Vào những ngày cuối năm 1964, có một giảng viên sử học của Đại học Tổng hợp Hà Nội cùng đoàn cán bộ gồm các ngành văn hoá, giáo dục, y tế, điện ảnh… lên đường vào Nam. Trong đoàn cán bộ dân sự đi B năm ấy, anh thuộc số trí thức tình nguyện cầm súng lên đường nhưng không phải "xếp lại bút nghiên". Ba lô vào trận của anh nặng vì sách giáo trình, chuyên luận. Anh lên đường với tư cách một nhà sư phạm, một nhà sử học để cùng các chuyên gia trong đoàn đảm nhận một trọng trách chung, là: Phát triển giáo dục cho các địa phương vùng giải phóng và xây dựng đội ngũ giảng viên cho một trường đại học chuẩn bị thành lập trên căn cứ địa của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam. Nhiều người nhận ra anh. Đó là Ca Lê Hiến - tác giả bài thơ Nhớ mưa quê hương, năm 1960 đã đoạt giải Nhì cuộc thi thơ báo Văn Nghệ.
Con đường đi bộ vượt Trường Sơn vào Nam cheo leo, trùng điệp nhưng chính là con đường trở về quê mẹ. Cuộc chiến đấu gian lao và hi sinh phía trước buộc mỗi người phải chọn một mật danh hoặc một bút danh và anh đã chọn Lê Anh Xuân làm bút danh cho mình.
Là người con của quê hương Bến Tre, theo cha tập kết ra Bắc, được học hành, đào tạo chu đáo, Lê Anh Xuân rất sớm trưởng thành. Tốt nghiệp khoa Lịch sử, anh được giữ lại trường, trong bộ môn Lịch sử thế giới. Là một cán bộ giảng dạy trẻ, thông minh, tài hoa thiên bẩm, anh đã được Nhà nước chọn đi nghiên cứu sinh nước ngoài. Con đường thành đạt cá nhân và một sự nghiệp khoa học đã mở ra thênh thang trước mặt, nhưng Lê Anh Xuân lại từ chối. Anh chọn con đường thứ hai bí mật vượt Trường Sơn, trở về quê mẹ. Đường ra trận, trong lòng anh, đã thành con đường hội tụ của hai tình yêu lớn: Tình yêu quê hương và tình yêu đất nước.
Năm 1965, Mĩ ồ ạt đổ quân vào miền Nam, châm ngòi cho một cuộc chiến tranh cục bộ hết sức khốc liệt. Cục diện chiến trường thay đổi, Trung ương Cục Miền Nam quyết định gác lại kế hoạch xây dựng trường đại học. Từ Tiểu ban Giáo dục, Lê Anh Xuân chuyển sang Tiểu ban Văn nghệ, bắt đầu làm việc với tư cách một nhà báo, một phóng viên mặt trận.
Từ năm ấy, những nẻo đường giao liên, những lòng thông hào chiến trận bắt đầu in dấu giày nhà báo Bến Tre yêu nước. Nhờ cảm quan sử học và trái tim thi sĩ, Lê Anh Xuân nắm bắt được rất nhanh cái chiều sâu triết học và chiều sâu thơ ca của hiện thực cách mạng miền Nam. Viết báo, làm thơ, viết kí, kể chuyện các anh hùng, bút danh Lê Anh Xuân đã thành cái tên quen thuộc, yêu thương đối với độc giả Tạp chí Văn nghệ giải phóng và đồng bào hai miền Nam, Bắc. Các tập thơ Tiếng gà gáy (1965), Không có đâu như ở miền Nam (1965), trường ca Nguyễn Văn Trỗi (1968) tập truyện kí Giữ đất, các bài thơ sau này in trong tập Hoa dừa (1971)… đã làm đồng bào và chiến sĩ cả nước xúc động và nhận ngay ra phong cách của một tài năng đã từng báo hiệu qua Nhớ mưa quê hương năm xưa. Lê Anh Xuân vẫn rong ruổi trên các nẻo đường chiến trận. Các bài thơ Dừa ơi, Về Bến Tre, Trở về quê nội, Không đâu như ở miền Nam… liên tục được phát trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam đã lay động tâm hồn đồng bào, chiến sĩ cả nước.
Khát khao cống hiến, khát khao khám phá hiện thực và sáng tạo nghệ thuật, nhà thơ không chịu ngồi yên trong căn cứ địa. Anh tìm mọi cơ hội tham gia các trận đánh, không bằng lòng với chỗ đứng an toàn, tuy rất chính đáng của một nhà thơ. Anh không muốn chỉ làm người đứng ở đằng xa, làm chứng nhân lịch sử.
Năm 1968, Lê Anh Xuân lên đường, bước vào đợt II của chiến dịch Tổng tấn công Mậu Thân. Trước khi xuất phát, anh gửi lại cho Ban biên tập Tạp chí Văn nghệ Giải phóng một bài thơ anh đã thức viết thâu đêm. Đó là bài thơ viết về cái chết anh hùng, hiên ngang và bi tráng của một chiến sĩ vô danh trên sân bay Tân Sơn Nhất: Bài thơ Dáng đứng Việt Nam.
Thật đau lòng, tác giả đã không bao giờ trông thấy bài thơ của mình in trên mặt báo nữa. Ngày 24 tháng 5 năm 1968, Lê Anh Xuân đã hi sinh trên mặt trận phía tây Sài Gòn.
Lê Anh Xuân ra đi nhưng Dáng đứng Việt Nam của anh ở lại. Bài thơ nhanh chóng trở thành bài ca yêu thích đầu lòng của lớp lớp những người cầm súng. Khi hình dung, tưởng tượng về người giải phóng quân hi sinh trong tư thế đứng bắn ở đường băng, ra đi không để lại tên tuổi…, nhiều cán bộ đồng nghiệp và bạn bè đồng khoa thuộc Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội lại tưởng nhớ tới dáng người thanh mảnh, khuôn mặt tươi sáng của thầy Ca Lê Hiến năm nào trên đất Bắc. Vì Tổ quốc cần, anh đã gác lại một sự nghiệp khoa học. Nhưng bù vào đó anh đã tạo cho mình một sự nghiệp thi ca. Và điều quan trọng nhất, là bằng thơ ca và bằng tấm gương chiến đấu hi sinh, anh đã góp mình "làm nên lịch sử". Nửa thế kỉ qua, trong tâm niệm của hàng triệu học sinh, sinh viên và độc giả thơ Việt Nam, Lê Anh Xuân là một anh hùng.
Để tri ân và lưu giữ những kỉ vật tinh thần vô giá của các liệt sĩ vốn là cán bộ, sinh viên của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm xưa, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã xuất bản cuốn Còn lại với thời gian. Trong danh sách tiểu sử và các trang văn liệt sĩ, bên cạnh các tên tuổi: Nhà văn, Anh hùng LLVT - Liệt sĩ Chu Cẩm Phong, Nhà báo - Liệt sĩ Hồng Tân (người hi sinh bên cạnh Lê Anh Xuân), Nhà thơ - Liệt sĩ Nguyễn Trọng Định, Nhà thơ - Liệt sĩ Vũ Dũng … tên tuổi Lê Anh Xuân đã khai trang, sáng lên với tư cách một nhà giáo - nhà thơ chiến trận.
Ngày 18 tháng 5 năm 2011, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức cuộc toạ đàm về cuộc đời và sự nghiệp Lê Anh Xuân. Tại diễn đàn văn hoá và thi ca này, cán bộ và sinh viên Nhà trường rất xúc động và phấn khởi khi biết tin Thành uỷ và UỶ ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Thành phố xây dựng hồ sơ để đề nghị Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang cho Liệt sĩ Lê Anh Xuân.
Cũng chính từ cuộc toạ đàm này, những trang nhật kí của Lê Anh Xuân, qua giọng đọc của nhà giáo, NSUT Ca Lê Hồng (người chị gái của Liệt sĩ) đã làm hội trường xúc động. Các cán bộ khoa học, cán bộ giảng dạy, sinh viên và Lãnh đạo nhà trường ý thức ngay rằng, Nhật kí Lê Anh Xuân là một kỉ vật vô giá. Công việc được khẩn trương triển khai. Nhờ những nỗ lực sưu tầm, tìm kiếm, liên lạc của Hội Cựu chiến binh, của Ban Giám hiệu Nhà trường, nhờ sự hợp tác giúp đỡ của gia đình Liệt sĩ, của Bảo tàng tỉnh Bến Tre, bản thảo Nhật kí Lê Anh Xuân đã lên khuôn chữ ấn loát. Việc xuất bản Nhật kí là đáp ứng nguyện vọng, mong mỏi chung của nhiều cơ quan văn hoá, khoa học, các tổ chức chính quyền địa phương và độc giả yêu thơ cả nước.
Nhà xuất bản Văn hoá - Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh tình nguyện xuất bản cuốn nhật kí này. Ngoài mục tiêu giới thiệu một di sản văn hoá - tư tưởng, đối với Nhà xuất bản, cuốn sách còn có ý nghĩa như một sự tri ân đồng nghiệp. Bởi vì Tạp chí Văn nghệ Giải phóng, nơi nhà thơ Lê Anh Xuân làm việc, chính là tổ chức văn hoá tiền thân của Nhà xuất bản Văn hoá - Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay.
Trong lần xuất bản này, chúng tôi chưa thật yên tâm về phương diện văn bản học. Lí do là vì trong nguyên bản Nhật kí còn rất nhiều quãng thời gian bỏ trống (có thể do cuộc chiến đấu căng thẳng mà việc ghi nhật kí bị gián đoạn hoặc cũng có thể những khoảng thời gian này được ghi ở những cuốn sổ khác?). Bên cạnh đó, còn khá nhiều câu chữ tác giả viết theo kiểu kí hiệu, không thể giải mã. Khi ghi nhật kí, tác giả không thể biết những chuyện riêng tư, "độc thoại" của mình lại có ngày ra ngoài ánh sáng, thành chuyện chung cho triệu người cùng biết. Tuân thủ quy luật đặc thù của thể loại nhật kí và tôn trọng tính chân thực của nguyên tác, chúng tôi đề nghị Nhà xuất bản giữ nguyên nội dung hiện trạng.
Nhân dịp Nhật kí Lê Anh Xuân ra mắt bạn đọc, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn xin trân trọng cảm ơn Nhà xuất bản Văn hoá văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh vì sự thịnh tình hợp tác, chân thành cảm ơn gia đình Liệt sĩ đã hết sức giúp đỡ, cảm ơn sự phối hợp, hỗ trợ thông tin và các tư liệu lịch sử của các nhà văn: Anh Đức, Lê Văn Thảo, Viễn Phương, Từ Sơn, Lê Quang Trang, đặc biệt là các cán bộ Bảo tàng Bến Tre - tỉnh Bến Tre trong quá trình biên tập cuốn sách này.
Nhân dịp xuất bản cuốn nhật kí, chúng tôi thiết tha mong mỏi tiếp tục được nhận về phòng Truyền thống Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (336 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội) các kỉ vật, ảnh lưu niệm, các trang văn di cảo của Liệt sĩ Lê Anh Xuân có thể còn đang được lưu giữ rải rác trong sổ tay các nhà văn, nhà báo và các đồng chí, đồng nghiệp cùng công tác, chiến đấu với Liệt sĩ năm xưa.
Trong khi chờ đợi cơ hội sẽ được bổ sung thêm những tư liệu và những trang nhật kí mới, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn xin trân trọng giới thiệu Nhật kí Lê Anh Xuân với các cán bộ, sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội và bạn đọc gần xa.
Hà Nội, nhân ngày Nhà Giáo Việt Nam năm 2011
Đảng uỷ, Ban Giám hiệu, Hội Cựu chiến binh
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn
Đại học Quốc gia Hà Nội