Khoa Quốc tế học toạ đàm về phương pháp giảng dạy

Thứ ba - 04/09/2018 17:18
Ngày 29/8 vừa qua, Khoa Quốc tế học tổ chức toạ đàm về phương pháp giảng dạy với sự tham gia của cán bộ, giảng viên trong và ngoài khoa. Toạ đàm đề cập đến những vấn đề chung về phương pháp và tư duy trong giảng dạy, những phương pháp đặc thù trong giảng dạy ngành Quốc tế học cho đến các giải pháp nâng cao sự chủ động và sáng tạo của giảng viên hay việc lựa chọn giảng dạy các môn học bằng tiếng Anh như một xu hướng cần thúc đẩy…
Khoa Quốc tế học toạ đàm về phương pháp giảng dạy
Khoa Quốc tế học toạ đàm về phương pháp giảng dạy

Chú trọng dạy tư duy và phương pháp

Theo GS. Vũ Dương Ninh (Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Nhà trường), giảng viên đại học cần đặc biệt coi trọng tư duy logic trong bài giảng, qua đó không chỉ giúp trò hiểu bài mà còn phải dần dần chuyển hoá tư duy của thầy thành tư duy của trò. Muốn bài giảng có sự logic và có tư duy mạch lạc thì giảng viên phải nắm rất chắc vấn đề cần truyền đạt.

“Theo tôi, năng lực tư duy; năng lực diễn đạt; năng lực kết nối giữa các bài giảng, giữa thầy và trò, giữa môn học này và các môn học khác là những năng lực cơ bản mà một người thầy giỏi phải có” - GS. Vũ Dương Ninh nhấn mạnh.

Cũng theo GS. Ninh, nhiệm vụ của người giảng viên, ngoài việc phải truyền đạt được kiến thức cho người học thì phải gợi mở sâu hơn và giúp sinh viên có khả năng tự học, tự nghiên cứu. Điều này khác hoàn toàn với dạy ở bậc phổ thông.

GS. Vũ Dương Ninh (Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Nhà trường)

Phân tích sự khác biệt của một đại học nghiên cứu (ĐHNC) so với các đại học thông thường, TS. Lâm Minh Châu (Phó trưởng khoa Nhân học) chỉ ra những điều cốt lõi phải đạt được trong quá trình giảng dạy sao cho phù hợp với tính chất của một ĐHNC. Với mục tiêu sáng tạo tri thức mới, ĐHNC phải hướng tới đào tạo ra những con người có khả năng tạo ra những tri thức mới - là động lực cho sự phát triển xã hội. Trong khi đó, những đại học thông thường chỉ cần tạo ra những con người có kiến thức và chuẩn hoá được các kỹ năng chuyên môn. Muốn tạo ra tri thức mới, những con người đó phải nắm được những xu thế và các luồng quan điểm mới nhất, coi những kiến thức hay quan điểm kinh điển chỉ là điểm khởi đầu để sáng tạo và tìm ra cái mới.

Do đó, ngoài việc dạy cho sinh viên những kiến thức cập nhật nhất, người giảng viên phải rèn cho sinh viên tư duy phản biện và luôn có quan điểm riêng trước mọi vấn đề. Cuối cùng là dạy về phương pháp nghiên cứu và giải quyết vấn đề.

TS. Lâm Minh Châu cũng nhấn mạnh rằng chỉ khi người giảng viên đồng thời là nhà nghiên cứu nghiêm túc và độc lập thì mới có khả năng sáng tạo cao; từ đó dẫn dắt, khuyến khích và truyền cảm hứng cho sinh viên sáng tạo và dám làm những điều khác biệt.        

Bên cạnh đó, việc phân công giảng dạy các môn học sao cho phù hợp với mục tiêu đào tạo, năng lực giảng dạy của từng nhóm giảng viên là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo. TS. Lâm Minh Châu dẫn chứng, ở nước ngoài, dạy các môn đại cương hoặc dạy cho sinh viên năm thứ nhất thường phải chọn những giáo sư đầu ngành, có kiến thức uyên bác chứ không chọn những giảng viên trẻ. Bởi các giáo sư đầu ngành là những người có khả năng truyền đạt những nội dung phức tạp nhất theo cách đơn giản và mạch lạc nhất. Những môn học đại cương tưởng là không khó nhưng đòi hỏi kiến thức nền tảng rất rộng và sâu của người dạy.

GS.TS Phạm Quang Minh chia sẻ về ba cấp độ phân tích trong nghiên cứu quốc tế mà người nghiên cứu và giảng dạy phải nắm vững. Đó là cấp độ quốc tế, cấp độ quốc gia và cấp độ cá nhân. Trong số đó, phân tích cấp độ quốc gia hiện còn yếu do không nhiều sinh viên nắm được tình hình chính trị - kinh tế - xã hội nội tại của từng nước. Và cấp độ cá nhân thì các nghiên cứu hiện nay không nhiều, một phần do thói quen và văn hoá của người Việt Nam không đề cao cá nhân… Bên cạnh đó, việc nắm vững ba cấp độ phân tích này còn gặp khó khăn do sự phức tạp của các hệ thống quốc tế, sự đa dạng của cấp độ quốc gia và sự khó đoán định của cấp độ cá nhân.

Giảng dạy tích cực

Đi sâu bàn về phương pháp giảng dạy, các ý kiến phát biểu đều thống nhất rằng giảng dạy theo cách truyền thống như đọc - chép, tương tác một chiều thầy đến trò… đã không còn hiệu quả. Người giảng viên phải chủ động, sáng tạo, áp dụng đa dạng các phương pháp khác nhau.

Chia sẻ kết quả khảo sát ý kiến sinh viên Khoa về hoạt động giảng dạy TS. Nguyễn Thị Thuỳ Trang (Phó trưởng khoa Quốc tế học) cho biết: sinh viên Khoa đánh giá cao phương pháp dạy của giảng viên và khả năng sử dụng các phương tiện hiện đại của thầy cô trong giảng dạy. Tuy nhiên, sinh viên còn chưa hài lòng về việc được hỗ trợ phát triển kỹ năng phản biện và tư duy logic. Sinh viên kỳ vọng các thầy cô sẽ nâng cao hơn nữa khả năng sáng tạo trong giảng dạy; tăng cường hoạt động thuyết trình và làm việc nhóm; tăng tính thực tiễn của môn học; tăng thời lượng thực tập, thực tế…

GS.TS Hoàng Khắc Nam (Trưởng khoa Quốc tế học) cho rằng có nhiều phong cách giảng dạy khác nhau mà các thầy cô có thể áp dụng tuỳ vào từng đối tượng học. Ví dụ: phương pháp sư phạm - vừa giảng bài, vừa vận dụng kiến thức vào hoạt động thực hành, giúp sinh viên ứng dụng được ngay kiến thức vừa học vào thực tiễn. Đó là kiểu dạy phù hợp với bậc đại học và có tính tương tác cao với người học. Nhưng với đối tượng sau đại học, giảng viên có thể áp dụng cách dạy kiểu “talker” - mang tính thuyết trình cao với nền tảng kiến thức rộng, hàn lâm hơn.

GS.TS Hoàng Khắc Nam chia sẻ những tiêu chí để trở thành một giảng viên tốt, đó là: phải có niềm đam mê với công việc; nhiệt tình và truyền cảm hứng cho sinh viên; thiết kế bài giảng logic, hấp dẫn; chú trọng tương tác với người học và liên tục điều chỉnh cách dạy cho phù hợp với thực tiễn lớp học; thúc đẩy sự chủ động và độc lập của sinh viên trong học tập bằng nhiều hoạt động thảo luận nhóm, seminar; chấp nhận cái tôi của sinh viên và chấp nhận sự khác biệt…

TS. Trần Điệp Thành (Khoa Quốc tế học) bàn về việc cần thiết phải có hoạt động seminar trong giảng dạy. Nghiên cứu cho thấy, nếu chỉ đọc tài liệu, sinh viên chỉ nhớ được khoảng 10% kiến thức; nếu chỉ nghe thì nhớ được khoảng 20% kiến thức; kết hợp cả nghe và nhìn trong học tập thì lượng ghi nhớ là 50%. Nhưng nếu sinh viên tự trình bày kết quả nghiên cứu thì khả năng nhớ lên đến 70%. Nếu sinh viên biết phối hợp với nhau làm việc, tự trình bày ý kiến thì khả năng ghi nhớ lên đến 90%. Đây là những thông tin tham khảo hữu ích cho các giảng viên.

Tiếp cận việc giảng dạy từ góc độ người học, PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Thuỷ (Trưởng bộ môn NC châu Mỹ, Khoa Quốc tế học) cho rằng sinh viên Việt Nam vẫn còn tâm lý ngại các thầy cô giáo khó tính, không sẵn sàng đối thoại về học thuật. Các em thường có sự so sánh để chọn các thầy cô dễ tính và hay cho điểm cao. Chưa kể hiện tượng đạo văn trong sinh viên cũng không hề hiếm. Do đó rất cần những phân tích và khảo sát thực tiễn về nhu cầu, năng lực, tâm lý học tập của sinh viên để có những thay đổi phù hợp trong cách dạy, giúp đạt được mục tiêu đề ra của quá trình học tập.

Đẩy mạnh EMI

Ở một góc nhìn riêng, TS. Lê Lêna (Khoa Quốc tế học) đem đến toạ đàm tham luận về thực trạng giảng dạy các môn chuyên ngành bằng tiếng Anh tại Khoa. EMI được hiểu là việc sử dụng tiếng Anh như là công cụ chính trong học tập và giảng dạy tại các cơ sở đào tạo - đặc biệt khi người học và người dạy không nói tiếng Anh như ngôn ngữ mẹ đẻ. Đây là một xu hướng rõ nét và ngày càng phổ biến trong giáo dục hiện nay, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ, lượng sinh viên du học ngày càng tăng, các trường đại học nước ngoài tăng cường tìm kiếm học viên bên ngoài quốc gia mình để nâng cao hình ảnh và tăng kinh phí... EMI đem đến nhiều lợi ích cho người học, người dạy, cho cơ sở đào tạo và cho sự phát triển chung của ngành giáo dục và đào tạo mỗi nước.

TS. Lê Lêna (Khoa Quốc tế học) đem đến toạ đàm tham luận về thực trạng giảng dạy các môn chuyên ngành bằng tiếng Anh tại Khoa

Tham luận chỉ ra những thuận lợi của việc giảng dạy EMI tại Khoa hiện nay như: giáo viên giảng dạy chuyên ngành của Khoa có khả năng ngoại ngữ tốt; khoa có nhiều giảng viên thỉnh giảng là người nước ngoài; ngày càng nhiều các hoạt động học thuật có tính chất quốc tế; định hướng chú trọng nâng cao năng lực ngoại ngữ cho sinh viên của Khoa; chiến lược quốc tế hoá các chương trình giảng dạy của Nhà trường…

Bên cạnh đó, triển khai EMI tại Khoa cũng tồn tại những hạn chế như: giảng viên chưa được đào tạo để triển khai các lớp EMI; các lớp EMI hiện tại được xây dựng nhờ nỗ lực của giảng viên hơn là sự kết hợp giữa giảng viên chuyên ngành và giảng viên tiếng Anh; nền tảng ngoại ngữ của sinh viên chưa đồng đều; chưa có hỗ trợ thực sự hiệu quả cho cả giảng viên và sinh viên khi tham gia các lớp EMI…

TS. Lê Lêna cũng gợi ý việc xây dựng lớp học nghịch đảo (flipped class) khi dạy EMI - ngược lại xu hướng các lớp học thông thường hiện nay. Theo đó, quá trình sinh viên đọc và hiểu bài diễn ra bên ngoài lớp học và là quá trình tự học. Sinh viên tham dự mô hình lớp học nghịch đảo sẽ tự làm việc với bài giảng trước thông qua đọc tài liệu, tóm tắt tài liệu, nghe trước các bài giảng đã được cung cấp từ video, slide bài giảng Powerpoint, thông tin trên mạng… Thời gian trên lớp chủ yếu dành cho việc giải đáp thắc mắc, thảo luận, hiểu sâu và mở rộng vấn đề cần bàn. Giảng viên chỉ là người đóng vai trò điều phối thảo luận và giải đáp thắc mắc. Cách học này yêu cầu sự chủ động của cả thầy và trò và nếu làm được sẽ mang lại hiệu quả giảng dạy cao.

Tác giả: Thanh Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây