PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền: “Gần 80% sinh viên khoá I ngành Quan hệ công chúng đã có việc làm”

Thứ hai - 20/02/2017 22:44
37 sinh viên khóa đầu tiên ngành Quan hệ công chúng (QHCC) của Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã có buổi bảo vệ khóa luật tốt nghiệp thành công và dự kiến ra trường sớm một học kỳ. Bên cạnh niềm vui của các em sinh viên khi được chính thức bước chân vào thị trường lao động vốn áp lực mà cũng nhiều hấp dẫn của nghề QHCC thì cũng phải nhắc đến niềm vui và cảm xúc của các chính thầy cô giáo khi chứng kiến quả ngọt sau bao nhiêu công sức vun trồng. PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền – Chủ nhiệm Bộ môn Quan hệ công chúng và Quảng cáo, Khoa Báo chí và Truyền thông chia sẻ với chúng tôi:
PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền:  “Gần 80% sinh viên khoá I ngành Quan hệ công chúng đã có việc làm”
PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền: “Gần 80% sinh viên khoá I ngành Quan hệ công chúng đã có việc làm”

Tôi thấy thật vui và tự hào về sự quyết tâm và chân thành đồng hành của các cấp lãnh đạo, đồng nghiệp và học trò. Chúng tôi đã xây dựng lộ trình đào tạo và hình dung ra kết quả này từ rất nhiều năm trước nên thực sự không thấy bất ngờ. Như nhiều người biết, Khoa Báo chí và Truyền thông là cơ sở nghiên cứu và đào tạo chính quy về QHCC đầu tiên ở miền Bắc. Từ những năm 2001, chúng tôi đã tiến hành công bố nghiên cứu và giảng dạy về lĩnh vực này. Tuy nhiên, theo quy định của Đại học Quốc gia Hà Nội, chúng tôi chỉ được mở ngành khi có những yếu tố tiên quyết mà không thể ngày một ngày hai đạt được, chẳng hạn: phải có ít nhất một tiến sĩ đúng chuyên ngành để “đứng mũi chịu sào” chứ không thể dùng người có chuyên môn gần hoặc khác. Để có điều ấy, Khoa đành phải “đi trước về sau”. Khi nhiều cơ sở đào tạo khác không có chuyên gia vẫn có thể nhanh chóng mở được ngành để hút sự quan tâm của thị trường lao động thì phải đến năm 2010 chúng tôi mới được lập đề án thành lập ngành và năm 2013 mới được phép tuyển sinh khóa đầu tiên ngành QHCC sau rất nhiều nỗ lực bền bỉ để vượt qua các cuộc sát hạch của  Hội đồng khoa học và đào tạo các cấp. Vì thế, hơn ai hết, chúng tôi đã mong đợi từng ngày để được đón các em vào trường, đã làm việc gấp ba bốn lần, mở ra các kỳ học mùa hè không nghỉ để có thể giúp 37/52 sinh viên khóa đầu được làm khóa luận tốt nghiệp sớm nhằm đón mùa tuyển dụng rất sôi động sau Tết nguyên đán. Trên thực tế, có đến 80% sinh viên của khóa đầu đã có việc làm đúng chuyên ngành vào thời điểm này. Rất nhiều em đến ngày bảo vệ khóa luận rồi vẫn phải đảm nhiệm các công việc ở các vị trí mà các em đã ký hợp đồng hưởng lương toàn thời gian.

PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền - Chủ nhiệm Bộ môn Quan hệ công chúng và Quảng cáo, Khoa Báo chí và Truyền thông

- Ngành QHCC dù mới mở tại Khoa cách đây hơn ba năm song luôn là một trong những ngành học rất được quan tâm trong những mùa tuyển sinh gần đây. Xin PGS. cho biết những định hướng nổi bật trong đào tạo ngành QHCC tại Khoa trong tương quan so sánh với các cơ sở đào tạo khác ?

QHCC đã và đang là một trong những ngành hấp dẫn nhất trong những ngành đào tạo KHXH&NV, không chỉ ở Việt Nam mà còn cả trên thế giới. Số lượng chuyên viên QHCC được đào tạo ở nước ta trong những năm qua như muối bỏ bể trên thị trường tuyển dụng bởi nó cần đáp ứng nhu cầu lao động rất caocủa tất cả các loại hình tổ chức, từ cơ quan nhà nước đến tư nhân, các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp, trường học, bệnh viện… Theo các nghiên cứu của chúng tôi, xu hướng trong khoảng 10 năm tới, nhu cầu nhân lực trong ngành này sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh nên các sinh viên ra trường không phải lo lắng nhiều về cơ hội việc làm. Về định hướng đào tạo của ngành QHCC trong Khoa, chúng tôi sẽ tiếp tục điều chỉnh để hoàn thiện hơn chương trình đào tạo mà chúng tôi đã xây dựng và triển khai hơn 3 năm qua theo hướng tăng cường kiến thức và kỹ năng truyền thông chủ yếu mà các nhà tuyển dụng đã đặt hàng như: (i) viết, trình bày ý tưởng bằng các hình thức truyền thông đa phương tiện, (ii) lập kế hoạch chiến lược dựa trên nghiên cứu và lập luận khoa học, và (iii) tăng cường các môn học tự chọn liên ngành chuyên sâu (chính trị, môi trường, quản lý xã hội, du lịch…) để sinh viên có thể ứng dụng ngay theo thiên hướng của mình trong các lĩnh vực đó. Đồng thời, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh tính liên ngành giữa chương trình đào tạo ngành QHCC và ngành Báo chí trong Khoa để tăng khả năng cạnh tranh của sinh viên cả hai ngành sau khi tốt nghiệp. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ xem xét xây dựng chương trình mang tính liên ngành với các khoa khác trong trường để tận dụng nguồn lực tinh hoa xuất sắc nhất Việt Nam trong lĩnh vực KHXH và NV của Trường ở các khoa như Triết học, Lịch sử, Văn học, Ngôn ngữ, Tâm lý học, Xã hội học, Khoa học Chính trị, Khoa học Quản lý… Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục triển khai phương thức đào tạo gắn với thực tiễn nghề nghiệp bằng cách tăng cường mời các nhà tuyển dụng, chuyên gia vào khoa đứng lớp, cũng như tổ chức cho sinh viên đi thực tế, thực tập nhiều hơn để thành thạo nghề và rèn luyện bản lĩnh, tình yêu nghề nghiệp, sẵn sàng dấn bước trong sự nghiệp ngay trước khi ra trường. Các khóa sinh viên sau cũng sẽ được tạo điều kiện để tốt nghiệp sớm như khóa đầu.

Lễ bảo vệ khoá luận tốt nghiêp của sinh viên Khoa Báo chí và Truyền thông

- Được biết là đào tạo của ngành QHCC rất chú trọng đến việc tăng cường năng lực hoạt động thực tiễn nghề nghiệp của sinh viên ngay từ trên ghế nhà trường, xin PGS chia sẻ về vấn đề này ?

Nghề QHCC là nghề mang tính thực hành, ứng dụng  rất cao, vì thế ở bậc cử nhân, chúng tôi cũng chú trọng vào tính thực hành nhiều hơn. Sinh viên luôn phải thực hành và thảo luận trong hầu hết các học phần/ môn học chuyên ngành. Các chuẩn đầu ra của các học phần đều ghi rõ sinh viên làm được gì sau khi kết thúc học phần ấy, cũng như làm thế nào để đáp ứng được chuẩn đầu ra ấy. Tỷ lệ thực hành trong các học phần tối thiểu là 50%, có những môn tỷ lệ này đến 80% như các môn viết, lập kế hoạch và triển khai các chương trình QHCC… Chẳng hạn, bài thi cuối kỳ môn Tổ chức sự kiện là một sự kiện có thật do sinh viên lập kế hoạch, thuê địa điểm, đầu tư chi phí, mời chuyên gia, truyền thông…, môn Các chương trình Quan hệ công chúng là một chương trình QHCC được triển khai cho một khách hàng cụ thể có thật phù hợp với chiến lược truyền thông của họ, môn Viết cho Quan hệ công chúng có thể là một bộ profile doanh nghiệp cả bản in và bản online để thuyết trình tự giới thiệu khi doanh nghiệp tham gia đấu thầu… Ngay cả môn lý luận cũng yêu cầu sinh viên thảo luận, thuyết trình bằng cách tự tìm kiếm các trường hợp điển hình trong thực tiễn nghề nghiệp rồi dùng cơ sở lý luận phân tích, lý giải và trình bày trước tập thể lớp. Cách học tương tác là một trong những điểm nhấn của mọi học phần trong chương trình đào tạo ngành QHCC. Rất khó bắt gặp sinh viên buồn ngủ, thầy đọc trò chép trong các tiết học của chúng tôi mà ngược lại, các lớp học lúc nào cũng sôi nổi và đầy cảm hứng khám phá, thể hiện, sáng tạo cho cả thầy và trò.

Sinh viên ngành Quan hệ công chúng trong lễ bảo vệ khoá luận tốt nghiệp

- Như PGS chia sẻ là trong quá trình đào tạo, không chỉ cung cấp cho các em kiến thức nền tảng về ngành học mà các thầy cô còn luôn giúp các em khám phá vẻ đẹp thực sự của ngành QHCC và khơi dậy trong các em tình yêu, niềm đam mê với nghề. Điều này được thực hiện như thế nào ?

Rất nhiều em đến với ngành học khi hiểu biết về nó còn rất ít. Chúng tôi không thể nói là nghề này rất tuyệt vời nếu thực tế nó không phải như vậy. Có một câu định nghĩa về QHCC như sau: “QHCC là 90% làm thật tốt và 10% nói về nó”. Thật may là chúng tôi có quá nhiều ví dụ và câu chuyện hay để minh chứng cho các em thấy vẻ đẹp của nghề này, đặc biệt ở tính khoa học mà sáng tạo, luôn vượt trước thời đại và sự ấm áp, chinh phục lòng người của nó. Tôi luôn tâm niệm rằng một người làm QHCC chuyên nghiệp ngoài khả năng chuyên môn còn phải là người có đạo đức nghề nghiệp mà một trong những biểu hiện của nó là sự yêu mến và đóng góp một cách chân thành cho nghề nghiệp, đồng nghiệp của mình. Điều ấy luôn được chúng tôi chia sẻ để sinh viên thấm dần từng giọt, mỗi giờ học lại lồng ghép vào một vài ý để họ không cảm thấy giáo điều và có thể hấp thụ tự nhiên nhất.

- Khoá đầu tiên của ngành QHCC đã có buổi bảo vệ khoá luận tốt nghiệp thành công. PGS có thể có những đánh giá bước đầu về sản phẩm đào tạo của Khoa ?

Kết quả đánh giá chính xác nhất là sự hài lòng của các nhà tuyển dụng, tôi không thể chủ quan để nói thay họ được. Con đường phía trước còn dài, chúng tôi vô cùng biết ơn những người đã hỗ trợ, đồng hành cùng thầy trò của khoa, cũng rất mong tiếp tục nhận được sự giúp đỡ từ mọi nguồn để ngày càng có thêm nhiều người làm nghề QHCC giỏi tham gia vào thị trường lao động và giúp xã hội phát triển.

- PGS có thể chia sẻ lời khuyên với những em học sinh đang muốn tìm hiểu và lựa chọn ngành Quan hệ công chúng để theo đuổi bậc đại học, cũng như là với những sinh viên ngành QHCC chuẩn bị tốt nghiệp trong năm nay ?

Trường ĐH KHXH và NV luôn là cơ sở đào tạo số 1 của Việt Nam về các ngành KHXH và NV. Với các em sắp thi đại học, nếu thấy phù hợp, hãy tự tin lựa chọn QHCC hay bất kỳ ngành nào khác là ngành học em theo đuổi cho sự nghiệp của chính mình, chứ đừng để đó là quyết định mà người khác áp đặt cho em phải làm. Với các em sắp ra trường, hãy luôn tự tin với những gì các em đã được trang bị và rèn luyện trong quãng đời đại học, thầy cô và mái trường luôn dõi theo các em và mong đợi các em trở về để chia sẻ những bài học kinh nghiệm thực tiễn cho các sinh viên khóa sau, cũng như tiếp tục chinh phục những đỉnh cao hơn trên con đường học vấn.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của PGS.

PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền và các sinh viên khoá I ngành Quan hệ công chúng

PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền - Chủ nhiệm Bộ môn Quan hệ công chúng và Quảng cáo

  • Tốt nghiệp cử nhân xuất sắc khóa đầu tiên của Khoa Báo chí, Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (K36, 1995), Nguyễn Thị Thanh Huyền được giữ lại khoa làm cán bộ giảng dạy. Là người tiên phong trong nghiên cứu và giảng dạy về Quan hệ công chúng (QHCC) ở Việt Nam, năm 2001 bà bảo vệ thành công Luận văn Thạc sỹ đầu tiên về đề tài QHCC và bắt đầu giảng dạy môn này trong chương trình đào tạo chính quy của khoa.
  • Năm 2010 bà trở thành Tiến sĩ ngành QHCC đầu tiên của Việt Nam sau 5 năm học tại trường ĐH Sogang, Hàn Quốc dưới sự tài trợ của chương trình học bổng Chính phủ Hàn Quốc.
  • Năm 2012, đề án mở ngành QHCC do bà chắp bút được thông qua và từ năm 2013 bà trực tiếp điều hành chương trình đào tạo này. Đây là chương trình đào tạo đầu tiên trong lĩnh vực KHXH và NV được thiết kế theo chuẩn đầu ra ở ĐHQG HN. Bà Huyền tham gia tích cực vào các hoạt động nghiên cứu, thiết kế chương trình đào tạo, biên soạn học liệu, giảng dạy cho sinh viên và các giám đốc truyền thông, tư vấn truyền thông cho các doanh nghiệp.
  • Năm 2015, bà là trưởng đại diện của Việt Nam cho dự án nghiên cứu của mạng lưới giám sát truyền thông chiến lược và QHCC khu vực châu Á Thái Bình dương (Asia Pacific Communication Monitor). Kết quả của dự án này đã lần đầu tiên đưa bức tranh về hiện trạng và xu hướng ngành QHCC của Việt Nam lên bản đồ nghiên cứu truyền thông thế giới và được cộng đồng chuyên môn đánh giá rất cao.
  • Bà cũng là tác giả của nhiều sách chuyên khảo, giáo trình và bài báo đăng trên các tạp chí khoa học trong và ngoài nước. Bà được công nhận chức danh PGS năm 2014, khi tròn 40 tuổi. 

Tin, bài liên quan:

http://thanhnien.vn/giao-duc/hang-chuc-cu-nhan-bao-chi-ra-truong-truoc-han-mot-hoc-ky-792071.html

http://vnu.edu.vn/ttsk/?C1654%2FN20175%2FKhoa-sinh-viên-đầu-tiên-của-ngành-Quan-hệ-công-chúng-bảo-vệ-khóa-luận-tốt-nghiệp.htm

Tác giả: Thanh Hà, Ảnh: Thành Long

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây