Ngôn ngữ
Từ nghiên cứu Nhật Bản đến Nhật Bản học
Là sinh viên khoá 26 của Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, sau khi tốt nghiệp đại học, thầy được giữ lại trường làm công tác giảng dạy, nghiên cứu và gắn bó với Trường ĐHTH HN rồi Trường ĐHKHXH&NV từ năm 1986 đến nay.
Đất nước Đổi mới, quan hệ quốc tế trở nên rộng mở, tự coi mình thuộc thế hệ “may mắn”, từ năm 1990-1999 người giảng viên trẻ ấy vừa tích cực giảng dạy ở Khoa Lịch sử vừa làm trợ lý khoa học cho GS.NGND Phan Huy Lê tại Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Giao lưu văn hóa (tiền thân của Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, ĐHQG HN hiện nay). Chính trong môi trường học thuật của Khoa Lịch sử và Trung tâm, giảng viên Nguyễn Văn Kim đã có được cơ hội được học tập từ nhiều nhà giáo, nhà khoa học nổi tiếng như các thầy: Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Vũ Dương Ninh, Phan Đại Doãn, Nguyễn Thừa Hỷ, Nguyễn Quốc Hùng, Vũ Minh Giang, Nguyễn Quang Ngọc,... đồng thời gặp gỡ và tiếp nhận tri thức từ các nhà khoa học quốc tế đặc biệt là các chuyên gia sử học, khảo cổ học Nhật Bản như các giáo sư: Sakurai Yumio, Furuta Motoo, Kikuchi Seiichi, Momoki Shiro... Vốn tri thức tích lũy trong những năm học tập trong nước và thời gian lưu học, nghiên cứu ở Nhật Bản (Đại học Kanazawa, 1992-1993; Đại học Quốc gia Tokyo, 1995-1996 và 2000-2001) cùng thái độ nghiêm túc, tinh thần say mê khoa học, trách nhiệm cao của các học giả Nhật Bản cũng như tư duy lịch sử, phương pháp nghiên cứu khoa học của người Nhật... đã thôi thúc nhà nghiên cứu trẻ quyết tâm đi sâu tìm hiểu về lịch sử Nhật Bản, đặc biệt là thời kỳ cận thế.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Kim/Ảnh: Bùi Tuấn
Được nhiều nhà khoa học Việt Nam, Nhật Bản hướng dẫn, giúp đỡ, giảng viên Nguyễn Văn Kim đã tập trung nghiên cứu Lịch sử Nhật Bản thời kỳ Edo (1600-1868) mà trọng tâm là chính sách tỏa quốc (sakoku) mà Mạc phủ Tokugawa theo đuổi. Luận án tiến sĩ Chính sách đóng của Nhật Bản thời kỳ Tokugawa - Nguyên nhân và hệ quả đã được bảo vệ thành công tại Đại học Quốc gia Hà Nội năm 1999 với sự hướng dẫn của GS.NGND Vũ Dương Ninh và cố vấn chuyên môn của GS. Sakurai Yumio. Bản luận án đã góp phần làm sáng tỏ một câu hỏi trong giới nghiên cứu là tại sao và trong bối cảnh nào, trong khi theo đuổi chính sách tỏa quốc mà Nhật Bản vẫn có nhiều bước phát triển căn bản, vượt bậc. Nhờ đó, vào thế kỷ XVIII-XIX, Nhật Bản đã thoát ra khỏi “định mệnh lịch sử” chung của các dân tộc châu Á là bị chinh phục, nô dịch bởi các cường quốc phương Tây. Hơn thế, Edo còn được coi là một thời kỳ phát triển cao nhất của chế độ phong kiến Nhật Bản. Đây chính là giai đoạn bản lề, chuẩn bị những điều kiện, tiền đề thiết yếu cho sự kiến lập của một nhà nước hiện đại đầu tiên ở châu Á.
Những nhận thức, luận giải mới mẻ, táo bạo đó trong công trình nghiên cứu đã được Hội đồng chấm luận án tiến sĩ và Hội đồng khoa học xét giải thưởng của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đánh giá cao. TS Nguyễn Văn Kim đã vinh dự được Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Quỹ Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật trao tặng giải Nhì (không có giải Nhất, năm 2000) cho luận án xuất sắc. Cùng với đó, công trình chuyên khảo phát triển từ luận án do NXB Thế giới xuất bản năm 2000 đã được các nhà sử học nổi tiếng như GS.NGND Phan Huy Lê, GS. Sakurai Yumio nhận xét là công trình đầu tiên viết về chế độ phong kiến Nhật Bản, góp phần xây dựng nền tảng cho ngành Nhật Bản học còn rất mới mẻ ở Việt Nam lúc bấy giờ.
Trong những năm sau đó và đến hiện nay, GS.TS Nguyễn Văn Kim vẫn tiếp tục nghiên cứu về Nhật Bản nhưng phạm vi nghiên cứu đã mở rộng hơn khi đặt Nhật Bản trong các mối bang giao và giao thương quốc tế thế kỷ XVI-XVIII. Với các học trò và đồng nghiệp, thầy từng nhiều lần chia sẻ: nghiên cứu lịch sử Nhật Bản mà tập trung là vấn đề sakoku và mối quan hệ quốc tế của chính quyền Edo đã tạo dựng nên nền tảng tri thức căn bản để tiếp tục mở rộng, triển khai những định hướng nghiên cứu về sau. Thực tế là, những chuyên luận mà thầy viết về Nhật Bản sau này đã cho thấy tầm nhìn và tri thức sâu sắc về đối tượng nghiên cứu. Qua đó, tác giả cũng sớm thấu hiểu, mạnh dạn đưa ra những tổng kết, đánh giá về con đường, mô hình phát triển có nhiều đặc thù của Nhật Bản trong so sánh với những đặc tính lịch sử, văn hóa chung, riêng của các quốc gia châu Á, châu Âu.
Thành lập nhóm “Nghiên cứu Thương mại châu Á”
Trong những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, được giao trách nhiệm phụ trách Bộ môn Lịch sử thế giới, thầy đã nhận thấy cần phải có những thay đổi căn bản trong định hướng nghiên cứu, đào tạo để thích ứng, hội nhập với xu thế chung của môi trường học thuật của khu vực, thế giới. Với một đất nước còn nhiều khó khăn như Việt Nam, với nguồn nhân lực, vật lực còn vô cùng hạn chế, là Phó Chủ nhiệm rồi Chủ nhiệm Bộ môn, TS Nguyễn Văn Kim đã mạnh dạn đề xuất một số định hướng, lĩnh vực nghiên cứu mới và nhanh chóng xây dựng kế hoạch nghiên cứu, đào tạo trọng tâm ở cả ba bậc học: cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ. Quan điểm chủ đạo được nêu ra và xác định là: “Nghiên cứu Lịch sử thế giới phải xuất phát từ vị thế của Việt Nam, đặt trong mối quan hệ và vì lợi ích của Việt Nam”.
GS.TS Nguyễn Văn Kim là Bí thư Đảng uỷ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội/Ảnh: Bùi Tuấn
Với tri thức và sự mẫn cảm nghề nghiệp, thầy Nguyễn Văn Kim luôn suy nghĩ, tìm tòi và không ngừng khuyến khích sinh viên, HVCH, NCS lựa chọn, đi sâu tìm hiểu những vấn đề vẫn còn là những điểm mờ, khoảng trống về nhận thức của giới nghiên cứu trong nước, quốc tế và được quốc tế quan tâm. Nhận thức rõ những thành tựu nổi bật mà các nhà nghiên cứu đã đạt được trong nghiên cứu về lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm và các lĩnh vực nông thôn - nông nghiệp - nông dân, thầy đã chủ trương xây dựng một nhóm nghiên cứu gồm các giảng viên, cán bộ trẻ, sinh viên và quyết tâm theo đuổi định hướng nghiên cứu mới về Biển Đông đặc biệt là vấn đề quan hệ thương mại, bang giao trên biển giữa Việt Nam với các quốc gia châu Á. Quyết định đó cho thấy tầm nhìn và sự nhạy cảm sâu sắc của một nhà giáo, một nhà nghiên cứu chuyên nghiệp.
Năm 1999, trên cơ sở một số thành viên của Bộ môn Lịch sử thế giới, Khoa Lịch sử, Nhóm Nghiên cứu thương mại châu Á (Group of Asian Commerce Studies) do TS. Nguyễn Văn Kim chủ trương đã được thành lập. Sau 15 năm phát triển, năm 2014, nhóm nghiên cứu là một trong 14 “Nhóm nghiên cứu mạnh” đầu tiên vinh dự được nhận Bằng khen của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội. Năm 2015, Nhóm tiếp tục được công nhận là một trong 21 “Nhóm nghiên cứu mạnh” của ĐHQGHN.
Nhóm thường xuyên nhận được sự tư vấn, giúp đỡ tận tình, hỗ trợ hiệu quả của Trường ĐHKHXH&NV, nhiều nhà khoa học có uy tín ở các trường đại học, trung tâm học thuật lớn trong nước, quốc tế. Định hướng nghiên cứu đó ngày càng khẳng định tính đúng đắn khi góp phần làm sáng tỏ những đặc tính tiêu biểu về lịch sử, văn hóa và vị thế của Việt Nam với tư cách là một quốc gia ven biển. Việt Nam sớm có truyền thống văn hóa biển, tư duy hướng biển, có năng lực khai thác biển và các cộng đồng cư dân cổ cũng sớm vươn ra chinh phục, làm chủ các vùng biển, đảo ven bờ và cả những quần đảo đại dương như Hoàng Sa, Trường Sa...
Đến nay, nhìn lại hơn 15 năm xây dựng và phát triển, một chặng đường không phải quá dài đối với việc triển khai một định hướng nghiên cứu nhưng thầy và các thành viên luôn tự hào là đã vượt qua nhiều trở ngại, khó khăn. Nhóm Nghiên cứu thương mại châu Á đã xây dựng được một đội ngũ nghiên cứu gồm nhiều thế hệ. Tình cảm thầy trò, đồng nghiệp và sự chân tình, tin cậy, quý mến như trong một gia đình, cùng nhau chia sẻ những thách thức, khó khăn trong nghiên cứu cũng như cuộc sống đã trở thành giá trị chung, thiêng liêng của Nhóm.
Với 30 năm tuổi nghề, thầy luôn tâm niệm việc tuyển chọn, xây dựng và phát triển nguồn lực nghiên cứu, nhất là các thành viên chủ chốt tâm huyết với nghề là nhân tố có ý nghĩa sống còn với sự tồn vong của Nhóm. Đến nay, nhiều thành viên trong nhóm đã biết, đã hiểu quyết tâm xây dựng định hướng nghiên cứu của thầy nhưng vẫn chưa thể hình dung hết được là vì sao từ những năm 1990, khi mọi nguồn lực cho hoạt động nghiên cứu và triển khai còn quá ít ỏi và nhận thức về biển, vai trò của kinh tế biển còn có những hạn chế nhưng thầy vẫn đưa ra một quyết định như vậy. Kết quả là, thầy đã đi tiên phong trong việc xây dựng một Nhóm nghiên cứu mạnh với nhiều thành viên trưởng thành. Anh chị em thuộc thế hệ thứ nhất, thứ hai đã và đang công tác ở các trường đại học, viện nghiên cứu, cơ quan quản lý và có những đóng góp nhất định cho sự nghiệp nghiên cứu, đào tạo, truyền bá tri thức ở cấp trung ương, địa phương.
Là những học trò, chúng tôi luôn cảm thấy an tâm và tự hào vì trong những tháng ngày bỡ ngỡ mới ra trường, thầy Nguyễn Văn Kim đã luôn gần gũi, động viên, khuyến khích chúng tôi vươn lên trong cuộc sống, công tác. Chúng tôi tin ở thầy, ở sự nhiệt tâm, cách nhìn với các vấn đề khoa học và quyết tâm theo đuổi những định hướng nghiên cứu mà thầy đã truyền dạy cho. Với sự hỗ trợ của thầy và anh em trong nhóm, mỗi thành viên trong Bộ môn và nhóm cũng có thêm nghị lực để hoàn thành các nhiệm vụ nghiên cứu, để cùng dấn thân khám phá các miền đất, các thương cảng, nguồn hàng cũng như các mối liên hệ đa dạng, đa chiều từng diễn ra trong lịch sử Việt Nam.
Về nghiên cứu, các công trình mà thầy từng tham gia tổ chức biên soạn hay chủ biên như: Nhật Bản với Châu Á - những mối liên hệ lịch sử và chuyển biến kinh tế - xã hội, Việt Nam trong hệ thống thương mại châu Á thế kỷ XVI-XVII, Quan hệ của Nhật Bản với Đông Nam Á thế kỷ XV-XVII, Người Việt với biển, Vân Đồn - Thương cảng quốc tế của Việt Nam, Việt Nam trong thế giới Đông Á - Một cách tiếp cận liên ngành và khu vực học, Việt Nam - Truyền thống kinh tế, văn hóa biển… đã nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, cán bộ quản lý và xã hội. Qua các công trình đó, truyền thống kinh tế biển, lịch sử hải thương, tư duy hướng biển và các mối bang giao rộng lớn của người Việt Nam đã được khẳng định. Đối với thầy Trưởng nhóm, sự trưởng thành của từng thành viên trong nhóm và những đóng góp, phát hiện chuyên môn (dù nhỏ) trong các nghiên cứu luôn là niềm vui, niềm tự hào, thành quả quan trọng và giàu ý nghĩa nhất.
Trải 3 thập niên gắn bó bó với công tác nghiên cứu, giảng dạy, GS.TS Nguyễn Văn Kim đã hướng dẫn hàng chục sinh viên làm khoá luận tốt nghiệp, 32 HVCH và 4 NCS bảo vệ thành công luận văn/luận án. Đến nay, thầy đã công bố trên 150 bài khảo cứu, sách viết chung, riêng trong nước, quốc tế như: Nhật - Việt giao lưu sử thời cận thế: Phố Nhật Bản và giao lưu gốm sứ (tiếng Nhật, 2002), Lion and Dragon: Four Centuries of Dutch - Vietnamese Relations (tiếng Hà Lan, tiếng Anh, 2007), The Formation of the “Oceanic Network” in East Asia before the Opening of Ports and Subsequent Developments: Focusing on Hoi An (tiếng Anh, 2010), Asian Comparative Folklore (tiếng Hàn Quốc, tiếng Anh, 2011), Nghiên cứu lịch sử giao lưu văn minh Hàn Quốc - Châu Á thời cận đại (tiếng Hàn, 2013), Tradition and Trade Activities of the Vietnamese (tiếng Anh, 2013), Early modern Southeast Asia, 1350-1800 (tiếng Anh, 2015), Vân Đồn - An International Sea Port of Đại Việt (tiếng Anh, 2015)… GS.TS Nguyễn Văn Kim còn chủ trì và tham gia nhiều đề tài khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ và tương đương. Thầy đã được nhận nhiều phần thưởng và giải thưởng nghiên cứu khoa học của ĐHQGHN và các cơ quan quản lý.
Đam mê, cống hiến cho khoa học, GS.TS Nguyễn Văn Kim còn được nhiều thế hệ học trò tri ân với tư cách một người thầy hết lòng với sự nghiệp trồng người. Thầy luôn dành những tình cảm thương yêu nhất cho học trò. Nhiều sinh viên đã được thầy “phát hiện” từ khi còn học năm thứ nhất, thứ hai để rồi dưới sự hướng dẫn, dìu dắt của thầy đã từng bước trưởng thành, đã trở thành giảng viên của các trường đại học, cán bộ nghiên cứu của các viện, cơ quan khoa học, quản lý.
Những năm qua, dù bận nhiều công việc trong công tác quản lý nhưng thầy vẫn luôn tranh thủ thời gian để khảo cứu, phân tích các nguồn tư liệu, hoàn thiện các bài viết, công trình, đề tài nghiên cứu. Thầy luôn tâm niệm, chỉ có nghiên cứu mới có thể giảng hay và giảng sâu được. Và chỉ có nghiên cứu sâu mới có thể “truyền lửa”, truyền nhiệt tình và tư duy khoa học đến với anh chị em sinh viên, HVCH và NCS. Với sức làm việc bền bỉ, năng lực sáng tạo và tinh thần lao động nghiêm cẩn, thầy vẫn thường xuyên xuất bản các công trình khoa học, vẫn tích cực tham gia hướng dẫn sinh viên, HVCH và NCS. Đối với thầy Nguyễn Văn Kim, tình yêu đối với giảng dạy, nghiên cứu khoa học, đam mê sáng tạo và tinh thần trách nhiệm cao trong đào tạo và bồi dưỡng cán bộ vẫn luôn vẹn nguyên như thuở mới vào nghề.
GIÁO SƯ, TIẾN SĨ NGUYỄN VĂN KIM
+ Đơn vị công tác: Khoa Lịch sử. Ban Giám hiệu. + Chức vụ quản lý: Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử thế giới, Khoa Lịch sử (2004 đến nay). Phó Chủ nhiệm Khoa Lịch sử (2000-2009). Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV (2009 đến nay). Bí thư Đảng ủy Trường ĐHKHXH&NV (tháng 4/2015 đến nay).
1. Chính sách đóng cửa của Nhật Bản thời kỳ Tokugawa - Nguyên nhân và hệ quả, NXB Thế giới, 2000. 2. Quan hệ của Nhật Bản với Đông Nam Á thế kỷ XV - XVII, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2003. 3. Việt Nam trong thế giới châu Á - Một cách tiếp cận Liên ngành và Khu vực học, NXB Chính trị Quốc gia, 2011. 4. Người Việt với biển (chủ biên), NXB Thế giới, 2011. 5. Vân Đồn - Thương cảng quốc tế của Việt Nam, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2014.
+ Giải Nhì (không có giải Nhất) của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Quỹ Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật cho công trình Chính sách đóng cửa của Nhật Bản thời kỳ Tokugawa - Nguyên nhân và hệ quả. + Giải thưởng Công trình khoa học tiêu biểu của Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2007 cho công trình Phong trào cải cách ở một số nước Đông Á giữa thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX (GS Vũ Dương Ninh chủ biên). + Bằng khen cho Trưởng nhóm và các thành viên Nhóm Nghiên cứu lịch sử và quan hệ thương mại châu Á thuộc “Nhóm nghiên cứu mạnh Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2014”. + Giải thưởng Công trình khoa học và Công nghệ tiêu biểu của Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2014 cho công trình Vân Đồn – Thương cảng quốc tế của Việt Nam. |
Tác giả: Nguyễn Phạm