Tin tức

Nguyễn Đình Thi - “Bát ngát ánh bình minh”

Thứ ba - 12/11/2024 04:47
Bức chân dung đa chiều về Nguyễn Đình Thi - nhà lãnh đạo văn hóa, văn nghệ xuất sắc, người nghệ sĩ đa tài, luôn tiên phong đổi mới sáng tạo đã được các nhà khoa học dựng lại trong tọa đàm Nguyễn Đình Thi - “Bát ngát ánh bình minh”, do khoa Văn học, Trường ĐH KHXH&NV tổ chức sáng nay 12/11/2024.
Khắc hoạ bức chân dung đa diện về một người lãnh đạo văn hóa, nghệ sĩ xuất sắc
Đọc lại những vần thơ quen thuộc trong bài “Đất nước” của nhà thơ Nguyễn Đình Thi, GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV chia sẻ, Nguyễn Đình Thi thật gần gũi với người dân Việt Nam qua các tác phẩm văn học, âm nhạc, lý luận phê bình văn học… Tọa đàm khoa học Nguyễn Đình Thi - “Bát ngát ánh bình minh” do khoa Văn học tổ chức với sự tham dự của các nhà khoa học của Trường ĐH KHXH&NV và nhiều đơn vị nghiên cứu uy tín khác là dịp để chúng ta cùng nhìn lại một cách xuyên suốt những đóng góp của Nguyễn Đình Thi đối với nền văn học nghệ thuật nước nhà. Những kết quả nghiên cứu của toạ đàm sẽ góp chung vào những thành tựu khoa học của nhà trường, làm dầy thêm truyền thống và di sản của các thế hệ thầy và trò từ 80 năm truyền thống Đại học Tổng hợp đến 30 năm Trường ĐH KHXH&NV.
GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV
Nguyễn Đình Thi (1924 - 2003) quê ở Hà Nội nhưng sinh ra ở Luang Prabang (Lào), sau đó theo bố mẹ về nước và đi học ở Hà Nội, Hải Phòng. Từ nhỏ, Nguyễn Đình Thi nổi tiếng thông minh, học rất giỏi các môn, đặc biệt là Triết học. Là một trí thức yêu nước, tham gia Việt Minh từ năm 17 tuổi, ông đã trở thành một cán bộ chủ chốt của Hội Văn hóa Cứu quốc (1943). Ông nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, đại biểu quốc hội khóa I, khóa II, khóa III của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Nguyễn Đình Thi là nhà lãnh đạo văn nghệ xuất sắc, đầy tài năng và tâm huyết, nắm giữ các chức vụ cao trong suốt 57 năm. Với tài năng tổ chức lãnh đạo văn nghệ và với uy tín cá nhân cao, với lập trường cách mạng vững vàng, Nguyễn Đình Thi có công lao to lớn trong sự nghiệp xây dựng phát triển nền văn hóa, nghệ thuật Việt Nam thời hiện đại.
Nguyễn Đình Thi hiện diện và được đón nhận nồng nhiệt với nhiều tác phẩm nổi tiếng trong lĩnh vực: âm nhạc (Diệt phát xít, Người Hà Nội); tiểu luận phê bình (Mấy vấn đề văn học, Công việc của người viết tiểu thuyết); viết truyện, tiểu thuyết (Xung kích, Bên bờ sông Lô, Vỡ bờ); thơ (Người chiến sĩ, Bài thơ Hắc Hải); Kịch (Con nai đen, Giấc mơ)…
PGS.TS Phạm Xuân Thạch - Trưởng khoa Văn học, Trường ĐH KHXH&NV
PGS.TS Phạm Xuân Thạch – Trưởng khoa Văn học cho biết, Trường ĐH KHXH&NV là đơn vị đầu tiên tổ chức tọa đàm nghiên cứu về Nguyễn Đình Thi, hòa chung với các hoạt động của Hà Nội nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi.
Tọa đàm nhận được gần 20 bài tham luận từ các nhà nghiên cứu khoa học, các học giả với cái nhìn đa diện, dựng lại chân dung của Nguyễn Đình Thi ở mọi phương diện và sẽ xuất bản thành cuốn kỷ yếu khoa học ngay sau toạ đàm. Các chủ đề tham luận được trình bày đã khắc hoạ bức chân dung về một Nguyễn Đình Thi tài hoa, xuất sắc ở nhiều lĩnh vực, từ khái quát như đề tài “Nguyễn Đình Thi - nghệ sĩ tiên phong trên mặt trận văn nghệ” (của PGS.TS Trần Khánh Thành), “Nguyễn Đình Thi hay là một vị thế trong trường văn học, khảo sát trên Tạp chí Văn học giai đoạn 1960 - 2004 (của PGS.TS Phạm Xuân Thạch), “Nguyễn Đình Thi và hành trình đổi mới văn học” (của PGS.TS Hà Văn Đức); đến những khía cạnh chi tiết như “Nguyễn Đình Thi và văn học Pháp” (của nhà nghiên cứu Trần Hinh), “Nguyễn Đình Thi với Hà Nội” (của Giáo sư Mã Giang Lân); “Kịch Nguyễn Đình Thi” (của PGS.TS Phạm Quang Long)…
TS. Nguyễn Thị Năm Hoàng đồng chủ trì phiên thảo luận tại toạ đàm
Nguyễn Đình Thi - nghệ sĩ tiên phong trên mặt trận văn nghệ
Theo PGS.TS Trần Khánh Thành - Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận văn học nghệ thuật trung ương, giảng viên khoa Văn học, Trường ĐH KHXH&NV, nhấn mạnh, Nguyễn Đình Thi là người hoạt động chính trị, là nhà lãnh đạo văn hóa, văn nghệ xuất sắc nhưng nhắc đến ông, mọi người nghĩ đến một nghệ sĩ đa tài, luôn tiên phong đổi mới sáng tạo, góp phần hiện đại hóa nền văn nghệ Việt Nam từ sau Cách mạng tháng Tám. Ông sáng tác nhạc, làm thơ, viết tiểu thuyết, kịch, tiểu luận phê bình, ở lĩnh vực nào ông cũng có những đóng góp to lớn, mang tính khai phá, cách tân táo bạo.
PGS.TS Trần Khánh Thành khẳng định: “Với tài năng sáng tạo đa dạng, nhà thơ, nhà văn, kịch tác gia, nhà lãnh đạo văn nghệ xuất sắc Nguyễn Đình Thi để lại cho chúng ta một di sản văn hoá to lớn, phong phú. Ở nhiều lĩnh vực nghệ thuật, ông đã để lại những tác phẩm xuất sắc, có sức sống lâu bền, có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống văn hoá, nghệ thuật nước nhà”.
PGS.TS Trần Khánh Thành - Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận văn học nghệ thuật trung ương
Nhắc nhớ về tình cảm đặc biệt và những thành tựu của Nguyễn Đình Thi gắn với Hà Nội, Giáo sư Mã Giang Lân đánh giá, Nguyễn Đình Thi gắn bó với Hà Nội qua nhạc, thơ, văn. Ông là sự kết tinh những phẩm chất chung của con người Hà Nội thông minh, lịch thiệp, tài hoa và nâng lên ở tầm vóc mới bằng một trí tuệ uyên bác và trái tim mẫn cảm giàu lòng nhân ái.
Nguyễn Đình Thi đến với cách mạng bằng tấm lòng yêu nước tha thiết với tất cả phẩm chất tài hoa, lãng mạn của một thanh niên Hà Nội. Hà Nội luôn trong trái tim ông và hiện lên ở các sáng tác xuất sắc như bài hát “Diệt phát xít”, “Người Hà Nội” – những ca khúc mãi in đậm trong tâm hồn, tình cảm của người Hà Nội nói riêng và người Việt Nam nói chung.
“Từ Nguyễn Đình Thi, chúng ta có thể nghĩ tới những nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ khác: dù sinh ra ở đâu, hoạt động ở đâu thì khí chất quê cha đất tổ vẫn là một hằng số” - Giáo sư Mã Giang Lân nhấn mạnh.
Giáo sư Mã Giang Lân trao đổi tại toạ đàm
PGS.TS Hà Văn Đức - nguyên Trưởng khoa Văn học, Trường ĐH KHXH&NV khẳng định, công bằng và khách quan mà nói, thì không phải tất cả những ý tưởng đổi mới của Nguyễn Đình Thi về thơ cũng như kịch bản văn học đều thành công cả. Nhưng với những gì mà ông đã làm được cho sự phát triển của nền văn học Việt Nam cũng thật đáng quý, đáng trân trọng. Nguyễn Đình Thi là nhà văn suốt đời trăn trở, suy tư đi tìm cái mới, luôn có ý thức tìm tòi sáng tạo trong nội dung cũng như hình thức của văn học nghệ thuật. Về nhiều phương diện, ông là người đi trước thời đại của mình, vì chính điều đó đã khiến ông gặp không ít những khó khăn trở ngại.
“Đến hôm nay, nhìn lại chặng đường sáng tác của Nguyễn Đình Thi đã đi qua, những thành công cũng như những đóng góp của ông đối với nền văn học nghệ thuật nước nhà, chúng ta càng thêm khẳng định vị trí, vai trò của ông - một nhà văn lớn tài năng, một người luôn nặng lòng, đau đáu với những cách tân, đổi mới văn học”.
PGS.TS Hà Văn Đức - nguyên Trưởng khoa Văn học, Trường ĐH KHXH&NV trình bày tham luận tại tọa đàm
PGS.TS Phạm Thành Hưng trình bày tham luận với chủ đề “Nhà thơ Nguyễn Đình Thi với “Giấc mơ” thời hậu chiến”
PGS.TS Phạm Quang Long - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, giảng viên khoa Văn học chia sẻ về kịch của Nguyễn Đình Thi
Nhà nghiên cứu Trần Hinh trình bày tham luận “Nguyễn Đình Thi với văn học Pháp”
Những cuộc đối thoại trong kịch thơ “Giấc mơ” là đề tài tham luận được TS. Đỗ Thị Thu Huyền – Tạp chí Lý luận phê bình văn học, Hội đồng Lý luận văn học nghệ thuật trung ương trao đổi tại tọa đàm 
Các nhà khoa học, giảng viên của khoa Văn học chụp ảnh lưu niệm sau toạ đàm
Toạ đàm khép lại nhưng mở ra nhiều dư địa cho việc tìm tòi, nghiên cứu những thành tựu to lớn của Nguyễn Đình Thi đối với các lĩnh vực của đời sống văn hoá, nghệ thuật nước nhà, khẳng định vị thế của một con người tài hoa xuất sắc của thế kỷ XX.

Tác giả: Thuy Dzung - USSH Media

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây