nền tảng trực tuyến vẫn rất đông các cán bộ giảng viên, nghiên cứu sinh theo dõi phần trao đổi của các chuyên gia và thảo luận rất sôi nổi, nêu lên một số khó khăn trong quá trình tìm kiếm các tạp chí phù hợp, dịch thuật sang tiếng Anh, trả lời các phản biện của hội đồng biên tập của tạp chí.
MG 2603
 
MG 2672

Đồng thời các giảng viên, nhà nghiên cứu trẻ thể hiện sự cảm ơn sâu sắc đến các nhà khoa học đã chia sẻ những thông tin rất quý báu về những vấn đề chung của hoạt động nghiên cứu khoa học: cách xác định vấn đề nghiên cứu, các cơ sở lí luận, lí thuyết, phương pháp nghiên cứu,… Bên cạnh đó, với kinh nghiệm công bố hàng chục bài báo trên nhiều tạp chí uy tín trên thế giới, các chuyên gia đã chỉ ra những vấn đề rất cụ thể liên quan đến việc viết một bài báo: cấu trúc gồm những phần nào, cách viết giới thiệu như nào cho hấp dẫn, cách trích dẫn, lập danh mục tài liệu tham khảo; cũng như một số điểm cần lưu ý trong quá trình từ lúc gửi bài đến khi bài được xuất bản.
Thông qua những phần chia sẻ rất tâm huyết của các diễn giả, cán bộ, giảng viên được trang bị thêm rất nhiều kiến thức bổ ích, thú vị về nghiên cứu khoa học nói chung, cũng như kĩ thuật cụ thể khi tiến hành viết một bài báo khoa học để công bố trên các tạp chí quốc tế. Đây thực sự là một đợt sinh hoạt khoa học rất có giá trị, không chỉ cung cấp kiến thức, kinh nghiệm quý báu mà truyền đến giảng viên, cán bộ, đặc biệt các học viên khoa học, nghiên cứu sinh đang học tập tại Trường niềm đam mê với nghiên cứu khoa học.
MG 2608
 
MG 2681 copy
 
MG 2682
Các diễn giả trao đổi rất cởi mở, cặn kẽ từng băn khoăn của các giảng viên tham dự tại buổi tập huấn
 
Tổng kết hai buổi tập huấn, thay mặt Ban tổ chức, TS Trịnh Văn Định gửi lời cảm ơn đến sự đồng hành của các nhà khoa học trong các hoạt động nghiên cứu và đào tạo của Nhà trường. Dù công việc rất bận rộn nhưng các thầy cô đã dành thời gian quý báu tham gia hai buổi trao đổi, chia sẻ với đông đảo học viên, nghiên cứu sinh, cán bộ giảng viên. Những chia sẻ đó đã cung cấp rất nhiều thông tin vô cùng hữu ích về nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, cũng như kinh nghiệm quý báu từ quá trình công bố quốc tế của chính cá nhân học giả. Buổi tập huấn đã nhận được sự quan tâm và tham dự, trao đổi rất sôi nổi của đông đảo cán bộ, giảng viên, học viên, nghiên cứu sinh trong cả nước đang học tập tại Trường. Trong thời gian tới, Nhà trường sẽ tiếp tục tổ chức một số buổi trao đổi, tập huấn về chuyên đề sâu hơn: cách tìm kiếm đề tài, tạp chí uy tín và phù hợp với lĩnh vực nghiên cứu, cách viết phần giới thiệu sao cho hấp dẫn hiệu quả, hay cách làm danh mục trích dẫn bằng các phần mềm hỗ trợ,…
Một số hình ảnh từ buổi tập huấn
MG 2570
 
MG 2576
 
MG 2575
 
MG 2573
MG 2689 copy

 
 

Tác giả: Hạnh Quỳnh - USSH Media

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây