Tin tức

Cánh chim đầu đàn của Bộ môn Lịch sử Triết học phương Đông và tư tưởng Triết học Việt Nam

Thứ năm - 03/09/2015 21:44
Giáo sư, tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú Lê Văn Quán là một trong những giáo sư đầu ngành Hán Nôm, Triết học phương Đông tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nay là Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Giáo sư Lê Văn Quán sinh năm 1934 tại xã Quảng Thịnh, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Là người con của quê hương hiếu học, nơi sản sinh ra nhiều vĩ nhân của dân tộc Việt Nam, giáo sư Lê Văn Quán là một tấm gương tiêu biểu cho sự nỗ lực tự học, phấn đấu không ngừng trong sự nghiệp giảng dạy, nghiên cứu khoa học, đạt được thành tích cao.Anchor
Cánh chim đầu đàn của Bộ môn Lịch sử Triết học phương Đông và tư tưởng Triết học Việt Nam
Cánh chim đầu đàn của Bộ môn Lịch sử Triết học phương Đông và tư tưởng Triết học Việt Nam

Năm 1956, thầy tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Hán Văn tại Khu học xá, Nam Ninh, Trung Quốc. Năm 1962, thầy trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Thầy bắt đầu giảng dạy tại Hán Văn tại Khoa Văn học, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội từ năm 1965. Thầy say mê giảng dạy, nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ. Năm 1979, thầy bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ chuyên ngành Ngữ văn với đề tài Nguồn gốc, kết cấu chữ Nôm tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1984, thầy được Nhà nước phong học hàm Phó giáo sư. Từ năm 1983, thầy nhận thêm nhiệm vụ giảng dạy trên đại học tại trường Đại học Tổng hợp và Viện Hán Nôm. Thầy đã hướng dẫn thành công nhiều nghiên cứu sinh, thạc sĩ chuyên ngành Hán Nôm, ngành Văn học. Năm 2000  thầy được phong học hàm Giáo sư.

Thầy Lê Văn Quán là tấm gương nỗ lực học tập, nghiên cứu và giảng dạy không chỉ  trong lĩnh vực chuyên môn mà còn trong việc học ngoại ngữ. Thầy thành thạo tiếng Trung Quốc, đã từng giảng dạy tiếng Trung Quốc tại ĐH Ngoại ngữ  Hà Nội.  Năm 1982, thầy tham gia học chuyên tu tiếng Nga tại ĐH Ngoại ngữ Hà Nội. Trong thời gian 10 tháng làm chuyên gia tại cộng hòa Pháp, thầy đã tự trau dồi tiếng Pháp, cộng tác biên dịch công trình Tân biên truyền kỳ mạn lục tăng bổ giải âm tập chú sang tiếng Pháp.

Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú Lê Văn Quán - Chủ nhiệm Bộ môn lịch sử Triết học phương Đông và Tư tưởng triết học Việt Nam (1993-2002). Ông là một trong những nhà khoa học đầu ngành về Hán Nôm, Triết học phương Đông.

Ảnh: Thành Long

Năm 1989, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội giao nhiệm vụ cho thầy cùng với một số cán bộ Khoa Triết học thành lập và phát triển hướng chuyên ngành Lịch sử triết học phương Đông tại Khoa Triết học. Thầy công tác tại Khoa Triết học từ đó đến khi nghỉ hưu (năm 2002). Năm 1993, Bộ môn Lịch sử Triết học Phương Đông và tư tưởng Việt Nam được thành lập, thầy làm Chủ nhiệm Bộ môn. Trong thời gian công tác, thầy đã dốc toàn tâm toàn trí cho việc giảng dạy, viết giáo trình, sách chuyên khảo, sách tham khảo về triết học, văn hóa phương Đông và Việt Nam. Giáo sư Lê Văn Quán đã hướng dẫn thành công nhiều nghiên cứu sinh, học viên cao học ngành Triết học.

Thầy khẳng định có triết học Việt Nam nhưng để tìm ra và làm rõ triết học Việt Nam cần phải khai thác từ tư tưởng triết học phương Đông, từ tư tưởng chính trị, tư tưởng đạo đức, giáo dục, thẩm mỹ… Thầy là người đầu tiên hướng dẫn các học viên, nghiên cứu sinh ngành triết học làm các đề tài về triết học Trung Quốc và tư tưởng Việt Nam (trong đó có tôi).  Thầy dạy môn Lịch sử triết học Trung quốc, Nhập môn Chu Dịch, Chu dịch và Khoa học quản lý cho sinh viên, học viên cao học ngành Triết học, ngành Quản lý xã hội. Những công trình khoa học có giá trị to lớn như: Khảo luận Tư tưởng Chu Dịch, Chu Dịch – Vũ trụ quan, Đại cương Lịch sử Tư tưởng Trung Quốc, Chu Dịch với Khoa học quản lí, Các nhà tiên tri Việt Nam, Â m Dương ngũ hành với đời sống con người, Nguồn văn hóa truyền thống Việt Nam, Lịch sử  tư tưởng chính trị - xã hội Việt Nam qua các thới kỳ từ tiền sử đến phong kiến...Những công trình, những cuốn sách thầy viết là nền tảng cho công tác nghiên cứu về tư tưởng Triết học phương Đông và tư tưởng chính trị - xã hội Việt Nam.  Đó cũng chính là kim chỉ nam cho đường hướng xây dựng và phát triển của bộ môn Lịch sử triết học phương Đông và tư tưởng triết học Việt Nam của khoa Triết học.

Khi tôi là sinh viên năm thứ 3 Khoa Triết học, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, chúng tôi rất háo hức khi thấy trong thời khóa biểu có môn học Lịch sử triết học Trung Quốc cổ đại. Thời ấy, cuối những năm 80 của thế kỷ XX, sách báo tạp chí còn rất hạn chế, bài giảng của thầy Quán như khai sáng cho chúng tôi về Trung Quốc, về văn minh Trung Hoa, về những điều huyền diệu thâm viễn của triết học Trung Quốc…Tôi đã thích và có ý nghĩ mình sẽ học hỏi và nghiên cứu triết học phương Đông từ đó. Tôi muốn gặp thầy để xin thầy chỉ giáo nhưng vì nghe nói thầy Quán khó tính, tôi e ngại. Nhưng sự quyết tâm tìm hiểu tri thức đã giúp tôi mạnh dạn gặp thầy xin thầy chỉ giáo. Thầy rất nhiệt tình ủng hộ, khuyến khích sinh viên nghiên cứu về triết học phương Đông nhưng đưa ra một điều kiện: “Cô phải học được chữ Hán cổ thì tôi mới nhận hướng dẫn”. Chao ôi, một điều kiện rất khó và hình như  trái với xu thế thời đó, khi người ta đang thôi học tiếng Nga, để chuyển sang tiếng Anh. Nhưng tôi lại cho đó là một động lực để khám phá một ngôn ngữ mới. Thầy đã cùng với thầy Hoàng Văn Lâu (Viện nghiên cứu Hán Nôm), tổ chức một lớp học Hán cổ cho sinh viên và cán bộ có nhu cầu học. Cứ thế, từng chữ Hán các thầy trao truyền cho chúng tôi như những viên gạch xây nên nền móng tri thức về văn hóa, văn minh, triết học của không chỉ Trung Quốc mà còn cả khu vực Đông Á chịu ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa. Cô học trò nhỏ đã theo thầy đến hết các bậc học, chú tâm nghiên cứu các vấn đề của tư tưởng triết học Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản.

Năm 1993, tôi tốt nghiệp đại học, dự định đi làm trái nghề với mức lương tính bằng ngoại tệ - mơ ước của sinh viên thời đó. Thầy đến tận nhà, nói chuyện với bố mẹ tôi để động viên tôi ở lại trường làm cán bộ giảng dạy tại Bộ môn Lịch sử triết học phương Đông và tư tưởng Việt Nam. Phụ huynh tôi rất phấn khởi và tự hào vì được làm cán bộ giảng dạy của trường Tổng hợp là một vinh dự lớn. Nghề nghiệp của tôi bắt đầu như thế. Ngày hôm nay, khi viết những dòng này, tôi trân trọng cảm ơn thầy và cha mẹ đã khuyên tôi chọn nghề, nhờ đó mà tôi nối dài được những ước mơ khám phá những chân trời tri thức, truyền lửa đam mê đến các thế hệ sinh viên sau này.

Trong quá trình học tập, làm việc, càng ngày tôi càng hiểu thầy. Thầy không khó tính như mọi người nói mà thầy là người thẳng thắn, trung chính nhưng nóng tính và tất nhiên thầy là người có cá tính. Trong những khi ngồi nói chuyện, thầy rất ít nói về bản thân mà thường nói về nhân tình thế thái, về những việc thầy đang làm và dự định cho tương lai. Thầy thường nói: “Tôi sẽ chuẩn bị (viết) cho bộ môn một bộ giáo trình, tài liệu tham khảo về Lịch sử triết học Trung Quốc, về Lịch sử tư tưởng chính trị - xã hội Việt Nam. Làm được thế là tôi hoàn thành trách nhiệm với khoa, với bộ môn và với anh chị em nhé”. Nghỉ hưu từ những năm 2000 nhưng thầy không nghỉ làm việc. Hình ảnh thầy cần mẫn ngồi bên bàn làm việc là hình ảnh tôi thường thấy mỗi khi đến thăm thầy. Năm nay, thầy nhận thấy sức khỏe của mình không còn tốt, thầy đã chọn sách tặng tôi và anh chị em khoa Triết học để tiếp tục nghiên cứu. Tôi cảm động và cũng thấy lo lắng vì những điều thầy trao truyền quá lớn đối với trí lực nhỏ bé như tôi....  Thế hệ chúng tôi sẽ luôn phải phấn đấu rèn luyện, học hỏi các thầy để viết tiếp chặng đường phát triển của lĩnh vực nghiên cứu Triết học phương Đông và tư tưởng triết học Việt Nam trong thời kỳ mới.

GIÁO SƯ, TIẾN SĨ, NHÀ GIÁO ƯU TÚ LÊ VĂN QUÁN

  • Năm sinh: 1934.
  • Quê quán: Thanh Hoá
  • Tốt nghiệp đại học chuyên ngành Hán Văn tại Khu học xá Nam Ninh (Trung Quốc) năm 1956.
  • Nhận bằng Phó Tiến sĩ (nay là Tiến sĩ) chuyên ngành Ngữ văn tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1979.
  • Được công nhận chức danh Phó Giáo sư năm 1984.
  • Được công nhận chức danh Giáo sư năm 2000.
  • Được tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 2008.
  • Thời gian công tác tại trường: 1965-2002.

+ Đơn vị công tác:

Khoa Văn học (1965-1989).

Khoa Triết học (1989-2002).

+ Chức vụ quản lý:

Chủ nhiệm Bộ môn lịch sử Triết học phương Đông và Tư tưởng triết học Việt Nam (1993-2002).

  • Các hướng nghiên cứu chính: Hán Văn; Triết học phương Đông; Lịch sử tư tưởng chính trị - văn hoá - xã hội Việt Nam.
  • Các công trình khoa học tiêu biểu:

Giáo trình chữ Hán. Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1978.

Nghiên cứu về chữ Nôm. Nxb Khoa học Xã hội, 1981.

Hội thoại Việt – Nhật. Đại học Thư Lâm, Tokyo, Nhật Bản, 1985.

Tự học chữ Nôm. Nxb Khoa học Xã hội, 1989.

Giáo trình Tiếng Hán cổ đại, tập 1. Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1991.

Giáo trình tiếng Hán cổ đại, tập 2. Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1992.

Từ điển Hán – Việt hiện đại. Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1992.

Tổng tập Văn học Việt Nam. Nxb Khoa học Xã hội, 1993.

Từ điển Hán – Việt hiện đại (chủ biên) Nxb Giáo dục, 1993.

Khảo luận Tư tưởng Chu Dịch. Nxb Giáo dục, 1993.

Chu Dịch – Vũ trụ quan. Nxb Giáo dục, 1995.

Đại cương Lịch sử Tư tưởng Trung Quốc. Nxb Giáo dục, 1997.

Chu Dịch với Khoa học quản lí. Nxb Giáo dục, 1997.

Sách học Kinh Dịch. Nxb Giáo dục, 1997.

Các nhà tiên tri Việt Nam. Nxb Văn hoá Dân tộc, 2000.

 m Dương ngũ hành với đời sống con người, Nxb Văn hoá Dân tộc, 2002.

Tinh hoa văn hóa phương Đông – Chu Dịch nhân sinh và ứng xử, Nxb Hà Nội 2003

Lịch sử tư tưởng chính trị - xã hội Việt Nam từ tiền sử đến thời kỳ dựng nước, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội – 2006

Nguồn văn hóa truyền thống Việt Nam, Nxb Lao động , Hà Nội – 2007

Lịch sử tư tưởng chính trị - xã hội Việt Nam từ Bắc thuộc đến thời kỳ Lý – Trần, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội – 2008

Chu Dịch với văn hóa truyền thống phương Đông, Nxb Văn hóa – Thông tin, Hà Nội 2010

Lịch sử tư tưởng chính trị - xã hội Việt Nam thời kỳ Lê – Nguyễn, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội – 2013

Truyện Kiều tinh hoa văn hóa Việt Nam, Nxb Hồng Đức – 2015

 

Tác giả: TS. Trần Thị Hạnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây