Tin tức

Đề xuất giải pháp đột phá trong đào tạo, sử dụng và thu hút nhân tài

Thứ ba - 26/11/2024 04:18
Đây là nội dung được các nhà khoa học thảo luận tại hội thảo với chủ đề "Các giải pháp đột phá trong đào tạo, sử dụng và thu hút nhân tài phục vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước" được tổ chức sáng nay 26/11/2024 tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN.
Hội thảo thu hút sự tham dự của các nhà khoa học ở nhiều lĩnh vực khác nhau, cán bộ quản lý, những người quan tâm thuộc Hội đồng Lý luận Trung ương; Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN (VNU-USSH), Học viện Chính trị Công an Nhân dân và một số trường đại học, học viện, v.v.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ của Nhiệm vụ Khoa học công nghệ "Đào tạo, sử dụng và thu hút nhân tài - đột phá chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững đất nước" (Mã số: KX04.28).
GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV; Chủ nhiệm Đề tài KX.04.28/21-25
PGS.TS Nguyễn Văn Chiều - Chủ nhiệm khoa Khoa học Chính trị, Trường ĐH KHXH&NV báo cáo các kết quả đã đạt được của Đề tài KX.04.28
Theo GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV; Chủ nhiệm Đề tài KX.04.28/21-25, đây là nhiệm vụ khoa học công nghệ quốc gia do Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN chủ trì thực hiện nghiên cứu và bước đầu đã đạt được một số kết quả. Ban chủ nhiệm đề tài đã hoàn thành hệ thống các chuyên đề chuyên môn trong Đề tài nhằm triển khai các sản phẩm khoa học mà Đề tài đã đăng ký. Đến nay, báo cáo tổng quan, báo cáo kiến nghị và bản thảo khoa học dự kiến đang được các nhà khoa học hoàn thiện và nghiệm thu cấp cơ sở vào cuối năm 2024.
Với đội ngũ chuyên gia dày dặn kinh nghiệm trong và ngoài Trường ĐH KHXH&NV, các chuyên gia quốc tế, bản thảo đã hội tụ ý kiến đóng góp của các nhà khoa học ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Hội thảo khoa học "Các giải pháp đột phá trong đào tạo, sử dụng và thu hút nhân tài phục vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước" chính là diễn đàn để các nhà khoa học thảo luận, đóng góp ý kiến để Ban chủ nhiệm đề tài điều chỉnh, bổ sung nhằm mang đến chất lượng chuyên môn cao nhất cho bản thảo.
Hội thảo đã nhận được rất nhiều ý kiến thảo luận, đóng góp của các nhà khoa học ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
GS.TS Phùng Hữu Phú - Nguyên UVTW Đảng, Nguyên PCT thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, Chủ tịch Hội đồng khoa học và Đào tạo Trường ĐH KHXH&NV nhấn mạnh, đề tài cần làm rõ khái niệm thế nào là nhân tài, tiêu chí đánh giá nhân tài, từ đó mới có chính sách đột phá. Bên cạnh đó, cần đổi mới nhận thức về thu hút, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài trong hệ thống chính trị.
GS.TS Phùng Hữu Phú nhấn mạnh về việc cần đổi mới nhận thức thu hút, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài trong hệ thống chính trị
Đánh giá cao ý nghĩa, giá trị của đề tài KX04.28, PGS.TS Bùi Trường Giang - Phó Chủ tịch chuyên trách, Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh, đây là đề tài có tính cấp thiết trong bối cảnh đất nước hiện nay. Đóng góp ý kiến vào báo cáo dự thảo, PGS.TS Bùi Trường Giang cho biết, Đề tài cần bổ sung dầy dặn hơn các kinh nghiệm quốc tế từ những quốc gia đã thành công trong việc đào tạo, sử dụng, thu hút nhân tài để tổng kết thành những bài học, đặc biệt trong khu vực công tại Việt Nam.
PGS.TS Bùi Trường Giang - Phó Chủ tịch chuyên trách, Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương
Đặt ra câu hỏi về mục tiêu đào tạo của các trường THPT chuyên và hệ đào tạo chất lượng cao tại các trường đại học trong cả nước, PGS.TS Lưu Bích Ngọc - Chánh Văn phòng Hội đồng Quốc gia về Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực chia sẻ, cần đưa ra tiêu chí về đào tạo toàn diện cho các em học sinh, sinh viên ở các đơn vị đào tạo này. Ngoài việc đào tạo mũi nhọn về tri thức, cần đào tạo kỹ năng để trang bị toàn diện cho học sinh, sinh viên, góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Hiện nay nhiều địa phương đã có các chính sách tuyển dụng, thu hút nhân tài, tuy nhiên vẫn có những điểm vênh so với thực tế, ví dụ như việc chấm điểm các tiêu chí, chứng chỉ không thuận lợi cho các nhân sự được đào tạo tại các quốc gia trên thế giới trở về Việt Nam làm việc. PGS.TS Lưu Bích Ngọc nhấn mạnh, các cơ quan hữu quan đã và đang có những giải pháp để tháo gỡ vấn đề này. Những vấn đề nêu trên cần được nghiên cứu, bổ sung để đưa vào nội dung kiến nghị giải pháp của Đề tài.
PGS.TS Lưu Bích Ngọc - Chánh Văn phòng Hội đồng Quốc gia về Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực, Bộ Giáo dục và Đào tạo
Ông Lê Đức Thắng - Hội đồng Lý luận Trung ương đánh giá cao uy tín của Trường ĐH KHXH&NV trong việc tham gia nghiên cứu, triển khai các đề tài khoa học quốc gia, trong đó đề tài KX.04 đã bám sát được mục tiêu và những nhiệm vụ do Hội đồng Lý luận TƯ đặt ra và có một số điều chỉnh phù hợp. Bên cạnh đó, ông Lê Đức Thắng kiến nghị, Đề tài cần xây dựng bộ tiêu chí đánh giá thế nào là nhân tài, đưa ra các kiến nghị mới trong sử dụng nhân tài để làm phong phú và nâng cao chất lượng khoa học của Đề tài.
Ông Lê Đức Thắng - Hội đồng Lý luận Trung ương
PGS.TS Lê Thị Thanh Hà - Phó Viện trưởng Viện XHH và phát triển, Học viện Chính trị quốc gia HCM
Đóng góp ý kiến nhằm hoàn chỉnh dự thảo báo cáo của Đề tài, GS.TS Nguyễn Văn Khánh - Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV kiến nghị Đề tài cần nhấn mạnh về các giải pháp để thu hút, sử dụng, bồi dưỡng nhân tài, nhất là trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, nhân tài học tập tại nước ngoài và có nguyện vọng về nước làm việc…
GS.TS Nguyễn Văn Khánh - Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV
TS. Nguyễn Văn Đáng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, chuyên gia trong lĩnh vực chính sách công cho biết, cần phân loại, đánh giá người tài ở các lĩnh vực khác nhau để xây dựng các chính sách phù hợp, gồm chính sách ngắn hạn và dài hạn. Thiết lập thể chế trọng người tài ở phạm vi quốc gia với hình thức thi tuyển cạnh tranh là bài học từ nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới như Singapo, Trung Quốc, Nhật Bản… mà chúng ta có thể học hỏi.
TS. Nguyễn Văn Đáng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
TS. Trịnh Ngọc Thạch - Nguyên Phó Chủ nhiệm UBVH, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, Trưởng bộ môn Chính sách công, Khoa Khoa học Quản lý, Trường ĐH KHXH&NV tham góp ý kiến tại hội thảo
Hội thảo thu hút sự tham dự và đóng góp ý kiến của nhiều nhà khoa học ở các lĩnh vực khác nhau
Ban chủ nhiệm đề tài sẽ tiếp thu tối đa ý kiến của các nhà khoa học để hoàn thiện báo cáo của đề tài, từ đó có các nội dung tư vấn chính sách hiệu quả trong đào tạo, sử dụng, thu hút nhân tài phục vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Trước đó, vào tháng 5/2024, Ban chủ nhiệm đề tài đã tổ chức hội thảo khoa học “Quan điểm, chính sách và thực trạng đào tạo, sử dụng và thu hút nhân tài ở Việt Nam hiện nay” và nhận được nhiều ý kiến tham luận của gần 80 chuyên gia, nhà khoa học trong các lĩnh vực: giáo dục, văn hóa nghệ thuật, khoa học công nghệ, kinh tế, khoa học quản lý… Hội thảo đã thảo luận, làm rõ hệ quan điểm, chính sách cũng như đánh giá thực trạng đào tạo, sử dụng, thu hút nhân tài ở Việt Nam giai đoạn hiện nay với các luận điểm mới.

Tin bài liên quan:
Quan điểm, chính sách và thực trạng đào tạo, sử dụng và thu hút nhân tài ở Việt Nam hiện nay
Tạp chí điện tử Lý luận chính trị: Đào tạo, sử dụng và thu hút nhân tài trong lĩnh vực giáo dục ở Việt Nam hiện nay

Tác giả: Thuỳ Dung – USSH Media

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây