Tin tức

Người thầy tài hoa với đam mê nghiên cứu Triết học

Thứ hai - 07/09/2015 07:25
Trong cuộc đời của mình, ông đã dành trọn 40 năm để giảng dạy và nghiên cứu Triết học. Đây là một lĩnh vực không hề dễ đòi hỏi người nghiên cứu phải có một tư duy logic, sự nhạy bén trong sáng tạo và một kho tàng kiến thức rộng lớn. Vượt qua nhiều chông gai và thử thách, ông đã dành tặng cho ngành khoa học nước nhà những đề tài khoa học về Triết học vừa mang tính khoa học vừa mang tính tư duy sâu sắc, khơi dậy niềm yêu thích về môn học có thể coi là rất “khó hiểu” trong suy nghĩ của các sinh viên hiện nay. Một điều đặc biệt trong những nghiên cứu của GS.TS.NGND Nguyễn Hữu Vui là luôn mang đậm màu sắc văn học, cách viết và giảng dạy rất dễ hiểu và gần gũi với học trò. Có thể nói GS.TS.NGND Nguyễn Hữu Vui là một trong những cánh chim đầu đàn của nền Triết học Việt Nam.
Người thầy tài hoa với đam mê nghiên cứu Triết học
Người thầy tài hoa với đam mê nghiên cứu Triết học

Sách là người bạn đồng hành

GS.TS Nguyễn Hữu Vui sinh ngày 28/11/1937 tại thủ đô ngàn năm văn hiến. Có lẽ vì vậy trong con người ông luôn mang đậm nét đẹp của người Hà Nội: giản dị, nhân hậu mà gần gũi. Ông sinh ra trong một gia đình có ba an hem trai, bố là công nhân, mẹ buôn thúng bán bưng. Năm 1946, cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, ông phải bỏ học rời quê hương theo bố mẹ tản cư lên tận Đèo An, Bắc Cạn. Mặc dù cuộc sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn nhưng cậu bé Nguyễn Hữu Vui luôn ấp ủ ước mơ đỗ đạt thành tài. Thời kỳ đầu kháng chiến, ông chỉ mới được học đủ để biết đọc, biết viết, nhưng dù chưa được đi học tiếp do điều kiện chiến tranh nhưng ông rất say mê tự mày mò đọc sách và có thể đọc bất cứ lúc nào. Trong các loại sách, ông dành nhiều tình cảm của mình cho sách văn học. Nguyễn Hữu Vui say sưa theo từng con chữ, những vần thơ bay bổng đôi khi là những mẩu chuyện nhỏ. Chính vì lẽ đó ông luôn có ước mơ sau này sẽ theo đuổi ngành Văn học. Ngoài những giờ đọc sách, hàng ngày ông phải cùng các anh lên rừng kiếm củi về đem bán để phụ giúp gia đình. Năm 13 tuổi – cái tuổi có thể nói là còn quá nhỏ để làm những việc nặng nhọc, ấy vậy mà cậu bé Nguyễn Hữu Vui đã dũng cảm xin vào làm công nhân ở mỏ chì Đèo An, Bắc Cạn. Nhưng với khả năng vượt trội là biết đọc biết viết cho nên được đưa lên làm thư ký cho Giám đốc mỏ. Với bản tính chăm chỉ và ham học, năm 1951, ông đã được nhận thẳng vào lớp 4 của một trường cấp I, rồi lên cấp II thuộc phân hiệu trường Hùng Vương, Phú Thọ. Thời kỳ này, trong cái gian khổ chung của đất nước đang bước vào giai đoạn ác liệt nhất của cuộc kháng chiến, lương thực thiếu, nên nhiều khi cậu học trò tiểu học Nguyễn Hữu Vui phải ăn chuối xanh luộc cả tháng để đi học. Năm 1954 hiệp định Giơnevơ được kí kết, miền Bắc hòa vào niềm vui chiến thắng, Nguyễn Hữu Vui chờ đợi ngày trở về Hà Nội – quê hương yêu dấu và theo học lớp 7 (trường THPT Việt Đức). Đến lớp , Nhà nước có chủ trương hòa lẫn học sinh của 2 dòng kháng chiến cho nên Nguyễn Hữu Vui chuyển sang học tại trường THPT Nguyễn Trãi. Những năm tháng học phổ thông tại Hà Nội, sau ngày hòa bình hầu như kỳ nghỉ hè nào Nguyễn Hữu Vui cũng cùng nhóm bạn học nhà nghèo đi làm tại các công trường xây dựng hoặc bán báo trên tàu điện để có thêm tiền ăn học. Trong quá trình học tập tại những mái trường danh tiếng này, Nguyễn Hữu Vui đã giành được nhiều kết quả xuất sắc, đây là tiền đề để ông thi đỗ vào trường Đại học Sư phạm I Hà Nội Khoa Văn học.

