Ngôn ngữ
Hội thảo do Trường ĐHKHXH&NV (ĐHQGHN) phối hợp với Viện Nghiên cứu châu Á quốc tế (Đại học Leiden, Netherlands), Đại học quốc gia Seoul (Hàn Quốc), Trường cao học về KHXH&NV Paris (Cộng hoà Pháp) tổ chức. Hơn 60 nhà khoa học quốc tế thuộc nhiều lĩnh vực nghiên cứu đã tham gia hội thảo này, trong đó đa số đến từ Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Cộng hoà Séc, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Philipin, Brunei, Việt Nam…
Hội thảo quy tụ nhiều nhà khoa học quốc tế, trong đó có nhiều nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới
Được biết ý tưởng tổ chức hội thảo về nghiên cứu so sánh có tính khu vực giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã được ấp ủ từ cách đây 2 năm, với người đề xuất đầu tiên là TS. Philippe Peycam (Viện Nghiên cứu châu Á quốc tế). Ý tưởng này nhanh chóng nhận được sự ủng hộ và chia sẻ của các nhà khoa học quốc tế tại nhiều trường đại học ở châu Á và cả châu Âu. Một hội đồng quốc tế với sự tham gia của đại diện các trường đại học đã được thành lập để đề xuất các nội dung nghiên cứu chuyên sâu cũng như triển khai các hoạt động tổ chức hội thảo.
GS. Hue - Tam Ho Tai (Đại học Harvard) là người trình bày báo cáo đề dẫn hội thảo với tiêu đề: "“Bị chia cắt bởi núi non và đại dương nhưng thống nhất nhờ ngôn ngữ chung”
Theo GS.TS Nguyễn Văn Kim (Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV), Việt Nam và Hàn Quốc là hai quốc gia có nhiều điểm tương đồng. Đây đều là hai quốc gia bán đảo, phát triển trên nền tảng văn minh lúa nước. Những chuyển biến lớn trong lịch sử hình thành và phát triển của hai nước có nhiều điểm giống nhau và phụ thuộc khá nhiều vào sự thịnh suy của đế chế lớn là Trung Hoa. Có thể nhìn thấy những ảnh hưởng ấy trên các mặt: thể chế chính trị, đặc trưng văn hoá, cấu trúc xã hội, đời sống văn hoá nghệ thuật…
TS. Philippe Peycam (Viện Nghiên cứu châu Á quốc tế) là một trong những nhà khoa học đề xuất ý tưởng tổ chức hội thảo
GS.TS Nguyễn Văn Kim (Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV) và TS. Philippe Peycam
Hội thảo lần này hướng đến một cái nhìn so sánh, nghiên cứu từ góc độ cụ thể của các chuyên ngành Lịch sử, Văn hoá học, Xã hội học, Khảo cổ học, Kinh tế học … để có thể đi đến cái nhìn tổng thể và toàn diện về nhưng điểm tương đồng và dị biệt của hai quốc gia thời kỳ trung đại và cận đại.
Trong các chủ đề tham luận tại hội thảo, có những vấn đề nghiên cứu hoàn toàn mới về Việt Nam và Hàn Quốc, lại có những chủ đề đã được đề cập trước đó nhưng được các nhà khoa học tiếp cận với góc nhìn mới, đặc biệt là dưới cái nhìn liên ngành và khu vực học. Những nghiên cứu này trải rộng trên các lĩnh vực, từ chính trị, ngoại giao, thương mại cho đến các giao lưu, tương tác trên lĩnh vực văn hoá, giáo dục, nghệ thuật, đời sống tôn giáo… Có những nghiên cứu về một giai đoạn phát triển trong lịch sử, nhưng cũng có những nghiên cứu chuyên sâu ở góc độ một chuyên ngành cụ thể hoặc một tác phẩm cụ thể, qua đó cho thấy được tâm thế, ước muốn và sự phát triển của hai quốc gia, hai dân tộc ở mỗi giai đoạn lịch sử. Những kết quả trao đổi tại hội thảo sẽ góp phần quan trọng trong việc chia sẻ tri thức và bài học về kinh nghiệm phát triển của hai quốc gia được coi là hai trường hợp nghiên cứu tiêu biểu, có tính đại diện cao trong nghiên cứu khu vực.
Hội thảo có 16 tiểu ban với các chủ đề thảo luận trải rộng trên nhiều lĩnh vực nghiên cứu
Hội thảo sử dụng hoàn toàn bằng tiếng Anh. Đặc biệt, nhiều nhà khoa học trẻ Việt Nam không chỉ tích cực tham gia mà còn thể hiện sự tự tin trong việc trình bày các kết quả nghiên cứu của mình và trao đổi học thuật với các nhà khoa học thế giới. Điều này một mặt phản ánh thách thức trong hội nhập quốc tế của khoa học, mặt khác cũng mang ý nghĩa kích hoạt cần thiết đối với Trường ĐHKHXH&NV nói riêng và giới KHXH&NV Việt Nam nói chung trong việc đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động giao lưu và hợp tác khoa học ở tầm quốc tế.
Sau khi hội thảo kết thúc, các tham luận sẽ được hoàn thiện để gửi đăng tại các tạp chí khoa học quốc tế. Và dự kiến một hội thảo tiếp theo, cũng về nghiên cứu so sánh Việt Nam và Hàn Quốc, tập trung vào giai đoạn hiện đại và đương đại sẽ được tổ chức vào giữa năm 2018 tại Hàn Quốc.
Một số tham luận tiêu biểu được trình bày tại hội thảo “Nghiên cứu so sánh Việt Nam và Hàn Quốc trong lịch sử”: “Bị chia cắt bởi núi non và đại dương nhưng thống nhất nhờ ngôn ngữ chung” (GS. Hue-Tam Ho Tai, Đại học Harvard), “Hệ thống bán Triều cống của người Hàn và sự sụp đổ của nó” (Bongjin Kim, Đại học Kitakyushu, Nhật Bản), “Việt Nam và Hàn Quốc trong hệ thống liên quốc gia tiền hiện đại ở Đông Á” (Xiaoming Huang, Đại học Victoria Wellington, New Zealand), “Tính hiện đại ở nông thôn: Hàn Quốc, Việt Nam và Nhật Bản” (Brij Mohan Tankha, Học viện Nghiên cứu Trung quốc, Ấn Độ), “Xác định sự khác biệt: mối quan hệ giữa trung tâm và ngoại vi ở Hàn Quốc và Việt Nam thời thuộc địa” (Paul Woods, Oxford centre for Mission Studies, Vương quốc Anh), “Sự phát triển của chữ quốc ngữ và loại hình ngôn ngữ - trường hợp của Hàn Quốc và Việt Nam” (Ivo Vasiljev, Cộng hoà Séc), “Tín ngưỡng dân gian và các hệ thống thờ cúng tôn giáo phổ biến – nghiên cứu ký ức văn hoá nền tảng của các cộng đồng Việt Nam và Hàn Quốc” (Raina Beneva, Đại học Sofia, Bungari), “Chiến tranh và sự hình thành nhà nước ở Việt Nam và Hàn Quốc thời cổ đại” (Tuong Vu, Đại học Oregon, Hoa Kỳ), “Giáo dục đại học ở Việt Nam và Hàn Quốc những năm đầu thế kỷ XX – nghiên cứu so sánh thông qua những lưu trữ thời thuộc địa” (Sara Legrandjacques, Đại học Paris1, Cộng hoà Pháp)…
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm sau phiên khai mạc tại hội thảo
16 tiểu ban tại hội thảo:
|
Tác giả: Thanh Hà/Ảnh: Cao Hà
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn