Giới thiệu sách “Chính sách quốc gia và quan hệ quốc tế trong đại dịch Covid-19 ở Đông Nam Á và khu vực xung quanh”

Thứ tư - 17/11/2021 07:41
Tọa đàm giới thiệu sách “Chính sách quốc gia và quan hệ quốc tế trong đại dịch COVID-19 ở Đông Nam Á và khu vực xung quanh” là sự kiện do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp với Quỹ Konrad-Adenauer-Stiftung (CHLB Đức) tổ chức ngày 16/11 vừa qua, với sự tham gia của nhiều diễn giả và khách mời là chuyên gia nghiên cứu về quan hệ quốc tế.
IMG 8666

Cuốn sách tập hợp các ý kiến, nghiên cứu và tham luận thu thập qua một hội thảo do Trường ĐHKHXH&NV và Quỹ Konrad-Adenauer-Stiftung (KAS), CHLB Đức tổ chức với chủ đề "ASEAN và cuộc chiến chống đại dịch Covid-19" hồi tháng 5/2021. Trong ấn phẩm này, các tác giả với những nghiên cứu của mình đã đưa ra những cách tiếp cận khác biệt về hiệu quả chính sách của các quốc gia, cụ thể là đề cập đến tính thực tiễn của mục tiêu “kép” nhằm cùng lúc đảm bảo sự an toàn cho người dân đồng thời phát triển kinh tế, cũng như phương tiện và nguồn lực để đạt được. Những nghiên cứu cũng chỉ ra hạn chế và lợi thế của các chính sách chống dịch của các quốc gia ASEAN và khu vực xung quanh, từ đó rút ra được những bài học kinh nghiệm.
 
IMG 8705
TS. Detlef Briesen
 
TS. Detlef Briesen, Đại học Justus-Liebig Universität, Gießen, CHLB Đức, đồng chủ biên của cuốn sách, đã giới thiệu nội dung và những kết quả nổi bật của các nghiên cứu được tập hợp trong ấn phẩm. Theo đó, cuốn sách gồm ba phần: Phần đầu phân tích những diễn biến của tình hình dịch bệnh Covid-19 tại các nước Đông Nam Á và phản ứng chính sách của một số nước trong khu vực như Campuchia, Indonesia và Việt Nam. Phần thứ hai đề cập đến những nỗ lực hợp tác trong khuôn khổ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và giữa các nước thành viên ASEAN nhằm đối phó với dịch bệnh. Phần thứ ba cung cấp bức tranh về quá trình chống dịch của các nước ngoài khu vực Đông Nam Á như Ấn Độ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Sri Lanka và Trung Quốc, từ đó gợi mở một số kinh nghiệm cho các quốc gia Đông Nam Á.


Ông David Payne
Ông David Payne – Chuyên gia Quản lý Dự án Quốc tế, UNDP tại Việt Nam thay mặt UNDP cho biết tổ chức đã tiếp cận với các cơ quan của Bộ Y tế từ những ngày đầu chống dịch COVID-19 tại Việt Nam. UNDP đã hợp tác cùng các cơ quan, ban ngành Việt Nam với mong muốn nâng cao hiệu quả phòng chống dịch, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo môi trường bình đẳng, minh bạch trong công tác phòng chống dịch. UNDP cũng đánh giá cao nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong phòng chống dịch. 

IMG 8665
TS. Võ Xuân Vinh
 
Thảo luận sâu hơn về hợp tác khối ASEAN trong cuộc chiến chống Covid-19, TS. Võ Xuân Vinh (Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) cho rằng: Vẫn có những thách thức trong hợp tác ASEAN nhưng ASEAN đã có những nỗ lực tập thể để chống Covid-19 như: đưa ra những nghị trình về phòng chống dịch và xây dựng chiến lược ứng phó đa phương; cung cấp và hỗ trợ thông tin cho các quốc gia bên ngoài khi cần hỗ trợ. ASEAN cũng là một trung tâm điều phối nguồn lực tài chính, kỹ thuật để hỗ trợ các nước thành viên. Về khả năng xây dựng một chuỗi cung ứng riêng của ASEAN trong việc phát triển vaccine nội khối, các nước ASEAN có thể chia sẻ các hình thức, công nghệ, thành lập quỹ chia sẻ vaccine; kết nối với các nước bên ngoài như Hàn Quốc để phát triển chuỗi cung ứng đó.

IMG 8670
PGS.TS Patrick Ziegenhain
PGS.TS Patrick Ziegenhain (Khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Tổng thống, Indonesia) bình luận về những điểm hạn chế và cả tích cực trong các chính sách chống dịch của chính phủ Indonesia: Năm 2020 chính phủ Indoneisa bị phê phán bởi cộng đồng quốc tế vì thiếu mặn mà với chống đại dịch do không thực hiện các biện pháp giãn cách mạnh mẽ. Tuy nhiên, Indoensia không giãn cách nghặt nghèo nên các doanh nghiệp hay cá nhân trong các khu vực phi chính thức vẫn có thể sống sót ngay trong đại dịch. Ở một số nơi kinh tế khó khăn ở Indonesia không thể triển khai giãn cách quá quyết liệt. Nhưng mặt khác, Indonesia cũng tích cực triển khai chương trình vaccine từ tháng 2,3; với tỷ lệ tiêm vaccine hiện nay đạt 50%, ở Jakarta thì đã có thể đạt 100%.
 
IMG 8680
PGS.TS. Kumaresan Raja
 
PGS.TS. Kumaresan Raja (Trưởng Khoa Nghiên cứu Chính trị và Quốc tế, Đại học Pondicherry, Ấn Độ) thì nhấn mạnh đến sự khác biệt giữa các hệ thống tri thức, văn hóa ở mỗi quốc gia là yếu tố cần cân nhắci khi triển khai các chính sách riêng ở từng nước. Ví dụ khi Ấn Độ triển khai giãn cách đóng cửa thì tạo ra rất nhiều bất cập vì mối quan hệ giữa người dân và chính phủ không dựa trên một nền tảng văn hóa chính trị như ở các nước khác. Ngoài ra, ở các quốc gia phương Tây thì năng lực y tế thể hiện năng lực chính phủ cũng như sự ủng hộ của người dân với chính phủ. Ấn Độ chưa đủ khả năng xây dựng một hệ thống y tế đủ để đáp ứng nhu cầu người dân, nó có sự rời rạc giữa chính quyền trung ương và chính quyền bang. Ở Ấn Độ, người dân lại không tin vào vaccine mà tin vào các kinh nghiệm chữa bệnh dân gian, cổ truyền hơn. Do đó, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, một bài học kinh nghiệm là cần hạn chế chủ nghĩa dân tộc mà phải nhấn mạnh vào xây dựng các hệ thống hợp tác toàn cầu để điều phối các nỗ lực chống dịch.
 
IMG 8695
PGS.TS Trần Xuân Bách
 
PGS.TS Trần Xuân Bách (Phó Trưởng Bộ môn Kinh tế Y tế, Viện Đào tạo Y học Dự phòng và Y tế công cộng, trường Đại học Y Hà Nội) thì bình luận về những điểm tích cực trong phương thức chống dịch tại Việt Nam. Theo đó, trong làn sóng đại dịch thứ tư, có nhiều điểm tương đồng giữa chính sách của Việt Nam với nhiều nước khác trên thế giới. Một trong những lợi thế của Việt Nam là hệ thống y tế dự phòng, trong đó khả năng xét nghiệm và thu dung là rất mạnh. Một điểm tích cực nữa là tốc độ khai triển vaccine rất nhanh, 1/3 dân số đã tiêm đủ 2 liều. Việt Nam cũng xây dựng các cơ chế truy vết hiệu quả. Hiện nay, thống kê cho thấy, Việt Nam có khoảng 100 triệu người mà một phần lớn dân số có các tài khoản mạng xã hội; Chính phủ đã gửi thông tin chống dịch cho người dân theo cách này. Việt Nam cũng triển khai các gói an sinh xã hội cho người dân và xã hội. Ngoài ra còn có các khía cạnh văn hóa, xã hội tác động tới tình hình chống dịch; vai trò của mỗi địa phương trong chống dịch, nhất là hiện nay khi các địa phương được trao sự linh động hơn trong chống dịch. Do đó, Việt Nam rất có thể đã sẵn sàng để chuyển sang trạng thái bình thường mới.

Tác giả: Thanh Hà, Trần Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây