Tin tức

Đào tạo báo chí và truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số: bài bản, chuyên sâu, hiện đại, cập nhật và tăng tính thực hành

Thứ sáu - 15/11/2024 20:52
Đó là nội dung trọng tâm được các chuyên gia, nhà quản lí, nhà giáo dục về báo chí và truyền thông thảo luận, trao đổi sôi nổi tại Toạ đàm khoa học với chủ đề “Đào tạo báo chí và truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số”, do Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (SJC), Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN (VNU-USSH) chủ trì tổ chức vào ngày 15/11/2024.
Toạ đàm có sự tham gia của Ban lãnh đạo, giảng viên, nghiên cứu sinh, sinh viên Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, đại diện các đơn vị đào tạo báo chí và truyền thông tại Hà Nội; cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lí đang công tác các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan báo chí truyền thông trên toàn quốc.
MG 0206
 
MG 0211

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS Phan Văn Kiền, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (ĐTBC&TT), Trường ĐHKHXH&NV, gửi lời chúc sức khoẻ, thành công, hạnh phúc tới Quý đại biểu, Quý thầy cô nhân dịp kỉ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Sự đồng hành của các Quý thầy cô, đặc biệt là những giảng viên thỉnh giảng là các nhà báo, chuyên gia trong lĩnh vực báo chí, truyền thông chính là nhân tố quan trọng để làm nên thành công và thương hiệu của Viện trong suốt năm học vừa qua.
TS Phan Văn Kiền nhấn mạnh: Trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, một trong những nhiệm vụ chủ yếu Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện là chủ trì xây dựng Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Chiến lược chuyển đổi số báo chí Việt Nam có tác động mạnh mẽ tới toàn bộ hệ thống báo chí nước nhà, cả trên phương diện nghiệp vụ, quản lý nhà nước cũng như vấn đề đào tạo và nghiên cứu báo chí. Bên cạnh đó, sự phát triển như vũ bão của công nghệ, ra đời và tham gia vào mọi mặt đời sống xã hội của AI đã đặt ra những thách thức rất lớn cho việc đào tạo nguồn nhân lực về báo chí và truyền thông. Viện ĐTBC&TT có truyền thống và khẳng định vị thế là một trong những đơn vị hàng đầu đào tạo chuyên sâu, bài bản về báo chí và truyền thông, hiện nay đang đào tạo 2 ngành Báo chí học và Quan hệ công chúng. Bên cạnh không ngừng đổi mới chương trình đào tạo, tích hợp học phần hiện đại, mang tính ứng dụng cao, Viện đang xây dựng đề án mở chương trình đào tạo mới: Truyền thông đa phương tiện. “Vì vậy, tại hội thảo hôm nay, chúng tôi rất mong muốn sẽ được lắng nghe nhiều ý kiến chia sẻ, trao đổi và tư vấn, góp ý để Viện tiếp tục đổi mới và hoàn thiện CTĐT đáp ứng nhu cầu của thực tiễn trong bối cảnh chuyển đổi số” – TS Phan Văn Kiền bày tỏ.
MG 0197
TS Phan Văn Kiền phát biểu tại Toạ đàm
 
MG 0229
TS Đỗ Anh Đức và TS Phan Văn Kiền chủ trì Toạ đàm
 
Toạ đàm đã lắng nghe rất nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận, trong đó tập trung phân tích những nội dung trọng tâm: Chính sách, chiến lược đào tạo báo chí và truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số báo chí; Thực trạng đào tạo báo chí và truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số báo chí trên thế giới và Việt Nam hiện nay; Những vấn đề đào tạo nghiệp vụ chuyên môn, trang bị tri thức nền tảng, đặc biệt là đạo đức và pháp luật cho người làm báo chí truyền thông; Yêu cầu đổi mới về phương pháp giảng dạy và đào tạo trong bối cảnh chuyển đổi số.
TS Trần Thị Tri (công tác tại Đài tiếng nói Việt Nam) chia sẻ: Trong những năm gần đây, chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực, trong đó báo chí và truyền thông đã được đề cập đến rất nhiều, ai ai cũng đều hiểu được yêu cầu của việc chuyển đổi số, tầm quan trọng của kỹ thuật số, công nghệ số, năng lực số trong sự phát triển của lĩnh vực nào đó.   Tuy nhiên việc chuyển đổi số một cách thực chất và hiệu quả trên thực tế cũng còn khá hạn chế.
MG 0239
Theo TS Trần Thị Tri: Trường ĐHKHXH&NV đã phát huy tốt vai trò của mình trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tư vấn chính sách cho các cấp bộ ngành quản lí trong lĩnh vực báo chí và truyền thông. Tuy nhiên đứng trước những thay đổi lớn của bối cảnh trong nước và quốc tế, cơ sở đào tạo cũng cần có những đổi mới để bắt kịp với xu hướng. Chương trình đào tạo cần phải thường xuyên rà soát để cập nhật học phần mới, tăng cường tính thực hành, chú trọng đào tạo kĩ năng cụ thể: kĩ năng viết, biên tập, phỏng vấn,… cho sinh viên để các em có thể tự tin tham gia ngay vào thị trường lao động toàn cầu với những yêu cầu ngày càng cao.

Đồng quan điểm với TS Trần Thị Tri, TS. Đồng Mạnh Hùng, Trưởng ban Thư ký Biên tập, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) cũng nhấn mạnh: một tình trạng chung hiện nay là sinh viên mới ra trường, kiến thức tốt nhưng còn thiếu nhiều kĩ năng để có thể đáp ứng yêu cầu thực tiễn công việc. Chính vì vậy, tôi mong muốn các đơn vị đào tạo chú trọng mở rộng liên kết với các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp quản lí, sản xuất trong lĩnh vực báo chí, truyền thông để các em có cơ hội thực hành, thực tập ngay khi còn học trên giảng đường. 
MG 0256

PGS.TS Nguyễn Văn Dững (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) với kinh nghiệm nhiều năm tham gia công tác đào tạo trong lĩnh vực báo chí, truyền thông đã đưa ra những đề xuất cụ thể về việc tăng cường bồi dưỡng chuyên môn và kiến thức thực tế cho chính đội ngũ làm công tác giảng dạy báo chí, truyền thông: Nhà trường có thể tạo điều kiện để cho cán bộ có thể trực tiếp tham gia “thực chiến” tại một cơ quan truyền thông lớn ứng dụng chuyển đổi số, như vậy mới có thể có những kiến thức thực tiễn, sinh động nhất, cập nhật nhất để về truyền tải cho đồng nghiệp, sinh viên.
MG 0267

Các nhà báo hiện đang công tác tại các cơ quan báo chí, truyền thông, những đơn vị tiếp nhận sinh viên thực tế, thực tập và tuyển dụng nhân sự, đã đưa ra những phân tích rất cụ thể về điểm mạnh và điểm yếu của sinh viên hiện nay trước đòi hỏi của thị trường lao động ngày càng thay đổi, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp đối với đơn vị đào tạo.
Nhà báo Trần Anh Tú (Phó Tổng biên tập Tạp chí Thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông) nhấn mạnh: Công nghệ thay đổi từng giờ và chúng ta phải không ngừng học hỏi để cập nhật. Tuy nhiên, đào tạo báo chí không phải là chạy theo sự thay đổi đó, bởi cái cốt lõi của một nhà làm báo vẫn phải là nền tảng kiến thức và tư duy báo chí. Vì vậy trong chương trình đào tạo vẫn cần phải trang bị cho sinh viên những kiến thức rất bài bản, chuyên sâu. Điều này Viện ĐTBC&TT của VNU-USSH đã làm rất tốt điều đó. Tuy nhiên cũng cần đầu tư thêm về trang thiết bị để các em có thể thực hành luôn những kiến thức được học. Nên tạo ra kênh postcad, youtube riêng để sinh viên có thể upload những sản phẩm của mình ngay sau khi hoàn thiện. Có những khoá đào tạo ngắn hạn để trang bị thêm các kĩ năng (thiết kế đồ hoạ, đọc lời bình,…) đáp ứng nhu cầu thực tiễn xã hội đang đòi hỏi, xu hướng và thị hiếu nghe nhìn, thưởng thức của thế hệ độc giả mới.
MG 0272

Nhà báo Lê Bảo Trung ((Trưởng Ban Khoa học Công nghệ và Giáo dục, Báo điện tử Dân trí) chia sẻ: trong bối cảnh hiện nay với sức ép phải tự chủ và cạnh tranh khốc liệt, Báo Dân trí hay các cơ quan báo chí, truyền thông khác khi tuyển dụng nhân sự, dù là nhân sự trẻ, sinh viên mới ra trường cũng cần phải có đầy đủ các kĩ năng đa phương tiện như: dựng, quay, dẫn hiện trường, biên tập và đặc biệt phải chịu được áp lực. Sinh viên hiện nay, giỏi kiến thức, thích ứng nhanh với môi trường mới, tuy nhiên rất thiếu về khả năng “thực chiến” và yếu các kĩ năng đa phương tiện. Vì vậy, rất mong trong thời gian tới, Nhà trường có thể tăng cường thêm các học phần thực hành, để các em không bỡ ngỡ khi tham gia vào thị trường lao động và có cơ hội để được tuyển dụng tại những cơ quan thông tấn báo chí lớn.  
MG 0288

Nhà báo Đỗ Thế Dũng (Phó trưởng Ban Điện tử, Báo Hà Nội mới) nhấn mạnh: quan trọng nhất là người làm báo là xây dựng thông điệp, còn công nghệ chỉ là hình thức, công cụ để truyền tải thông điệp đến công chúng. Vì vậy, để có đem đến cho công chúng những thông điệp chuẩn mực, có chiều sâu cần có những nhà báo giỏi chuyên môn, có đạo đức, được đào tạo một cách bài bản.
MG 0290

Ths. Nguyễn Lê Đình Quý (VTC Academy) đánh giá cao ý tưởng xây dựng CTĐT Truyền thông đa phương tiện với nhiều nội dung mới, hấp dẫn và cập nhật với yêu cầu của thực tiễn. Ban biên soạn có thể cân nhắc gia tăng thêm số lượng tín chỉ cho một số học phần thực hành, đào tạo kĩ năng.
MG 0281

Nhà báo Đào Hùng Cường (Tạp chí Điện tử và Ứng dụng) nhấn mạnh việc đổi mới phương pháp giảng dạy, giảng viên mạnh dạn giao cho sinh viên bài tập nhóm, khuyến khích các em thực hành ngay những kiến thức đã học vào tình huống thực tiễn: thực hiện một phóng sự ngắn về một vấn đề xã hội, viết một content để đăng tải trên một kênh truyền thông nào đó thu hút nhiều độc giả nhất,…
MG 0313
 
MG 0311
Ths. Lê Thị Thơm (Học viện Hành chính Quốc gia) phát biểu tại toạ đàm
 
MG 0320
Nhà báo Nguyễn Phong Anh (Báo Kinh tế - Đô thị) phát biểu tại toạ đàm
 
Tổng kết Toạ đàm, TS Phan Văn Kiền một lần nữa gửi lời cảm ơn chân thành đến chuyên gia, các nhà báo, nhà khoa học đã đến tham dự Toạ đàm và đóng góp những ý kiến hết sức giá trị. Những phân tích về những quan điểm, góc nhìn từ lý luận và thực tiễn đối với vấn đề đào tạo báo chí và truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số của các chuyên gia tại buổi Toạ đàm ngày hôm nay không chỉ giúp cho Ban lãnh đạo Viện xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đào tạo nguồn nhân lực về báo chí, truyền thông trong bối cảnh mới. Các chuyên gia cũng thống nhất khẳng định: trong bối cảnh chuyển đổi số đào tạo báo chí và truyền thông cần phải không ngừng đổi mới, cập nhật nhưng cũng không thể xa rời các giá trị cốt lõi, bản sắc. Với tinh thần đó, Ban lãnh đạo Viện sẽ nghiêm túc tiếp thu tất cả các ý kiến đóng góp để tiếp tục điều chỉnh, đổi mới CTĐT hiện có và hoàn thiện CTĐT mới để sớm đưa vào đề án tuyển sinh của Trường ĐHKHXH&NV.
MG 0216

 

Tác giả: Hạnh Quỳnh - USSH Media

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây