Ngôn ngữ
Trưởng thành bằng con đường tự học
Thật khó tin nhưng hoàn toàn đúng sự thật là thầy Đinh Gia Khánh của chúng tôi chưa có bằng Đại học. Khi chúng tôi giúp thầy khai lý lịch , đến mục trình độ văn hóa, thầy cười và bảo “tương đương tốt nghiệp phổ thông trung học”. Thực ra thầy đang học dở Trường Đại học Luật Đông Dương thì Cách mạng tháng Tám 1945 bùng nổ. Chàng sinh viên Đinh Gia Khánh phải bỏ dở việc học để bước vào đời bằng công việc đầu tiên là thầy giáo dạy tiếng Anh cho học sinh phổ thông. Sau đó thầy dạy văn học Việt Nam cho trường trung cấp sư phạm. Ở tuổi ngoài ba mươi, thầy trở thành giảng viên đại học về các môn văn học dân gian và văn học Việt Nam trung đại ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.Với khả năng tự học, tự đào tạo thầy đã tự trang bị cho mình một khối lượng kiến thức uyên bác Đông, Tây, kim, cổ trên các phương diện ngôn ngữ, văn học và văn hóa. Có người nói đùa rằng thầy Đinh Gia Khánh học một đường làm một nẻo. Dưới góc độ giáo dục học hiện đại, thầy là tấm gương biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo. Trong quá trình giảng dạy, thầy không chỉ truyền đạt kiến thức mà rất quan tâm đến phương pháp. Thầy thường nói với học trò rằng các em đừng nhìn vào ngón tay tôi mà hãy nhìn vào hướng tôi chỉ. Để phục vụ cho công tác đào tạo, thầy đã chủ biên và viết những bộ giáo trình mà cho đến những năm đầu thế kỷ XXI này vẫn là những tượng đài sừng sững không thể thay thế như Văn học dân gian Việt Nam, Văn học Việt Nam từ thế kỷ X đến nửa đầu thế kỷ XVIII.
Giáo sư Đinh Gia Khánh (1924-2003) là Chủ nhiệm Bộ môn Văn học dân gian, văn học cổ và cận đại Việt Nam (Khoa Ngữ văn) (1956-1983); Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hoá dân gian (1983-1988); Tổng biên tập Tạp chí Văn hoá dân gian (1983-1992). Ông là nhà khoa học có những đóng góp xuất sắc, đặt nền móng cho nghiên cứu văn hoá, văn học dân gian Việt Nam.
Nhà khoa học luôn mở đầu và chiếm lĩnh đỉnh cao
Thực ra đối với Giáo sư Đinh Gia Khánh, giảng dạy và nghiên cứu tuy hai mà một. Trong những bài giảng của thầy đã có hàm lượng khoa học rất cao. Những trang giáo trình của thầy ban đầu chỉ để phục vụ cho việc học tập của sinh viên. Nhưng nhiều vấn đề trong đó đã trở thành những chuyên khảo cô đọng như Việc sưu tầm và nghiên cứu văn học dân gian ở Việt Nam, Sơ lược lịch sử văn học dân gian Việt Nam. Ngược lại những chuyên khảo của thầy ban đầu cũng xuất phát từ nhu cầu giảng dạy. Ví dụ chuyên khảo Những vấn đề của truyện cổ tích qua việc nghiên cứu truyện Tấm Cám trước khi xuất bản thành sách lần đầu tiên vào năm 1968 (Nhà xuất bản Văn học) thì thầy đã sử dụng đề cương của bản thảo đó để dạy chuyên đề cho sinh viên năm thứ tư ngành Văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội khóa 7 và khóa 8 (1966, 1967). Từ 1980, Giáo sư Đinh Gia Khánh được điều chuyển sang công tác ở Viện Nghiên cứu Văn hóa Dân gian, nay là Viện Nghiên cứu Văn hóa với chức trách Viện trưởng. Ở đó Giáo sư đã viết những công trình để đời. Trên đường tìm hiểu văn hóa dân gian được coi như tuyên ngôn học thuật của Viện trong những năm đầu mới thành lập. Trong công trình này Giáo sư Viện trưởng trình bày những vấn đề lý luận, lịch sử nghiên cứu và các thành tố của văn hóa dân gian. Cuốn sách đã một thời và cả đến bây giờ vẫn là cẩm nang đối với những cán bộ trẻ mới bước vào lĩnh vực nghiên cứu văn học dân gian nói riêng và văn hóa học nói chung. Văn hóa dân gian Việt Nam trong bối cảnh văn hóa Đông Nam Á là công trình nghiên cứu rất bổ ích không chỉ cho ngành văn hóa dân gian mà cả cho khu vực học và văn hóa so sánh. Ở đây người đọc nhận diện văn hóa dân gian Việt nam trong không gian văn hóa Đông Nam Á qua quá trình sáng tạo và giao lưu, tiếp biến văn hóa. Văn hóa dân gian Việt Nam với sự phát triển của xã hội Việt Nam là công trình nghiên cứu văn hóa dân gian theo chiều lịch đại. Tác giả chỉ rõ sự thích nghi và biến đổi văn hóa trong sự vận động của xã hội qua hương ước, lễ hội…Về đóng góp của Giáo sư Đinh Gia Khánh trong nghiên cứu khoa học không thể không nhắc đến những công trình dịch thuật và nghiên cứu các tác gia, tác phẩm Hán Nôm như Việt Điện U linh, Lĩnh Nam chích quái, Thiên nam ngữ lục, Lâm tuyền kỳ ngộ, Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm; những khảo cứu chuyên sâu về chữ và nghĩa trong Truyện Kiều… Những công trình này được các nhà nghiên cứu chuyên ngành đánh giá cao. Với những đóng góp xuất sắc trong đào tạo và nghiên cứu khoa học như vậy, Giáo sư Đinh Gia Khánh đã được phong học hàm Giáo sư khá sớm (năm 1980) và được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ đợt đầu tiên vào năm 1996. Có đồng nghiệp nói vui rằng đây là những cuộc bứt phá ngoạn mục trong cuộc đời Giáo sư Đinh Gia Khánh.
Bìa cuốn sách viết về Giáo sư Đinh Gia Khánh, xuất bản năm 2014 do Viện Văn học và Trường Đại học Sài Gòn biên soạn, nhân kỷ niệm 90 năm năm sinh của ông.
Một nhà tổ chức, quản lý bằng quyền lực mềm
Hơn 20 năm làm Chủ nhiệm Bộ môn Cổ - Cận - Dân (Văn học dân gian, văn học cổ và cận đại Việt Nam) của Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Giáo sư Đinh Gia Khánh có tầm nhìn chiến lược về xây dựng bộ môn. Ông coi bộ môn là đơn vị học thuật chứ không phải là đơn vị hành chính. Vì vậy ông chú trọng việc viết giáo trình, xây dựng hệ thống tư liệu chuyên ngành và bồi dưỡng cán bộ trẻ. Dù chưa phải là đảng viên nhưng năm 1980 ông được lãnh đạo cấp cao tín nhiệm giao trọng trách làm Viện trưởng Viện Văn hóa Dân gian, năm 1982 làm Tổng thư ký Hội văn nghệ dân gian Việt Nam, năm 1983 là Tổng biên tập Tạp chí Văn hóa dân gian. Giới khoa học đăc biệt đánh giá cao việc ông làm Chủ tịch Hội đồng biên tập bộ Tổng tập Văn học Việt Nam, chỉ đạo hơn 100 nhà khoa học có chuyên môn và cá tính khác nhau, làm việc trong 20 năm để hoàn thành 42 quyển trong Tổng tập văn học Việt Nam từ văn học dân gian đến văn học Việt Nam trước năm 1945. Ông tổ chức và quản lý khoa học rất hiệu quả, không phải bằng quyền lực, sự áp đặt mà bằng uy tín của nhà khoa học và bằng cái tầm, cái tâm của người quản lý, hay tạm gọi là quyền lực mềm.
Một nhân cách đẹp giữa cuộc sống đời thường
Giáo sư Đinh Gia Khánh được xã hội tôn vinh trên nhiều lĩnh vực: Là nhà giáo tài năng, là nhà khoa học uyên bác và là nhà quản lý có uy tín. Ẩn sâu trong những ánh hào quang đó là một nhân cách lớn giữa cuộc sống đời thường. Nhân cách ấy được thể hiện trong những mối quan hệ với gia đình, với đồng nghiệp và với học trò. Sinh thời Giáo sư Đinh Gia Khánh có một gia đình vô cùng hạnh phúc. Phu nhân của ông, cô giáo Nguyễn Thị Đắc Quý, là một mỹ nữ Hà Thành, rất yêu kiều và cũng hết lòng chăm lo cho sự nghiệp của chồng. Trưởng nữ là PGS.TS. Đinh Thị Minh Hằng, người tiếp nối ông trong nghiệp nghiên cứu văn chương. Tiếp đó là ba chàng ngự lâm Cường, Tuấn, Thiêm đều tráng kiện, thành đạt trong công việc và hạnh phúc gia đình.
Giáo sư Đinh Gia Khánh ngoài đời rất giản dị. Những năm cuối thế kỷ XX nhiều trí thức lớn tuổi ở Việt Nam cũng đã làm quen với các loại xe máy (có số hoặc không số) nhập từ Pháp, Đức, Nhật, Italia…, nhưng Giáo sư Đinh Gia Khánh vẫn gắn bó với chiếc xe đạp cà tàng mà ông vẫn sử dụng vài chục năm trước. Ông cũng có những nhược điểm như bao con người bình thường khác. Chẳng hạn có lúc lên lớp giảng bài ông mặc áo sơ mi trắng, mỏng mà quên mặc áo may ô bên trong, để lộ cả thân hình không mấy mập mạp của mình làm cho các nữ sinh nhìn nhau cười khúc khích. Ông thích hút thuốc, kể cả thuốc Lào, một thói quen kéo dài. Điều đó để lại di chứng vào thời gian cuối đời là suy hô hấp. Nhưng bên trong sự bình dị và những nhược điểm đời thường đó là một trí tuệ mẫn tiệp, một khả năng lao động khoa học phi thường. Trong ứng xử với đồng nghiệp và học trò ông khoan dung, độ lượng, hầu như ông không to tiếng với ai. Trong học thuật hầu như ông chưa bao giờ tranh luận một cách quyết liệt với những người không cùng quan điểm với mình. Tất cả những cái đó đã tạo nên một nhân cách Đinh Gia Khánh, nhân cách một con người sống mãi với những mùa xuân.
GIÁO SƯ ĐINH GIA KHÁNH
+ Đơn vị công tác: Khoa Ngữ văn + Chức vụ quản lý: Chủ nhiệm Bộ môn Văn học dân gian, văn học cổ và cận đại Việt Nam (Khoa Ngữ văn) (1956-1983). Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hoá dân gian, thuộc Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn quốc gia (nay là Viện Nghiên cứu Văn hoá, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) (1983-1988). Tổng biên tập Tạp chí Văn hoá dân gian (1983-1992).
Thiên Nam ngữ lục. Nxb Văn hoá, 1958. Lĩnh Nam chích quái. Nxb Văn hoá, 1960, tái bản: Nxb Văn học, 1990. Việt điện u linh. Nxb Văn hoá, 1961. Lâm truyền kì ngộ. Nxb Văn hoá, 1963. Hợp tuyển thơ văn Việt Nam. Nxb Văn học, 1962, 1974, 1975. Văn học dân gian Việt Nam (chủ biên). Nxb Giáo dục, 1962. Văn học cổ Việt Nam. Nxb Giáo dục, 1964. Văn học dân gian (2 tập – chủ biên). Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp 1972 – 1973, tái bản 1977, 1991. Sơ bộ tìm hiểu những vấn đề của truyện cổ tích qua truyện Tấm Cám. Nxb Văn học. Điển cố văn học. Nxb Khoa học Xã hội, 1976. Lịch sử văn học Việt Nam, tập I. Nxb Khoa học Xã hội, 1980. Truyền thống anh hùng của dân tộc Việt Nam trong văn học dân gian (viết chung). Nxb Khoa học Xã hội, 1971. Văn học Việt Nam (thế kỉ X - nửa đầu thế kỉ XVIII) (viết chung). Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1971.
+ Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ năm 1996 với cụm công trình gồm 4 tác phẩm nghiên cứu về văn học dân gian và văn hoá dân gian Việt Nam (1972, 1989, 1993, 1995). |
Tác giả: GS.TS Lê Chí Quế
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn