USSH - Nhà thơ Lê Quang Trang (Chủ tịch Hội nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ những cảm nhận cá nhân về Nhật kí Lê Anh Xuân.
Tôi đọc Nhật kí Lê Anh Xuân với những sự cuốn hút đặc biệt vì ba lí do chính sau đây:
- Lê Anh Xuân là tác giả, nhân vật từng nghe, từng biết, từng nghiên cứu và yêu mến, bây giờ có thêm tư liệu mới, như người đi khai thác tìm thấy vỉa mới.
- Đây là nhật kí của một “người quen”, dù chưa gặp mặt, nhưng rất gần gũi vì cùng một mái trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, cùng có hoàn cảnh tương tự, đi B khi vừa ra trường, cùng vào B2 làm văn nghệ, nhiều người anh nhắc trong tập này là người tôi biết và quen.
- Đặt ra và lí giải nhiều vấn đề quen thuộc mà rất thời sự như về lẽ sống, về văn chương cho xã hội hiện tại, nhất là thế hệ trẻ, một cách thuyết phục.
Qua đọc văn bản xin nêu một vài suy nghĩ về giá trị của tập Nhật kí.
1. Một lí tưởng trong trẻo, đẹp đẽ và cao thượng.
Qua Nhật kí, tôi hiểu sâu thêm về lí tưởng của người thanh niên được đào tạo dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, lí lưởng của một thế hệ, trên nền giác ngộ ý thức chính trị sâu sắc, biết chiến đấu vì tình yêu đất nước, dân tộc, lí tưởng, biết vì sao mà tham gia cuộc chiến đấu, hoàn toàn tự giác, tự nguyện. Tất nhiên, với Lê Anh Xuân, từ hoàn cảnh riêng, còn có phần kêu gọi thiết tha của quê hương miền Nam.
Lí tưởng ấy hết sức trong trẻo, đẹp đẽ, cao thượng, luôn luôn đặt quyền lợi chung lên trên lợi ích cá nhân: Là sinh viên giỏi, hoàn cảnh gia đình thuận lợi, cá nhân thuận lợi (con em miền Nam), có thể hoàn toàn hợp lí khi đi học tập, nghiên cứu ở nước ngoài. Nhưng anh từ chối con đường thuận lợi, gác lại sự nghiệp, chịu xa người yêu để xin được vào chiến trường.
Đến tiền tuyến, anh lại xin đến nơi mũi nhọn, xuống vùng sâu, nơi ác liệt để sống và viết. Về Bến Tre quê nhà, thời đó hết sức gian khổ, ác liệt, sống chết chỉ trong gang tấc, anh lại là người chưa quen chiến trận, nhưng vẫn quyết tâm. Cũng có lúc hoảng sợ (bản năng bình thường của con người) nhưng lí trí của anh đã can thiệp, đấu tranh để vượt lên, nhất là khi anh được đứng trong hàng ngũ của Đảng (những trang viết này thật thiêng liêng). Anh hi sinh khi chỉ mong được “đi một chuyến rất ngắn, chỉ vài ngày thôi để được biết hơi thở chiến trường”.
Lí lưởng nghệ thuật cũng mang dấu ấn một thời, trước hết là vì cuộc chiến đấu, cụ thể và trực tiếp phục vụ cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, sung sướng được tham gia, không phải bị lừa hoặc sám hối như một vài kẻ đào ngũ sau này nêu ra.
Phong cách làm việc của Lê Anh Xuân tỉ mỉ, cẩn thận. Những trang ghi chép có sự chắt lọc, phục vụ cho mục đích của người viết. Có khi chỉ lướt qua, chủ yếu gợi cảm hứng hay suy nghĩ bất chợt, có khi lại miêu tả câu chuyện, phong cảnh, chân dung thật chi tiết, tỉ mỉ, rất có ý thức chuẩn bị cho những ý định lớn về sau.
2. Tính chân thật và gần gũi.
Những trang viết của Lê Anh Xuân rất chân thực. Có thể anh chỉ nghĩ viết cho riêng mình. Tâm trạng, suy nghĩ, chi tiết đều cụ thể, chân thực. Từ chuyện trên đường dây như bị mưa dột, vắt cắn, cáu kỉnh với người khác, nhớ người yêu, hoàn cảnh nghèo khó nhà chị Ba, tâm trạng hoảng sợ khi bị máy bay bắn, địch càn (tr 56)…Tất cả đều chân thành, chân thật, sát với đời sống.
Với riêng tôi, rất nhiều cảnh vật, con người, suy nghĩ của Lê Anh Xuân còn rất gần gũi với cá nhân mình. Do vậy mà hiểu hơn, đồng cảm hơn. Từ câu chuyện trên Trường Sơn đến căn cứ Trung ương Cục; về những con người mà Lê Anh Xuân gặp và đề cập đến như: Anh Ái (Bùi Đức Ái tức Anh Đức), Dũng (Từ Sơn ), Sáu Lăng, Thanh Nha, chị Loan, Lê Văn Thảo, Tư Sâm, Xuân Vũ… là những người tôi từng làm việc và quen biết. Những hình ảnh, tâm sự suy nghĩ của người mình biết bao giờ cũng hấp dẫn lôi cuốn hơn là của một người xa lạ, đó là nguyên tắc tiếp nhận nhật kí.
3. Tư liệu vô giá cho việc nghiên cứu.
Với nhiều người lần đầu tiếp cận với tập Nhật kí này, chắc chắn có nhiều bất ngờ với nội dung cuốn sách, vì tính đa dạng và sự sâu sắc của nó. Có thể coi đây là kho tư liệu vô giá cho việc nghiên cứu hình thành nhân sinh quan và lao động sáng tạo của nhà văn. Hơn nữa, Lê Anh Xuân là điển hình của một thế hệ trẻ bước vào cuộc kháng chiến chống Mĩ, cả về nghĩa chung là một công dân và nghĩa riêng là người lao động sáng tạo nghệ thuật, cho nên đây cũng là hình tượng tiêu biểu về lí tưởng chính trị một thế hệ (lí do tham gia; ý thức chính trị; giải quyết chung/riêng; tinh thần chiến đấu; nghị lực sáng tạo; quan điểm văn chương). Tập Nhật kí này cùng với những tập nhật kí của Nguyễn Thi, Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý, Đặng Thuỳ Trâm, Nguyễn Văn Thạc… sẽ rất có ích khi nghiên cứu thế hệ những nhà văn, nhà thơ giai đoạn chống Mĩ cũng như người trí thức, nhà văn khi đất nước bị xâm lược.
Cá nhân tôi, từng nghe, từng biết, suy nghĩ, từng tìm hiểu viết bài về Lê Anh Xuân, do vậy càng thấy rất bổ ích về nhiều mặt khi đọc cuốn sách này.
Có thể nói, qua Nhật kí này thấy nổi lên một nhân cách sống, một tâm hồn phong phú và đẹp đẽ, một hình mẫu cao đẹp về người cầm bút trong một khúc quanh thử thách của lịch sử dân tộc.
Tp. Hồ Chí Minh, ngày 30/11/2011