Sau 1 tháng học quân sự, ông được chọn đi học ở Liên Xô. Và chỉ sau 8 tháng học cấp tốc về ngoại ngữ, ông đã tốt nghiệp khóa học tiếng Nga với kết quả xuất sắc. Nhà trường đã quyết định cử ông đi du học tại Trường Đại học Tổng hợp Lomonoxop chuyên ngành Triết học. Chính Nguyễn Hữu Vui cũng không thể ngờ tới mình lại có duyên với chuyên ngành Triết học bởi lẽ niềm say mê về Văn học vẫn còn đong đầy trong ông. Nhưng số phận đã đưa ông đến với lĩnh vực đầy sự bí ẩn và mang tính triết lý này.

GS.TS.NGND Nguyễn Hữu Vui là Chủ nhiệm Khoa Triết học, Trường ĐHKHXH&NV (1992-1996)/Ảnh: Thành Long

Năm 1960, ông cùng hơn 100 học sinh Việt Nam sang Liên Xô học tập. Tại ngôi trường được coi là cái nôi đào tạo nhiều thế hệ sinh viên Việt Nam này, chàng sinh viên Nguyễn Hữu Vui luôn nhận thức được trách nhiệm và không ngừng học hỏi và phấn đấu cho những lý tưởng mà mình đã đặt ra. Ngoài giờ học chính trên lớp, ông còn tham gia các lớp học ngoại khóa, nghe giảng về Thần học… Sau 4 năm học tập, Nguyễn Hữu Vui trở về nước với bao kỷ niệm khó quên về những ngày tháng học tập cùng với bạn bè thầy cô tại nước bạn. Trước khi về nước, Nguyễn Hữu Vui vẫn không quên từ bỏ niềm say mê đọc sách của mình bằng cách dành dụm tất cả số tiền học bổng trong 4 năm để mua những cuốn sách hay mà mình yêu thích.

Trong năm 1964, ông được phân công về giảng dạy tại Bộ môn Triết học Mác – Lênin, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ông được cử làm Chủ nhiệm lớp Triết đầu tiên của Đại học Tổng hợp Hà Nội. Có thể nói, đã có rất nhiều thế hệ học trò của Khoa đã trưởng thành nhờ bàn tay dạy dỗ của người thầy đáng kính. Với cách giảng dạy dễ hiểu, hóm hỉnh, ông đã xóa tan nỗi lo âu về môn học trong suy nghĩ của nhiều sinh viên. Bởi mỗi một bài giảng, ngoài những kiến thức nền tảng, người thầy ấy luôn đưa ra những dẫn chứng thực tế để kích thích tính tư duy và sự sáng tạo của học trò. Có một kỷ niệm khó quên nhất trong cuộc đời của thầy giáo Nguyễn Hữu Vui, đó là những ngày đầu thành lập Khoa Triết học tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1975. Ông được Bộ môn Mác – Lênin của trường cử ra tổ chức lớp Triết học đầu tiên cùng với hai cán bộ của Viện Triết học. Học sinh chưa có chỗ ở, ông cặm cụi nhặt nhạnh từng chiếc giát giường để các em ngủ tạm tại gác 2 thư viện của nhà trường. Nhưng rất tiếc là do một số trục trặc nên Khoa Triết học giải tán (Năm 1976 được thành lập lại). Lớp Triết học đầu tiên do ông làm chủ nhiệm phải chuyển về học tại Khoa Kinh tế và một số khoa khác của trường.

Năm 1976, Khoa Triết học của Trường Đại học Tổng hợp được tái lập, thầy Nguyễn Hữu Vui lại được phân công chủ nhiệm lớp sinh viên đầu tiên của Khoa. Năm 1977, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1980, tình hình chính trị có chiều hướng tốt, một lần nữa ông lại được trở lại Trường Đại học Lomonoxop làm thực tập sinh để nâng cao trình độ chuyên môn. Thực tập xong 1 năm, Bộ Đại học cho phép ra quyết định kéo dài thêm một năm nữa cho các nghiên cứu sinh. Đó là một quyết định rất khó khăn đối với ông cũng như các nghiên cứu sinh lúc đó bởi thời gian quá ngắn để viết và bảo vệ luận án tiến sĩ. Nhưng tất cả những khó khăn ấy không hề đánh bại được tinh thần và nghị lực phấn đấu mạnh mẽ của Nguyễn Hữu Vui. Chỉ sau một năm, ông đã hoàn thành xuất sắc và bảo vệ luận án với đề tài: Chức năng xã hội của tôn giáo (qua thực tế tôn giáo ở miền Nam Việt Nam), chuyên ngành lý luận và lịch sử chủ nghĩa vô thần trước sự ngưỡng mộ của các thầy cô và bạn bè người Nga. Để có được những thành quả ấy, Nguyễn Hữu Vui đã phát huy hết khả năng và tinh thần học hỏi của mình trong đó không thể thiếu những cuốn sách. Sách giống như người bạn tri âm tri kỷ của ông mọi lúc mọi nơi. Ngày ngày Nguyễn Hữu Vui dành hết thời gian của mình để lên các thư viện lớn ở Matxcova của Nga và tìm đọc những cuốn sách hay về lĩnh vực mà mình theo đuổi. GS.TS Côtrêtốp ở Trường Đại học Sư phạm Matxcova, người đã nghiên cứu Phật giáo ở Việt Nam từ năm 1925 là người phản biện 1 luận án của Nguyễn Hữu Vui đã có đánh giá rất tốt về luận án này. Giữa tháng 12 năm đó, ông bảo vệ thành công xuất sắc luận án tiến sĩ. Nguyễn Hữu Vui đã được Giáo sư hướng dẫn vô cùng yêu mến và dành tặng những lời nói có cánh: “Nghiên cứu sinh Liên Xô cần noi gương tinh thân và thái độ học tập của anh Nguyễn Hữu Vui”.

Sau một năm miệt mài nghiên cứu, Nguyễn Hữu Vui trở về Việt Nam tiếp tục sự nghiệp trồng người của mình. Ông được phân công làm Chủ nhiệm Bộ môn Mác – Lênin trực thuộc Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ông là tiến sĩ chuyên ngành Mác – Lênin đầu tiên của ngành đại học. Đến năm 1992, Bộ môn sát nhập vào Khoa Triết học. Ông được bổ nhiệm chức vụ Chủ nhiệm Khoa Triết học đến năm 1996. Trong thời gian này ngoài công tác giảng dạy, ông còn nghiên cứu, viết sách với hai đề tài trọng tâm là “Tôn giáo học” và “Lịch sử Triết học”. Năm 2006, Nguyễn Hữu Vui nghỉ hưu nhưng ông đâu cho phép mình được nghỉ ngơi. Ông được Trường Đại học Đông Đô mời làm chủ nhiệm Khoa Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh (sau đổi thành Khoa lý luận – chính trị theo quy định của Bộ Giáo dục – Đào tạo).

Mang chất thơ vào trong Triết học

Cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nước nhà, hình ảnh về một người thầy dáng người thanh tao, khuôn mặt nghiêm nghị nhưng phúc hậu vẫn còn đọng lại trong trái tim của nhiều thế hệ học trò của Đại học Tổng hợp Hà Nội, Đại học Đông Đô. GS Nguyễn Hữu Vui đã giảng dạy cho nhiều khóa đại học và sau đại học; hướng dẫn 17 luận án tiến sĩ và khoảng 20 luận văn thạc sĩ bảo vệ thành công và tham gia nhiều hội đồng chấm luận án tiến sĩ cấp Nhà nước. Ngoài ra, ông còn thường xuyên được mời sang Campuchia giảng dạy cho sinh viên trường bạn (thời gian từ 1979 – 1989). Không chỉ là một người tâm huyết với giáo dục, GS Nguyễn Hữu vui còn dành một phần thời gian quý báu của mình cho công tác nghiên cứu khoa học. Hai lĩnh vực nghiên cứu nhiều nhất là về Lịch sử Triết học và Tôn giáo học. Ngoài ra, GS.TS Nguyễn Hữu Vui đã viết và công bố hơn 40 bài báo trên các tạp chí chuyên ngành; là chủ biên và đồng chủ biên, đồng tác giả của  7 cuốn sách gồm: giáo trình, tập bài giảng, sách tham khảo; Chủ nhiệm một đề tài cấp Nhà nước về: Đổi mới phương pháp giảng dạy các môn khoa học Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ở Việt Nam (nghiệm thu năm 2002); Chủ trì nhiều đề tài cấp Bộ và cấp Đại học Quốc gia. Các công trình khoa học tiêu biểu như Lịch sử Triết học (đồng tác giả - 1994); Tôn giáo và đạo đức – nhìn từ mặt triết học (Tạp chí Triết học – 1993); Triết học (3 tập) (sách dùng cho nghiên cứu sinh và cao học không chuyên ngành Triết học) – đồng chủ biên và đồng tác giả (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội – 1999); Triết học góp phần đào tạo nguồn nhân lực con người cho công nghiệp hóa hiện đại hóa (Trong cuốn Khoa học xã hội và Nhân văn với sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước) Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2000; Đổi mới công tác lý luận về tôn giáo ở nước ta hiện nay (trong cuốn kỷ yếu Hội thảo khoa học Kỷ niệm 55 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc kháng 2-9), Nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội, 2001; “Triết học Mác – Lênin” (giáo trình dùng cho các trường Đại học và Cao đẳng – đồng chủ biên, đồng tác giả), Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội – 2002, v.v…

Ảnh: Thành Long

GS.TS Nguyễn Hữu Vui tâm đắc nhất với cuốn sách Lịch sử Triết học, chủ biên kiêm tác giả, xuất bản giữa năm 1990. Đây là cuốn sách được ông ấp ủ từ lâu và viết trong một thời gian dài. Cuốn sách được viết rất ngắn gọn súc tích với lý luận sắc bén nhưng không khô cứng. Theo quan điểm của GS Nguyễn Hữu Vui, việc giảng dạy tại các trường đại học còn thiếu phần lịch sử Triết học chon en sẽ rất khó trong việc truyền bá tư tưởng Mác – Lênin (trong đó có Triết học Mác) một cách có hiệu quả. Chủ nghĩa Mác có một quá trình hình thành lâu dài cho nên muốn hiểu thấu đáo làm rõ nguồn gốc lịch sử hình thành và phát triển của nó. Mác – Ănghen là những người kế thừa phát triển đến đỉnh cao lịch sử Triết học của nhân loại. Do đó nếu chỉ dừng lại ở việc học những nguyên lý, sinh viên sẽ không thấy được nền tảng, cơ sở sâu sắc về lý luận và thực tiễn xây dựng Triết học. Chính vì vậy việc đưa phần lịch sử triết học vào chương trình giảng dạy Triết học Mác – Lênin sẽ khẳng định được giá trị khoa học và thực tiễn của Triết học Mác nói riêng và Chủ nghĩa Mác nói chung. GS. Nguyễn Hữu Vui còn là người có tư tưởng mạnh dạn đổi mới trong việc giảng dạy triết học trước mỗi yêu cầu của thực tiễn đang đặt ra. Chẳng hạn thời kỳ ông còn làm Chủ nhiệm khoa, trước tình hình Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu sụp đổ, bản thân ông cùng tập thể lãnh đạo Khoa đã tìm ra những giải pháp nhằm ổn định tư tưởng cán bộ trong Khoa, đồng thời đề ra phương hướng phát triển Khoa trong tình hình mới. Ông cùng tập thể cán bộ lãnh đạo thường xuyên làm công tác chính trị, tư tưởng cho anh em cán bộ trong Khoa, kết hợp với việc mở ra thêm một số ngành và bộ môn mới như: xây dựng ngành Quản lý Xã hội, tách bộ môn khoa học về Tôn giáo, tăng cường vai trò của Bộ môn Lịch sử Triết học, đổi mới giảng dạy ở các bộ môn Chủ nghĩa xã hội khoa học và Triết học Mác – Lênin. Cho đến nay, Khoa vẫn phát triển bền vững.

Một kỷ niệm thật khó quên đối với GS Nguyễn Hữu Vui nhân một lần ghé thăm qua cửa hàng sách “Ngoại văn” của Liên Xô, trên đường phố Goocki, Matxcova ông đã may mắn tìm được cuốn Tư bản của C.Mác. Năm xưa, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã chép tay cuốn sách này mang vào nhà tù, nơi giặc Pháp giam cầm các chiến sĩ cách mạng để tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lênin. GS Nguyễn Hữu Vui vô cùng xúc động và ông đã sáng tác một bài thơ mang tên Đọc tư bản ngay tại trên đồi Lênin, trước cổng Trường Đại học Tổng hợp quốc gia Matxcova (nơi ông đang học năm thứ 2 của Khoa Triết học năm 1961):

                                                                                 Trên ghế đá công viên

                                                                                 Một sớm mùa xuân nắng tới

                                                                                 Tôi giở trang sách mới

                                                                                 Màu mực còn tươi nguyên

                                                                                 Như phép lạ sách tiên

                                                                                Cứ mỗi chữ mỗi dòng

                                                                                Thấy hoa nở trong lòng

                                                                                Tôi say sưa tôi đọc

                                                                                Nhưng rồi tay dừng lại

                                                                                Giữa trang đọc chưa xong

                                                                                Thoáng ý nghĩ trong lòng

                                                                                Làm tim tôi xúc động

                                                                                Chính cuốn sách này đây

                                                                                Mấy chục năm về trước

                                                                                Trong nhà tù giặc Pháp

                                                                                Bác Đồng đã chép tay

                                                                                Quân thù hung ác thay

                                                                                Ngục tối bay có dày

                                                                                Nhưng ngăn sao cách mạng

                                                                               Chủ nghĩa Mác cứ bay

                                                                               Đảng cho tôi hôm nay

                                                                               Giữa vườn xuân chim bay

                                                                               Tôi đang đọc tư bản

                                                                               Và uống từng lời hay

Bài thơ bày tỏ một cảm xúc vui sướng và hạnh phúc khi được cầm trên tay một cuốn sách quý giá. Niềm hạnh phúc ấy có thể ví như trường hợp của nhà thơ Tố Hữu khi ông bắt gặp được “mặt trời chân lý” của cách mạng. Nguyễn Hữu Vui đã mang đến cho Triết học một màu sắc mới lạ, độc đáo và ông luôn nhìn nhận vấn đề không chỉ bằng con mắt của một nhà nghiên cứu Triết học mà còn bằng con mắt của người có tâm hồn nghệ sĩ đầy chất thơ, một người có sự nhạy bén về tư duy chính trị.

GS.TS.NGND Nguyễn Hữu Vui chia sẻ rằng ông luôn bằng lòng với cuộc sống hiện tại của mình bởi ông có một gia đình thật hạnh phúc với người vợ hiền thảo và hai cô con gái thành đạt. Người vợ của ông – một cô giáo dạy phổ thông mang trong mình những nét đẹp thuần túy trong tâm hồn của người con gái Hà Nội xưa, hết mực yêu chồng thương con. Trong những năm tháng chiến tranh phá hoại miền Bắc ác liệt do giặc Mỹ gây ra, hay trong thời bao cấp cuộc sống đầy khó khăn, cũng như khi ông phải đi sơ tán cùng với nhà trường lên tận Việt Bắc, rồi đến những năm ông đang còn là nghiên cứu sinh tại nước ngoài hoặc làm chuyên gia giáo dục tại Campuchia, vợ ông hầu như đã một mình nuôi dạy 2 cô con gái còn nhỏ nên người (cô gái cả nay đã là Tiến sĩ kinh tế, công tác tại Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; cô gái thứ hai là Tiến sĩ giảng dạy tại một trường Đại học ở Hà Nội). Mỗi bước đi trên con đường sự nghiệp của GS.TS.NGND Nguyễn Hữu Vui luôn có sự hiện diện và đồng hành của người vợ và các con ông. Có thể nói, gia đình GS Nguyễn Hữu Vui đã nâng bước chân đi trong suốt cuộc đời làm nghề “trồng người” cao quý của ông.

Ghi nhận những cống hiến của ông cho sự nghiệp giáo dục, khoa học nước nhà, GS.TS Nguyễn Hữu Vui đã được Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng III; Huân chương Kháng chiến hạng III; Huy chương vì sự nghiệp giáo dục; Huy chương Vì thế hệ trẻ; Huy hiệu Vì nghĩa vụ quốc tế (giúp đỡ cách mạng Campuchia thời kỳ 1979 – 1989). Đặc biệt là năm 1996, ông đã được trao tặng Danh hiệu Nhà giáo Ưu tú và năm 2008 là danh hiệu Nhà giáo Nhân dân. Nhưng có lẽ phần thưởng cao quý nhất không có vương miện, chính là ông đã chiếm được tình cảm kính yêu của học trò, sự tin yêu của các đồng nghiệp. GS.TS Nguyễn Hữu Vui là một người thầy đáng kính, là tấm gương sáng về phẩm chất đức độ và cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục và khoa học nước nhà. 

GIÁO SƯ, TIẾN SĨ, NHÀ GIÁO NHÂN DÂN NGUYỄN HỮU VUI

  • Năm sinh: 1937.
  • Quê quán: Hà Nội.
  • Tốt nghiệp đại học ngành Triết học tại Trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốp, Liên Xô (cũ) năm 1964.
  • Nhận học vị Tiến sĩ chuyên ngành Lý luận và lịch sử chủ nghĩa vô thần tại Trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốp, Liên Xô (cũ) năm 1982.
  • Được công nhận chức danh PGS năm 1988.
  • Được công nhận chức danh GS năm 1996.
  • Được tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 1996.
  • Được tăng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 2008.
  • Thời gian công tác tại trường: 1964 - 2005.

+ Đơn vị công tác: Bộ môn Triết học Mác – Lênin và Khoa Triết học, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học KHXH&NV).

+ Chức vụ quản lý:

Chủ nhiệm Bộ môn Mác - Lênin trực thuộc Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1982-1986).

Chủ nhiệm Khoa Triết học, Trường ĐHKHXH&NV (1992 – 1996).

  • Các lĩnh vực nghiên cứu chính: Tôn giáo học, Triết học.
  • Các công trình khoa học tiêu biểu:

Đổi mới phương pháp giảng dạy các môn khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ở Việt Nam (đề tài cấp Nhà nước).

Lịch sử triết học (đồng tác giả - 1994).

Giáo trình quốc gia Triết học Mác - Lênin (đồng chủ biên, đồng tác giả), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1990.

Triết học (3 tập) (đồng chủ biên và đồng tác giả), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999;

Triết học Mác - Lênin (đồng tác giả), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002.

Chủ nghĩa vô thần khoa học.

Từ điển Triết học giản yếu.

Tác giả: ussh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây