“Cách tiếp cận của EU đối với hợp tác ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương: Từ chiến lược đến thực tiễn”

Thứ năm - 11/11/2021 05:40
Ngày 11/11/2021, tại Trường ĐHKHXH&NV đã diễn ra Tọa đàm công bố Dự án Nghiên cứu “Cách tiếp cận của EU đối với hợp tác ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương: Từ chiến lược đến thực tiễn”. Tham dự tọa đàm có GS.TS Phạm Quang Minh (Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV, Trưởng nhóm nghiên cứu Dự án) và bà Phạm Thị Tố Hằng (Quản lý dự án, Quỹ Konrad-Adenauer).
MG 8413
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Tọa đàm

Dự án nghiên cứu trên do Khoa Quốc tế học, Trường ĐHKHXH&NV thực hiện với sự tài trợ của Quỹ Konrad-Adenauer (CHLB Đức). Dự án được chia làm 3 giai đoạn, kéo dài từ năm 2021 tới năm 2023. Mỗi giai đoạn được tiến hành trong một năm và tập trung vào một nhóm các vấn đề về cách tiếp cận của Liên minh Châu Âu với hợp tác trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.

IMG 8352
Bà Phạm Thị Tố Hằng (Quản lý dự án Quỹ KAS) điểm lại quan hệ hợp tác giữa Quỹ và Nhà trường
 
Tới nay, các nhiệm vụ nghiên cứu giai đoạn 1 (13/9- 15/11/2021) của dự án đã được hoàn thành và tập hợp trong một báo cáo gồm 5 bài viết, đề cập tới chiến lược hợp tác chung của EU tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, quan điểm và chiến lược của các quốc gia thành viên Pháp, Đức, Hà Lan, cũng như quan điểm của Việt Nam về chiến lược này. Tọa đàm công bố được tổ chức với mục đích trình bày các kết quả bước đầu, tiếp nhận ý kiến đóng góp, phản biện từ một số chuyên gia trong lĩnh vực quan hệ quốc tế.

MG 8384
GS.TS Phạm Quang Minh  (Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV) phát biểu khai mạc
 
Khai mạc Tọa đàm, GS.TS Phạm Quang Minh nhấn mạnh tới tầm quan trọng và tính cấp thiết của Dự án nghiên cứu trong việc làm sáng tỏ nội hàm chiến lược mới của EU với một khu vực ngày càng quan trọng trên bản đồ quan hệ quốc tế, cũng như tác động của chiến lược này với các quốc gia thành viên, các quốc gia trong khu vực và trên thế giới nói chung. Các kết quả nghiên cứu sẽ góp phần nâng cao hiểu biết, nhận thức về những thay đổi mới trong lập trường chính sách đối ngoại của EU, qua đó giúp các nước ASEAN như Việt Nam xây dựng chính sách ứng xử phù hợp với vai trò của mình trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.
 
IMG 8355
PGS.TS Bùi Hồng Hạnh (Bộ môn Nghiên cứu Châu Âu, Khoa Quốc tế học) trình bày kết quả báo cáo 

Tiếp đó, các chuyên gia đã lắng nghe các nghiên cứu viên trình bày kết quả sơ bộ của báo cáo đầu tiên. Các chuyên gia đánh giá báo cáo có hàm lượng khoa học cao; có phạm vi, đối tượng nghiên cứu rõ ràng; được trình bày với cấu trúc hợp lý, văn phong diễn đạt mạch lạc và sử dụng nguồn tài liệu gốc phong phú, tin cậy. Nhóm chuyên gia cũng đưa ra một số ý kiến bổ sung, điều chỉnh và mở rộng đối với báo cáo. Thay mặt nhóm nghiên cứu, GS.TS Phạm Quang Minh tiếp thu các ý kiến đóng góp. Nhóm sẽ tiến tới hoàn thiện báo cáo dưới dạng một ấn phẩm khoa học chính thức và xây dựng kế hoạch triển khai các giai đoạn tiếp theo của Dự án.
 
MG 8401
PGS.TS Nguyễn Thu Mỹ (Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á) nhận xét báo cáo nghiên cứu
 
Dự án Nghiên cứu “Cách tiếp cận của EU đối với hợp tác ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương: Từ chiến lược đến thực tiễn” có mục tiêu chính là tìm hiểu cách tiếp cận của Liên minh Châu Âu với hợp tác trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương và tác động đối với các nước trong khu vực. Dự án được chia làm 3 giai đoạn tương ứng với các chủ đề nghiên cứu sau:
  • Giai đoạn 1 được triển khai trong năm 2021, tập trung vào cách tiếp cận của EU và các quốc gia thành viên với hợp tác ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Các vấn đề cụ thể như: nội dung và nguồn gốc hình thành của một tầm nhìn chung toàn EU; những quy ước truyền thống, mang tính địa chính trị làm nền tảng cho khái niệm EU của các quốc gia thành viên; vai trò của EU và các quốc gia thành viên trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, những kỳ vọng về sự can dự của EU vào khu vực này.
  • Giai đoạn 2 được triển khai trong năm 2022, tập trung nghiên cứu nhận thức và sự hợp tác của các nhóm quốc gia nằm ngoài EU, Hoa Kỳ và Trung Quốc, những mục tiêu chiến lược của họ tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong quan hệ với EU và  các quốc gia thành viên. Các nhóm quốc gia này gồm các nước công nghiệp hóa như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc; các cường quốc có tham vọng lớn như Ấn Độ và Indonesia; các cộng đồng quốc gia như ASEAN.
  • Giai đoạn 3 được triển khai năm 2023, tập trung nghiên cứu các tiểu lĩnh vực có liên hệ tới chính sách an ninh mở rộng hiện nay của EU. Các lĩnh vực cụ thể như an ninh vận tải toàn cầu, cuộc chiến chống các mối đe dọa khủng bố, vấn đề di cư, chính sách y tế quốc tế, và đặc biệt là công tác ứng phó và giảm nhẹ các tác động của biến đổi khí hậu và sự nóng lên toàn cầu.

Tác giả: Trần Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây