Tin tức

Vài kỷ niệm về Giáo sư Cao Xuân Hạo

Thứ hai - 07/09/2015 07:46
Trong ngữ nghĩa học và từ điển học, người ta hay phân ra hai loại tri thức: tri thức đời thường/dân dã (everyday/folk) và tri thức khoa học/bách khoa(scientific/encyclopedic). Hình như bản thân con người trí thức cũng vậy, ở họ có hai con người: con người đời thường và con người khoa học (mà ta thường thấy ở cơ quan hay ở hội nghị). Tôi rất thích được nghe và được viết về họ ở cái phía đời thường kia – nhớ gì viết nấy, nhưng vui là chính, vì cuộc sống và công việc hàng ngày của chúng ta đã quá đủ sự mệt nhọc và không ít sự buồn phiền... Tôi đã chọn kiểu « tản văn chân dung » để viết về một số vị tiền bối trong ngành học ta, bắt đầu bằng chuyện thầy Hạo (Cao Xuân Hạo), lí do rất đơn giản: tháng 11 tới này (năm 2011) đã là năm giỗ thứ tư của ông.
Vài kỷ niệm về Giáo sư Cao Xuân Hạo
Vài kỷ niệm về Giáo sư Cao Xuân Hạo

Mình vào Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1964 nhưng trước khi Khoa Văn sơ tán lên Tràng Dương - Đại Từ - Bắc Thái năm 1965, thú thực, mình chẳng biết Cao Xuân Hạo là ông nào. Tới khi ở chỗ sơ tán, nhiều thì giờ nhàn rỗi mọi người kể đủ thứ chuyện, mình mới biết hóa ra ở Khoa Văn có thầy Ngọc (Phan Ngọc), thầy Hạo Ngôn ngữ, giỏi lắm, nhưng dính “Nhân văn Nhân veo” gì đó không được dạy, chỉ làm nhiệm vụ dịch sách nước ngoài sang tiếng Việt...

Phó Giáo sư Cao Xuân Hạo (1930-2007) - nhà ngữ âm học lớn nhất Việt Nam

Lần đầu tiên mình biết thầy Hạo chuyện như sau. Một hôm hình như là ngày chủ nhật lao động xã hội chủ nghĩa, nhóm lớp mình đi gánh củi gánh gạo gì đó. Mình đi trên đường làng với mấy đàn chị trong lớp, bỗng nghe thấy tiếng mấy chị xì xầm, đại loại nói theo ngôn ngữ bây giờ thì kia là thầy Hạo đấy. Thấy học trò nữ, thầy bỏ quang gánh xuống giả bộ đứng nghỉ, thầy ngượng với chị em ta đấy. Mình nhìn ra thì thấy một người rõ vẻ văn nhân đang phe phẩy quạt lấy lệ gần đó, vóc người thanh tú, mặt mũi nhẹ nhàng, tóm lại là rất đẹp trai (khi đó thầy Hạo mới 35 tuổi). Mình nhìn thầy vậy, chứ đâu dám lại làm quen, hồi đó bọn mình nhìn lên các thầy cao xa vời vợi, một điều hai điều kính nhi viễn chi, bao giờ học môn thầy nào thì mới biết Thầy đó. Huống hồ, lại là thầy Hạo, ngu ngơ như mình còn biết nữa là, Nhân văn Giai phẩm eo ôi, sợ lắm. 

Lần thứ hai mình thấy thầy Hạo là một đêm liên hoan văn nghệ Khoa Văn. Đêm ấy sân khấu dựng ở sát núi, đèn măng sông mờ mờ, đông nghịt người vừa sinh viên mấy lớp vừa bà con sở tại, chương trình có đủ cả ca múa nhạc kịch. Nửa chừng bỗng nghe giới thiệu độc tấu ghi ta của thầy Hạo, rồi thấy thầy đi lên, ngồi ghế tựa ôm đàn trông như văn công chính hiệu, rất điệu đàng (thầy vốn đã từng là nhạc sĩ sáng tác ở Đoàn văn công Quân khu Bốn). Thầy đàn một bản nhạc cổ điển dành riêng cho đàn ghi ta. Thời ấy bọn mình đang thích những dồn dập Oan ta là mê la hay thánh thót Hoa chằm pa ơi, đằng này nhạc của thầy giai điệu rất chậm mà lại cao siêu, mi-cơ-rô tậm tà tậm tịt, đàn gảy tai trâu, mình ngó xung quanh chả thấy ai vẻ mặt mơ màng hay thả hồn mắt nhắm đắm chìm trong khúc du dương cuả thầy. Toàn thấy nói chuyện riêng. Hết bài, thầy Hạo đi xuống, vỗ tay lẹt đà lẹt đẹt.

Lần thứ ba, khoảng năm 67, lúc đó mình học năm thứ ba, đã khôn lớn lên nhiều, vẫn sơ tán ở Đại Từ. Không nhớ anh nào ở lớp trên bảo mình thầy Hạo có mấy bản dịch tiểu thuyết hay lắm, Thắng thích đọc thì anh đưa đến nhà thầy cho. Lần đầu tiên mình được ngồi gần, mặt đối mặt, nói chuyện với thầy Hạo, trong một căn phòng nhỏ nhà tranh vách đất, mà không hiểu tại sao thấy thầy lại sống có một mình. Mình nhớ là thầy Hạo bảo đang còn một bản dịch  Tội ác và trừng phạt  của Đoxtoievxki thầy có thể cho mượn, nhưng chỉ được 3 ngày thôi và cấm không được chuyền tay cho ai khác (chắc là thày sợ mất). Tất nhiên là mình vâng dạ rối rít, vui mừng giấu giấu diếm diếm ôm một tập bản thảo viết tay dày cộp về phòng. Chữ thầy Hạo phải nói là cực đẹp, hơi nghiêng, đều tăm tắp, dấu má rõ ràng đúng chỗ chứ không phải như chữ mình: viết chữ « Thắng » thì dấu sắc bỏ tận trên chữ « g » ở cuối, chữ « a » thì bụng lép kẹp y chang như chữ « e », chẳng khác gì bụng mình là kẻ viết ra nó, suốt ngày thấy đói đói, chao ơi,  đói đói liên miên bốn năm cái thời sinh viên sơ tán... Mình đọc trắng đêm, còn nhớ đó là một đêm trăng, ghé sách ra cửa sổ, đọc đèn dầu ống tiêm (thứ đèn đặc chủng của sinh viên thời đó, làm bằng lọ mực, lấy ống tiêm đút bông vào làm bấc, đèn này cháy sáng mà ít tốn dầu). Ngày hôm sau mình giả vờ ốm nằm nhà đọc tiếp. Đọc mê mệt không nghỉ, bỏ cả ăn ở nhà bếp. Nghĩ sao mà cái ông Đốt này tài thế, ông Tônxtôi cũng không tài bằng, mà thầy Hạo cũng đại tài nốt, văn dịch xuya đến thế là cùng.

Chiều đó mình đem sách đến trả thầy Hạo, thầy ngạc nhiên lắm vì mới có hai ngày. Thầy nhìn mình, hỏi mình một hai câu, có vẻ tình cảm rõ rệt. Nhân đó mình hỏi thầy có sách dịch về ngôn ngữ hay bài viết nào của thầy không thầy cho em mượn với. Thầy bảo có vài tài liệu đấy, nhưng để thầy soạn đã, vài hôm nữa quay lại lấy.

Ông là một trong những nhà nghiên cứu làm nên diện mạo của Việt ngữ học.

Mấy hôm sau, mình ghé nhà thầy, lần này mình ngồi lâu hơn. Mình hỏi thầy kinh nghiệm tự học ngoại ngữ tiếng Nga của thầy (lúc đó mình đang học tiếng Pháp chính khóa, nhưng mình muốn học thêm tiếng Nga vì mình đã có học ở phổ thông). Mình nhớ nhất là cái đoạn quanh giường thầy có ghim lên vách hoặc treo lơ lửng mấy cái phiếu lỗ ghi những từ ngữ hay câu khó tiếng Nga. Thầy Hạo bảo phải làm thế này, để thỉnh thoảng ra vào lại ngó một tí, mới thuộc lòng được, không thì lại quên ngay. Thế là về nhà mình bắt chước ngay học tiếng Pháp, rất hiệu quả, sau này mình còn áp dụng học tiếng Anh nữa rất tác dụng.

Thầy Hạo đưa cho mình ba tài liệu trong đó có bản dịch cuốn sách nổi tiếng của ông Stephen Ullmann Những nguyên lý của ngữ nghĩa học, một chuyên đề của thày về « âm vị học phi tuyến tính » và một bài về các từ sao phỏng âm thanh trong tiếng Việt. Mình cầm về đọc thấy mê quá, nhiều cái chả thấy giống các thầy giảng, nhưng không biết làm thế nào để có riêng một bản. Nghĩ ra một kế: tán « ông Hoàng » Lào (lưu học sinh Lào, tên thật là Uđom Sitralơn, tên Việt là Lê Hải Hoàng) cũng học Ngôn ngữ cùng lớp mình, rủ nó mỗi thằng chép một nửa. Hoàng Lào có tính hay là ham hiểu biết thích cái mới, lại là lưu học sinh nước ngoài nên cũng sẵn giấy bút (hồi đó mỗi tháng mình trụi thùi lụi có 16 đồng tiền học bổng, mà nộp tiền ăn đã mất 15 đồng, cho nên nguyên lí chung là « tăng xin giảm mua » (có đứa còn thêm « phát triển cầm nhầm » nữa). May là Hoàng Lào vui vẻ nhận lời. Hai thằng ngồi cạnh nhau thi đua chép (tất nhiên là bằng giấy bút của Hoàng Lào), mấy buổi mới xong vì ba tài liệu dày mấy trăm trang, đến nay mình vẫn còn giữ.

Mãi sau khi mình ra trường rồi, thầy Hạo mới biết chuyện này, có lần thầy khen mình ở ngay cơ quan Viện Ngôn ngữ học là cậu Thắng đã chép tay cả cuốn sách dịch của tôi, rồi thầy còn kể cho mấy vị chuyên gia ngôn ngữ Liên Xô quen mình nữa. Ấy là nghe mọi người kể lại thế. Lúc đó mình đang trẻ, lại được cỡ siêu nhân như thầy Hạo khen, cứ thấy sướng râm ran suốt mấy ngày...

Lại nói chuyện tập chuyên đề « âm vị học phi tuyến tính » mà thầy Hạo cho mượn, đây là bản thảo sơ bộ cuốn sách sau này thầy dịch và in ở Pháp. Mình và Hoàng Lào đọc chép, hai thằng mê mẩn, lí thuyết hay quá, mới quá, thầy Hạo viết trên cả tuyệt vời.

Mấy tháng sau, bọn mình phải làm khóa luận tốt nghiệp, Hoàng Lào làm về ngữ âm tiếng Lào, còn mình làm về ngữ âm tiếng Tày huyện Tràng Định – Bắc Kạn. Mình và Hoàng Lào không ai bảo ai, bê hàng đoạn sách của thầy Hạo, « tương » vào phần Cơ sở lí thuyết. Mình nộp khóa luận cho thầy Thuật (GS. Đoàn Thiện Thuật), hí hửng phen này thể nào thầy cũng phải khen mình nức nở. Ai dè thầy gọi đến, bắt viết lại, đưa cái khóa luận của Thư (Đinh Lê Thư, một bạn gái Nam Bộ nổi tiếng là thông minh học giỏi trong lớp) cũng viết về tiếng Tày, cho mình xem làm mẫu. Mình tuy ấm ức, nhưng tất nhiên là phải nghe lời thầy Thuật, về đọc thấy ủa sao Thư viết đơn giản mà dễ hiểu vậy, chả có tí lí thuyết « âm vị học tuyến tính/phi tuyến tính » gì, mà khóa luận vẫn cứ hay như thường. Thế là mình theo cách của Thư sửa lại khóa luận, hôm bảo vệ được khen quá trời...

Tháng 9-2011

Cao Xuân Hạo là người Việt Nam đầu tiên đã góp được một tiếng nói quan trọng vào lí luận ngôn ngữ học của thế giới. Đây là mơ ước lớn nhất của một người làm khoa học. Trong bài này, tôi cố tình không nhắc đến chức vụ và tên từng tác phẩm của anh, và tôi gọi “anh Cao Xuân Hạo” với tư cách người anh cả của ngành âm vị học. Tôi tin chắc uy tín của anh sẽ còn và sẽ lớn lên với thời gian. Cái chết là chung cho mọi người, nhưng việc sống sau khi chết lại là rất hiếm. Trong những người ấy sẽ có anh Cao Xuân Hạo (PGS. Phan Ngọc - Một vài suy nghĩ về nhà ngữ âm học lớn nhất Việt Nam).

 

Trong số những nhà nghiên cứu làm nên diện mạo của Việt ngữ học từ khi có nền đại học Việt Nam, phải kể đến tên tuổi của Cao Xuân Hạo. Từ năm 1956, khởi đầu là những bài giảng, bài báo về ngữ âm và âm vị học và từ những năm 1980 trở đi, là những công trình về ngữ nghĩa và ngữ pháp tiếng Việt, Cao Xuân Hạo có những đóng góp vừa sâu sắc vừa bao quát đối với Việt ngữ học, và trong một chừng mực nào đó, cả với ngữ học nói chung. Tiếng Việt - mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp và ngữ nghĩa là tuyển tập phần lớn những thành tựu chủ yếu của Cao Xuân Hạo trong hơn 40 năm nghiên cứu; trong đó, có công trình chưa bao giờ xuất bản hay đã sửa chữa nhiều so với bản gốc. Đây là cuốn sách làm vinh dự cho nhà xuất bản (Hoàng Dũng - Cao Xuân Hạo - nhà ngữ học). 

 

Trong hai mươi năm làm phiên dịch viên ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Cao Xuân Hạo và Phan Ngọc đã để lại hàng vạn trang dịch lí luận ngôn ngữ bằng tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Nga. Trong số đó có những bản dịch bất hủ mà khó ai địch nổi như: Giáo trình Ngôn ngữ học đại cương của Saussure, Các phương pháp của Ngôn ngữ học cấu trúc luận của Harris, Những nguyên lí âm vị học của Trubeskoj,… Còn trong làng văn chương thì khỏi nói, anh là người phiên dịch giỏi hàng đầu. Tôi có hai người thầy về diễn đạt văn ngôn. Thầy Nguyễn Tài Cẩn thì viết rất đơn giản, chặt chẽ, chính xác và hơi “dân dã”. Anh Cao Xuân Hạo thì viết có phần trau chuốt, cầu kì và sang trọng, thậm chí văn phong khoa học có lúc hơi… kênh kiệu. Anh bảo tôi: “Tôi thấy cậu viết có xu hướng tập theo lối anh Cẩn, tốt thôi, nhưng nhớ nhé, anh Cẩn viết nhìn bề ngoài thì đơn giản vậy thôi nhưng khó bắt chước lắm đấy, rất uyên bác và sang trọng đấy, nhất là rất khó bắt bẻ”. Tôi hiểu và học cả hai người trong cách diễn đạt mà mãi vẫn không xong. Hai bậc giỏi giang, tài hoa lại rất nể trọng nhau. Khi nói với chúng tôi anh Hạo luôn coi mình chỉ là “môn đệ “ của thầy Cẩn, còn thầy Cẩn thì lại nói: “Môn đệ à? Về lí luận đại cương thì ông Hạo giỏi hơn tôi nhiều lắm! Nếu học thì phải học ông ấy!”. Quả thật những lúc như thế chúng tôi thấy hơi… xấu hổ vì mình còn dốt mà lại đôi khi tự “huếnh” (GS.TS.NGND Đinh Văn Đức - Nhớ về anh Cao Xuân Hạo).

 

PHÓ GIÁO SƯ CAO XUÂN HẠO

  • Năm sinh: 1930.
  • Năm mất: 2007.
  • Quê quán: Nghệ An.
  • Tốt nghiệp đại học tại Sư phạm Văn khoa năm 1956.
  • Được công nhận chức danh Phó Giáo sư năm 1984.
  • Thời gian công tác tại trường: 1956-1976.

+ Đơn vị công tác: Bộ môn Ngôn ngữ học, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

  • Các hướng nghiên cứu chính: Ngữ âm học tiếng Việt hiện đại; Ngữ pháp chức năng.  
  • Các công trình khoa học tiêu biểu:

Phonologie et Linéarité réflexions critiques sur les postulats de la phonologie contemporaine (SELAF, Paris, 1985) (công trình viết bằng tiếng Pháp và xuất bản tại Pháp); sau đó, được dịch sang tiếng Việt: Âm vị học tuyến tính, suy nghĩ về những định đề của âm vị học đương đại (Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001).

Tiếng Việt. Sơ thảo ngữ pháp chức năng (1991).

Tiếng Việt - mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp và ngữ nghĩa, NXB Giáo dục, 1998.

  • Các giải thưởng khoa học tiêu biểu:

+ Giải thưởng về dịch thuật năm 1985 của Hội Nhà văn Việt Nam.

Tác giả: PGS.TS Lý Toàn Thắng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây