Ngôn ngữ
1
Thời thanh niên là thời của ước mơ và hoài bão, của dấn thân và cống hiến, của đối diện và vượt qua khó khăn và thử thách, của kiến tạo và phát triển sự nghiệp.
Chủ tịch Hồ Chí Minh – anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất của Việt Nam - cũng có một thời thanh niên vô cùng đẹp đẽ với khát vọng và bản lĩnh của người cách mạng trẻ tuổi, hiến dâng trọn vẹn cho cách mạng Việt Nam và các phong trào cách mạng thế giới. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành mối quan tâm đặc biệt cho thanh niên. Người đã để lại cả một hệ thống quan điểm rất toàn diện và sâu sắc về thanh niên. Tuy nhiên, điều có giá nhất mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho thanh niên ngày nay không chỉ những tư tưởng thể hiện trong các bài nói, bài viết của Người, mà có lẽ, chính ở những “tấm gương sống” của người thanh niên cách mạng Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc. Trong khuôn khổ bài viết ngắn mừng Sinh nhật lần thứ 132 của Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng thời chúc mừng thành công của Đại hội đại biểu lần thứ XI Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, tôi sẽ điểm lại một số sự kiện tiêu biểu trong cuộc đời người thanh niên cách mạng Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc trong giai đoạn từ 1908 đến 1925[1], những sự kiện mà qua đó ta có thể thấy rất rõ KHÁT VỌNG và BẢN LĨNH giải phóng dân tộc và phát triển đất nước của Người, và từ những sự kiện đó rút ra một số gợi mở cho thanh niên Việt Nam nói chung, thanh niên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội nói riêng.
2
Nguyễn Tất Thành sinh ngày 19 tháng 5 năm 1890 tại quê mẹ là làng Hoàng Trù (thường gọi là làng Chùa), xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An (nay thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Từ nhỏ, Nguyễn Tất Thành (với tên gọi Nguyễn Sinh Cung), đã được nuôi dưỡng trong truyền thống của gia đình và quê hương giàu truyền thống văn hoá - cách mạng. Đúng như Giáo sư Ninh Viết Giao, một người chuyên nghiên cứu về văn hoá dân gian Nghệ An, đã viết: “Quả là một dòng sông văn hoá đã hình thành từ buổi ban mai của lịch sử, dòng sông văn hoá ấy cứ chảy và càng chảy càng có nhiều nguồn lạch tuôn vào, càng mênh mông dào dạt, càng rạng rỡ màu sắc… để lại những bãi phù sa mỡ màng mà sách vở thường nhắc đến, đó là vùng Nghi Xuân với Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Tả Ao… Đó là vùng Quỳnh Lưu với Hồ Sĩ Dương, Hồ Xuân Hương. Đó là vùng Đức Thọ với Phan Đình Phùng, Phan Trọng Mưu, Lê Ninh. Đó là vùng Can Lộc với Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Văn Giao. Đó là vùng Nam Đàn với Nguyễn Đức Đạt, Phan Bội Châu… Tắm gội trong dòng sông văn hoá đó, Bác Hồ, với trí thông minh tuyệt vời, nghị lực lớn lao và lòng yêu nước nảy nở sớm ngay từ nhỏ đã thu vào mình những tinh hoa xứ sở, những trăn trở của khổ đau, những ưu tư dào dạt, những mơ ước khát khao, những căm uất giận hờn, những quyết tâm sắt đá của bao kiếp sống, bao nỗi niềm quê hương đã được thể hiện trong văn học dân gian, văn học thành văn, nhất là trong cuộc sống mà dòng sông văn hoá đã mang theo…”[2].
Ngay từ thời niên thiếu, với vốn tri thức có được từ giáo dục của gia đình, từ những người thầy có tinh thần yêu nước sâu sắc, cũng như từ quá trình tự học hỏi, tự tìm hiểu, và nhất là từ tình yêu đối với quê hương, đất nước, cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã sớm bộc lộ khát vọng và bản lĩnh của một thiếu niên nước trước cảnh đất nước bị ngoại bang xâm lược, thống trị, đồng bào bị áp bức, đoạ đày. Cụ Phan Bội Châu nhớ lại, hồi còn 10 tuổi, Nguyễn Tất Thành thường nghe Cụ ngâm nga hai câu thơ của Viên Mai, và sau này anh thường nhắc lại:
“Mỗi phạn bất vong duy trúc bạch,
Lập thân tối hạ thị văn chương”[3].
Khoảng năm 13 tuổi, Nguyễn Tất Thành, khi nghe những chữ Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái, đã “rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ ấy”[4].
Khát vọng và bản lĩnh sớm hình thành từ độ tuổi thiếu niên đã phát triển mạnh mẽ ở người thanh niên Nguyễn Tất Thành, thể hiện ở hàng loạt sự kiện tiêu biểu trong khoảng thời gian từ 1908 đến 1925.
Năm 1908, khi Nguyến Tất Thành 18 tuổi, phát sinh một sự kiện đặc biệt. Đó là việc anh tham dự cuộc biểu tình chống thuế của nông dân Thừa Thiên. Đây thực chất là một phong trào rộng khắp, bắt đầu ở Quảng Nam, sau đó lan rộng ra các tỉnh Quảng Ngãi, Phú Yên, Thừa Thiên, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hoá. Hàng vạn nông dân đã rầm rộ biểu tỉnh chống sưu cao thuế nặng, chống lao dịch dài hạn. Đến cuối tháng 5 năm 1908, phong trào bị thực dân Pháp dập tắt trong máu lửa. Sự kiện Nguyễn Tất Thành hoà mình vào cuộc đấu tranh của nhân dân lao động, không e ngại sức mạnh bạo quyền của chính quyền thực dân phong kiến đã thể hiện rõ nét khát vọng và bản lĩnh của người thanh niên yêu nước trẻ tuổi, đánh một dấu mốc quan trọng trong cuộc đời cách mạng của Người.
Từ 1908 đến 1925, có rất nhiều sự kiện quan trọng đã diễn ra trên hành trình của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc. Nếu chọn các sự kiện thể hiện khát vọng và bản lĩnh của Người, thì trong khuôn khổ có hạn của bài viết này, có thể nhắc đến một số sự kiện tiêu biểu sau.
Ngày 5 tháng 6 năm 1911, Nguyễn Tất Thành rời bến cảng Nhà Rồng, khởi đầu hành trình đi tìm con đường giải phóng cho dân tộc. Chuyến đi là sự hiện thực hoá một khát vọng đã hình thành từ lâu. Ở trên chúng ta đã nhắc đến mong muốn làm quen với nền văn minh Pháp và tìm hiểu xem những gì ẩn đằng sau những chữ Tự do, Bình đẳng, Bác ái đã hình thành Nguyễn Tất Thành khi anh độ 13 tuổi. Chúng ta cũng đã biết đến cuộc trò chuyện giữa Nguyễn Tất Thành với một người bạn, khi anh muốn rủ người bạn này cùng đi ra nước ngoài, và trong câu chuyện đó, Nguyễn Tất Thành đã nói: “Tôi muốn đi ra nước ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”[5]. Chúng ta cũng không thể quên sự kiện tháng 6 năm 1923, trong bức thư gửi lại các bạn cùng hoạt động khi bí mật rời Pháp sang Nga, Nguyễn Ái Quốc đã viết: “Đối với tôi, câu trả lời đã rõ ràng: trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập”[6]. Rõ ràng, có một hành trình: Đi tìm - tìm thấy - trở về thực hiện con đường giải phóng và phát triển đất nước của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc, và hành trình ấy được khởi đầu từ sự kiện ngày 5 tháng 6 năm 1911. Đó là sự kiện đã thể hiện khát vọng đi tìm con đường giải phóng và phát triển đất nước, đồng thời còn thể hiện bản lĩnh dấn thân với tinh thần “tự nhiệm” trước vận mệnh quốc gia - dân tộc, bản lĩnh đương đầu với khó khăn, thử thách của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc. Hình ảnh người thanh niên yêu nước 21 tuổi giơ hai bàn tay mình và nói một cách đầy tự tin với người bạn khi người đó băn khoăn về những khó khăn, thách thức đặt ra trước mắt khi rời Tổ quốc: “… chúng ta sẽ làm việc. Chúng ta sẽ làm bất cứ việc gì để sống và để đi” là một hình ảnh thật đẹp, là một biểu tượng cho khát vọng và bản lĩnh của tuổi trẻ trước khó khăn và thử thách, vì Tổ quốc và đồng bào.
Ngày 18 tháng 6 năm 1919, danh xưng Nguyễn Ái Quốc lần đầu tiên xuất hiện gắn liền với bản Yêu sách của nhân dân An Nam, do Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc thay mặt Hội những người yêu nước Việt Nam tại Pháp gửi đến Hội nghị Versailles, đòi những quyền tự do, dân chủ cơ bản cho người Việt Nam. Bản Yêu sách này cũng được gửi trực tiếp đến Tổng thống Mỹ, đoàn đại biểu Nicaragoa cũng tham dự Hội nghị Versailles. Ngoài ra, bản Yêu sách còn được gửi đến một số nhân vật quan trọng và công bố trên một số tờ báo ở Pháp, Trung Quốc,…, bao gồm cả bản nguyên văn và bản diễn ca. Sự kiện ngày 18 tháng 6 năm 1919, danh xưng Nguyễn Ái Quốc và bản Yêu sách của nhân dân An Nam đã gây chấn động trong đời sống chính trị Pháp và thuộc địa. Sự kiện tiếp tục thể hiện rõ khát vọng đấu tranh vì quyền lợi của đất nước và đồng bào, bản lĩnh sẵn sàng đối đầu với chính quyền thực dân và trong đối thoại với các nước, kể cả với cường quốc như Mỹ, của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc. Lúc này, Người mới 29 tuổi.
Trong thời gian ở Pháp, Nguyễn Ái Quốc có ba lần trực tiếp đối diện với Anbe Xarô - Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp. Lần thứ nhất, ngày 6 tháng 9 năm 1919, Nguyễn Ái Quốc được Anbe Xarô mời đến trụ sở Bộ Thuộc địa. Một ngày sau cuộc gặp, Nguyễn Ái Quốc đã viết thư gửi Anbe Xarô để chất vấn ông ta, đồng thời khẳng định cả 8 điểm nêu trong bản Yêu sách của nhân dân An Nam đều chưa được giải quyết một cách thoả đáng. Lần thứ hai, đầu năm 1921, Nguyễn Ái Quốc đến gặp Anbe Xarô theo giấy mời của Bộ. Trong cuộc gặp, Nguyễn Ái Quốc đã bác bỏ ý kiến của Anbe Xarô cho rằng chưa thể để Đông Dương độc lập, và nêu rõ: “… Nếu nước Pháp trả lại nền độc lập cho chúng tôi, ông sẽ thấy, chúng tôi biết cầm quyền cai trị lấy”. Lần thứ ba, tháng 6 năm 1922, Nguyễn Ái Quốc gặp Anbe Xarô theo thư mời của ông ta với thái độ bình tĩnh, ung dung, không hề sợ sệt trước thái độ và lời lẽ lúc thì đe doạ, lúc thì dụ dỗ của Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp. Trước lúc ra về, Nguyễn Ái Quốc đã nói với Anbe Xarô: “Cái mà tôi cần nhất trên đời là: Đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập”[7]. Ba lần đối diện với Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp tại chính sào huyệt của ông ta, cả ba lần Nguyễn Ái Quốc đã thể hiện một cách tuyệt vời khát vọng độc lập, tự do cho Tổ quốc, cho đồng bào, và nhất là bản lĩnh đương đầu và chiến thắng trước bạo quyền và sự cám dỗ. Đây chính là phẩm chất của người cộng sản mà sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng lời của nhà hiền triết phương Đông - Mạnh Tử - để khái quát nên:
“Phú quý bất năng dâm,
Bần tiện bất năng di,
Uy vũ bất năng khuất”.
Nói đến bản lĩnh của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc trong đối diện với kẻ thù, không thể không nhắc đến bản lĩnh khoa học, bản lĩnh chính trị trong những cuộc bút chiến rất quyết liệt và đầy trí tuệ của Người trên báo chí Pháp, chẳng hạn như cuộc bút chiến của Nguyễn Ái Quốc với Outrey trên báo Le Populaire tháng 10 năm 1919. Hay trong những bài báo phê phán chính sách thuộc địa của chính quyền Pháp, phê phán nhiều quan chức cao cấp của chính quyền Pháp ở thuộc địa, điển hình như trong tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp. Hoặc trong những bài viết, những tác phẩm nghệ thuật đả kích vua Khải Định khi ông này được thực dân Pháp đưa sáng Pháp dự Hội chợ thuộc địa tổ chức tại Marsaille năm 1922. Đặc biệt, bản lĩnh khoa học, bản lĩnh chính trị của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc còn thể hiện trong những tranh luận với những người đồng chí. Nhiều sự kiện gắn với những bài diễn thuyết, những bài viết mang tính tranh luận, thậm chí đấu tranh với những nhận thức chưa đúng đắn về vấn đề thuộc địa và cách mạng thuộc địa ở những người đồng chí trong Đảng Xã hội Pháp, Đảng Cộng sản Pháp, Quốc tế Cộng sản, v.v., trong thời gian ở Pháp, ở Nga đã thể hiện rất rõ bản lĩnh của Người.
Trên hành trình tìm đường cứu nước, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc còn bộc lộ rõ khát vọng học tập, tiếp thu tri thức của nhân loại, mở rộng vốn tri thức, nâng tầm trí tuệ của bản thân và bản lĩnh vượt khó khăn để thực hiện khát vọng đó. Có rất nhiều sự kiện thể hiện khát vọng và bản lĩnh đó. Chúng ta đã biết, khi còn nhỏ, cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã được học chữ Hán và nền Hán học từ người cha và nhiều thầy giáo danh tiếng. Với tinh thần: “cứ kiên trì chịu khó là được” cùng với trí thông minh và năng lực ghi nhớ rất tốt, các bài chữ Hán “Nguyễn Sinh Cung chỉ đọc ba, bốn lần là thuộc”[8]. Chúng ta cũng đã biết, ngay từ khi còn ở trong nước, Nguyễn Tất Thành đã được học tiếng Pháp trong các trường Tiểu học Pháp - bản xứ ở thành phố Vinh (1905), Tiểu học Pháp - Việt tỉnh Thừa Thiên (1906), trường Quốc học Huế (1908) trải qua các lớp, chương trình dự bị, sơ đẳng, trung đẳng, cao đẳng. Năm 1913, sau khi đến Anh, Nguyễn Tất Thành bắt tay ngay vào việc học tiếng Anh. Hàng ngày, sáng sớm và buổi chiều, nghĩa là trước và sau giờ lao động để kiếm sống, anh miệt mài tự học. Hằng tuần, vào ngày nghỉ, anh học tiếng Anh với một giáo sư người Italia. Giữa năm 1913, trong thư gửi cụ Phan Chu Trinh, Nguyễn Tất Thành có viết: “… cháu ước ao rằng 4, 5 tháng nữa, lúc gặp Bác thì sẽ nói và hiểu được tiếng Anh nhiều nhiều”[9]. Tấm gương say mê và kiên trì học ngoại ngữ của Nguyễn Tất Thành thật đáng để thanh niên ngày nay học tập! Không chỉ kiên trì vượt khó để học ngoại ngữ, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc rất chịu khó đọc sách, báo. Tư liệu lịch sử cho biết, trong thời gian học tại trước Tiểu học Pháp - Việt tỉnh Thừa Thiên, ngoài giờ học trên lớp, Nguyễn Tất Thành còn nhờ người mượn sách ở Lầu tàng thư về đọc. Trong thời gian ở nước ngoài, đặc biệt là ở Pháp, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc thường xuyên đi thư viện đọc sách, ngoài ra còn mua, sao chép sách, báo về đọc. Khi viết bài, đặc biệt là khi viết các tác phẩm lớn, chẳng hạn tác phẩm Những người bị áp bức, Nguyễn Ái Quốc đã tập hợp và xử lý nhiều tư liệu. Chẳng hạn, ghi chép của mật thám Pháp cho biết, ngày 6 tháng 2 năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đã nhờ một người bạn “ra bờ sông Seine tìm mua cho anh một ít sách có in những báo cáo của Messini và Violet để trích đoạn cho cuốn sách đang viết”[10]. Không chỉ chú trọng tiếp thu tri thức qua sách vở, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc còn rất khao khát mở rộng vốn hiểu biết qua thực tiễn. Người dành nhiều thời gian để nghiên cứu thực tế, quan sát và nắm bắt tình hình thực tế. Người còn tích cực tham gia các tổ chức chính trị - xã hội, tích cực tham dự, lắng nghe, phát biểu ý kiến trong các hoạt động của các tổ chức này. Ngoài các hoạt động trong Đảng Xã hội Pháp, Đảng Cộng sản Pháp, Quốc tế Cộng sản, v.v., sinh hoạt của Nguyễn Ái Quốc tại câu lạc bộ Phôbua là những sự kiện rất đáng lưu ý. Ông Léo Poldes, Chủ tịch câu lạc bộ này đã nhận xét: Nguyễn Ái Quốc “đã từng tham dự với chúng tôi trong những cuộc thảo luận náo nhiệt. Ngay những người cừu địch với ông không ai không thán phục trí thông minh, tài năng và lòng thành thực của ông”[11]. Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc còn tích cực tham gia các diễn đàn, tham gia hoạt động của các tầng lớp nhân dân lao động, đặc biệt là các hoạt động của thanh niên. Người đã từng có nhiều bài diễn thuyết, thuyết trình trước thanh niên Quận 2, Quận 13 ở Paris, tham gia hoạt động và có những bài viết về thanh niên Trung Quốc,… Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc cũng rất chú trọng việc xây dựng mối quan hệ tốt đẹp, học hỏi, trao đổi với nhiều nhà hoạt động chính trị có tầm cỡ, những nhân vật có ảnh hưởng, có thể giúp đỡ cho cách mạng Việt Nam. Nhiều người trong đó đang hoặc sau này là lãnh đạo cấp cao của Đảng Xã hội Pháp, Đảng Cộng sản Pháp, Đảng Cộng sản Liên Xô, Quốc tế III, Đảng Cộng sản Trung Quốc, v.v.. Nhiều nhân vật có ảnh hưởng lớn đến lịch sử Việt Nam cuối thế kỷ XIX và thế kỷ XX cũng có những quan hệ rất tốt đẹp với Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc, chẳng hạn như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, v.v.. Sự kiện năm 1918, ngay sau khi trở lại Pháp, Nguyễn Tất Thành đến đảo Réunion thăm cựu Hoàng đế Thành Thái cũng rất đặc biệt. Nhớ lại sự kiện này, năm 1947, Cựu hoàng Thành Thái đã nói: “Tôi già rồi, tôi không có ý định trở lại cuộc đời chính trị. Vả lại Cụ Hồ Chí Minh đã là người tiêu biểu của phong trào cách mạng của dân tộc Việt Nam. Đối với tôi, cụ Hồ Chí Minh không phải là người xa lạ. Ngay từ năm 1918 khi trốn ra ngoại quốc, cụ Hồ Chí Minh đã đến gặp tôi ở đảo Réunion. Từ hồi ấy, tôi đã thấy cụ Hồ Chí Minh là một nhà ái quốc nhiệt thành và sáng suốt”[12]. Có thể thấy rằng, toàn bộ hoạt động rất phong phú, với nhiều sự kiện quan trọng nói trên đã thể hiện rõ khát vọng và bản lĩnh nâng tầm trí tuệ, hiểu biết, tri thức của Hồ Chí Minh. Đối với một người thanh niên xuất thân từ thuộc địa, trong bối cảnh chủ nghĩa thực dân, đế quốc đang thống trị thế giới, điều đó thật đáng khâm phục.
Trong khoảng thời gian từ năm 1908 đến năm 1925, không thể không nhắc đến năm 1925 với sự kiện thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, sự kiện ra báo Thanh niên và các bài giảng của Nguyễn Ái Quốc tại Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Những sự kiện nói trên diễn ra khi Nguyễn Ái Quốc tròn 35 tuổi, tức là đủ tuổi trưởng thành Đoàn theo quan niệm hiện nay. Những sự kiện đó đã đánh một dấu mốc quan trọng trên hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc và cũng đánh một dấu quan trọng tiến trình cách mạng Việt Nam. Sự ra đời của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên - một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam; việc những bài giảng của Nguyễn Ái Quốc tại Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên được tập hợp lại thành tác phẩm Đường Kách mệnh - Giáo khoa thư đầu tiên của cách mạng Việt Nam; sự ra đời của báo Thanh niên - tờ báo tiên phong của nền báo chí cách mạng Việt Nam, trong tất cả những sự kiện đó đã kết tinh bản lĩnh và khát vọng kiến nghiệp, mở đầu một thời kỳ mới trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, phát triển đất nước của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc, người thanh niên yêu nước tiêu biểu của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX.
3
Năm 1925, Nguyễn Ái Quốc kêu gọi: “Hỡi Đông Dương đáng thương hại! Người sẽ chết mất, nếu đám thanh niên già cỗi của Người không sớm hồi sinh”[13].
Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết: “Một năm khởi đầu từ mùa Xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”[14].
Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc với khát vọng và bản lĩnh của tuổi trẻ, từ chỗ là một người thanh niên mất nước đã trở thành người lãnh đạo cao nhất sự nghiệp cách mạng giải phóng của dân tộc ở tuổi 35, tuổi trường thành Đoàn của đoàn viên thanh niên Việt Nam ngày nay. Người đã hồi sinh không chỉ “đám thanh niên già cỗi”, mà còn cả một dân tộc. Người đã mở ra một mùa Xuân của xã hội ở độ tuổi 35 của Người, với một tổ chức mang tên Thanh niên, với một tờ báo mang tên Thanh niên. Có một triết lý về sự Khởi đầu ở đây!
Nhìn lại một số sự kiện trong quãng đời hoạt động cách mạng của người thanh niên Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc, có thể thấy trong đó những khát vọng và bản lĩnh đẹp đẽ, mạnh mẽ và tràn đầy sức trẻ, sức hồi sinh, sức khởi đầu. Và trong đó gợi mở biết bao điều cho thanh niên ngày nay:
- Phải có khát vọng vả bản lĩnh bảo vệ và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
- Phải có khát vọng và bản lĩnh dấn thân và cống hiến cho Tổ quốc, cho đồng bào, theo tinh thần: “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó thanh niên làm”.
- Phải có khát vọng và bản lĩnh nâng tầm học vấn, trí tuệ, nhân cách, thực sự có đủ phầm chất và năng lực, đức và tài của “người chủ tương lai của nước nhà”.
- Phải có khát vọng và bản lĩnh khẳng định và thể hiện mình, sẵn sàng đấu tranh với cái xấu, cái ác, để bảo vệ và vun bồi có cái tốt, cái thiện, làm cho cái tốt, cái thiện “nảy nở như hoa mùa Xuân”.
- Phải có khát vọng và bản lĩnh khởi nghiệp. Khởi nghiệp phải là đặc tính của tuổi trẻ, cũng giống như “một đời khởi đầu từ tuổi trẻ”, theo đúng Triết lý về sự khởi đầu của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.
Tóm lại, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương lớn cho con người Việt Nam thời hiện đại, trong đó, đối với thanh niên Việt Nam ngày nay thì quãng đời của người thanh niên cách mạng Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc thực sự chứa đựng nhiều bài học và sự gợi mở rất trực tiếp và sâu sắc. Khát vọng và bản lĩnh Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc là niềm cảm ứng, nguồn năng lượng bất tận mà mỗi người thanh niên Việt Nam ngày nay đều có thể tiếp nhận từ đó, để dấn thân và cống hiến, để thật sự là “người chủ tương lai của nước nhà”, là “mùa Xuân của xã hội”./.
[1] Tôi chọn khoảng thời gian gắn quãng đời từ 18 đến 35 tuổi của người thanh niên Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc, trong đó mốc năm 1925 hàm ý liên hệ với quy định của tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hiện nay, theo đó 35 tuổi là tuổi trưởng thành Đoàn.
[2] Xem Trần Văn Giàu: Sự hình thành về cơ bản Tư tưởng Hồ Chí Minh. Nxb CTQG, Hà Nội, 1997, tr. 23.
[3] Cụ Phan Bội Châu dịch nghĩa là: “Cứ đến bữa cơm là ngồi nghĩ đến chuyện làm sao cho có công (đối với dân với nước). Còn như muốn lập thên thì văn chương vốn là cái nghề mạt nhất”. Xem: Phan Bội Châu toàn tập, tập 6. Nxb. Thuận Hoá, Huế, 1990, tr. 55.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 1. Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, tr. 461.
[5] Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử (xuất bản lần thứ ba có chỉnh sửa, bổ sung). Nxb. CTQG-ST, Hà Nội, 2016, tr. 28.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 1. Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, tr. 209.
[7] Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử (xuất bản lần thứ ba có chỉnh sửa, bổ sung). Nxb. CTQG-ST, Hà Nội, 2016, tr. 134.
[8] Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử (xuất bản lần thứ ba có chỉnh sửa, bổ sung). Nxb. CTQG-ST, Hà Nội, 2016, tr. 12, 6.
[9] Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử (xuất bản lần thứ ba có chỉnh sửa, bổ sung). Nxb. CTQG-ST, Hà Nội, 2016, tr. 38, 39.
[10] Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử (xuất bản lần thứ ba có chỉnh sửa, bổ sung). Nxb. CTQG-ST, Hà Nội, 2016, tr. 70.
[11] Xem Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử (xuất bản lần thứ ba có chỉnh sửa, bổ sung). Nxb. CTQG-ST, Hà Nội, 2016, tr. 118.
[12] Xem Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử (xuất bản lần thứ ba có chỉnh sửa, bổ sung). Nxb. CTQG-ST, Hà Nội, 2016, tr. 46.
[13] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2. Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, tr. 144.
[14] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4. Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, tr. 194.
Tác giả: PGS.TS Lại Quốc Khánh