Đại sứ Palestine Saadi Salama: Yêu tiếng Việt như tiếng mẹ đẻ

Thứ sáu - 02/11/2018 08:08
Nếu gặp lần đầu, anh Saadi Salama - Đại sứ Palestine tại Việt Nam có khả năng “gây choáng” người đối diện bởi khả năng nói tiếng Việt nhuần nhuyễn. Tiếng Việt của anh sử dụng không chỉ chính xác trong từng ngữ cảnh cụ thể mà còn rất thú vị và sâu sắc. 
Đại sứ Palestine Saadi Salama: Yêu tiếng Việt như tiếng mẹ đẻ
Đại sứ Palestine Saadi Salama: Yêu tiếng Việt như tiếng mẹ đẻ

Đại sứ Palestine Saadi Salama - học viên Khoa Việt Nam học và tiếng Việt giai đoạn 1980-1984

Bạn sẽ thấy anh Saadi dùng toàn những từ hay như: "gần đất xa trời", cái "duyên", chạy chức chạy quyền, "con ông cháu cha", lòng người đang "bạc" đi… Qua câu chuyện học và dùng tiếng Việt của anh, người ta bị hấp dẫn bởi một cá tính rõ nét. Đó là khi tìm hiểu cái gì thì luôn đến nơi đến chốn, hiểu cặn kẽ và luôn có sự so sánh đối chiếu giữa tiếng Việt và ngôn ngữ khác như tiếng Anh hay tiếng Ả rập. Ví dụ anh nói: từ “duyên” rất khó dịch sang tiếng Anh hay tiếng Ả rập; hay từ “cảm ơn” người Việt không thích dùng nhiều vì nó khách sáo và xã giao… Không chỉ hướng đến việc dùng tiếng Việt đúng mà anh Saadi còn muốn sử dụng tiếng Việt thật “sâu” và giàu sức biểu cảm. Anh phản đối việc nói tiếng Việt “như một cái máy” không cảm xúc. Đó phải là một thứ tiếng Việt thú vị, không chỉ trong ngữ nghĩa mà còn ở cách phát âm và lối kể chuyện. Bởi vậy nếu chỉ nghe giọng anh qua điện thoại ít người có thể nhận ra đây là một người nước ngoài nói tiếng Việt bởi sự trôi chảy và trầm bổng quyến rũ trong giọng nói của anh.

Anh cẩn thận hỏi chúng tôi về mục đích cuộc phỏng vấn và hỏi về nội dung trọng tâm cần phải trả lời. Anh nói là để chuẩn bị sao cho mình nói gãy gọn, ấn tượng và “trúng” nhất, vì anh biết thời lượng lên hình cho mỗi người chắc chắn là không nhiều. Và suốt hơn 10 phút phỏng vấn ghi hình sau đó, anh đã trình diễn hoàn hảo một thứ tiếng Việt trôi chảy và thậm chí còn không hề có những đoạn ngừng lại ư a… như những người Việt Nam khi phỏng vấn vẫn mắc phải. Không cần đến bất kỳ một đúp quay lại nào cả. Tất cả đều gọn gàng và chuyên nghiệp. Bên cạnh khả năng ngôn ngữ tuyệt vời phải thừa nhận là anh có tư duy quá tốt, khiến idea đưa ra luôn rõ ràng và rạch ròi. Trên nền tảng ấy thì khả năng nắm chắc ngôn ngữ tiếng Việt mới được dịp phô diễn.

Anh Saadi từng gây “sốt” trên truyền thông về sự am hiểu tiếng Việt và có kiến thức đáng nể về văn hoá, lịch sử, địa lý Việt Nam khi tham gia thi tại chương trình “Ai là triệu phú” tối mùng 4 Tết năm 2017 và ẵm ngay phần quà trị giá 40 triệu đồng. Một loạt câu hỏi khó liên quan đến ẩm thực như các món cao lầu, bánh giầy, bánh củ gừng…; địa lý liên quan đến chợ Đồng Xuân, sông Lô; hay lịch sử liên quan đến nhà cách mạng Trần Phú đề được anh trả lời rành rọt, dễ dàng. Chi tiết thú vị nhất là khi anh Saadi gặp câu hỏi “Bu là gì?”, anh hỏi khán giả trường quay và đáp án được nhiều người chọn nhất là “Một điệu hát”. Nhưng sau đó anh đã chọn ngay đáp án “Mẹ” và vượt qua thử thách trong tiếng vỗ tay giòn giã của người xem.

Đại sứ Palestine Saadi Salama và PGS.TS Nguyễn Thiện Nam (Trưởng khoa Việt Nam học và Tiếng Việt) tại Văn phòng Đại sứ trong buổi ghi hình phỏng vấn Đại sứ phục vụ cho lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt

Học Tiếng Việt muốn sâu phải gắn với hiểu văn hoá Việt Nam; kiên trì không bỏ cuộc khi gặp khó khăn - đó là những bí quyết của anh Saadi Salama. Nhưng chúng tôi cũng phát hiện thêm một bí quyết khác của anh đó chính là người vợ Việt Nam mà anh cưới khi còn rất trẻ tại Việt Nam - đất nước mà anh lần đầu đến thăm khi mới 19 tuổi.

“Tôi tự hào vì là một trong số ít người nước ngoài có thể nói tiếng Việt Nam như tiếng mẹ đẻ” - Anh cho biết. Và một niềm tự hào khác của anh đó là cả 4 người con đều thành đạt, có ích cho xã hội và đặc biệt là biết nhiều ngôn ngữ: Việt Nam - Ả rập - Pháp - Anh - Tây Ban Nha.

“Tôi là một chàng trai Palestine may mắn khi được đến và học tại Việt Nam, tại Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt”. Anh cứ liên tục đưa ý kiến, rồi phân tích, rồi “khoe” mình may mắn và hạnh phúc nhường nào - cái sự tự tin, luôn tỏ rõ mình giá trị hiểu bản thân, mình đang nắm chắc vấn đề cần diễn đạt mà đừng ai hòng qua mặt. Cộng hưởng vào đó là sự lịch lãm ngọt ngào của một nhà ngoại giao với gương mặt và nụ cười luôn rạng rõ. Chả thế mà photographer của chúng tôi chẳng khó khăn chút nào khi “bắt” được thần thái đẹp nhất của anh trong các shoot ảnh.

Có cựu học viên xuất sắc như anh, không khó hiểu chút nào khi Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt đã 50 trôi qua vẫn đứng ở vị trí hàng đầu đất nước về đào tạo tiếng Việt và Việt Nam học.

Tác giả: Thanh Hà. Ảnh: Ngọc Tùng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây