Ngày 30 tháng 11 năm 2011, tại hội trường Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh, Thường trực Hội Nhà văn thành phố, Nhà Xuất bản Văn Hoá-Văn nghệ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội cùng gia đình dòng họ Ca Lê đã tổ chức buổi họp mặt thân mật giới thiệu cuốn Nhật kí Lê Anh Xuân. Tham dự có đại diện Ban Tuyên giáo Thành uỷ Tp. Hồ Chí Minh, lãnh đạo và cán bộ Bảo tàng Bến Tre (nơi đang lưu giữ bản gốc cuốn Nhật kí) lãnh đạo và phóng viên các báo, đài và một số nhà văn, bạn bè đã cùng công tác, chiến đấu với Lê Anh Xuân.
Nhà thơ Lê Quang Trang, Chủ tịch Hội Nhà văn TP phát biểu khai mạc. Ông xúc động khi được cầm trên tay cuốn Nhật kí Lê Anh Xuân và như ông nói “Tôi đọc Nhật kí Lê Anh Xuân với sự cuốn hút đặc biệt…”. Ông cũng khẳng định giá trị cuốn Nhật kí vì nó phản ánh “
một lí tưởng trong trẻo, đẹp đẽ và cao thượng”; những trang ghi chép của Lê Anh Xuân
“đều chân thành, chân thật, sát thực với đời sống”; và là nguồn
“tư liệu vô giá cho việc nghiên cứu”.
Nhà văn Bích Ngân, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Văn hoá - Văn nghệ nói về quá trình phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, gia đình và nỗ lực của cán bộ, nhân viên NXB để hoàn thành việc ấn loát xuất bản cuốn sách đúng dịp kỉ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11.
Nhà giáo Vũ Thanh Tùng, Chủ tịch Hội CCB Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, người trực tiếp đánh máy, tổ chức bản thảo nói về quá trình liên hệ, trao đổi phối hợp với gia đình, Bảo tàng Bến Tre, các nhà văn, nhà thơ của Lãnh đạo nhà trường, của Hội CCB trường và những khó khăn trong quá trình hoàn chỉnh bản thảo. Ông cũng nói về hình ảnh của thày giáo trẻ Ca Lê Hiến - Lê Anh Xuân cùng những Liệt sĩ nguyên là giảng viên, sinh viên đã hi sinh trong cuộc kháng chiến chống Mĩ luôn gắn bó và song hành cùng mỗi bước phát triển của nhà trường. Là người tiếp xúc trực tiếp để hoàn chỉnh bản thảo, nhà giáo Vũ Thanh Tùng cũng khẳng định giá trị của cuốn Nhật kí là bản phác thảo chân dung một thế hệ và nguồn tư liệu chiến tranh vô giá. Đặc biệt đọc Nhật kí Lê Anh Xuân chúng ta sẽ nhận thấy vẻ đẹp của một tình yêu trong sáng, thuỷ chung của một người con trai ở chiến trận với một người con gái ở hậu phương. Trong khoảng 400 trang nhật kí, Lê Anh Xuân đã nhắc đến tên người yêu, nói về tình yêu của mình khoảng 40 lần.
Nhà văn Đinh Phong, người đã cùng công tác, chiến đấu với Lê Anh Xuân kể về những kỉ niệm cùng đi vận tải vũ khí, lương thực, về những ngày cùng sống làm việc ở rừng miền Đông Nam bộ với Lê Anh Xuân. Ông nói, đọc Nhật kí Lê Anh Xuân ông được sống lại, gặp lại mình và bạn bè của một thời gian khổ, hi sinh nhưng đầy hào hùng của cuộc chiến tranh chống Mĩ. Ông cũng khẳng định những ghi chép của Lê Anh Xuân rất chân thực, sinh động, là cuộc sống thực sự, là hi sinh thực sự, anh hùng thực sự của đồng bào, của chiến sĩ ta trong cuộc chiến tranh. Nhà văn Đinh Phong cũng kể về nguyên mẫu người chiến sĩ vô danh mà Lê Anh Xuân đã dựa vào đó để sáng tạo nên bài thơ bất tử của mình “Dáng đứng Việt Nam”, nay không còn vô danh nữa. (Chúng tôi xin in lại bài viết của Nhà văn Đinh Phong về chuyện này).
Đại diện dòng họ Ca Lê, GS.NSND Ca Lê Thuần, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP Hồ Chí Minh đã nói về những kỉ niệm với người em trai Ca Lê Hiến khi còn nhỏ, khi tập kết ra Bắc học tập. Ông cũng thay mặt gia đình cảm ơn Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, nơi Ca Lê Hiến học tập, giảng dạy rồi lên đường về Nam chiến đấu đã bỏ nhiều công sức và tâm huyết để đánh máy, giải mã bản nhật kí viết tay với nhiều chữ viết tắt, kí hiệu của riêng tác giả…, cảm ơn Nhà xuất bản Văn hoá - Văn nghệ thành phố, Bảo tàng Bến tre và anh em bạn bè của Liệt sĩ đã cùng gia đình đưa cuốn sách vốn chỉ là những ghi chép riêng của Lê Anh Xuân đến với người đọc cả nước bởi những giá trị đích thực của nó.
Đại diện các báo và những người tham dự cũng phát biểu nói lên sự xúc động khi cầm trên tay cuốn Nhật kí Lê Anh Xuân để có dịp hiểu thêm về một người lạ mà rất gần gũi quen thuộc. Cuốn Nhật kí sẽ giúp cho những người trẻ hôm nay hiểu thêm về cuộc sống gian khổ, hi sinh và cái giá mà nhân dân ta đã phải trả cho độc lập tự do của đất nước để họ hướng tới tương lại với niềm tự hào và niềm tin vào truyền thống của dân tộc ta.
Chiều cùng ngày, đại diện nhà trường đã cùng gia đình lên Nghĩa trang Liệt sĩ Thành phố viếng Liệt sĩ Lê Anh Xuân.