Ngôn ngữ
PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế (1954-2013) sinh ra trong một gia đình nhà giáo có truyền thống yêu nước và cách mạng tại thôn Cao Hải, xã Tân Liên, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng. Sau khi kết thúc chương trình học tập phổ thông, năm 1970, Nguyễn Hải Kế thi đỗ đại học và trở thành sinh viên khóa 15 của Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Do có thành tích học tập xuất sắc, sau khi tốt nghiệp đại học vào năm 1975, Anh được Nhà trường và Khoa Lịch sử phân công ở lại làm giảng viên tại Bộ môn Lịch sử Việt Nam cổ trung đại. Và cũng từ đây, bên cạnh công tác chuyên môn, Anh còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội và đoàn thể. Trong nhiều năm từ cuối thập kỉ 70 đến đầu thập kỉ 80, Anh Nguyễn Hải Kế là người đứng đầu Liên chi Đoàn Khoa Lịch sử, rồi làm Bí thư Đoàn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, tham gia Ban chấp hành Thành Đoàn và là Đảng uỷ viên trẻ nhất trong Đảng uỷ Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Nhờ bản tính năng động, sáng tạo và vai trò lãnh đạo của Bí thư Nguyễn Hải Kế, phong trào học tập, nghiên cứu và các hoạt động xã hội của tuổi trẻ Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội luôn dẫn đầu trong khối các trường đại học cao đẳng của Thành phố và cả nước lúc bấy giờ.
Cố PGS.TSKH.NGƯT Nguyễn Hải Kế (1954-2013) là Chủ nhiệm Khoa Lịch sử (2004-2013).
Năm 1987, gác lại giảng đường đại học và các hoạt động đoàn sôi nổi, sau nhiều gian lao và cống hiến, thầy Nguyễn Hải Kế được Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội cử sang Liên Xô học nghiên cứu sinh. Sau nhiều năm học tập, nghiên cứu tại Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, nhờ được sự hướng dẫn và giúp đỡ của nhiều nhà Việt Nam học hàng đầu của Liên Xô và nước Nga trong đó có Giáo sư Dega Deopik, Thầy đã bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ rồi Tiến sĩ Khoa học Lịch sử. Năm 1996, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Hải Kế trở lại mái trường xưa, tiếp tục cùng với các thầy cô, bạn bè đồng nghiệp xây dựng và phát triển Khoa Lịch sử. Thầy vừa dạy cổ sử, vừa cùng với GS. Trần Quốc Vượng và một số chuyên gia hàng đầu của Khoa từng bước xây dựng và hình thành một chuyên ngành đào tạo mới là Lịch sử văn hoá Việt Nam để đáp ứng yêu cầu xã hội. Trong lĩnh vực khoa học mới này, niềm đam mê và năng lực sáng tạo khoa học của thầy càng được nhân lên và toả sáng. Trong các bài giảng dành cho sinh viên và học viên của Khoa Sử và nhiều khoa khác ở trong và ngoài trường, nhà khoa học Nguyễn Hải Kế luôn có những tìm tòi phát hiện mới, thể hiện sâu đậm dấu ấn cá nhân trên nhiều lĩnh vực, hướng nghiên cứu.
Với trên một trăm công trình khoa học đã công bố trong và ngoài nước, trong đó có gần một chục cuốn sách là tác giả hoặc chủ biên, PGS.TSKH.Nguyễn Hải Kế đã để lại dấu ấn đậm nét trong nghiên cứu cổ sử và lịch sử văn hoá Việt Nam. Đó là những khảo cứu chuyên sâu về giống cây trồng trong Vân đài loại ngữ của Lê Quý Đôn, về đê Hồng Đức và công cuộc khẩn hoang vùng ven biển Nam Định – Ninh Bình cuối thế kỉ XV hay về một làng Việt ở đồng bằng Bắc Bộ. Đó là những tổng kết, bài học lịch sử về vấn đề hậu chiến và xã hội Việt Nam, về giáo dục, đào tạo Thăng Long – Hà Nội, để từ đó đề xuất các giải pháp khả thi nhằm khắc phục những yếu kém, khiếm khuyết hiện nay và nâng cao chất lượng của nền giáo dục nước nhà; về quá trình tiếp xúc và giao lưu văn hóa để xác định bản sắc văn hóa Việt Nam. Đó còn là những kết quả khảo sát nghiêm túc, say mê trên nhiều vùng, miền đất nước từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, đến Thanh Hoá, Nghệ An, Đà Nẵng, Quảng Nam và cả Nam Bộ xa xôi… Tất cả đã làm nên tên tuổi PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế với tư cách một chuyên gia hàng đầu về lịch sử và văn hoá Việt Nam cùng một cá tính không thể trộn lẫn qua những công trình công bố. Những nghiên cứu của thầy Nguyễn Hải Kế đã khơi mở, chỉ đường cho những thế hệ học trò tiếp bước, là định hướng nghiên cứu và đào tạo không chỉ ở Bộ môn Văn hóa học và Lịch sử văn hóa Việt Nam mà còn góp phần xây dựng định hướng nghiên cứu ở Khoa Lịch sử cũng như Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN nói chung.
Cố PGS.TSKH.NGƯT Nguyễn Hải Kế là chuyên gia hàng đầu về lịch sử và văn hoá Việt Nam
Không chỉ giảng dạy trên giảng đường đại học, thầy Nguyễn Hải Kế còn “tận dụng” mọi cơ hội để truyền bá những tri thức về lịch sử, văn hóa dân tộc: từ những công trình nghiên cứu dưới dạng “hỏi - đáp” “thường thức”, những bài viết công bố trên các tạp chí cả chuyên ngành và không chuyên để phổ biến kiến thức cho đông đảo bạn đọc, những báo cáo trong các hội thảo trong nước và quốc tế, đến các buổi nói chuyện chuyên đề, những bài phỏng vấn, những chương trình truyền hình…, thậm chí ngay trong những buổi nói chuyện hàng ngày, bên cốc bia, chén trà…, những người thân và chưa thân, những học trò, đồng nghiệp đều bị cuốn hút bởi những câu chuyện, vấn đề về lịch sử, văn hóa Việt Nam được thầy say sưa truyền tải. Những tri thức Hán học chuyên sâu và tri thức sử học phong phú đã trở thành hành trang và bệ đỡ vững chắc cho những tư duy sáng tạo trong nghiên cứu, giảng dạy của thầy, cộng thêm khả năng diễn ngôn đầy dẫn dụ, lôi cuốn khiến cho người nghe, người đọc Thầy luôn thấy cuốn hút, say mê.
PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế không chỉ là một nhà giáo, nhà khoa học giỏi mà còn là một cán bộ quản lí giàu nhiệt huyết và có tinh thần trách nhiệm cao. Trong suốt gần trọn một thập kỷ làm Chủ nhiệm Khoa Lịch sử đồng thời kiêm nhiệm Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử văn hoá, Phó Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội, ở bất cứ cương vị nào, Ông đều thể hiện là một người bản lĩnh, thẳng thắn, trung thực, giàu nghị lực và có tinh thần sáng tạo, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Bằng những nỗ lực của mình với tư cách người đứng đầu Khoa Lịch sử nhiều năm, thầy Nguyễn Hải Kế đã có nhiều đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của Khoa, của ngành Lịch sử Việt Nam, đặc biệt trong việc duy trì truyền thống học thuật của Khoa Lịch sử - khoa duy nhất trong Trường đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Do có nhiều cống hiến nổi bật, PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế đã nhiều lần được trao nhận các phần thưởng cao quý của Đại học Quốc gia Hà Nội, Uỷ ban nhân dân Thành phố và Bộ Giáo dục-Đào tạo. Đặc biệt vào các năm 2007 và 2008, thầy đã được Đảng và Nhà nước trao tăng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, Huân chương Lao động hạng Ba và Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng.
Những công trình nghiên cứu khoa học với nhiều ý tưởng, những bài giảng đầy hứng khởi, khơi gợi tư duy sáng tạo của sinh viên, những buổi nói chuyện, thuyết trình, trả lời phỏng vấn truyền hình với bao thông điệp gửi gắm đến người nghe, nhân lên gấp bội tình yêu, niềm tự hào đối với lịch sử dân tộc… đã làm nên tên tuổi của một nhà khoa học, PGS.TSKH.NGƯT Nguyễn Hải Kế. Nhưng, những học trò, người thân, đồng nghiệp của thầy không chỉ nhớ đến Thầy với tư cách là nhà khoa học đã tận lực cho niềm đam mê, mà còn là một người tận tâm với nghề giáo, tận tình với bạn bè, học trò, đồng nghiệp. thầy là người truyền lửa cho những người đã, đang và sẽ làm nghề dạy học, để những người làm nghề giáo hiểu được hơn ai hết tinh thần “không chỉ khi thoái, lui mới quay ra làm thầy mà ngay khi tiến, đạt cũng không bỏ đi, mà thủy chung như nhất với nghề, để cùng học và trồng người không mệt mỏi”. Cuộc đời của thầy chính là tấm gương cho tinh thần thủy chung như nhất với nghề, khó khăn không lùi bước, vinh quang không chói ngợp. Thầy sống bình dị, chan hoà, luôn chân tình, gần gũi, hết mực yêu thương học trò. Nhiều sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh được thầy chăm lo, dạy dỗ nay đã trưởng thành; có người đã trở thành nhà nghiên cứu, giáo viên, cán bộ quản lí giỏi trong các cơ quan, đơn vị ở Trung ương và các địa phương. Thầy trở thành niềm tin, chỗ dựa, thành niềm tự hào của nhiều thế hệ học trò trong và ngoài khoa Lịch sử.
PGS.TSKH.NGƯT Nguyễn Hải Kế đã cống hiến cả cuộc đời cho niềm say mê khoa học, cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo, như một ngọn lửa cháy hết mình cho niềm đam mê ấy, đã thắp sáng lên tình yêu với khoa học, với lịch sử, văn hóa nước nhà ở nhiều thế hệ học trò, nhân lên tình yêu lớn lao với quê hương, đất nước. Thầy trở thành tấm gương về sự thủy chung như nhất với nghề giáo, với sự nghiệp trồng người, mà cái tâm, cái ân tình của Thầy với đời, với người mãi mãi ấm áp, tỏa sáng.
PHÓ GIÁO SƯ, TIẾN SĨ KHOA HỌC, NHÀ GIÁO ƯU TÚ NGUYỄN HẢI KẾ
+ Đơn vị công tác: Khoa Lịch sử + Chức vụ quản lý: Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử văn hoá. Chủ nhiệm Khoa Lịch sử (2004 - 2013). Nguyên Phó Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội.
Một làng Việt cổ truyền ở đồng bằng Bắc Bộ (Tìm hiểu cấu trúc kinh tế - xã hội), Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1996. 1000 câu hỏi, đáp về Thăng Long - Hà Nội (Chủ biên), 2 tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000. Địa chí Nam Định (viết chung), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.234-251. Giáo dục Thăng Long - Hà Nội: Quá trình, kinh nghiệm lịch sử và định hướng (Chủ biên), Nxb. Hà Nội, Hà Nội, 2010. Địa chí Cổ Loa (viết chung), Nxb Hà Nội, H.2010. Thăng Long – Hà Nội, Tuyển tập các công trình nghiên cứu Văn hóa, (tuyển chọn), Nxb Hà Nội, H.2010. Lịch sử Thăng Long - Hà Nội (viết chung), tập I, Nxb. Hà Nội, Hà Nội, 2012. Lịch sử Việt Nam (viết chung), tập II, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2012. |
Tác giả: ThS. Nguyễn Hoài Phương
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn