Ngôn ngữ
Truyền thống đào tạo và thương hiệu USSH là tài sản quý
- Thưa thầy, hiện nay việc tuyển sinh và đào tạo bậc đại học đang đối diện nhiều thử thách; lĩnh vực KHXH&NV chắc không phải ngoại lệ. Trong bối cảnh khoa học công nghệ và nhu cầu xã hội đang thay đổi rất nhanh, Nhà trường định vị mình như thế nào cho phù hợp với hoàn cảnh hiện tại?
Đúng là cuộc cách mạng 4.0 đã và đang thay đổi rất nhiều điều trong tư duy khoa học và giáo dục, đặt ra những thách thức vô cùng lớn đối với giáo dục đại học của Việt Nam - bậc đào tạo được coi là tinh hoa, là dẫn dắt sự phát triển của cả nền giáo dục. Chúng ta đang đứng ở đâu và sẽ đi đến đâu trong thời gian tới là một câu hỏi nền tảng mang tính định hướng quan trọng cho tất cả các hoạt động, các chiến lược phát triển của Nhà trường.
Trước hết phải khẳng định Trường ĐHKHXH&NV là một trung tâm đại học có truyền thống, có bề dày và uy tín về nghiên cứu, đào tạo các ngành khoa học xã hội và nhân văn của cả nước. Đó là một hệ giá trị, là một tài sản và do đó cũng là một lợi thế cạnh tranh lớn tạo nên thương hiệu USSH khá vững chắc với xã hội. Trong suốt chiều dài lịch sử, Nhà trường có nhiều thế hệ trí thức, nhà giáo, nhà khoa học hàng đầu - những người đặt nền móng cho nhiều ngành học của đất nước. Đến bây giờ, với tỷ lệ GS, PGS đạt khoảng 28%, tỷ lệ Tiến sĩ gần đạt 65 % đội ngũ giảng viên, đây là tỷ lệ cao hàng đầu của cả nước.
Sau hơn 70 năm xây dựng và phát triển, nhìn lại hệ thống các ngành đào tạo của Trường, có thể thấy sự phong phú, đa dạng trong đó. Đó là những ngành học nền tảng, cơ bản của KHXH&NV Việt Nam mà nhắc đến nó là nhắc đến tên tuổi của Nhà trường như Lịch sử, Triết học, Ngôn ngữ, Văn học, Hán Nôm… Chính trên nền tảng khoa học cơ bản này mà một loạt các ngành học mới, trẻ trung, hấp dẫn đã được hình thành và phát triển ngày càng mạnh để thành những thương hiệu riêng của Nhà trường như: Đông phương học, Báo chí, Quan hệ công chúng, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Quản trị khách sạn, Tâm lý học, Khoa học Quản lý, Công tác xã hội, Quốc tế học, Nhân học, Quản trị văn phòng,… Không nhiều các trường đại học đào tạo về KHXH&NV có một hệ thống ngành học đa dạng, phong phú và có truyền thống đào tạo như tại trường KHXH&NV, ĐHQGHN. Điều đó tạo nên sức mạnh nội lực của Nhà trường, giúp chúng tôi có thể tiến xa và tiến vững chắc trong tương lai.
Hội nghị NCKHSV về Sở hữu trí tuệ giữa sinh viên 4 trường đại học lớn: Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Luật Hà Nội, Đại học Luật (Đại học Huế), Đại học Ngoại thương và Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN) ngày 21/4/2018. Đây là hoạt động học thuật thường nhiên do Trường ĐHKHXH&NV đăng cai có sự tham gia của đại diện lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ
- Giá trị truyền thống còn phản ánh như thế nào trong các hoạt động của Nhà trường thưa thầy ?
Tôi tin rằng, trong lĩnh vực đào tạo, nhất là đào tạo KHXH&NV, bề dày truyền thống là một lợi thế. Ngay từ thời Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (từ năm 1956), đào tạo và nghiên cứu tại đây đã hình thành một trường phái với bản sắc riêng. Đó là cách đào tạo ra những trí thức không chỉ có kiến thức nền tảng vững chắc mà còn phải có tư duy khoa học tổng hợp, toàn diện, liên ngành, có khả năng phân tích và giải quyết nhiều vấn đề thực tiễn công việc. Đó là những cá nhân độc lập và sáng tạo trong tư duy, hành động...
Một điều dễ nhận thấy là sinh viên tốt nghiệp từ Nhà trường có khả năng làm các loại công việc đa dạng với tính thích nghi cao. Sinh viên ngành Văn học có thể làm trong lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy trình độ cao, hoặc trong khu vực báo chí, biên tập, viết kịch… Sinh viên ngành Lịch sử không chỉ giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng hoặc các viện nghiên cứu mà còn làm tại các cơ quan văn hoá, du lịch, các tổ chức chính trị, chính trị xã hội, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước… Lĩnh vực nghề nghiệp của khoa học xã hội và nhân văn rất rộng lớn. Sinh viên Nhà trường được đào tạo bài bản với phông kiến thức vững chắc nên khi tiếp cận hiện thực đời sống, họ có khả năng thích nghi và tiến xa trong công việc và sự nghiệp. Đó là một nét truyền thống trong đào tạo mà đến nay Nhà trường vẫn giữ được.
35% sinh viên đi thực tập, thực tế ở nước ngoài
- Nhưng một trường đại học lâu đời và có bề dày thì có thể gặp khó khăn ở sự năng động, tính thích nghi khi cạnh tranh với những đại học trẻ?
Nhà trường coi truyền thống là hệ giá trị tốt đẹp cần giữ gìn và tiếp tục nâng cao hơn nữa trong hoàn cảnh mới, nhưng không được phép ỷ vào quá khứ, lụy vào truyền thống. Bề dày truyền thống cần trở thành hành trang vững chắc để cán bộ và sinh viên Nhà trường vững bước tiến vào tương lai. Bởi vậy, Nhà trường đã và đang nỗ lực để tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, trên mọi phương diện, từ tầm vĩ mô là chiến lược phát triển, định hướng quản trị đại học hiện đại đến những hoạt động chuyên môn cụ thể về giảng dạy, học liệu, chương trình, quy trình đào tạo, tham gia hoạt động kiểm định chất lượng các ngành đào tạo theo chuẩn quốc gia và quốc tế...
Sinh viên Khoa Báo chí và Truyền thông được thực hành tác nghiệp tại hệ thống trường quay hiện đại ngang một đài truyền hình
- Xin thầy chia sẻ về tiêu chí chất lượng đầu ra của sản phẩm đào tạo để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động hiện nay?
Thị trường lao động hiện nay rất rộng mở, không chỉ trong phạm vi quốc nội mà đã mở ra ngoài biên giới. Thực tế đó đòi hỏi người lao động không chỉ vững kiến thức chuyên môn mà còn phải giỏi các kỹ năng và vững tâm thế để có thể đáp ứng được những yêu cầu mới trong bối cảnh mới. Nhà trường nhận thức được rõ và đặc biệt quan tâm đến việc điều chỉnh hoạt động đào tạo để bắt kịp xu hướng này.
Đổi mới trong hoạt động đào tạo của Nhà trường diễn ra đồng thời trên nhiều phương diện, từ đổi mới cách thức quản lý đào tạo theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, mang tinh thần phục vụ cao cho hoạt động dạy-học… đến yêu cầu cập nhật/mở mới các chương trình đào tạo cho phù hợp với xu hướng tri thức của nhân loại. Về căn bản, đội ngũ giảng viên của Nhà trường luôn chủ động cập nhật và điều chỉnh chương trình học để cung cấp cho sinh viên những tri thức mới, đặc biệt là các phương pháp tiếp cận mới để đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực sau khi tốt nghiệp.
Nhà trường hiện đang quyết liệt đầu tư để nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, hướng đến sản phẩm đầu ra là những cử nhân chắc chuyên môn – vững kỹ năng - mạnh hội nhập. Ví dụ: sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành Hàn Quốc học, Nhật Bản học… không chỉ rất giỏi về ngôn ngữ mà đặc biệt có kiến thức sâu-rộng về lịch sử, văn hóa, đất nước và con người, kinh tế, xã hội… của quốc gia đó. Tương tự, sinh viên tốt nghiệp các ngành về Du lịch không chỉ thành thạo về các kỹ năng nghề nghiệp căn bản mà đặc biệt phải có tư duy tổng hợp, phông kiến thức rộng và vững chắc…để có thể hoạch định được các chiến lược du lịch mang tầm quốc gia và tham gia thị trường du lịch quốc tế.
Sinh viên Trường ĐHKHXH&NV tham gia khóa học về đào tạo kỹ năng quản trị nguồn nhân lực do Nhà trường và Hội các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam tổ chức (18/6/2018)
Đối với mục tiêu phát triển kỹ năng cho sinh viên, Nhà trường hiện đang nỗ lực tạo dựng các không gian hoạt động và môi trường rèn luyện để hỗ trợ phát triển các kỹ năng chuyên ngành cho các em. Nhà trường hiện có một hệ thống đa dạng các câu lạc bộ chuyên môn mạnh như CLB Truyền thông, CLB Nhiếp ảnh, CLB Nghệ thuật (khiêu vũ, âm nhạc…), CLB tuyên truyền văn hóa lịch sử, CLB Những nhà quản lý trẻ, CLB Tiếng Anh... Với việc chủ động tham gia các CLB này, sinh viên được học cả chuyên môn và kỹ năng hoạt động, trải nghiệm cụ thể. Chẳng hạn, sinh viên ngành Báo chí tham gia đưa tin và xây dựng các sản phẩm truyền thông cho Nhà trường; sinh viên ngành Du lịch tham gia các hoạt động quảng bá và phát triển du lịch Hà Nội; sinh viên ngành Quốc tế học là đầu mối của các hoạt động giao lưu với sinh viên quốc tế; sinh viên ngành Quản trị văn phòng tham gia hoạt động cùng các phòng ban chức năng để hoàn thiện kỹ năng và nghiệp vụ...
Nhằm chuẩn bị tâm thế hội nhập cho các em, Nhà trường đang đặc biệt đầu tư để các em có điều kiện thực tập, thực tế ở các địa bàn quốc tế trước khi tốt nghiệp. Bên cạnh số lượng ổn định các sinh viên của Nhà trường được nhận học bổng để đi du học ngắn hạn hoặc dài hạn ở nước ngoai hàng năm, trong vài năm trở lại đây, Nhà trường đã tận dụng các mối quan hệ quốc tế rộng mở của mình để tổ chức các đợt thực tập và thực tế ngoài biên giới cho sinh viên với chi phí rất thấp. Năm 2017, số lượng sinh viên đi học tập và thực tập, thực tế ở nước ngoài đã đạt con số gần 450 lượt (cùng với đó là hơn 1.000 lượt sinh viên nước ngoài đến học tập và thực tập tại Nhà trường, tạo nên môi trường học thuật quốc tế sôi động). Sinh viên đi thực tập quốc tế không chỉ có trải nghiệm tốt về phương diện tri thức, mà đặc biệt là sự mở rộng tầm kiến văn, khơi dậy sự tự tin trong hội nhập, tạo cho các em tâm thế sẵn sàng tham gia thị trường lao động xuyên biên giới. Đặc biệt, nhiều sinh viên sau khi đi thực tập đã nhận được các học bổng du học thạc sỹ ở các trường đối tác từ Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan… Mục tiêu Nhà trường đặt ra là tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thực tập quốc tế cho sinh viên, phấn đấu để khoảng 35% sinh viên của Nhà trường được trải nghiệm môi trường thực tập quốc tế trước khi tốt nghiệp và đi làm.
Sinh viên Trường ĐHKHXH&NV giao lưu với sinh viên quốc tế
- Hội nhập quốc tế là một tiêu chí của đào tạo đại học hiện nay, điều này được phản ánh trong hoạt động đào tạo của Nhà trường như thế nào thưa thầy ?
Nói về hội nhập quốc tế thì vấn đề then chốt là khả năng sử dụng ngoại ngữ, đặc biệt phổ biến là Anh văn. Điều dễ nhận thấy là khả năng sử dụng ngoại ngữ của sinh viên Nhà trường tăng lên rất nhanh trong thời gian gần đây nhờ có môi trường quốc tế ngày càng rộng mở. Bên cạnh các hoạt động thực tập và thực tế quốc tế thường niên như đã nói trên, Nhà trường cũng đang nỗ lực để xây dựng môi trường học tập quốc tế ngay tại chỗ: nhiều hội thảo khoa học quốc tế, nhiều hoạt động giao lưu-hợp tác tại chỗ, các câu lạc bộ ngoại ngữ…
Từ hai năm trở lại đây, mỗi học kỳ, Nhà trường thường xuyên mở các lớp môn học học bằng ngoại ngữ do cả giảng viên thỉnh giảng quốc tế và giảng viên của Nhà trường trực tiếp giảng dạy để sinh viên lựa chọn học tập. Câu lạc bộ tiếng Anh Master’s Tea Club của sinh viên được thành lập từ năm 2017 và ngày càng thu hút sinh viên tham gia sinh hoạt. Đặc biệt, trong nỗ lực nâng cao năng lực ngoại ngữ chuẩn quốc tế cho sinh viên Nhà trường, từ đầu năm 2018, Nhà trường đã hợp tác với các tổ chức phi chính phủ chuyên về giáo dục để tổ chức các lớp học ngoại ngữ miễn phí do các giáo viên tình nguyện quốc tế trực tiếp giảng dạy và luyện tập cho sinh viên. Qua nửa năm triển khai, đến nay đã tổ chức được gần 20 lớp với khoảng 300 sinh viên đăng ký theo học. Các khóa học này kéo dài 7 đến 10 tuần liên tục, đạt chuẩn đào tạo ngoại ngữ quốc tế (để thi IELTS) và hoàn toàn miễn phí… Trên cơ sở trình độ ngoại ngữ được nâng cấp, ngày càng nhiều sinh viên (và học viên cao học) của Nhà trường viết khóa luận và luận văn tốt nghiệp bằng tiếng Anh. Đây là những lợi thế để các em tự tin lập nghiệp và phát triển.
Một buổi sinh hoạt của CLB tiếng Anh FIS Enghlish Club của Khoa Quốc tế học (5/2018)
25% sinh viên tốt nghiệp sớm trước hạn
- Nhà trường quan tâm đến công tác hướng nghiệp và việc làm cho sinh viên như thế nào thưa thầy ?
Tháng 6 vừa qua, Nhà trường tổ chức ngày hội việc làm ngay sau buổi lễ trao bằng tốt nghiệp với sự tham gia của 30 cơ quan sự nghiệp, công ty và doanh nghiệp, mang đến gần 500 cơ hội việc làm cho các tân cử nhân. Sau lễ nhận bằng, sinh viên đã lập tức tham gia phỏng vấn, nhiều em được tuyển dụng ngay trong buổi sáng tốt nghiệp. Bốn tháng trước đó, trong đợt nhận bằng sớm của năm 2018, hơn 250 sinh viên cũng được 22 đơn vị tuyển dụng đến giao lưu, mang đến gần 300 cơ hội việc làm.
Khách quan mà nói, việc phối hợp Nhà trường - Nhà tuyển dụng không đợi đến khi tốt nghiệp mà được triển khai thường xuyên trong suốt quá trình đào tạo. Chẳng hạn, việc xây dựng các chương trình đào tạo của Nhà trường ngay từ đầu đã có sự tham gia của các chuyên gia bên ngoài. Các nhà nghiên cứu và các doanh nhân tham gia xây dựng chương trình đào tạo, tham gia hoạt động giảng dạy và hướng dẫn, tham gia các hội đồng đánh giá và chấm luận văn… và tham gia tuyển dụng, sử dụng nhân lực. Chẳng hạn, TS. Tạ Bích Loan (Trưởng ban sản xuất các chương trình giải trí VTV3, Đài truyền hình Việt Nam) đồng thời kiêm nhiệm vị trí Chủ nhiệm Bộ môn Phát thanh - Truyền hình ở Khoa Báo chí và Truyền thông, trực tiếp chịu trách nhiệm xây dựng và đổi mới chương trình đào tạo, trực tiếp giảng dạy và hướng dẫn sinh viên của ngành Báo chí… Đây là hướng đi đã được Nhà trường xác định, kiên trì theo đuổi và quyết tâm thúc đẩy hơn nữa trong thời gian tới.
Ngày hội Giao lưu doanh nghiệp và phỏng vấn tuyển dụng ngay sau lễ trao bằng tốt nghiệp với sự tham gia của hơn 30 doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực (6/2018)
- Sinh viên và phụ huynh rất quan tâm đến thời gian đào tạo và tỉ lệ việc làm sau tốt nghiệp, thực trạng này ở Nhà trường như thế nào, thưa thầy?
Trong vài năm qua, Nhà trường đã đổi mới quy trình tổ chức đào tạo theo hướng hiện đại của mô hình đào tạo tín chỉ. Theo đó, sinh viên hoàn toàn chủ động sắp xếp lịch trình đào tạo và quyết định thời gian học tập của mình. Khoa và Phòng Đào tạo thường xuyên tư vấn để việc tổ chức học tập của sinh viên được hiệu quả nhất. Vì vậy, kể từ năm 2017, số lượng sinh viên của Nhà trường tốt nghiệp sớm ngày càng tăng lên. Trong số hơn 1.000 sinh viên được nhận bằng cử nhân trong nửa đầu năm 2018, có hơn 250 sinh viên tốt nghiệp trước thời hạn 6 tháng. Như vậy, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp đúng hạn đạt tương đương 95%, trong đó có khoảng 25% sinh viên tốt nghiệp sớm hơn lịch trình đào tạo chuẩn 6 tháng, một vài sinh viên tốt nghiệp đại học chỉ sau 3 năm.
Việc tốt nghiệp đúng hạn và trước hạn hoàn toàn do sinh viên chủ động thực hiện. Chẳng hạn, chỉ cần đăng ký học thêm trong 2 kỳ mùa hè, sinh viên hoàn toàn có thể tốt nghiệp đại học sau 3,5 năm; nếu sinh viên đăng ký học 2 kỳ hè, đồng thời học vượt vài tín chỉ mỗi kỳ và được miễn học ngoại ngữ (khi đã có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế) thì hoàn toàn có thể kết thúc chương trình đào tạo đại học sau 3 năm. Điều này là hoàn toàn tự nhiên theo mô hình đào tạo tín chỉ trên thế giới và cũng đúng tinh thần chỉ đạo đổi mới đào tạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từ cuối năm 2016.
Tân sinh viên Trường ĐHKHXH&NV khoe vẻ rạng rỡ trong lễ nhận bằng tốt nghiệp tháng 6/2018
Điều đáng mừng là sinh viên tốt nghiệp đúng và sớm trước hạn tăng và chất lượng đào tạo vẫn được đảm bảo và tỉ lệ xin được việc làm vẫn ổn định. Từ gần 10 năm nay, Nhà trường đều chủ động điều tra tỉ lệ việc làm của sinh viên các khóa sau khi tốt nghiệp. Liên tiếp trong các năm 2015, 2016 và 2017, tỉ lệ sinh viên Nhà trường có việc sau 6 đến 12 tháng luôn đạt ngưỡng trung bình 90% đến 93%. Ở một số ngành như Đông phương học, Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành, Quản trị khách sạn, Báo chí… tỉ lệ đi làm sau tốt nghiệp đạt 100%, thậm chí rất nhiều em được tuyển dụng từ khi đi thực tập tốt nghiệp. Một số tập đoàn quốc tế của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…thường thắc mắc tại sao Nhà trường không tăng số lượng sinh viên Đông phương học đào tạo hàng năm bởi họ muốn tuyển dụng nhưng Nhà trường không cung cấp đủ nguồn nhân lực. Không chỉ ở các mang tính ngành ứng dụng mà tại nhiều ngành khoa học cơ bản, tỉ lệ việc làm sau tốt nghiệp cũng rất ổn định nhờ số lượng đào tạo hàng năm không quá nhiều trong khi chất lượng đào tạo được đảm bảo. Chẳng hạn, sinh viên chuyên ngành Khảo cổ học của Nhà trường luôn được các cơ quan cấp tỉnh (Bảo tàng, Sở Văn hóa, Ban Quản lý di tích…) thông báo tuyển dụng nhưng thông thường sinh viên đã kiếm được việc làm trong quá trình thực tập tốt nghiệp.
- Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của thầy.
Tác giả: Thanh Hà
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn