Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo Viện Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Văn học, Trường Đại học khoa học xã hội và Nhân văn và nhiều nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu đến từ nhiều trường đại học lớn trong cả nước.
Đặc biệt hội thảo thu hút sự quan tâm và tham dự trực tiếp của 23 học giả đến từ Hoa Kì, Trung Quốc, Ấn Độ, Pháp, Đức, Italia, Anh và các nước Đông Nam Á.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Đức Minh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam cho rằng, Đông Nam Á hiện đang là khu vực quan trọng cả về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh và văn hóa. Đây cũng là nơi hội tụ, giao lưu, tiếp biến bản địa hóa nhiều luồng văn hóa khác nhau. Ở Việt Nam, lý luận về văn học so sánh mới được quan tâm vài thập niên gần đây. Cùng với quá trình hội nhập, việc nghiên cứu văn hóa, văn học Đông Nam Á cũng được đẩy mạnh ở Việt Nam, trong xu thế này, việc nghiên cứu, giảng dạy về văn học Đông Nam Á đòi hỏi phải có những chuyển dịch phù hợp cả về quan điểm, cách tiếp cận, lý thuyết và các khả năng thực hành.
Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam phát biểu đề dẫn Hội thảo
Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam cũng bày tỏ hi vọng hội thảo là cơ hội giúp các nhà khoa học cùng tìm ra giải pháp thúc đẩy nghiên cứu và
giảng dạy văn học so sánh tại Việt Nam. Qua đây, hình thành một diễn đàn học thuật thường niên về văn học so sánh Đông Nam Á để cập nhật chủ đề, phương pháp tiếp cận và chia sẻ các thể nghiệm mới đối với bộ môn khoa học này trong khu vực.
Theo TS. Trần Thiện Khanh - Phó Viện trưởng Viện Văn học, Trưởng ban Tổ chức Hội thảo, chia sẻ: Đông Nam Á chưa hiện diện trong các công trình lịch sử phát triển bộ môn văn học trên thế giới. Sự thiếu vắng của văn học Đông Nam Á trong nghiên cứu văn học so sánh đã được nhiều nhà khoa học, nhiều đơn vị học thuật trên thế giới chú ý, tuy nhiên, đa phần sự thiếu hụt này được bàn thảo bởi các nhà nghiên cứu văn học phương Tây. Thực hành văn học so sánh sẽ giúp chúng ta không chỉ hiểu sâu hơn nền văn học dân tộc mà còn mở rộng tầm nhìn về văn học các khu vực khác, thúc đẩy việc khám phá, đánh giá và lý giải những mối liên hệ giữa các nền văn học, văn hóa trong bối cảnh đòi hỏi đẩy mạnh giao lưu, hội nhập.
Đại diện cho đơn vị đổng tổ chức, PGS.TS Đào Thanh Trường, Phó Hiệu trưởng trường ĐHKHXH&NV nhấn mạnh : Đông Nam Á là một khu vực địa lí - lịch sử - văn hóa - chính trị riêng biệt. Nền văn học các nước Đông Nam Á luôn biểu đạt những đặc trưng căn tính dân tộc, văn hoá của mỗi quốc gia trong tiến trình chuyển động chung, trong những tương tác văn hoá, chính trị của khu vực. Tuy nhiên, bộ phận văn học này chưa chiếm vị trí đáng kể trong bức tranh văn học thế giới.
Hội thảo “Văn học so sánh Đông Nam Á: Lịch sử, lí thuyết, và thực hành” thực sự là một sự kiện học thuật uy tín, tạo nên sự kết nối giữa các học giả ở trong và ngoài nước có cùng mối quan tâm đến văn học so sánh Đông Nam Á. Hội thảo là cơ hội để chúng ta đề xuất những cách tiếp cận mới trong khoa học văn học so sánh khi đào sâu sự tương tác giữa các nền văn học Việt Nam, Đông Nam Á và thế giới trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Cũng trong hội thảo quốc tế này, chúng ta sẽ có cơ hội tiếp cận các tác phẩm văn học Đông Nam Á, đặc biệt là các tác phẩm hiện đại và đương đại trong sự so sánh, quy chiếu với nhau để thảo luận về các vấn đề dân tộc, văn hóa, xã hội, lịch sử của Đông Nam Á từ góc nhìn của các lí thuyết hiện đại. Trường ĐHKHXH&NV là đơn vị có bề dày truyền thống gần 80 năm trong đào tạo và nghiên cứu các ngành thuộc lĩnh vực KHXH&NV. Khoa Văn học cũng là một trong 3 khoa đầu tiên của Trường, nơi học tập, nghiên cứu và trưởng thành của nhiều chính trị gia, học giả, nhà nghiên cứu văn học hàng đầu của Việt Nam. Trong thời gian tới, chúng tôi luôn sẵn sàng kết nối và hợp tác với các đơn vị trong và ngoài nước để tổ chức các hoạt động trao đổi học thuật, tọa đàm, hội thảo khoa học về văn học Việt Nam và các nước trên thế giới.
Phó Hiệu trưởng Đào Thanh Trường phát biểu tại Hội thảo
Hội thảo được tiến hành trong 01 ngày, gồm Phiên toàn thể cùng mười tiểu ban, với 73 tham luận cả tiếng Anh và tiếng Việt, nhiều ý tưởng khoa học thú vị về văn học Đông Nam Á trong sự soi chiếu lẫn nhau và tham chiếu với các nền văn học khác trên thế giới được trình bày, chia sẻ và thảo luận. Các báo cáo của các nhà nghiên cứu tại hội thảo đã làm sáng tỏ một số vấn đề chính như: Bối cảnh Đông Nam Á của việc sáng tạo và diễn giải văn học ở các quốc gia, quá trình kiến tạo các giá trị dân tộc- quốc gia, hình thành ý niệm về dân tộc và sự biểu đạt các tư tưởng dân tộc ở mỗi nền văn học trong quan hệ giữa các nền văn học của khu vực. Đặc trưng dân tộc và tính phổ quát của văn học Đông Nam Á hay tính bản địa cùa các nền văn học Đông Nam Á và mối liên hệ, mô hình kết nối giữa chúng. Quá trình kinh điển hóa các tác phẩm văn học ở các nước, sự du nhập của các lý thuyết vào các nền văn học nơi đây làm thay đổi như thế nào các khung tri thức về văn học, từ góc nhìn đó làm phát lộ những diện mạo mới của văn học từng nước trong khu vực.
Khai thác sâu các khía cạnh so sánh qua các nghiên cứu trường hợp, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đã đưa ra những hình dung về khả năng mở của lí thuyết văn học so sánh, thúc đẩy những so sánh mang tính ngẫu nhiên dưới ánh sáng của cái nhìn liên ngành và liên/ xuyên khu vực.
Các đại biểu trình bày báo cáo tại Hội thảo
Trong khuôn khổ Hội thảo, lãnh đạo Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Viện Văn học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn có buổi tiếp và trao đổi với các đại biểu quốc tế tham dự Hội thảo
Hội thảo được kỳ vọng sẽ trở thành một dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của văn học so sánh nói chung và văn học so sánh Đông Nam Á nói riêng. Trên tinh thần trao đổi cởi mở, thẳng thắn của các nhà khoa học tham gia Hội thảo, một số vấn đề về phương pháp luận, lý thuyết văn học so sánh sẽ được sáng tỏ hơn qua việc phân tích bối cảnh, thực tiễn, lịch sử, đời sống văn học các nước Đông Nam Á.
Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm