Ngôn ngữ
Đã có người từng tả cho tôi nghe rằng Việt Nam là một đất nước rất đẹp và duyên dáng qua những tà áo dài tha thướt, chiếc nón lá mộc mạc… một Việt Nam đầy màu sắc, thế nhưng khi nghe xong những lời tả về Việt Nam ấy, trong đầu tôi chỉ hiện lên hai chữ “giá mà”… giá mà tôi có thể chiêm ngưỡng và thưởng thức được những nét đẹp ấy thì tốt biết mấy.
Tôi là Apichit Mingwongtham, tên ở nhà là Aun (Ẳn) hay người Việt còn gọi là Aun “A – un”, một người khiếm thị bẩm sinh cả 2 mắt đến từ Thái Lan. Tôi hiện là sinh viên năm 2 Khoa Việt Nam học, Đại học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn TP. HCM.
Tôi đã tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Luật tại Thái hơn 10 năm trước, nhưng chỉ vìtình yêu tiếng Việt mà tôi đã sẵn sàng bỏ hết cuộc sống “ổn định” của một gã trai khiếm thị ở quê hương của mình và tự “mò đường” đến Việt Nam để học tiếng Việt. Đó là lý do tại sao tôi được trở thành sinh viên Đại học Khoa Việt Nam học tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Quận 1 Thành Phố Hồ Chí Minh ở tuổi 35. Đồng thời tôi cũng là giáo viên Online chuyên dạy tiếng Thái cho người Việt và ngược lại.
Dù là sinh viên nước ngoài bị khiếm thị duy nhất trong trường, nhưng tôi luôn cảm thấy mình thật may mắn khi có cơ hội được tiếp xúc với ngôn ngữ, con người cũng như là văn hóa Việt Nam. Chính những điều này mang lại cho tôi ấn tượng sâu sắc về đất nước Việt Nam hình chữ S này.
Mối lương duyên với tiếng Việt
Biết bao nhiêu người hỏi tôi rằng, tại sao tôi lại chọn học tiếng Việtvà mê tiếng Việt đến vậy trong khi córất nhiều thứ tiếng phổ biến trên thế giới. Có nhiều người còn đoán nào là : tôi muốn làm rể Việt Nam sao ? Tôi mang trong mình giọt máu của người Việt ư ? Nhưng đáng tiếc thay 2 câu hỏi đó không hề liên quan tới tình yêu tiếng Việt của tôi. Còn câu trả lời là gì thì hãy cùng tôi quay ngược thời gian gần 30 năm trước lúc mà tôi còn là một đứa trẻ 6 tuổi.
Một ngày nọ tôi ghé nhà bà nội chơi, khi nói chuyện với bà được một lúc thì tôi bỗng dưng hỏi : “Bà nội ơi, chú hàng xóm đi đâu vậy ạ ?”.
“Chú đi làm ở Nhật rồi” - bà trả lời
Tôi tò mò hỏi tiếp: “Nhật đi hướng nào hả bà?”
Chắc hồi đó nội tôi không biết trả lời sao, nội đành nói : “Đi qua Việt Nam con ạ”.
“Việt Nam ở đâu hả bà ?” - tôi tiếp tục hỏi, nhưng bà không trả lời nữa.
Ngay sau khi tôi về tới nhà, tôi hỏi mẹ rằng Việt Nam ở đâu, mẹ tôi nói: “Việt Nam ở gần Lào”, ngay sau câu trả lời của mẹ tôi, cái tên Việt Nam bỗng nhiên được khắc ghi trong đầu đứa trẻ 6 tuổi năm ấy một cách khó lý giải.
Vì nhà tôi ở vùng Đông Bắc Thái Lan (giáp Lào) nên thỉnh thoảng nhà tôi bắt được vài kênh đài phát thanh Việt Nam. Tôi hỏi mẹ: Đây là tiếng gì hả mẹ?
Mẹ tôi trả lời: “Đây là tiếng Việt con ạ”.
Sau đó tôi bắt đầu thấy hứng thú, toàn tâm toàn ý lắng nghe và bắt chước giọng nói của các phát thanh viên Việt Nam thời đó dù tôi không hiểu gì và bây giờ nghĩ lại tôi cũng không sao hiểu nổi hồi đó mình lại thích nữa. Chắc đây cũng là lý do vì sao tôi được nhiều người Việt nhận xét rằng giọng tiếng Việt của tôi không hề khác gì so với họ cả. Thời đó, kênh đài Việt Nam trở thành một trong những kênh đài yêu thích của tôi. Ba mẹ tôi cũng hết sức ngạc nhiên là tại sao con trai của mình lại thích Việt Nam đến vậy trong khi tôi chỉ là một đứa trẻ Thái Lan, chẳng có chút gì liên quan đến Việt Nam cả.
Cho tới khi tôi 12 tuổi, vì hoàn cảnh, ba mẹ đã cho tôi đi học trường dành riêng cho người khiếm thị ở Băng Cốc - thủ đô Thái Lan và kể từ hôm đó, tôi không còn được nghe đài tiếng Việt nữa. Đến một thành phố mới, trường mới và bạn bè mới, tôi cũng phải học tập nhiều thứ khác như bao nhiêu đứa trẻ bình thường. Dù không được nghe đài nữa, nhưng 2 chữ Việt Nam vẫn luôn quẩn quanh trong đầu tôi.
Cho đến khi tôi đã là sinh viên Khoa Luật năm 2 của trường Đại học Thamasat (Thái Lan), vì mê Việt Nam quá và muốn đi khám phá Việt Nam, nhưng hoàn cảnh lại không cho phép vì rào cản lớn nhất của cuộc đời tôi là: tôi hoàn toàn không nhìn thấy gì hết. Nghĩ mãi tôi đành cố gắng thuyết phục em trai, em gái ruột tôi, và “dụ dỗ” thêm vài người bạn để cùng nhau khăn gói đi Việt Nam một chuyến cho thỏa lòng mong ước bây lâu. Hay nói đúng hơn là kiếm người dẫn tôi đi qua đây. Ba anh em nhà chúng tôi có thể đi Việt Nam được là nhờ “nhà tài trợ” chính là ba mẹ vì lúc đó chúng tôi chưa có đứa nào kiếm ra tiền hết. Dù lúc đó trình độ tiếng Việt của tôi chỉ đạt tới mức “xin chào” là hết cỡ, nhưng sau chuyến đi Việt Nam ấy, tôi luôn tự hứa rằng một ngày đẹp trời nào đó không xa, tôi sẽ đặt chân tới Việt Nam một lần nữa bằng mọi giá.
Cuối năm 2011, trước khi sang Việt Nam học tiếng Việt, tôi có quen được vài bạn người Việt qua Internet và đó cũng bước ngoặt quan trọng của cuộc đời tôi, tôi nhờ họ dạy tiếng Việt cho mình, nhưng vì không đọc và viết được nên tôi chỉ còn một cách duy nhất là “học bồi”. Nhờ sự chỉ bảo của các bạn người Việt ấy, trong đầu tôi đã bắt đầu hình thành cách phát âm và những thanh điệu trong tiếng Việt.
Lúc mới học, với tôi dù tiếng Việt là một ngôn ngữ mới nhưng tôi lại cảm thấy rất quen thuộc và tiếng Việt như có sức hút với tôi đến nỗi khi đã học rồi, tôi không thể cưỡng lại được nữa – thứ ngôn ngữ mà càng học càng thấy thú vị, các thanh điệu lên xuống trầm bổng như một khúc nhạc khiến tôi không muốn khả năng tiếng Việt của tôi chỉ dừng lại ở mức độ “học bồi”. Tôi bắt suy nghĩ: Chẳng có nhẽ, tôi cứ học bồi không có hệ thống như này mãi sao ? Không học thì thôi, còn đã học thì phải học cho đến nơi đến chốn chứ ! Với suy nghĩ ấy, năm 2013 tôi lấy hết can đảm, xin nghỉ việc, gom hết tiền bạc, khăn gói đồ đạc, mò đường sang Việt Nam một mình với mục đích duy nhất là: học tiếng Việt.
Vây là tôi và tiếng Việt thực sự gắn bó xuyên suốt trong một thời gian dài, trước những câu hỏi tại sao lại chọn tiếng Việt, thật lòng mà nói tôi của ngày xưa chẳng biết trả lời sao cho phải, nhưng đến ngày hôm nay tôi thì tôi xin thưa ngay là do một chữ “duyên” .
Người Việt trong mắt người mù - là tôi
Đã là người khiếm thị hoàn toàn cả hai mắt, cuộc sống ở quê hương gần gia đình cũng đã khiến tôi nhiều lúc gặp khó khăn, nhưng cuộc sống càng khó khăn hơn khi tôi phải sống một mình ở xứ người, ngôn ngữ khác, nền văn hóa khác. Nhưng may thay, nhờ lòng tốt của người Việt, tôi đã vượt qua được những khó khăn trong học tập và sinh hoạt hàng ngày để có được như ngày hôm nay.
“Uống nước thì phải nhớ nguồn”, có thể nói rằng tiếng Việt của tôi được như ngày hôm nay, có thể ngồi đây gõ những dòng này phần lớn là do công lao của thầy cô và sự ủng hộ, giúp đỡ tận tình của bạn bè người Việt.
Hành trình học học tiếng Việt một cách nghiêm túc của tôi được đánh dấu bằng việc tôi đã sang Việt Nam và bắt đầu đăng kí khóa Tiếng Việt từ tháng 4/2013 đến 8/2014. Trong suy nghĩ của tôi, người Việt vừa hiếu khách, vừa tình cảm và dễ gần. Khi vừa mới chân ướt chân ráo sang đây, tôi vẫn còn lạ nước lạ cái lắm, chẳng có ai là họ hàng thân thích ở nơi này, thế nhưng bạn bè người Việt mà tôi quen biết trên mạng đã không tiếc thời gian để giúp đỡ tôi, nào là đón tôi từ sân bay, nào là chở tôi đi hết ngõ này hẻm nọ để tìm nhà trọ, đi mua sắm đồ đạc cần thiết trong phòng. Sau đó họ còn giúp tôi trong việc ăn uống, tìm các quán ăn, thực phẩm phù hợp với tôi thậm chí còn dẫn tôi đi du lịch khắp Việt Nam, tạo điều kiện cho tôi được sống trong môi trường Tiếng Việt.
Không chỉ có vậy, thầy cô và bạn bè người Việt đã giúp tôi rất nhiều trong quá trình học Tiếng Việt, ban đầu có nhiều khó khăn vì tôi phải đi mua sách tiếng Việt, do không nhìn thấy nên cả cuốn sách đối với tôi chẳng khác nào tập giấy trắng. Lúc đó tôi cần có bản mềm để mang đi in thành sách chữ nổi. Vì khá nhiều sách nên tôi không có lựa chọn nào khác, đành phải phiền tới các bạn Việt Nam. Tôi mang sách đi phô tô ra nhiều phần khác nhau để nhờ bạn bè người Việt gõ thành bản mềm giùm. Dù họ bận rộn đến đâu nhưng vẫn luôn sẵn lòng giúp đỡ, thậm chí một số bạn còn thức đêm thức hôm gõ bài cho tôi, mỗi người giúp một chút để kịp có sách trước khi khóa học bắt đầu. Sau khi mọi người gõ xong, tôi lại nhờ một người bạn gom lại và gửi cho trường Mái Ấm Thiên Ân ở quận Tân Phú – Hồ Chí Minh in sang chữ nổi dùm. Lúc gõ và in xong, khó khăn lại chồng chất khó khăn khi tôi lại không biết đọc chữ nổi tiếng Việt. Tôi đành lặn lội đến Mái Ấm Thiên Ân một lần nữa để nhờ thầy Phong và anh Trường - là 2 người Việt cùng cảnh (bị khiếm thị) đang công tác tại đó hướng dẫn tôi cách đọc tiếng Việt từ con số 0. Cũng may tiếng Việt dùng hệ chữ la-tinh như tiếng Anh nên tôi có thể đọc được tiếng Việt sau một thời gian ngắn. Vì không thể nhìn thấy nên khi đi học tôi luôn mang theo máy ghi âm để thu lại những gì thầy cô giảng trong lớp rồi mang về nhà ôn tập. Ngoài ra, thầy cô và các bạn cũng bồi đắp thêm tình yêu nước Việt cũng như văn hóa Việt Nam từng ngày qua những câu chuyện thú vị về văn hóa và con người nơi đây để tôi còn biết “nhập gia tùy tục” khi sống ở một nước khác.
Một lớp dạy tiếng Việt cho người nước ngoài
Sau khi về nước được 3 năm, năm 2017, tôi quyết định qua Việt Nam để tham dự kì thi Năng lực tiếng Việt. Hai tuần trước khi thi, tôi mò mẫm sang Việt Nam một lần nữa để chuẩn bị cho kì thi quan trọng này, nhưng trớ trêu thay, tôi qua nhiều năm vẫn chưa từng tập gõ tiếng Việt có dấu, gần đến ngày thi rồi, một lần nữa tôi lại phải nhờ đến người Việt hướng dẫn tôi cách gõ tiếng Việt có dấu. Tôi nghe và làm theo từng bước một, khi gõ xong, thì họ còn giúp tôi đọc để soát lỗi chính tả. Chính vì sự giúp đỡ của người Việt mà tôi đã đạt trình độ 6/6 (trình độ C2) trong kì thi năng lực tiếng Việt đó và hôm nay tôi mới có thể ngồi đây để gõ những dòng chia sẻ này. Thêm vào đó, người Việt không những giúp tôi trong học tập và sinh hoạt thường nhật mà còn giúp tôi trong công việc nữa. Nói đến đây tôi xin được nhắc đến một người bạn của tôi là cô Cao Thị Minh Tâm, là một giáo viên tiếng Anh có nhiều kinh nghiệm giảng dạy cả trong và ngoài nước. Chính bạn ấy là người giúp tôi gây dựng nên sự nghiệp giảng dạy ngoại ngữ online một cách chuyên nghiệp như ngày hôm nay. Bạn ấy đã giúp tôi biến ước mơ dạy ngoại ngữ online thành hiện thực. Năm ấy khi mới chập chững bước chân vào nghề, tôi còn nhiều lạ lẫm và không biết nên bắt đầu như thế nào. Dù rất bận rộn nhưng Tâm đã không ngại hướng dẫn tôi mọi thứ liên quan đến công việc giảng dạy, chẳng hạn như giúp tôi tuyển học viên, cách quản lí các lớp học và gợi ý tôi nên mở trang page Tiếng Thái Thiết Thực và mở kênh youtube của riêng tôi - những điều mà có ý nghĩa vô cùng lớn trong sự nghiệp dạy học của bản thân mình. Thậm chí, cô ấy còn giúp tôi ra bộ tài liệu tiếng Thái dành cho người Việt. Như biết bao nhiêu người Việt Nam khác mà mình không tiện kể ra ở đây, bạn ấy luôn giúp đỡ tôi mà không hề tính toán hay kể công gì cả. Chính nhờ sự tận tình giúp đỡ của bạn ấy, mà tôi trở thành một thầy giáo dạy ngoại ngữ online vững tay nghề và có được sự yêu mến của nhiều học viên. Có thể nói rằng, Việt Nam như là ngôi nhà thứ 2 và người Việt cũng như là anh chị em trong nhà của tôi vậy. Công ơn của người Việt đối với tôi mà nói như là một món nợ mà tôi phải khắc ghi trong lòng vì cả đời này tôi khó mà trả hết.
Dù không nhìn thấy, tôi tôi luôn cảm nhận được tấm lòng ấm áp, thương người của người Việt. Tôi cũng luôn thầm cảm ơn vì sự hiếu khách và đặc biệt là người Việt không hề kì thị hay phân biệt đối xử với một người khuyết tật như tôi.
Sinh viên nước ngoài học tiếng Việt tại Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN
Ấn tượng văn hóa Việt
Sau quá trình học tiếng Việt và hòa nhập vào đời sống cộng đồng người Việt, với những trải nghiệm của mình, tôi đã được mở rộng tầm hiểu biết về nền Văn hóa Việt.
Văn hóa ứng xử : Tôi thấy cách ứng xử của người Việt và người Thái Lan có nhiều nét tương đồng, điều này được phản ánh qua những câu ca dao tục ngữ từ ngàn đời xưa: “Kính trên, nhường dưới”, “Lời chào cao hơn mâm cỗ”, “Kính lão đắc thọ”...
Người Việt luôn kính trọng người lớn, đối với cha mẹ, con cái đặt chữ hiếu lên hàng đầu:
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ Mẹ kính Cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”
Đối với thầy cô, cách ứng xử của người Việt được phản ánh qua các câu ca dao:
“Trọng thầy mới được làm thầy”
“Không thầy đố mày làm lên”
“Muốn sang thì bắc cầu kiều
Muốn con hay chữ, thì yêu kính thầy”
Văn hóa ẩm thực: Dù tôi không thể thưởng thức được những cảnh đẹp hoặc là văn hóa trang phục của người Việt nhưng đã là một người có tâm hồn ăn uống, tôi hoàn toàn có thể thưởng thức ẩm thực Việt không thua kém một người Việt sành ăn nào cả. Theo tôi, người Việt rất biết cách ăn và cách chế biến thực phẩm sao cho hài hòa về hương vị và có nhiều thực phẩm tốt cho sức khỏe. Chẳng hạn, trong một bữa của người Việt thường có nhiều món ăn đa dạng và phong phú, mỗi món lại có rất nhiều thứ khác nhau kết hợp mang lại hương vị hài hòa mà tất cả các thành viên trong gia đình có thể quây quần bên nhau để cùng thưởng thức. Đây cũng chính là điều gây ấn tượng sâu sắc nhất với tôi khi nói đến văn hóa Việt. Tôi thích nhất là cái cảm giác các thành viên trong gia đình lại được ngồi xuống cùng nhau thưởng thức các món ăn và trò chuyện sau một ngày làm việc vất vả.
Mà đã nhắc tới ẩm thực Việt Nam, sẽ là một thiếu sót lớn nếu tôi không đề cập đến những món ăn yêu thích của mình. Với ẩm thực miền Bắc, tôi thích bún chả Hà Nội nhất, vì đây là một món ăn có sự kết hợp từ nhiều nguyên liệu như nhiều loại rau thơm, dưa leo, thịt lợn, bún , nước chấm..., đặc biệt là cách ướp và nướng thịt thơm ngon đậm đà, khi ăn miếng thịt, mùi khói vẫn còn phảng phất khiến tôi rất khoái chí. Tôi có thể ăn hai bát bún chả to đùng liền một lúc mà không hề biết ngán.
Đến với miền Trung, món ăn yêu thích của tôi lại là nem nướng, các nguyên liệu để làm nem nướng rất đơn giản như: bánh tráng, rau thơm các loại, bún, thịt lợn, quẩy chiên giòn, tỏi, ớt và một thứ không thể thiếu là nước chấm nem. Dù nguyên liệu trông có vẻ đơn giản, nhưng ăn thì không hề giản đơn chút nào nhất là đối với người khiếm thị như tôi, nhưng vì yêu thích nên tôi đã cố gắng học cách cuốn nem từ bạn bè người Việt. Vì chăm đi ăn nem nướng quá nên “ trình độ” cuốn nem của tôi bây giờ có thể nói là đã được cải thiện ít nhiều.
Nhắc tới miền Nam là không thể không thể không nhắc tới món bánh xèo bao gồm: bánh tráng, rau dưa, thịt, nấm, hành tây, giá đỗ, tôm .... Đây là món khá dễ ăn và dĩ nhiên đối với tôi, món này cũng dễ cuốn hơn so với nem nướng.
Có thể thấy rằng hầu hết các món ăn Việt đều có rau, vậy nên người Việt mới nói rằng: “Cơm không rau, như đau không thuốc”.
Phong tục tập quán: Ở Việt Nam có rất nhiều lễ hội và các phong tục tập quán khác nhau, tuy nhiên nét ấn tượng của tôi khi nghe người Việt hay nói: “Vui như Tết”. Vậy có nghĩa là tầm quan trọng của Tết được người Việt đặt lên hàng đầu. Dù không phải người Việt nhưng có lần được bạn đón qua nhà chơi vào đúng dịp Tết, tôi thấy Tết đúng là dịp để gia đình anh em con cháu sum họp, quây quần bên nhau cùng tiễn năm cũ và chào đón năm mới. Đặc biệt, trong dịp này con cháu thắp hương cho ông bà tổ tiên để mời người đã khuất về đón Tết cùng gia đình.
Tôi thích nhất là không khí đón xuân vô cùng vui vẻ và đầm ấm bên cạnh những người thân yêu trong gia đình, nhưng mỗi lần Tết Việt đến, ai ai cũng về quê đoàn tụ cùng gia đình, tôi lại đặt vé về nước vì Tết Việt Nam làm cho tôi cảm thấy nhớ nhà, nhớ không khí ấm áp sum họp.
Tóm lại, tôi và Việt Nam được gắn kết bởi mối lương duyên là tình yêu tình tiếng Việt. Tiếng Việt là ngôn ngữ đẹp với những thanh điệu thánh thót, trầm bổng, những câu ca dao tục ngữ thành ngữ được đúc kết đến nay vẫn còn đúng và vẫn được sử dụng nhiều trong cuộc sống hàng ngày. Đây cũng là một trong những lý do làm cho tôi chết mê chết mệt Tiếng Việt. Không chỉ có ngôn ngữ, người Việt cũng là một trong những yếu tố để tôi yêu đất nước Việt Nam này. Trong cảm nhận của tôi, người Việt có lòng thương người, thân thiện, dễ gần, cởi mở và sẵn sàng giúp đỡ người khác dù đôi khi không hề quen biết. Người Việt cũng luôn biết kết hợp hài hòa nét truyền thống và hiện đại trong cuộc sống hàng ngày. Với sự phát triển chóng mặt của thế giới, người Việt hòa nhập chứ không “hòa tan”, họ vẫn giữ được nét đậm đà bản sắc dân tộc của mình. Chính điều này làm cho tôi vô cùng ấn tượng và luôn cảm thấy mình thật may mắn khi được sống trong một đất nước có nhiều nét văn hóa tốt đẹp như vậy.
Tôi sẽ tiếp tục phát triển khả năng tiếng Việt của mình, hy vọng ngày nào đó tôi có thể góp một phần nhỏ bé của mình để trở thành “sứ giả” kết nối tình hữu nghị Việt - Thái. Xin gửi lời chân thành cảm ơn và lời biết ơn từ đáy lòng tới người Việt cũng như đất nước Việt Nam đã luôn chào đón và giúp đỡ tôi - một người khiếm thị đang học tiếng Việt, ăn cơm Việt và sống trên đất nước Việt. Nếu có thể, tôi luôn sẵn sàng làm một điều gì đó để đóng góp cho ngôi nhà thứ hai của mình mang tên Việt Nam.
Vì không biết tiếng Việt nên ba mẹ tôi sẽ chẳng bao giờ đọc được những dòng cảm xúc này, nhưng tôi vẫn muốn được nói lời cảm ơn và lời biết ơn sâu sắc tới ba mẹ mình đã không những không ngăn cản mà còn luôn ủng hộ tôi trong việc học ngôn ngữ thứ 3 này. Nhân tiện tôi cũng xin được gửi lời cảm ơn đến CLB Sứ giả Văn hóa, Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN với sự tài trợ của Quỹ Đào Minh Quang đã tạo cho tôi có cơ hội được chia sẻ câu chuyện của mình.
Giờ đây Việt Nam trong mắt tôi không phải là những vẻ đẹp bên ngoài như người ta thường nói, mà trong trong tâm tưởng của tôi, Việt Nam luôn là những nụ cười trải dọc theo hình chữ S.
Tác giả: Apichit Mingwongtham
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn