GS.TS Hoàng Anh Tuấn (Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV) khẳng định: Tọa đàm “Lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư ban hành Khung năng lực số cho người học sử dụng trong hệ thống giáo dục quốc dân” được tổ chức trong bối cảnh chuyển đổi số đang ngày diễn ra ngày càng mạnh mẽ, và đặt biệt là trí tuệ nhân tạo đang phát triển “chóng mặt”, đã và đang ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Điều này cho thấy Tọa đàm ngày hôm này là rất quan trọng, đây là dịp để chúng ta cùng nhau trao đổi, thảo luận và góp ý về bản dự thảo Khung năng lực số cho người học, nhằm đưa ra một bộ tiêu chuẩn chung, phù hợp, giúp nâng cao năng lực số cho người học ở tất cả các bậc học, góp phần vào việc phát triển nguồn nhân lực số toàn diện cho đất nước.
Thay mặt Ban Lãnh đạo Nhà trường, Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn gửi lời cảm ơn Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tin tưởng giao nhiệm vụ tổ chức Tọa đàm cho Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Với vai trò là một trong những cơ sở giáo dục hàng đầu trong lĩnh vực KHXH&NV, Trường ĐHKHXH&NV đã và đang tiên phong trong việc đưa các kỹ năng số vào trong chương trình giảng dạy và học tập. Trong thời gian qua, nhà trường đã triển khai thử nghiệm thành công các phương pháp và công cụ phát triển năng lực số cho sinh viên và giảng viên. VNU-USSH cũng là đơn vị được Meta lựa chọn đồng hành triển khai Dự án nâng cao năng lực số và kết quả, VNU-USSH là trường đại học đầu tiên tại Việt Nam ban hành Khung năng lực số cho sinh viên. Thành công ban đầu này là nền tảng quan trọng để VNU-USSH tự tin đóng góp vào việc hiện thực hóa Khung năng lực số, nhằm nâng cao trình độ và khả năng thích ứng của người học trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV Hoàng Anh Tuấn phát biểu tại Toạ đàm
Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Thu Thuỷ (Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT) chia sẻ ý nghĩa của việc xây dựng khung năng lực số chung cho người học trong toàn bộ hệ thống quốc dân: “Khung năng lực đóng vai trò quan trọng trong việc trang bị, định hình, phát triển kĩ năng số cho học sinh, sinh viên, người lao động ở các khía cạnh sau: trang bị nền tảng vững chắc về kiến thức, kĩ năng và thái độ liên quan đến công nghệ số; cung cấp các tiêu chí để đánh giá và tự đánh gia năng lực hiện tại, để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phù hợp, đồng thời việc ban hành khung năng lực này cũng đảm bảo tính nhất quán, tiêu chuẩn hoá trên phạm vi toàn quốc, khuyến khích người học tự học, sáng tạo suốt đời. Vì vậy, ý nghĩa của Khung năng lực số không chỉ dừng lại ở việc nâng cao chất lượng giáo dục mà còn mở ra cánh cửa cho sự đổi mới sáng tạo, giúp các em học sinh, sinh viên trở thành những công dân toàn cầu, có năng lực cạnh tranh trên thị trường lao động quốc tế. Đây cũng là cơ hội để thu hẹp khoảng cách số giữa các vùng miền, bảo đảm rằng mọi người học dù ở thành thị hay nông thôn đều có cơ hội tiếp cận và làm chủ công nghệ".
Đây là nội dung rất mới mẻ, nghiên cứu chủ yếu dựa trên kinh nghiệm quốc tế và về các nội dung đang phát triển, thay đổi rất nhanh chóng. Khung năng lực này sẽ liên quan, tác động đến tất cả người học trong hệ thống giáo dục quốc dân ở các bậc học, các vùng miền có sự chênh lệch khá lớn về điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin, trình độ đội ngũ giảng dạy và người học. Vì vậy, trong toạ đàm hôm nay cũng như thời gian tới, đơn vị chủ trì xây dựng mong muốn sẽ nhận được sự tham góp của các nhà hoạnh định chính sách, chuyên gia đầu ngành, các nhà giáo dục, từ các doanh nghiệp công nghệ góp ý về nội dung, đề xuất các giải pháp thiết thực, đóng góp vào việc hoàn thiện khung năng lực số, cũng như triển khai thành công Khung năng lực số dành cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân.
“Bộ Giáo dục và Đào tạo cảm ơn sự đồng hành, tham gia của Trường ĐHKHXH&NV trong quá trình chuẩn bị, xây dựng và hoàn thành Dự thảo khung năng lực số cho người học, cũng như chuẩn bị chu đáo cho buổi toạ đàm ngày hôm nay” – Bà Nguyễn Thu Thuỷ nhấn mạnh.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thuỷ phát biểu tại Toạ đàm
Đại diện cho đơn vị chủ trì biên soạn Dự thảo Khung năng lực số, ông Nguyễn Anh Dũng (Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT) chia sẻ: Khung năng lực số được xây dựng làm căn cứ thống nhất về yêu cầu năng lực số của người học trong hệ thống giáo dục quốc dân; là khung tham chiếu về tiêu chuẩn và hướng dẫn cho việc phát triển các năng lực số để các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân xác định nội dung, phương thức giúp người học có được năng lực số phù hợp với từng cấp học, bậc học; giúp người học phát triển các kỹ năng cần thiết để sử dụng công nghệ một cách hiệu quả, sẵn sàng đối mặt với những thách thức và cơ hội trong thế giới số hóa và là nền tảng cho việc học tập suốt đời; bảo đảm tất cả người học đều có cơ hội tiếp cận và phát triển các năng lực số, góp phần giảm thiểu sự chênh lệch trong khả năng tiếp cận và sử dụng công nghệ; làm căn cứ xây dựng chương trình, biên soạn hoặc lựa chọn giáo trình, sách giáo khoa, kế hoạch giảng dạy, các tài liệu dạy học để nâng cao năng lực số khác và xây dựng tiêu chí trong kiểm tra, thi và đánh giá ở từng cấp học, trình độ đào tạo, đảm bảo sự liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo; đảm bảo hệ thống giáo dục đáp ứng được nhu cầu của thời đại số, đồng thời giúp người học phát triển toàn diện, bền vững.
Theo Dự thảo, Khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm 6 miền năng lực (Khai thác dữ liệu và thông tin; Giao tiếp và hợp tác trong môi trường số; Sáng tạo nội dung số; An toàn; Giải quyết vấn đề; Sử dụng trí tuệ nhân tạo tạo sinh) với 24 năng lực thành phần, được chia thành 4 trình độ với 8 cấp độ từ cơ bản đến chuyên gia.
Trong mỗi miền năng lực, Dự thảo đưa ra bản mô tả chi tiết các các năng lực thành phần cụ thể và các biểu hiện từng cấp độ từ cơ bản – trung cấp – nâng cao – chuyên sâu (mỗi cấp độ gồm 2 bậc).
Đại diện nhóm biên soạn, PGS.TS Đỗ Văn Hùng chia sẻ: Khi biên soạn Dự thảo khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân tại Việt Nam, nhóm biên soạn đã sử dụng khung tham chiếu là khung năng lực DigComp 2.2 , bởi đây là khung năng lực rất phổ biến ở châu Âu, được nhiều quốc gia tham khảo, đồng thời tích hợp thêm năng lực sử dụng về trí tuệ nhân tạo tạo sinh.
Trong phần nội dung, bên cạnh việc đưa ra khái niệm về “Năng lực số” đồng thời chỉ ra biểu hiện cụ thể (năng lực thành phần) của năng lực số theo từng cấp độ từ đơn giản đến cấp độ chuyên gia. Trên cơ sở đó các đơn vị giáo dục có thể xây dựng các chương trình đào tạo, doanh nghiệp về công nghệ phát triển các sản phẩm, nền tảng công nghệ để hỗ trợ quá trình đào tạo và tự đào tạo về năng lực số cho người học.
PGS.TS Đỗ Văn Hùng cũng nhấn mạnh: “Nhóm biên soạn cũng tham khảo khung năng lực số của UNESCO, của nhiều quốc gia phát triển trên thế giới, để đảm bảo tính hội nhập toàn cầu. Tuy nhiên, cũng phải đảm bảo thích hợp với điều kiện của Việt Nam và đảm bảo tính khả thi, giúp người học đạt được những năng lực số cần thiết. Trong toạ đàm ngày hôm nay, nhóm biên soạn mong muốn được lắng nghe các ý kiến góp ý từ phía chuyên gia, nhà quản lí giáo dục, các đơn vị đào tạo cấp phổ thông, đại học, từ các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ,…
Cần tính đến điều kiện cụ thể khi triển khai khung năng lực số trong toàn hệ thống giáo dục quốc dân
Tại tọa đàm, các ý kiến đều cơ bản thống nhất đánh giá cao vai trò, sự cần thiết của việc ban hành khung năng lực số cho người học, đồng thời đóng góp nhiều ý kiến cụ thể nhằm hoàn thiện nội dung khung năng lực số cũng như đảm bảo thông tư được triển khai thành công trên thực tế.
Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Anh Dũng và Hiệu trưởng VNU-USSH Hoàng Anh Tuấn chủ trì phiên thảo luận
PGS.TS Hồ Quốc Bằng (Phó Trưởng ban Đào tạo ĐHQG TP Hồ Chí Minh) chia sẻ: hiện nay Đại học Quốc gia TP HCM đang đẩy mạnh xây dựng khung năng lực số cho giảng viên trong hệ thống. Vì vậy, Thông tư là căn cứ rất quan trọng để ĐHQG TP Hồ Chí Minh có thể soi chiếu, hoàn thiện khung năng lực số cho đội ngũ giảng dạy, đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Phó Trưởng ban Đào tạo ĐHQG TP Hồ Chí Minh Hồ Quốc Bằng cũng mong muốn song song với việc ban hành thông tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có hướng dẫn cụ thể để thực hiện thống nhất, đảm bảo một chuẩn đầu ra tương đối thống nhất cho cấp học trong toàn quốc.
Theo ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế, năm 2025, ngành Giáo dục tổng rà soát việc thực hiện Chương trình GDPT 2018. Đây là dịp để có thể tích hợp năng lực số một cách phù hợp vào trong kế hoạch giảng dạy của các cơ sở đào tạo. Ông Nguyễn Tân cũng cho rằng, cần có sự chuẩn bị chu đáo từ đội ngũ giáo viên và điều kiện hạ tầng nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Thông tư này.
Từ góc độ cơ sở giáo dục phổ thông ông Hoàng Minh Hiệu trưởng trường THPT Phú Bài (Thừa Thiên Huế) cho rằng, việc đào tạo khung năng lực số cho học sinh phổ thông theo các nội dung đề ra trong thông tư là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, trong cách triển khai thực hiện ưu tiên sử dụng phương án tích hợp vào các môn học trong CTGD phổ thông, không nên tách thành một môn học độc lập”.
Ông Hà Ngọc Lưu (Học viện Cảnh sát nhân dân) cho biết đơn vị đã xây dựng khung năng lực số cho sinh viên có tham khảo khung năng lực số do Trường ĐHKHXH&NV ban hành. Việc ban hành một khung năng lực số chung cho toàn hệ thống giáo dục quốc dân là căn cứ pháp lí vô cùng quan trọng để các cơ sở giáo dục thực hiện một cách thống nhất. Tuy nhiên trong quá trình triển khai cũng nên tính đến yếu tố chênh lệch về các điều kiện kinh tế, xã hội, nền tảng về hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, mức độ tiếp thu của người học giữa thành thị và nông thôn, vùng sâu vùng xa. Trong khung năng lực nên nhấn mạnh yếu tố đạo đức trên môi trường số.
Đại diện các doanh nghiệp, các tập đoàn công nghệ với vai trò là đơn vị sử dụng nguồn nhân lực sau khi tốt nghiệp, xây dựng các nền tảng công nghệ hỗ trợ việc triển khai đào tạo năng lực số cho người học khi tham gia tọa đàm cũng đã tham góp nhiều ý kiến
Ông Trương Quốc Hùng (Chủ tịch Tập đoàn EMG Group, Chủ tịch ICDL Việt Nam) cho rằng: Để đảm bảo thông tư triển khai một cách thành công ở tất cả các cấp học, bậc học trong hệ thống giáo dục quốc dân thì đầu tiên phải đào tạo và đánh giá khung năng lực số của những người tham gia công tác quản lí, giảng dạy về công nghệ thông tin, năng lực số.
Ông Trương Anh Tuấn, Phó Chủ tịch CLB Phần mềm tự do nguồn mở (VFOSSA), Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Giải pháp Thông tin bày tỏ mong muốn khi xây dựng khung năng lực số nội dung giáo trình nên là học liệu mở, nhằm chia sẻ, tái sử dụng các kiến thức một cách rộng rãi…
Với tinh thần cầu thị và cẩn trọng cao nhất, Ban soạn thảo, tổ biên tập dự thảo Thông tư sẽ tiếp thu tất cả những ý kiến đóng góp rất cởi mở đến từ các chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo dục, doanh nghiệp và cơ quan quản lí giáo dục tại Toạ đàm hôm nay để rà soát, cập nhật và hoàn thiện Thông tư trong thời gian tới.
Một số hình ảnh các đại biểu tại Toạ đàm lấy ý kiến góp ý Thông tư ban hành Khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân tổ chức tại VNU-USSH
Với vai trò chủ động nghiên cứu và áp dụng khung năng lực số dành cho sinh viên cũng như tiên phong trong chuyển đổi số ngày 2/5/2024 vừa qua, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhăn văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã ban hành Khung năng lực số cho sinh viên của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội gồm 7 nhóm năng lực với 26 tiêu chí. Đây là khung năng lực số đầu tiên tại Việt Nam và đã được hơn 150 trường tham khảo sử dụng xây dựng các nội dung đào tạo và đánh giá khung năng lực số cho sinh viên.
Trước đó, ngay từ năm 2020, Trường ĐHKHXH&NV đã hợp tác với Tập đoàn Meta triển khai dự án Nâng cao Nâng cao năng lực số cho học sinh, sinh viên. Trên cơ sở kết quả giai đoạn 1 của Dự án, tháng 11/2022, Trường ĐHKHXH&NV đã phối hợp với Hiệp hội các Trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam, Tập đoàn Meta tổ chức Hội thảo “Năng lực số cho sinh viên trong bối cảnh chuyển đổi số giáo dục đại học”. Tại Hội thảo, nhóm chuyên gia của Trường ĐH KHXH&NV đã giới thiệu Khung năng lực số cho sinh viên đầu tiên tại Việt Nam, dựa trên quá trình nghiên cứu và tham khảo nhiều khung năng lực số phổ biến trên thế giới. Khung năng lực số nhận được sự đánh giá rất cao từ phía từ các chuyên gia, nhà quản lí, trường đại học, tập đoàn công nghệ hàng đầu tại Việt Nam. Đồng thời, hai tài liệu là cuốn “Cẩm nang phát triển năng lực số” và bộ sách chuyên khảo “Năng lực số” được đại diện nhóm biên soạn giới thiệu chi tiết tại hội thảo.
Khung năng lực cho sinh viên lần đầu tiên tại Việt Nam do VNU-USSH ban hành
|
Bộ sách chuyên khảo “Năng lực số”
|
Đầu năm 2023, Trường ĐHKHXH&NV vẫn tiếp tục được Tập đoàn Meta tin tưởng lựa chọn là đơn vị tiếp tục triển khai dự án về Nâng cao năng lực ứng dụng trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Gen AI) trong hoạt động giảng dạy, học tập cho cán bộ giảng viên, sinh viên. Điều đó cho thấy Trường ĐHKHXH&NV tham gia rất chủ động, tích cực và hiệu quả vào tiến trình xây dựng khung năng lực số cho sinh viên và người học nói chung.
|
>>>> Báo chí đưa tin:
- Bộ Giáo dục và Đào tạo:
Khung năng lực số góp phần phát triển nguồn nhân lực số cho đất nước
- Giáo dục và Thời đại:
Góp ý xây dựng khung năng lực số cho người học