Ngôn ngữ
GS.NGND Vũ Dương Ninh (Chủ tịch Hội Cựu Giáo chức Trường ĐHKHXH&NV): Giáo sư Phan Huy Lê tiên phong xây dựng nền móng của khoa học Lịch sử theo quan điểm mới
GS. Phan Huy Lê và GS. Vũ Dương Ninh
Lần đầu tôi biết thầy Phan Huy Lê là vào năm 1956, khi đó tôi là sinh viên năm thứ nhất Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Trong giờ của thầy Đào Duy Anh, Giáo sư giới thiệu: Đây là anh Phan Huy Lê, trợ giảng môn Cổ sử Việt Nam. Từ đó, thầy Lê bắt đầu giúp GS. Đào Duy Anh trong các giờ giảng. Tính ra thì thầy Lê cũng chỉ chừng 23 tuổi, là người thầy rất giỏi về mặt sư phạm. Thầy trình bày các vấn đề ngắn gọn và rõ ràng, có sức truyền cảm và cuốn hút được các thế hệ thầy trò. Học trò dù ở khóa nào cũng ca ngợi cách giảng bài của thầy Lê là rất logic, chặt chẽ, không thừa không thiếu.
Khi tôi tốt nghiệp Trường Đại học tổng hợp Hà Nội năm 1959, GS. Phan Huy Lê lúc đó đã là giảng viên môn Lịch sử cổ đại Việt Nam và là học trò trực tiếp của Giáo sư Đào Duy Anh. Lúc đó có các thầy Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn chuyên về Cổ sử Việt Nam và Khảo cổ học, còn thầy Đinh Xuân Lâm chuyên về Lịch sử cận đại. Như vậy, các thầy đi theo GS. Đào Duy Anh là những người đầu tiên đặt những viên gạch nền móng cho bộ môn Lịch sử cổ đại ngày nay. Những cuốn giáo trình đầu tiên cũng do các thầy biên soạn nên, có giá trị lâu bền và vẫn được sử dụng cho đến mãi tận sau này.
Đóng góp lớn khác của GS. Phan Huy Lê là Thầy đã đào tạo được nhiều thế hệ sinh viên, đặc biệt về sinh viên ngành Lịch sử cổ đại, trung đại, phong kiến Việt Nam. Các giáo sư nổi tiếng hiện nay như Vũ Minh Giang, Nguyễn Quang Ngọc… đều là học trò trực tiếp của thầy Lê. Thầy đã xây dựng được một đội ngũ các nhà sử học nói chung và về lịch sử cổ-trung đại Việt Nam nói riêng - những người này đang nắm giữ những vị trí quan trọng không chỉ trong ngành sử mà còn ở các lĩnh vực văn hóa, xã hội nói chung.
Điều tôi muốn nhấn mạnh đến là đóng góp của thầy Lê trong việc xây dựng nên nền móng của khoa học lịch sử theo quan điểm mới, mà ngày nay trở thành khuôn mẫu chung cho các nhà sử học Việt Nam nghiên cứu về vấn đề này. Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, GS. Phan Huy Lê đã truyền tải các nội dung ấy đến các trường đại học Văn khoa ở miền Nam, xây dựng nên cả đội ngũ nghiên cứu về sử cận đại. Nhờ vậy, ngày nay hệ thống nghiên cứu về sử Việt Nam là một hệ thống vững chắc và phát triển rất mạnh.
Bằng cứ liệu của mình, ngành Sử học đóng góp vào công cuộc bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ. Ở góc độ lịch sử Việt Nam nói chung và lịch sử cổ - trung đại, thầy Lê cùng các đồng nghiệp, học trò đóng góp rất lớn vào xây dựng các cứ liệu để chứng minh chủ quyền lãnh thổ nước ta trên đất liền và biển đảo.
Nói về kỷ niệm riêng, sau khi tốt nghiệp, tôi được giữ lại công tác tại Khoa Sử, nên mối quan hệ của tôi với thầy Lê tính ra kéo dài đến hơn 60 năm. Chúng tôi cùng nhau sinh hoạt trong Chi đoàn cán bộ giảng dạy, cùng gắn bó với sự phát triển của Khoa và Trường ĐHKHXH&NV. Điểm đặc biệt ở thầy Lê là đức tính vừa cần cù, chịu khó, nghiêm cẩn trong cuộc sống cũng như công việc; nhưng cũng hòa nhã, nhẹ nhàng, quan tâm đến bạn bè, đồng nghiệp. Đây là nét tính cách tạo nên sức hút rất lớn ở Thầy.
Năm 1973, khi nước ta vừa ký Hiệp định Paris để đảm bảo hòa bình ở Việt Nam và Mỹ rút quân, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp Tạ Quang Bửu là một nhà khoa học tự nhiên, công nghệ, nhưng lại rất am hiểu và quan tâm tới sử học. Đầu tháng 1/1973, Hiệp định Paris được ký kết, đến khoảng tháng 4, Bộ trưởng triệu tập một số cán bộ giảng dạy sử của Đại học Tổng hợp Hà Nội. Bộ trưởng nói Hiệp định Paris vừa được ký, đã giải phóng được phần phía Bắc Quảng Trị, hòa bình mới được lập lại. Đó là lúc các nhà sử học vào trong đó để hiểu được không khí chiến tranh và hòa bình, có như vậy mới có thể cảm nhận được cuộc đấu tranh toàn quốc như thế nào. Ông tổ chức một đoàn giảng viên sử chưa tới 10 người vào trong đó, do Giáo sư Phan Huy Lê làm trưởng đoàn. Khi đó mọi điều kiện còn hết sức khó khăn. Qua cuộc hành trình này, tất cả những ưu điểm của thầy Lê được bộc lộ rõ, từ cách tổ chức bài bản, từ sự quan tâm chăm lo cho từng người trong đoàn lẫn sự khéo léo, thuyết phục trong giao tiếp với địa phương. Đi tới đâu Thầy cũng nói về truyền thống đánh giặc cứu nước của cha ông ta, làm lay động tinh thần của người dân. Khả năng thuyết phục và đoàn kết mọi người của thầy Lê là rất tuyệt vời.
GS.TSKH.NGND Vũ Minh Giang (Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐHQGHN, nguyên Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, nguyên Phó Giám đốc ĐHQGHN): Thầy là gương mặt trí thức tiêu biểu của Việt Nam trong cộng đồng khoa học quốc tế
GS. Phan Huy Lê và GS. Vũ Minh Giang
Giáo sư Phan Huy Lê là một nhà sử học nổi tiếng với rất nhiều công trình khoa học nổi bật. Trước tác của Thầy có trên 500 công bố trong và ngoài nước. Nói về tài năng và cống hiến khoa học của Thầy thì không biết nói sao cho đủ. Từ rất sớm, GS. Phan Huy Lê đã được giới học giả quốc tế biết đến và được mời đi giảng bài ở các trường đại học danh tiếng ở Pháp, Nhật. Có một câu chuyện cũng hiếm người biết. Tháng 9/1975, tôi được tham gia vào một đoàn công tác tại Sài Gòn, thấy trên kệ sách của Đại học Văn khoa có nguyên một bộ sách của thầy Lê là Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam. Tôi hỏi: làm sao các vị đã có bộ sách này, bởi lúc đó sự giao lưu giữa miền Bắc và Nam còn rất khó khăn. Vị thủ thư trả lời rằng bộ này đã có lâu rồi, và họ phải nhờ các học giả Pháp mua nó ở Hà Nội, chuyển qua Paris vào Sài Gòn từ trước năm 1975. Điều đó chứng tỏ các tác phẩm của Thầy đã vượt ra khỏi tầm Việt Nam từ sớm.
Với trí tuệ mẫn tiệp, Giáo sư cũng tiếp nhận rất nhanh các xu hướng phát triển khoa học trên thế giới, nên Thầy đã sáng lập ra lĩnh vực khoa học mới là Việt Nam học, là giám đốc đầu tiên của Trung tâm Việt Nam học. Hội thảo Việt Nam học vào cuối những năm 80 tại Việt Nam đã quy tụ gần nghìn học giả trong và ngoài nước, trong đó có trên dưới 300 nhà khoa học từ 27 nước trên thế giới. Sau khi có tin Thầy qua đời, tôi dồn dập nhận được những tin nhắn bày tỏ lòng tiếc thương của bạn bè, học giả và học trò quốc tế. Nên nếu chỉ thấy GS. Phan Huy Lê là nhà sử học Việt Nam lỗi lạc thì đúng nhưng chưa đủ, mà phải khẳng định rằng Thầy còn là một gương mặt tiêu biểu của trí thức Việt Nam trong cộng đồng quốc tế. Thầy được Viện Hàn lâm Văn khắc Pháp trao tặng danh hiệu Viện sĩ thông tấn - một chức danh cao quý. Rồi Giải thưởng Văn hóa Châu Á Fukuoka Nhật Bản, Giáo sư Phan Huy Lê là người Việt Nam duy nhất được nhận.
GS. Phan Huy Lê là người luôn thổi vào khoa học lịch sử Việt Nam những luồng sinh khí mới. Trong tình hình mới có nhiều biến động, việc dạy, nghiên cứu lịch sử có nhiều vấn đề, Thầy mong ước đưa vào những phương pháp, cách tiếp cận mới với lịch sử. Bộ Quốc sử Thầy chỉ đạo đang đi theo hướng đó. Với những nỗ lực phi thường của Thầy, bộ Quốc sử về cơ bản đã xong bản thảo lần thứ nhất. Những giai đoạn tiếp theo, học trò hoàn toàn có thể kế tiếp những gì Thầy đã đặt nền móng. Công trình Lịch sử văn hóa Việt Nam - Tiếp cận bộ phận đã tổng hợp những quan điểm, tư tưởng mới trong nghiên cứu lịch sử, văn hóa mà nhờ đó, Thầy đã vinh dự nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh. Ví dụ như trước đây, giới sử học thường nghiên cứu sử Việt theo cách lấy lịch sử người Việt làm trung tâm, dựa theo hướng phát triển của người Việt. Nhưng với quan điểm mới, mọi tiếp cận bộ phận khác, như lịch sử Chăm Pa, Phù Nam... được trình bày bình đẳng và ngang tầm nhau. Đây là quan điểm cực kỳ mới và tiến bộ. Một quan điểm khác là chúng ta quá chú trọng vào lịch sử chính trị - quân sự nhưng thực tế dân tộc Việt Nam còn tạo ra những giá trị văn hóa đặc sắc. Quan điểm toàn diện này đã đề xuất đưa những vấn đề xã hội, văn hóa vào trong nghiên cứu Sử học.
GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc (nguyên Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, ĐHQGHN): Giáo sư Phan Huy Lê góp phần đặt nền móng cho ngành Hà Nội học
GS. Phan Huy Lê và GS. Nguyễn Quang Ngọc
GS. Phan Huy Lê không chỉ là chuyên gia hàng đầu về lịch sử đất nước mà từ rất sớm, Thầy đã gắn bó sâu sắc và đóng vai trò dẫn dắt nền sử học Hà Nội. Thầy bắt đầu nghiên cứu về Hà Nội từ những năm 60 của thế kỷ trước với chương trình nghiên cứu đầu tiên về Cổ Loa, sau đó Thầy mở rộng nghiên cứu về các di tích lịch sử văn hóa của Hà Nội. Tôi nhớ những năm 1984-1985, khi Hà Nội triển khai điều tra các di tích lịch sử văn hóa thì Thầy làm cố vấn và tổ chức cho chúng tôi thực hiện. Chúng tôi có được các kiến thức về Hà Nội để sau này triển khai các hoạt động nghiên cứu khác là bắt đầu từ thời gian đó. GS. Phan Huy Lê đặc biệt quan tâm đến các di sản vật thể và di sản phi vật thể của Hà Nội, tức là các di tích lịch sử, văn hoá cũng như các truyền thống văn hóa của Thăng Long Hà Nội. Thầy cùng GS. Trần Quốc Vượng đã gợi ra việc xây dựng ngành Hà Nội học, đứng ra tổ chức các hội thảo khoa học có tính chất đánh giá, định hướng các nghiên cứu về Hà Nội nói chung và lịch sử văn hóa Hà Nội nói riêng. Có thể nói tổng kết lịch sử Hà Nội cho đến hiện nay, đó là công trình của GS. Phan Huy Lê làm chủ biên với bộ Lịch sử Thăng Long Hà Nội hai tập và đã được tặng giải thưởng Sách hay của Hội Xuất bản Việt Nam.
Một đóng góp rất lớn và đặc biệt của GS. Phan Huy Lê cho Hà Nội là bằng trí tuệ mẫn tiệp của mình, bằng thái độ dũng cảm trong khoa học, Giáo sư đã đứng ra tổ chức nghiên cứu, đánh giá giá trị của khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long và nêu các kiến nghị rất kiên quyết đến tất cả các cơ quan cao nhất của Đảng và Nhà nước để giữ lại khu di tích Thăng Long. Trên cơ sở đó, Giáo sư được lãnh đạo thành phố Hà Nội tín nhiệm mời giúp xây dựng hồ sơ để xin UNESCO công nhận di tích trung tâm Hoàng Thành Thăng Long là di sản văn hóa thế giới đúng vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội. Đó là một kỳ công tuyệt vời mà GS. Phan Huy Lê đóng góp công sức rất lớn. Giáo sư cũng được Hà Nội vinh danh là Công dân ưu tú Thủ đô. Thầy được lãnh đạo thành phố Hà Nội coi như một chuyên gia lớn của Hà Nội và tham gia cố vấn rất nhiều chương trình phát triển Thủ đô Hà Nội.
Trong chuyên môn, GS. Phan Huy Lê là người nguyên tắc và nghiêm khắc. Với những học trò như chúng tôi, những vấn đề gì chưa được rõ ràng mà mình cứ nói thì Thầy uốn nắn ngay. Thầy là người không khoan nhượng với cái sai, cái thiếu và cái yếu. Nhưng trong cuộc sống thì Thầy lại vô cùng gần gũi, thân tình. Thầy chia sẻ với chúng tôi từ những món vật chất nhỏ nhất trong cuộc sống, như hồi bao cấp chúng tôi phải chia nhau từ những cái áo may ô, đôi dép hay gói mì chính.... Bao giờ Thầy cũng nhường cho các cán bộ trẻ mặc dù nhà Thầy cũng rất khó khăn. Khi nghe tin Giáo sư qua đời, tôi đã nhận được rất nhiều cuộc điện thoại và tin nhắn. Những học trò của Thầy ở mọi miền đất nước khi nghe tin dữ qua điện thoại đã không nói được lời nào mà òa lên khóc và cứ thế khóc không thôi. Chúng tôi thực sự đã coi Thầy như một người Cha.
PGS.TS Vũ Văn Quân (Trưởng Khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV): Giáo sư Phan Huy Lê có những đóng góp cực kỳ xuất sắc cho Khoa Sử, cho Trường ĐHKHXH&NV và ĐHQGHN
GS. Phan Huy Lê về công tác ở Khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV từ năm 1956. Thầy là Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Việt Nam cổ-trung đại, kế tục GS. Đào Duy Anh từ năm 1958 cho đến năm 1978. Trong suốt thời gian đó, dưới sự dẫn dắt và tổ chức của Thầy, tập thể cán bộ của Bộ môn đã đạt những kết quả xuất sắc trong đào tạo, nghiên cứu khoa học. Nhiều thế hệ học trò của Bộ môn sau trở thành những nhà khoa học, nhà giáo, nhà quản lý xã hội uy tín trên nhiều lĩnh vực công tác. Cũng trong thời gian này, nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử Việt Nam của Bộ môn được hoàn thành, có giá trị về khoa học và thực tiễn. Kể cả sau khi không còn làm Chủ nhiệm Bộ môn nữa, Thầy vẫn tiếp tục đồng hành và là trụ cột trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học của Bộ môn và Khoa Lịch sử.
GS. Phan Huy Lê cũng là người đặt nền móng cho những ngành học mới của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, sau này là Trường ĐHKHXH&NV, trong đó có ngành Đông phương học. Trong phạm vi của ĐHQGHN, Thầy là người sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Giao lưu Văn hóa, sau này là Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển. Đây là một cầu nối, một địa chỉ quy tụ các nhà Việt Nam học trên thế giới, cùng hợp tác để nghiên cứu về lịch sử văn hóa Việt Nam. Thầy đã góp phần đề ra những định hướng lớn trong đào tạo, nghiên cứu các ngành KHXH&NV nói riêng và các ngành của ĐHQGHN nói chung. Với tất cả quá trình hoạt động, công tác như vậy, GS. Phan Huy Lê thực sự có những đóng góp cực kỳ xuất sắc cho Khoa Sử, cho Trường ĐHKHXH&NV nói riêng và ĐHQGHN nói chung. Thầy góp phần không nhỏ tạo nên uy tín, thương hiệu của Bộ môn, của Khoa, của Nhà trường không chỉ trong cộng đồng khoa học trong nước mà còn cả với cộng đồng khoa học quốc tế.
Như mọi người đã biết, GS. Phan Huy Lê đóng vai trò then chốt trong quá trình chuẩn bị, triển khai thực hiện việc nghiên cứu, biên soạn bộ Quốc sử Việt Nam. Điều đáng tiếc, đau xót nhất với tất cả những người tham gia vào biên soạn bộ sách này là khi bộ sách được xuất bản thì Thầy không còn nữa. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Thầy, các vấn đề về quan điểm, phương pháp nghiên cứu, nguyên tắc tiếp cận cũng như việc tổ chức thực hiện nghiên cứu, biên soạn đã căn bản được hoàn thành. Những người tham gia sẽ làm với tất cả tinh thần trách nhiệm và tình cảm của mình để đảm bảo chất lượng tốt nhất cho một công trình khoa học lớn mà Thầy luôn đau đáu.
GS.TS Phạm Hồng Tung (Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, ĐHQGHN): Thầy Lê nổi tiếng uyên bác, nghiêm túc, nhưng cũng rất hào hoa, tinh tế
Điều tạo nên thương hiệu mạnh hiệu mạnh cả ở trong nước và thế giới của Đại học Tổng hợp Hà Nội trước đây và ĐHQGHN ngày nay, trước hết là ở đội ngũ các giáo sư đầu ngành. Trong đó, trong lĩnh vực Sử học, sau thế hệ của GS. Trần Văn Giàu, GS. Đào Duy Anh thì chính là thế hệ của “Tứ trụ” Lâm - Lê - Tấn - Vượng. Đấy là thế hệ kết tinh tài năng qua mồ hôi, nước mắt, qua lao động cần cù trong những ngày tháng khó khăn nhất của thời kỳ bao cấp, của chiến tranh ở các khu sơ tán. Đấy là những tấm gương lao động miệt mài, không quản khó khăn của những ngày tháng điền dã, ở những nơi lưu giữ dấu tích văn hóa của cha ông, bất kể vùng núi, nông thôn hay vùng chiến sự. Chính công sức lao động như vậy đã tạo nên những đóng góp học thuật rất lớn của các thầy. Chính đóng góp đó tạo nên thương hiệu của các nhà khoa học lớn của ĐHTHHN và ĐHQGHN. Trên nền nghiên cứu sâu sắc, các thầy chuyển tải các kết quả vào bài giảng. Nên uy danh của các thầy nằm chính ở sự thuyết phục học trò bằng tâm huyết và trí tuệ của mình. Giống ba thầy còn lại, GS. Phan Huy Lê khẳng định được tầm vóc học thuật rất lớn ở chỗ, ngay từ sớm Thầy đã tham khảo được các lý thuyết khoa học trong nước và ngoài nước, đọc công trình của những tác giả nước ngoài mà không nhiều người ở Việt Nam đọc được thời điểm ấy. Chính sự quảng bác, giao lưu, đối thoại học thuật toàn cầu đã làm nên bệ đỡ tri thức vượt trội của Thầy. Khi đất nước vừa đổi mới, mở cửa, các nhà nghiên cứu lớn về Việt Nam trên thế giới như đã sớm biết tới uy tín của Giáo sư Lê và cử các sinh viên nước ngoài tới học tập Thầy ngay từ những năm 1986-1987. Những lớp sinh viên này giờ đang lãnh đạo các trung tâm nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á hàng đầu trên thế giới. Các công trình của GS. Phan Huy Lê được nước ngoài trích dẫn nhiều, có lẽ chỉ sau GS. Trần Văn Giàu và GS. Đào Duy Anh.
Ở trong nước, các cơ quan có trách nhiệm cao nhất của đất nước về học thuật, văn hóa như Hội đồng Lý luận Trung ương, Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, Hội đồng Giáo dục Quốc gia ... đều mời thầy làm thành viên. Nhiều lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng thường xuyên tham vấn ý kiến Thầy về những vấn đề lịch sử, văn hóa quan trọng của đất nước. Với học trò thì các Thầy không chỉ là bậc thầy mẫu mực về trí tuệ, tính nghiêm túc nghề nghiệp mà còn là những người cha của chúng tôi, chỉnh sửa từng dấu chấm, phẩy, từng nét ứng xử, và quan trọng nhất là dạy chúng tôi về sự nghiêm cẩn trong khoa học và lòng nhân ái trong đời thường. Thầy Lê được người người quý trọng chính là ở sự nhân hậu, bao dung và nhất là tác phong hòa đồng với đồng nghiệp.
Một điều nữa, thầy Lê là người làm khoa học rất dung cảm. Trong lịch sử, các nhà khoa học luôn phải đương đầu vào những vấn đề phức tạp và nhiều người dù rất giỏi nhưng vẫn không đủ dũng cảm để đi đến tận cùng vấn đề ấy. Thầy Lê thì khác, Thầy luôn dẫn dắt học trò, sẵn sàng đối diện với những thách thức, khó khăn. Ví dụ như phải đánh giá thế nào về những nhân vật, chính thể, chế độ có “vấn đề” trong lịch sử như triều Nguyễn - một vương triều tội lớn với dân tộc khi để mất nước vào tay thực dân Pháp. Nhưng triều Nguyễn cũng có những đóng góp lớn cho lịch sử, văn hóa nước nhà, đặc biệt đã tổ chức, quản lý để bảo vệ chủ quyền quốc gia, dân tộc trên biển Đông. Vậy cần nói rõ đâu là hạn chế và tội lỗi, nhưng không được phủ nhận sạch trơn công lao của triều Nguyễn, bởi nó ảnh hưởng ngay tới lợi ích của dân tộc ta hiện nay với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Thầy Lê đã đề xuất một cách đánh giá lịch sử khách quan, công bằng và trung thực..
Trong “Tứ trụ” huyền thoại, Thầy Lê nổi tiếng uyên bác, nghiêm túc, nhưng cũng rất hào hoa, tinh tế, dân dã. Cái khác biệt của thầy Lê là tinh tế, đẳng cấp ở chỗ cần tinh tế, đẳng cấp; tức là khi cần xuất hiện ở những diễn đàn lớn, phải tiếp xúc với các nguyên thủ quốc gia, Thầy thể hiện mình là trí thức nghiêm túc, lịch thiệp. Nhưng khi ở cùng với sinh viên hay bà con lao động thì Thầy lại rất dân dã, sẵn sàng ngồi ăn cơm, bóc khoai, chấm mắm, hỏi chuyện đồng áng cùng bà con. Khi đối thoại với các văn nghệ sĩ nước ngoài, Thầy lại tỏ ra hào hoa, am tường, hiểu biết những vấn đề nghệ thuật. Giáo sư là người kết hợp hài hòa phong cách vừa hàn lâm, học thuật vừa dân dã; vừa tinh hoa, trí thức nhưng cũng giản dị và hoà đồng; vừa am hiểu sâu sắc văn hoá Việt Nam nhưng cũng rất am tường văn hoá phương Tây.
Tác giả: Thanh Hà