Trong số 12 Giải thưởng Hồ Chí Minh và 20 giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ đợt này, Khoa Lịch sử có hai giải thưởng: một Giải thưởng Hồ Chí Minh trao cho cụm công trình về văn hoá Việt Nam của cố GS.NGƯT Trần Quốc Vượng, một Giải thưởng Nhà nước trao cho công trình “Thăng Long - Hà Nội thế kỉ XVII - XVIII - XIX” của PGS.TS.NGƯT Nguyễn Thừa Hỷ. Đây là Giải thưởng Hồ Chí Minh thứ 5 và Giải thưởng Nhà nước 4 mà cán bộ Khoa Lịch sử vinh dự được Nhà nước trao tặng.
PGS.TS.NGƯT Nguyễn Thừa Hỷ sinh năm 1937, giữa “không gian lõi” của “Hà Nội nghìn xưa” (phố Hàng Cót, quận Ba Đình), quê gốc làng Hạ Đình (nay thuộc quận Thanh Xuân), mẹ người làng La Phù (Hà Tây cũ). Tốt nghiệp phổ thông ở một trong ba trường cấp ba danh giá nhất Hà Nội bấy giờ (trường Nguyễn Trãi, cùng với trường Chu Văn An, Trương Vương), ông trở thành sinh viên Khoá I của Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, cùng lớp với những tên tuổi nổi danh của ngành sử sau này, như GS.NGND Phan Đại Doãn, GS.NGND Vũ Dương Ninh, PGS.NGND Lê Mậu Hãn, PGS.NGƯT Phạm Thị Tâm… Truyền rằng, ở khoá đầu tiên này của Khoa Lịch sử, ông là một trong những người học giỏi nhất. Nhưng khác với nhiều bạn bè, tốt nghiệp xong ông được điều động đi dạy sử phổ thông. Ba mươi năm dạy học, công tác ở các Ty/Sở giáo dục Hà Nam, rồi Hà Nội, mãi tới năm 1990, khi đã 53 tuổi, ông mới về làm cán bộ giảng dạy tại Bộ môn Lịch sử Việt Nam cổ trung đại, Khoa Lịch sử, theo lời mời của GS Phan Huy Lê, bấy giờ là Chủ nhiệm Bộ môn.
Tưởng như làm thầy giáo phổ thông, dạy thôi chứ không cần phải nghiên cứu. Nhưng ông đã không “an phận”. Với niềm đam mê khoa học, những kiến thức tích luỹ được - nhất là từ sách vở viết bằng chữ Anh, chữ Pháp - và năng lực thâu nhận trời phú, ông âm thầm viết, không nhiều, nhưng sâu sắc.
Rồi từ đầu những năm tám mươi, ông quyết định làm nghiên cứu sinh (trong nước). Bấy giờ nghiên cứu sinh, nói chung và riêng ngành sử, còn hiếm. Ông chọn Hà Nội - mảnh đất ông sinh ra và lớn lên, chứng kiến nhiều đổi thay – làm đối tượng nghiên cứu. Đầu năm 1984, luận án “Thăng Long - Hà Nội thế kỉ XVII - XVIII – XIX: kết cấu kinh tế - xã hội của một đô thị trung đại” của ông được đưa ra bảo vệ, thuộc số những luận án Tiến sĩ (bấy giờ gọi là Phó Tiến sĩ) đầu tiên của Khoa Lịch sử. Tôi nhớ, hôm bảo vệ luận án (tại 19 Lê Thánh Tông) có rất đông người dự, có mặt rất nhiều gương mặt lớn của ngành sử. Sau, đến năm 1993, công trình này được xuất bản thành sách và lập tức giành được sự quan tâm của giới nghiên cứu trong và ngoài nước. Đến nay, gần 20 năm trôi qua, nó trở thành cuốn sách không thể không đọc, không nhắc đến, không trích dẫn trong những nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội, nhất là trong các thế kỉ XVII, XVIII, XIX.
Trong công trình này này, bằng việc khai thác đa dạng các nguồn tư liệu, nhất là nguồn tư liệu viết bằng chữ phương Tây (Anh, Pháp), được xử lí cẩn trọng, có phương pháp và hiệu quả cao, công trình đã phác hoạ được diện mạo của Thăng Long – Hà Nội qua các thời kì, nhất là các thế kỉ XVII – XVIII – XIX, làm nổi bật được kết cấu kinh tế - xã hội, các hoạt động kinh tế của Thăng Long – Hà Nội các thế kỉ XVII – XVIII – XIX, chính sách của các nhà nước phong kiến Việt Nam đối với vấn đề này qua trường hợp Thăng Long – Hà Nội. Những phân tích sắc sảo về kết cấu kinh tế, cấu trúc xã hội, cơ chế đẳng cấp và sự giao lưu đẳng cấp; nhecng khái quát về các nhân tố phát triển và hưng khởi của thành thị, về mối quan hệ thành thị - nông thôn, về thế lưỡng hợp nhà nước – dân gian trong thành thị, về dạng thức phát triển và chuyển biến của thành thị trở thành những luận đề quan trọng, có ảnh hưởng rộng rãi trong giới nghiên cứu trong và nước, sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh khi tiếp cận lịch sử xã hội Việt Nam thời kì trung đại.
Công trình trở thành nghiên cứu tiêu biểu về Thăng Long - Hà Nội được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước trích dẫn nhiều khi nghiên cứu về lịch sử Việt Nam nói chung và đặc biệt về lịch sử Thăng Long – Hà Nội nói riêng. Công trình này cũng là một chuyên khảo có giá trị, phục vụ hiệu quả công tác đào tạo của Khoa Lịch sử - Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQGHN (cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành Lịch sử Việt Nam cổ trung đại, chuyên ngành Lịch sử văn hoá Việt Nam và các chuyên ngành liên quan khác).
Công trình đã được dịch sang tiếng Anh (Nhà xuất bản Thế giới ấn hành, 2002), được nhiều học giả và bạn đọc của nhiều nước biết đến, góp phần quảng bá lịch sử và văn hoá Việt Nam nói chung, lịch sử và văn hoá Thăng Long – Hà Nội nói riêng với bạn bè quốc tế. Gần đây, công trình được bổ sung và xuất bản trong “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến” nhân đại lễ kỉ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, tiếp tục được giới nghiên cứu và bạn đọc đánh giá cao.
Công trình đã có đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy sự phát triển của ngành Hà Nội học. Là một nghiên cứu xuất sắc về Thăng Long – Hà Nội, công trình có thể coi là một chuyên khảo mẫu mực về lịch sử Thăng Long – Hà Nội với tư cách một đô thị đóng vai trò trung tâm chính trị - hành chính của đất nước. Tuy công trình tập trung chủ yếu vào giai đoạn từ thế kỉ XVII đến thế kỉ XIX, nhưng ở hầu hết các vấn đề liên quan đến đời sống kinh tế - xã hội của Thăng Long – Hà Nội đều được khái quát trong toàn bộ tiến trình lịch sử, tạo nên một bức tranh tương đối toàn cảnh về kết cấu kinh tế -xã hội của đô thị này. Trong số hàng trăm chuyên khảo về Thăng Long – Hà Nội đến nay, công trình này có thể coi là một trong các nghiên cứu xuất sắc nhất, đánh dấu một bước tiến lớn của ngành Hà Nội học.
Đọc Nguyễn Thừa Hỷ, người ta thấy rất rõ sự uyên bác của tri thức và sự lịch lãm trong văn chương, nhất là những công trình về lịch sử và văn hoá Thăng Long – Hà Nội. Có lẽ đó là sự kết hợp và thẩm thấu của một văn hoá Thăng Long nghìn xưa với một văn hoá thị dân Hà Nội khá thuần thục thời cận đại. Ở tuổi 75, tay yếu chân yếu, nhưng ông vẫn minh mẫn lạ thường. Chỉ ngồi nhà nhưng ông lướt web đều đặn, dùng cả điện thoại bàn lẫn di động, chuyện thế giới, chuyện quốc gia, chuyện trường, chuyện khoa, chuyện nhân sự lớn bé… ông đều biết cả (mà có khi còn biết trước). Và đặc biệt, ông vẫn viết, từ bài nghiên cứu đến sách. Hồi nghìn năm Thăng Long – Hà Nội, ông chủ biên cuốn sách "Tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: tuyển tập tư liệu phương Tây" dầy cả nghìn trang, được đánh giá rất cao, và mới mấy hôm trước thôi, ông in "Văn hoá Việt Nam truyền thống - một góc nhìn", hơn nửa nghìn trang. Ông dịch, ông hiệu đính các tác phẩm nổi tiếng của các học giả nước ngoài về Việt Nam.
Gặp ông, ai cũng thấy vui, thấy yêu đời. Ông làm việc hết mình, nghiêm túc, trách nhiệm, hiệu quả. Ông gần như không bận tâm vào sự thiệt hơn mất được đời người. Vì thế mà ông rất “nhàn”. Và có lẽ bởi “nhàn”, nên ông rất “sâu”.