Để nâng cao chất lượng đào tạo đại học?

Thứ bảy - 17/04/2010 21:23
Hội nghị triển khai Đổi mới quản lí giáo dục đại học Khối Hiệu bộ Trường ĐHKHXH&NV diễn ra ngày 16/4/2010, với sự tham gia của các lãnh đạo và chuyên viên thuộc khối Hiệu bộ. PGS.TS Nguyễn Kim Sơn chủ trì hội nghị.
Hội nghị triển khai Đổi mới quản lí giáo dục đại học Khối Hiệu bộ Trường ĐHKHXH&NV diễn ra ngày 16/4/2010, với sự tham gia của các lãnh đạo và chuyên viên thuộc khối Hiệu bộ. PGS.TS Nguyễn Kim Sơn chủ trì hội nghị. Mở đầu, hội nghị đã nghe ông Trần Ngọc Liêu – Trưởng Phòng Đào tạo - phổ biến các văn bản quan trọng của Chính phủ về đổi mới quản lí giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012, gồm: Nghị quyết số 05 – NQ/BCSĐ ngày 06/01/2010 của Ban cán sự đảng Bộ GDĐT đào tạo về đổi mới quản lí giáo dục đại học giai đoạn 2010 – 2012; Quyết định số 179/QĐ-BGDĐT ngày 11/01/2010 Phê duyệt Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/BCSĐ ngày 06/01/2010 của Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo về đổi mới quản lí giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012; Chỉ thị số 296/CT-TTg ngày 27/02/2010 của Thủ tướng chính phủ về đổi mới quản lí giáo dục đại học giai đoạn 2010 – 2012; Công văn số 1242/BGDĐT-VP ngày 12/03/2010 về việc hướng dẫn tổ chức thảo luận, quán triệt Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết 05 của Ban cán sự Đảng Bộ GD&ĐT về đổi mới quản lí giáo dục đại học giai đoạn 2010 - 2012. Tiếp đó, các ý kiến phát biểu tập trung vào chủ đề: Vì sao phải nâng cao chất lượng đào tạo? Làm gì để nâng cao chất lượng đào tạo đại học trong giai đoạn hiện nay? Các giải pháp đổi mới quản lí giáo dục đại học?
Nội dung Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/BCSĐ ngày 06/01/2010 của Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo về đổi mới quản lí giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012. (Phê duyệt kèm theo Quyết định số 179/QĐ-BGDĐT ngày 11 tháng 01 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)
  1. Tổ chức nghiên cứu, thảo luận trong toàn ngành và xã hội “Làm gì để đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo”;
  2. Rà soát các chỉ tiêu phát triển giáo dục đại học giai đoạn 2010-2020;
  3. Hoàn thiện và triển khai thực hiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục đại học;
  4. Đổi mới quản lí trong cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo;
  5. Phân công, phân cấp quản lí các trường đại học, cao đẳng;
  6. Đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu xã hội;
  7. Quy hoạch xây dựng các đại học trong các tỉnh, các khu đại học tập trung, quy hoạch và xây dựng kí túc xá sinh viên;
  8. Nâng cao năng lực quản lí của đội ngũ Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng;
  9. Đổi mới cơ chế tài chính cho giáo dục đại học;
  10. Đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục đại học;
  11. Đổi mới quản lí và triển khai nghiên cứu khoa học.
PGS.TS Phạm Văn Quyết - Trưởng Phòng Đào tạo Sau đại học - đánh giá cuộc vận động đổi mới quản lí giáo dục đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động là rất thiết thực trong giai đoạn hiện nay. Đối với Trường ĐHKHXH&NV, một đại học đầu ngành, thì mục tiêu phấn đấu của đổi mới quản lí giáo dục là tiến tới đạt chuẩn khu vực và quốc tế. Riêng công tác đào tạo, yêu cầu trước mắt là Nhà trường cần điều chỉnh các chương trình đào tạo đại học và sau đại học để đảm bảo công tác liên thông, chuyên sâu và cập nhật. Ở hệ đào tạo đại học chính quy, việc thực hiện quy trình đào tạo khá nghiêm túc, đạt hiệu quả cao, song ở đào tạo sau đại học, quy trình này cần nghiên cứu để thực hiện bài bản hơn. Đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo, PGS.TS Phạm Văn Quyết cho rằng Bộ nên quan tâm nhiều hơn tới chế độ chính sách đảm bảo đời sống cho cán bộ viên chức ngành giáo dục, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất tại trường đại học, nhìn nhận đó là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến nâng cao chất lượng đào tạo. Cũng đề cập đến quản lí đào tạo sau đại học, ThS. Đào Minh Quân (Phòng Đào tạo Sau đại học) nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của đội ngũ cán bộ trợ lí đào tạo sau đại học tại các khoa, bộ môn; qua đó yêu cầu Nhà trường có quy định cụ thể xác định rõ hơn vai trò, chức năng, nhiệm vụ của đội ngũ này. Đồng chí Nguyễn Thị Hằng (Văn phòng Công đoàn) phát biểu về việc lập kế hoạch, triển khai và đánh giá hiệu quả công việc của các bộ phận, cho rằng các công tác này chưa được thực hiện nghiêm túc khi các kế hoạch đặt ra chưa thực sự bám sát thực tiễn. Khâu thi đua khen thưởng cần chặt chẽ để tránh tư tưởng “cào bằng”. ThS. Ngô Văn Hoán - Trưởng Ban Thanh tra - nhận xét, về hệ thống văn bản quản lí, Nhà trường đã xây dựng khá đầy đủ từ các chương trình hành động, các định hướng, chiến lược phát triển lớn cho đến các quy định cụ thể về những lĩnh vực quản lí khoa học, tài chính, tổ chức cán bộ… Vấn đề là thực hiện các văn bản ấy như thế nào? Mặt khác, khâu quản lí nhân lực có vai trò đặc biệt quan trọng trong trường đại học. Do đó, Nhà trường cần quan tâm đến việc xem xét bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, tìm cách phát huy được cao nhất năng lực của từng cán bộ trong công việc. Các cán bộ lãnh đạo thì cần phải nhận thức và phát huy vai trò tiên phong của mình trong hoạt động chung. Cũng bàn về công tác cán bộ, ThS. Phạm Huy Cường (Phòng Chính trị và Công tác sinh viên) lại chỉ ra một “mâu thuẫn” giữa một bên là chỉ tiêu nhân lực dành cho Nhà trường ít, nhưng thực tế các đơn vị đều xảy ra tình trạng thiếu cán bộ? Ở các bộ phận quản lí thì các phẩm chất chuyên môn hay các phẩm chất nghiệp vụ công việc được đề cao? Một số ý kiến đóng góp khác lại đề xuất các giải pháp đổi mới quản lí liên quan đến công tác tài chính, hợp tác quốc tế… Kết thúc Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn một lần nữa khẳng định sự quan tâm đặc biệt của Nhà trường đến việc đổi mới quản lí giáo dục đào tạo đại học và nâng cao chất lượng đào tạo. Hai nội dung lớn này sẽ tiếp tục được thảo luận và lấy ý kiến tại Hội nghị cán bộ chủ chốt sắp tới. Trong thời gian tới, Nhà trường cũng có chủ trương đưa vào vận hành quản lí đào tạo theo chuẩn ISO sau khi xin ý kiến chỉ đạo và có sự hỗ trợ từ ĐHQGHN và Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Nội dung Chỉ thị 296/CT-TTg ngày 27/02/2010 của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới quản lí giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012: 1. Cần quán triệt nhận thức: phát triển quy mô giáo dục đại học phải đi đôi với đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo. Kiên quyết chấm dứt tình trạng không kiểm soát được chất lượng đào tạo. Cần tạo ra cơ chế và động lực trong quản lí nhà nước và quản lí của các cơ sở đào tạo để thực hiện mục tiêu đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo. 2. Coi việc đổi mới quản lí giáo dục đại học bao gồm quản lí nhà nước về giáo dục đại học và quản lí của các cơ sở đào tạo là khâu đột phá để tạo ra sự đổi mới toàn diện của giáo dục đại học, từ đó đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học một cách bền vững. 3. Để triển khai công tác đổi mới quản lí giáo dục đại học, Thủ tướng CP giao: Bộ Giáo dục đào tạo phối hợp với Công đoàn giáo dục Việt Nam và Đoàn TNCS HCM tổ chức thảo luận trong tất cả các cơ sở giáo dục đại học: Vì sao phải nâng cao chất lượng đào tạo? Làm gì để đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo trong giai đoạn hiện nay.

Tác giả: thanhha

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây