Tin tức

“Tin giả trên mạng xã hội và vai trò của phóng viên”

Thứ ba - 17/01/2017 03:42
Ngày 14/01/2017, Chương trình nghiên cứu Internet và Xã hội (VPIS), Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội đã tổ chức toạ đàm với chủ đề “Tin giả trên mạng xã hội và vai trò của phóng viên” (Fake news on social media & The role of reporters” do văn tổ chức đã kết thúc tốt đẹp.
“Tin giả trên mạng xã hội và vai trò của phóng viên”
“Tin giả trên mạng xã hội và vai trò của phóng viên”

Toạ đàm có sự tham dự của nhiều chuyên gia về báo chí và truyền thông như: ông Timothy Stoker Large (đại diện hãng Thomson Reuters, Giám đốc chương trình “Báo chí và Truyền thông”, Quỹ Thomson Reuters, nhà báo, biên tập viên, giảng viên và chuyên gia tư vấn truyền thông), ông Lê Quốc Minh (Tổng biên tập của Vietnam Plus), ông Cao Hoàng Nam (Điều phối viên Chương trình nghiên cứu Internet và Xã hội - VPIS), TS. Phạm Hải Chung (Đồng trưởng ban Internet và Truyền thông, Chương trình nghiên cứu Internet và Xã hội - VPIS), TS. Phan Thuỳ Trâm (Báo Phụ nữ mới), ông Nguyễn Hùng Sơn (Phó Tổng biên tập Báo Ngày nay), ông Trương Hoàng Long (Thư ký toàn soạn Báo Tiền Phong)…

Tại buổi toạ đàm, các bên đã tập trung làm rõ những vấn đề nóng hổi liên quan tới vai trò của báo chí trong việc đưa thông tin minh bạch, trung thực tới độc giả; cách thức chọn lọc thông tin chính xác, làm thế nào vẫn giữ được đạo đức báo chí dưới áp lực chạy đua thông tin với mạng xã hội.

Tại phiên thứ nhất của buổi toạ đàm, ông Timothy Stoker Large đã cung cấp cái nhìn tổng quan về tin tức số toàn cầu thông qua Báo cáo về Tin tức số 2016 – Digital News Report 2016 của Viện nghiên cứu Reuters. Báo cáo cũng đề cập tới việc so sánh với thực tế tại Việt Nâm và những dự đoán các hướng phát triền trong giai đoạn tới của nền truyền thông toàn thế giới. Phiên thứ hai của buổi toạ đàm tập trung đi sâu nghiên cứu thực trạng đưa tin giả (Fake News) tại Việt Nam, các phương án khả thi nhằm giảm thiểu tình trạng tin giả phát triển tràn lan, và đặt ra câu hỏi về sự cần thiết của Bộ quy tắc ứng xử cho mạng xã hội tại Việt Nam.

GS.TS Phạm Quang Minh - Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV cùng các đại biểu tại toạ đàm

Báo cáo về Tin tức số 2016 khẳng định vị thế của mạng xã hội, cụ thể là Facebook và Youtube trong vai trò là nền tảng thông tin chính trong cộng đồng. Bên cạnh đó, một loạt xu hướng trong năm 2017 cũng được ông Timothy trình bày tại toạ đàm. Có thể kể đến như: những thách thức nhãn tiền đặt ra cho nền dân chủ thế giới trước sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin mà cụ thể là vai trò ngày một quan trọng của “Trí thông minh nhân tạo” (Artificial Intelligence); mâu thuẫn ngày một sâu sắc giữa các phương tiện truyền thông truyền thống và các phương tiện truyền thông mới. Ông Timothy cũng đưa ra nhận định rằng sự phát triển chóng mặt của mạng xã hội đã góp phần lan truyền và làm gia tăng tầm ảnh hưởng của Fake News tới cộng đồng. Bên cạnh đó, một điểm sáng trong phiên thứ nhất của buổi toạ đàm là việc nhiều diễn giả và đại diện các đơn vị nhìn nhận rằng: sự phát triển nhanh chóng của Fake news, ngược lại, có thể đóng vai trò quan trọng trong việc khẳng định tầm quan trọng của các phương tiện truyền thông truyền thống.

Tập trung phân tích vai trò của người làm báo trước thực trạng trên, ông Lê Quốc Minh đã đưa nhiều phân tích và ý kiến đáng chú ý. Theo ông, Fake News là hiện tượng đã tồn tại từ rất lâu trong xã hội, nay được sự hỗ trợ từ các mạng xã hội nên có cơ hội lan truyền mạnh và gây ảnh hưởng sâu rộng. Mục đích khi sử dụng Fake News có rất nhiều nhưng tựu chung là nhằm kiếm lợi thông qua quảng cáo. Cũng theo ông Minh, thực trạng hiện nay không chỉ dừng ở mức báo động mà chúng ta đang thực sự ở trong một cuộc chiến với Fake News. Tuy nhiên trong cuộc chiến đó, vai trò của người làm báo chưa thực sự được nêu cao. Ông Minh đưa ra nhận định rằng trong thời gian tới, những người làm báo sẽ giữ vai trò là một trong những nhóm có tác động lớn tới việc ngăn chặn sự tràn lan của Fake News. Cụ thể, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, nhận thức đầy đủ về sự thay đổi thói quen tiêu dùng thông tin của công chúng, bắt đầu những chuẩn bị cần thiết cho một phương thức hoạt động mới của báo chí sẽ là những điểm then chốt thách thức những người làm báo trong cuộc chiến với Fake News.

GS.TS Phạm Quang Minh và các đại biểu tại toạ đàm

Nằm trong nội dung buổi toạ đàm, nhiều đại diện đến từ các doanh nghiệp, các trung tâm nghiên cứu và các cơ sở đào tạo cũng đặt nhiều câu hỏi cho các diễn giả xoay quanh vấn đề xây dựng một Bộ quy tắc ứng xử cho mạng xã hội tại Việt Nam. Các ý kiến đưa ra đều thống nhất quan điểm bên cạnh việc xây dựng dịch vụ tra cứu thông tin (Fact Checking Service), việc đưa ra một bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội tại Việt Nam là cần thiết, không chỉ trong việc quản lý Fake News mà còn có thể trở thành bộ khung hữu ích cho việc xây dựng môi trường mạng ngày càng tốt đẹp tại Việt Nam. 

Chương trình nghiên cứu Internet và Xã hội của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội là một chương trình nghiên cứu liên ngành với sự tham gia của ngành Xã hội học, Luật, Báo chí & Truyền thông, Kinh tế, Ngôn ngữ, Tâm lý, Nhân học, Khoa học Chính trị và Khoa học Quản lý để làm sáng tỏ các ảnh hưởng của Internet tới các mặt của đời sống, xã hội và các tác động ngược lại của xã hội tới việc định hình sự phát triển của Intertnet trong tương lai trên phương diện khoa học xã hội và nhân văn.

 

Tác giả: Thanh Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây