Tin tức

Tham quan, giao lưu và kết nối văn hóa Việt Nhật tại làng gốm Kim Lan

Chủ nhật - 05/11/2023 20:28
Ngày 04/11/2023, trong khuôn khổ chuỗi hoạt động thiết thực kỉ niệm 50 năm thiết lập quan hệ hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản, đoàn đại biểu Hội thảo khoa học quốc tế: “Quan hệ Việt Nam – Nhật Bản: Quá khứ - Hiện tại - Tương lai” do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (VNU-USSH) cùng Trường Đại học Việt – Nhật thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức đã đến tham quan bảo tàng, trải nghiệm nghệ thuật tráng men và làm gốm cổ truyền tại làng gốm Kim Lan.
 
 
Tại xã Kim Lan, đoàn đại biểu đã nhận được sự tiếp đón nồng nhiệt từ đại diện ủy ban Nhân dân xã. Mở đầu buổi tham quan, giao lưu và kết nối văn hóa Việt - Nhật, ông Nguyễn Mạnh Hà -  Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Kim Lan gửi lời chào và bảy tỏ lòng biết ơn sâu sắc nhất đến cố TS. Nishimura Masanari và các nhà sử học khảo cổ trong nhóm nghiên cứu đã có công khai quật, bảo tồn những cổ vật, giá trị lịch sử của làng gốm Kim Lan. 
GS.TS. Momoki Shiro chia sẻ về sự thành công của hội thảo
Cũng trong buổi gặp mặt, GS.TS. Momoki Shiro (Trường ĐH Việt Nhật - ĐHQGHN) đã có những chia sẻ về sự thành công của Hội thảo khoa học quốc tế: “Quan hệ Việt Nam – Nhật Bản: Quá khứ - Hiện tại - Tương lai”. Đồng thời khẳng định, kết quả nghiên cứu của Hội thảo và chuyến tham quan, nghiên cứu tại làng gốm Kim Lan chính là minh chứng cho mối quan hệ hợp tác bền chặt giữa Việt Nam và Nhật Bản trong nghiên cứu, giao lưu, chia sẻ văn hóa giữa hai quốc gia. 
Nhật Bản và Việt Nam - Bảo tồn di sản nghề làm gốm Kim Lan
Tham quan Bảo tàng Lịch sử gốm sứ xã Kim Lan, đoàn đại biểu đã có cơ hội được tận mắt chiêm ngưỡng và tìm hiểu về lịch sử hàng trăm năm của nghề làm gốm với sự công phu và tỉ mỉ xứng ngang với gốm Bát Tràng. 
Đoàn Đại biểu từ Trường ĐH Việt Nhật, ĐHQGHN và các trường ĐH đối tác tại Nhật Bản
   
Đoàn đại biểu được nghe thuyết trình về truyền thống của làng gốm Kim Lam cũng như lịch sử hình thành và phát triển.
Kim Lan không chỉ được biết đến không với những sản phẩm gốm sứ có giá trị, mà còn có gốm mộc, gốm thô giản dị, với tạo hình tao nhã. Làng Kim Lan được biết đến là nơi sản xuất đồ gốm gia dụng của kinh thành Thăng Long xưa và Gốm Kim Lan được ví ngang hàng những sản vật quý cùng gấm lụa, châu, ngọc.
 
Nhà trưng bày gốm sứ và lịch sử xã Kim Lan (Gia Lâm- Hà Nội) chính thức đi vào hoạt động từ tháng 3/2013. Đây là bảo tàng cấp xã đầu tiên trong cả nước, đồng thời sự ra đời của bảo tàng cũng đánh dấu sự thành công đầu tiên của khảo cổ học cộng đồng ở Việt Nam. . Bảo tàng Kim Lan hiện nay trưng bày khoảng 300 mẫu cổ vật các loại. Nhóm nghiên cứu lịch sử Kim Lan và Quỹ Bảo vệ di sån văn hóa dưới lòng đất Đông Nam Á, Nhật Bản do TS. Nishimura Masanari phụ trách đã đưa ra sáng kiến xây dựng Nhà Trưng bày để phát huy giá trị di sản văn hóa quy giá của Kim Lan. 
Quá trình bảo tồn và duy trì nhà trưng bày đã nhận được sự đóng góp của nhiều nhà hảo tâm từ Việt Nam và cả Nhật Bản như Ông Nguyễn Minh Hà, công sứ của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, ông Hattori Norio, Nguyên Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam,…Nhà Trưng bày được ông Ota Shoichi, nhà nghiên cứu Kiến trúc Châu Á thiết kế và TS. Nishimura Masanari cùng vợ là TS. Nishino Noriko phụ trách nội dung trưng bày
.
Đoàn đại biểu được nghe thuyết trình về kĩ thuật tráng men cổ của làng Kim Lan.
 
 
 
 
 
 

Trong chuyến tham quan tại Kim Lan, đoàn đại biểu cũng có cơ hội được đến thăm một trong những xưởng làm gốm cổ. Các đại biểu vô cùng ngạc nhiên và ấn tượng về tay nghề điêu luyện và những kĩ thuật tráng men, nung gốm theo cách cổ truyền. Người dân làng nghề cũng chia sẻ những khía cạnh được cải tiến mới theo thời gian, kết hợp với các yếu tố truyền thống. Gần 40 năm hết mình gìn giữ và phát triển nghề truyền thống, nhiều chủng loại sản phẩm đã được chế tác, không chỉ phục vụ nhu cầu tại Việt Nam mà còn vươn tầm quốc tế, đặc biệt là tại Nhật Bản.
Kết thúc chuyến đi, đoàn đại biểu đã đến viếng và thắp hương cho cố TS. Nishimura Masanari. Cảm xúc bồi hồi và xúc động khi những người viếng thăm lặng lẽ cầu nguyện, cùng nhau ôn lại những kỉ niệm và cảm ơn ông về những cống hiến cho Việt Nam - ngôi nhà thứ 2 của ông.
GS.TS. Momoki Shiro xúc động nhớ lại những đóng góp của cố TS. Nishimura Masanari cho mảnh đất hình chữ S, cho con người và nghề gốm Kim Lan.
Cố TS. Nishimura Masanari sinh năm 1965, đã gắn bó cuộc đời, sự nghiệp của mình với Việt Nam gần 20 năm, bắt đầu từ khi ông tham gia chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản về di chỉ làng Vạc. Luận án thạc sĩ của ông nghiên cứu về công cụ đá của văn hóa Hòa Bình và văn hóa Sơn Vi; Luận án tiến sĩ của ông nghiên cứu về khảo cổ học ở đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Mê Kông - Đồng Nai. 
Trong khoảng thời gian công tác tại Việt Nam, TS. Nishimura Masanari và vợ đã khai quật và phục dựng được rất nhiều di sản và địa danh lịch sử, cũng như có công xây dựng Bảo tàng Di tích lò gốm Đương Xá (Bắc Ninh) và Bảo tàng gốm sứ và lịch sử xã Kim Lan (Hà Nội). Ông đã cùng các nhà khảo cổ học thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thực hiện nhiều cuộc khai quật, thăm dò, điều tra khảo cổ học tại Việt Nam và tại các quốc gia Đông Nam Á.

Tác giả: Đại Hữu - USSH Media

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây