Ngôn ngữ
Vừa thi học kỳ hai, sinh viên các trường đại học miền Bắc vừa đi khám tuyển sức khỏe, chuẩn bị lên đường. Vào đại học, hầu hết sinh viên đã đủ tuổi 18 để nhập ngũ, không cần “cho đất nước vay tuổi”. Tuy vậy không ít sinh viên phải cho “vay sức khỏe”. Nhiều chàng sinh viên thấp bé nhẹ cân, phải cho thêm cục đá vào túi quần, hoặc nhờ các bạn khỏe mạnh khám hộ, “ăn gian” cân nặng, chiều cao. Có bao sinh viên nhập ngũ thì có từng ấy lá đơn tình nguyện, trong đó có nhiều đơn viết, ký tên bằng máu. Viết đơn tình nguyện nhưng trong thâm tâm phần lớn sinh viên không khỏi tiếc nuối chuyện học hành. Những kỳ thi tuyển đại học giai đoạn chiến tranh chống Mỹ có tỷ lệ tuyển chọn rất ngặt nghèo, gần như “mười chọn một”. Vì vậy, đậu đại học, phần lớn sinh viên đều muốn học một mạch để lấy bằng tốt nghiệp ra trường. Nhưng vì Tổ quốc kêu gọi, “kẻ thù buộc ta cầm súng”, đã có lệnh Tổng động viên, tất cả sinh viên trúng tuyển nghĩa vụ đều sẵn sàng “xếp bút nghiên, lên đường”.
Tân sinh viên nhập ngũ tháng 9/1971
Trước ngày nhập ngũ, tôi về báo tin cho mẹ tôi biết “con chuẩn bị vào Nam”. Tôi đoán, tình mẫu tử sẽ làm mẹ tôi lo lắng, khóc thương tôi. Nhưng không, tôi nhìn mặt mẹ, chờ đợi, mẹ tôi không nhỏ một giọt lệ nào. Bà chỉ buông một câu hờ hững: “Ra trận là bổn phận của đàn ông thời loạn”. Đêm ấy tôi nằm khóc thầm. Tôi nghĩ: mẹ đã bán con mình cho đất nước. Tôi oán mẹ tôi, nhưng không hề biết bên kia bức vách, mẹ tôi cũng khóc thầm. Sau này tôi mới biết, mẹ tôi đã biết tin tôi trúng tuyển nghĩa vụ quân sự từ trước, nên bà đã cố tỏ ra cứng rắn cho con trai vững bước lên đường.
Chúng tôi nhập ngũ vào mùa mưa lũ. Nước sông Hồng lên cao đe dọa ngập cả thành phố thủ đô. Tôi cùng bạn bè đồng ngũ tương lai đã chuyển toàn bộ thư viện khoa Văn thuộc Đại học Tổng hợp Hà Nội từ tầng một lên tầng tư, đề phòng nước ngập. Khi bê từng chồng sách lên cao, chúng tôi bâng khuâng nâng những cuốn giáo trình chưa học trước ngực mình. Có bao cuốn sách mình chưa được đọc, bao giáo trình năm cuối chưa kịp học. Chúng tôi nẩy sinh ý định đánh xoáy, cho vào túi ngực mấy cuốn, đem theo vào chiến trường. Chúng tôi biết thủ thư của thư viện đã nhắm mắt, quay lưng lại, tạo điều kiện cho chúng tôi “ăn trộm của công”. Nhưng rồi, không có chuyện tham ô cơ hội nào xảy ra. Chúng tôi biết ba lô vào chiến trường phải ưu tiên cho súng đạn. Những cuốn sách thư viện lúc này đều có giá trị tài sản, cần giữ nguyên cho bạn bè ở lại học tiếp.
Các cựu sinh viên 6971 của Đại học Tổng hợp Hà Nội
Để yên lòng những người ra trận, các trường đại học đều thông báo sẽ bảo lưu kết quả học tập của sinh viên. Sinh viên năm cuối được công nhận tốt nghiệp đại học đặc cách, mặc dù chưa bảo vệ luận văn, nhà trường chưa kịp in bằng. Học bạ được giữ lại, chờ sinh viên ra trận trở về học tiếp. Tất nhiên kết quả học tập được bảo lưu trong đó có cả kết quả “xấu”. Có mấy chàng sinh viên bẩm sinh “dị ứng với ngoại ngữ”, thi trượt môn Nga Văn, nói đùa với nhau: Ra trận cũng là để hoãn thi lại Nga văn. Mà nếu chết là nhất cử lưỡng tiện, khỏi phải thi Nga văn lần nào nữa.
Được bảo lưu kết quả học tập, giữ nguyên học bạ, nhưng có môn thi chúng tôi không được biết mình được mấy điểm. Đó là trường hợp môn học văn học Phương Tây của giáo sư Nguyễn Văn Khỏa. Nhà trường khi đó đã để Thầy Khỏa của chúng tôi vi phạm quy chế: không cho sinh viên nhập ngũ biết kết quả học tập. Thầy vốn là Trung đội trưởng trung đội Quân báo trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa. Người Cựu chiến binh chống Pháp này được nhà trường ưu tiên không trả bài thi cho sinh viên ra trận. Trước các sinh viên nhập ngũ đến chào tạm biệt, thầy tuyên bố: “Tôi sẽ giữ tất cả các bài thi của các em lại, không nộp cho giáo vụ, chờ các em chiến thắng trở về mới nhận điểm, nhận bài. Các em yên tâm rằng, các em đều được ưu tiên cộng thêm điểm. Điểm này là điểm nằm ngoài điểm Văn phương Tây. Đó là “điểm cuộc đời”. Vì có một môn học lớn nhất, giáo trình lớn nhất là môn học về tình yêu Tổ quốc, các em đã học qua, lên đường ra trận là xứng đáng điểm Mười rồi. Thầy sẽ giữ riêng bài thi của các em trong giá sách, đợi các em chiến thắng trở về”. Chúng tôi đến hôm nay còn ghi nhớ lời thầy. Thầy giữ bài thi không trả là thầy tạo cho chúng tôi những lá bùa hộ mệnh, giữ cho một niềm tin, một hy vọng trở lại hậu phương, khi chúng tôi cầm súng nơi tiền tuyến. Chúng tôi cũng không ngờ, sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, chúng tôi trở về trường, gặp Thầy, nhận bài, đã không đủ. Một số bài đạt điểm cao nhất, không cần “điểm ưu tiên”, lại không có người lên tiếng nhận. Thầy trò cùng khóc. Các bạn của chúng tôi đã vĩnh viễn nằm lại ở chiến trường.
Tượng đài tri ân các cán bộ, sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã lên đường nhập ngũ, tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước
Trong đoàn quân ra trận ngày ấy, chúng tôi còn có các thầy giáo đi cùng. Đó là những người lính “già” hơn chúng tôi mấy tuổi, nhưng dễ nhận ra bởi những cặp kính cận, những cây đàn ghi-ta trên vai. Rời giảng đường, các thầy từ nhiều trường đại học được biên chế tập trung thành một đại đội cán bộ giảng dạy. Đó là đại đội có “chất xám” cao nhất và rất giàu tài năng văn nghệ. Đại đội thầy giáo này đã thành lập được cả một dàn nhạc nhẹ, nhờ hàng chục nghệ sỹ không chuyên nhưng là những người đàn ông tài hoa ra trận.
Ngày mùng 6 tháng 9 năm 1971 đã đi vào lịch sử Đại học Việt Nam như một sự kiện ra quân đông đảo nhất của các trường đại học trên miền Bắc. Đêm mùng 5 sáng ngày mùng 6 tháng Chín năm ấy, chúng tôi biết đó là đêm mùa thu không ngủ của rất nhiều trường đại học. Những chàng sinh viên nhập ngũ nhận từ bạn gái những chiếc khăn mu-soa thêu hoa cúc xanh, những cuốn sổ tay ghi dòng lưu niệm, những tập phong bì và tem thư “một hào hai” mà chưa biết đời lính chiến trường có kịp dùng hết. Để chiến thắng tình cảm ủy mị, tiếc nuối, u buồn, tất cả tập trung chỉ nói về Tổ quốc. Và tất cả đều đồng cảm với những câu thơ rất mới của nhà thơ chiến trận Phạm Tiến Duật:
Ta đi hôm nay đã không là sớm
Đất nước hành quân mấy chục năm rồi
Ta đến hôm nay cũng không là muộn
Đất nước còn đánh giặc chưa thôi
Tác giả: Mạc Yên
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn