Ngôn ngữ
Đại sứ Valeriu Arteni chia sẻ: Tôi có thuận lợi lớn khi làm công tác ngoại giao tại Việt Nam vì trước đó, tôi đã yêu Việt Nam bằng cả trái tim. Giai đoạn 1971-1976, ông là sinh viên học tiếng Việt tại Khoa Tiếng Việt và Khoa Ngữ văn (Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội). Ông nhớ lại, tại đây mình đã được học một thứ tiếng Việt chuẩn mực, bài bản và đẹp đẽ từ những người thầy cô giỏi nhất. Tiếng Việt trong mắt ông Valeriu là một thứ ngôn ngữ đẹp kỳ diệu, những thanh vần, âm điệu của nó đã làm nên sự du dương và truyền cảm hiếm có. Vậy nên, “ý nghĩ tiếng Việt khó học và không thú vị với người nước ngoài là một kết luận quá vội vàng” - ông nói.
Đại sứ Rumani Valeriu Arteni - cựu học viên Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt giai đoạn 1971-1976
Ông Valeriu học tiếng Việt trong thời gian đất nước có chiến tranh, ông cùng sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội phải tản cư về vùng làng quê quanh Hà Nội. Người nước ngoài khác có thể sợ hãi với bom rơi đạn lạc và bỏ chạy ngay về nước vào giai đoạn cực kỳ khốc liệt ấy nhưng ông thì lại sẵn sàng ở lại cùng chịu đựng gian khổ với các thầy cô và bạn bè Việt Nam. Ông Valeriu luôn nhắc đến những kỷ niệm ấy với niềm tự hào và gọi đó là những trải nghiệm “quý giá” trong cuộc đời mình. Vì với ông, tiếng Việt chỉ được hiểu sâu sắc và “đời” hơn khi được hiện diện trong đời sống thực tế và hoà quyện cùng những giá trị và tập tính văn hoá được bộc lộ ở những thời điểm cảm xúc nhất. Ông Valeriu đã quay lại ngay miền quê ấy khi ông trở thành Đại sứ của đất nước Rumanivà hạnh phúc vô cùng khi hàng trăm người dân ở đó vẫn nhớ, vẫn yêu quý và chào đón ông.
Ngài Đại sứ không chỉ nói tiếng Việt quá tốt mà còn xởi lởi gần gũi khi tiếp khách lại nhà theo đúng phong tục của một người Việt Nam đích thực: “Việt Nam là quê hương thứ hai của tôi và mỗi khi đóng gói hành lý sang Việt Nam, tôi có cảm giác như được về nhà”.
Chỉ cần hỏi ông một câu về tiếng Việt, ông có thể dành nguyên một buổi nói về tiếng Việt đẹp và khác biệt thế nào; sâu sắc ra sao. Ông đã phải bí mật một mình đến tầng 4 B7bis Bách khoa (Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt) luyện tập tiếng Việt hàng ngày để có thể sử dụng tiếng Việt giỏi và tiếp cận đến trái tim của người Việt Nam. “Một đại sứ phải học rất nhiều và phải học thật chăm chỉ” - ông cho biết. Ông nghe tiếng Việt, đọc và nói tiếng Việt thường xuyên và đủ lâu để nhìn ra sự thay đổi và phát triển của ngôn ngữ trong bối cảnh internet vào Việt Nam, khi bùng nổ truyền thông và mạng xã hội, khi hội nhập quốc tế ngày càng rõ nét... - những thay đổi thú vị và tự nhiên do cuộc sống đem đến mà theo ông, các nhà ngôn ngữ học không được bỏ qua.
Đại sứ Rumani Valeriu Arteni và PGS.TS Nguyễn Thiện Nam (Trưởng khoa Việt Nam học và tiếng Việt) trong một buổi gặp mặt chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt diễn ra vào ngày 16/11 tới đây
Anh lái xe người Việt có thâm niên gắn bó với ông hàng chục năm được ông cẩn thận giao phó đưa các vị khách của mình về tận nhà. Ông dí dỏm: Đây chính là việc quan trọng nhất của anh ngày hôm nay đấy! Còn chúng tôi - các vị khách của ông thì cảm động và thầm nhủ: Đại sứ như ông sao mà gần gũi, mà đáng yêu đến vậy! Tranh thủ xin chụp cùng ông một kiểu ảnh để đi khoe: Chúng tôi đã được gặp một Đại sứ hiểu và yêu Việt Nam nhất mà mình từng biết!
Tác giả: Thanh Hà
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn