Hội thảo khoa học quốc gia “200 năm kênh Vĩnh Tế - Giá trị lịch sử và tầm nhìn tương lai” nhằm làm rõ vai trò lịch sử của kênh Vĩnh Tế đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền, giữ vững an ninh, quốc phòng ở biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Qua đó, đề ra những giải pháp nhằm phát huy giá trị kênh Vĩnh Tế cho khu vực trong tương lai.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang khẳng định, công trình kênh Vĩnh Tế là minh chứng cho sự sáng suốt, tài tình của tiền nhân trong chinh phục thiên nhiên, thể hiện tầm nhìn chiến lược trong việc khẳng định chủ quyền lãnh thổ, khai khẩn vùng đất phương Nam, phát triển kinh tế, bang giao và cũng cố sức mạnh quốc phòng. Kênh Vĩnh Tế còn khẳng định thành tích to lớn trong sự nghiệp của danh thần Thoại Ngọc Hầu và phu nhân Châu Thị Tế.
Trải qua 2 thế kỷ, kênh Vĩnh Tế giữ vai trò đặc biệt quan trong trên nhiều phương diện, tuyến giao thông huyết mạch, kết nối các vùng, tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển, giao thương hàng hóa. Đồng thời, là nơi cung cấp nước ngọt bồi đắp phù sa cho ruộng đồng cả vùng Tứ giác Long Xuyên. Trên hết, kênh Vĩnh Tế đóng vai trò như một tuyến phòng thủ tự nhiên vững chắc bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc.
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang phát biểu khai mạc hội thảo
Tại hội thảo này, các đại biểu nghe báo cáo tham luận, ý kiến trao đổi, thảo luận tâm huyết, có tính khoa học cao về giá trị lịch sử, vai trò kênh Vĩnh Tế trong giữ vững quốc phòng - an ninh, phát triển kinh tế - xã hội và những kiến nghị, đề xuất trong việc phát huy giá trị to lớn của kênh Vĩnh Tế ở hiện tại và trong tương lai. Đây là nguồn tư liệu, cơ sở khoa học quý giá giúp tỉnh An Giang trong công tác quản lý, khai thác, bảo tồn cũng như hoạch định các chính sách phát triển liên quan đến kênh Vĩnh Tế, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh An Giang thời gian tới.
GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội trình bày tham luận “Kênh Vĩnh Tế và chuyển đổi kinh tế, xã hội, môi trường tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên”
GS.TS Nguyễn Văn Kim, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Việt Nam, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn trình bày tham luận “Kênh Vĩnh Tế - Giá trị lịch sử và giá trị văn hóa”
GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn trình bày tham luận "Tư liệu lưu trữ về kênh Vĩnh Tế (An Giang) - giá trị khoa học và định hướng khai thác"
Trình bày tham luận với chủ đề “Tư liệu lưu trữ về kênh Vĩnh Tế (An Giang): Giá trị khoa học và định hướng khai thác”, GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV đã giới thiệu một số nguồn tư liệu lưu trữ liên quan đến kênh Vĩnh Tế và vùng đất Tây Nam của tổ quốc. Thông qua giới thiệu và sơ bộ đánh giá giá trị của các nguồn tư liệu, bài viết gợi ý một số định hướng khai thác tư liệu lưu trữ để phục vụ công cuộc nghiên cứu chuyên sâu về dòng kênh đặc biệt này cũng như vùng đất Tây Nam Bộ.
Qua các nguồn châu bản triều Nguyễn, kênh Vĩnh Tế được ghi nhận không chỉ là đường biên giới và phòng thủ quân sự, mà còn là tuyến giao thương và khai thác kinh tế quan trọng của vùng Tây Nam Bộ. Tài liệu châu bản triều Nguyễn cung cấp thông tin về việc tổ chức, phân phối lương thực, tài chính cho dân binh tham gia đào kênh, đồng thời mô tả tình hình an ninh và giao thương của kênh trong bối cảnh vùng biên giới.
Tài liệu thời Pháp thuộc, như công báo và bản đồ hành chính, cho thấy Pháp tiếp tục khai thác và phát triển kênh Vĩnh Tế. Các bản đồ chi tiết về vùng Nam Kỳ giúp ghi lại vị trí, đặc điểm địa lý và tầm quan trọng của kênh Vĩnh Tế trong hệ thống hành chính và thương mại khu vực.
Theo GS.TS Hoàng Anh Tuấn, tư liệu lưu trữ về kênh Vĩnh Tế (châu bản triều Nguyễn, văn bản hành chính bằng tiếng Pháp, bản đồ) có giá trị đóng góp rất to lớn. Khối tài liệu này vừa có giá trị đối với những nghiên cứu khoa học hàn lâm, vừa đóng vai trò nền móng cho các nghiên cứu khoa học ứng dụng. Đối với nghiên cứu khoa học hàn lâm, đa dạng loại hình tài liệu và phong phú nội dung phản ánh có thể tạo tiền đề khả quan, triển vọng cho việc phát triển nghiên cứu liên ngành với nhiều hướng tiếp cận: tiếp cận lịch sử, tiếp cận môi trường sinh thái nhân văn, tiếp cận địa - kinh tế… Đối với nghiên cứu khoa học ứng dụng, các nguồn tài liệu có độ tin cậy cao sẽ là nền tảng vững vàng giúp hoạch định các chính sách, chiến lược phát triển với quan điểm phát triển tổng thể, phát triển bền vững cho một không gian/khu vực vùng kênh Vĩnh Tế.
GS.TS.Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, nguyên Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn phát biểu tổng kết hội thảo
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng phát biểu bế mạc hội thảo
Phát biểu bế mạc hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng nhấn mạnh, qua hơn một buổi làm việc khẩn trương với tinh thần nghiêm túc và trách nhiệm cao, Hội thảo khoa học cấp quốc gia “200 năm kênh Vĩnh Tế - Giá trị lịch sử và Tầm nhìn tương lai” đã hoàn thành nội dung, chương trình đề ra. Đây là hội thảo quan trọng, có ý nghĩa rất lớn trong việc công bố kết quả cùng những thành tựu nghiên cứu khoa học; đồng thời, cũng là cơ hội để tuyên truyền, quảng bá về những giá trị lịch sử nổi bật của kênh Vĩnh Tế và tỉnh An Giang.
Tỉnh An Giang sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp, nhất là các đề xuất quý báu của quý đại biểu và sẽ nghiên cứu, chọn lọc để thực hiện trong tương lai, trên cơ sở tổng kết thực tiễn. Các báo cáo khoa học gửi về hội thảo sẽ được biên tập hoàn chỉnh, in thành sách tham khảo, phổ biến rộng rãi những giá trị lịch sử 200 năm của kênh Vĩnh Tế để thế hệ trẻ hiểu hơn, yêu mến hơn về vùng đất lịch sử, giàu truyền thống An Giang.
Được biết, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ là đơn vị hỗ trợ tỉnh An Giang trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu để bảo tồn và khai thác giá trị kênh Vĩnh Tế nhân dịp lễ kỷ niệm 200 năm của công trình lịch sử này.
Báo An Giang: An Giang tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “200 năm kênh Vĩnh Tế - Giá trị lịch sử và tầm nhìn tương lai”