TS Nguyễn Quang Liệu (giảng viên Khoa Lịch sử - Trường ĐHKHXH&NV) nhận xét về đề thi đại học môn Lịch sử năm 2012: “Đề thi đại học môn Lịch sử năm nay mang tính khái quát cao, bao trùm được kiến thức cơ bản của lịch sử Việt Nam 1919-2000 và lịch sử thế giới 1945-2000. Các câu hỏi rõ ràng, không đánh đố học sinh”.
Đề thi tuyển sinh đại học năm 2012 môn Lịch sử:
Câu 1 (2 điểm): Cuộc khai thác thuộc địa lần thứ 2 của thực dân Pháp đã tác động như thế nào đến nền kinh tế Việt Nam?
Câu 2 (2 điểm): Từ năm 1919 đến năm 2000, lịch sử Việt Nam đã trải qua những thời kì nào? Khái quát nội dung chính của thời kì lịch diễn ra sự kiện quân và dân ta đập tan tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương của thực dân Pháp?
Câu 3 (3 điểm): Cuối tháng 3/1975, Bộ Chính trị TƯ Đảng đã có quyết định gì để hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng miền Nam? Quyết định đó được đề ra dựa trên những cơ sở nào? Tóm tắt diễn biến của chiến dịch Hồ Chí Minh (4/1975)?
Câu 4 (chọn một trong hai câu):
- Khái quát chính sách đối ngoại của Nhật Bản ở thời kì chiến tranh lạnh?
- Từ năm 1950 đến năm 2000, vị thế ngày càng nâng cao trên trường quốc tế của Ấn Độ được thể hiện như thế nào trên lĩnh vực kinh tế, khoa học - kĩ thuật và chính sách đối ngoại?
Với câu hỏi 1, theo TS Nguyễn Quang Liệu, đây là câu hỏi đơn giản, ra đúng kiến thức cơ bản nên học sinh sẽ dễ dàng làm được câu hỏi này.
Với câu 2, thí sinh cần phân kì được 5 giai đoạn chính:
- Giai đoạn vận động thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 1919-1930.
- Giai đoạn đấu tranh giành chính quyền 1930-1945.
- Giai đoạn tiến hành kháng chiến chống thực dân Pháp 1945-1954.
- Giai đoạn tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng vì mục tiêu giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 1954-1975.
- Giai đoạn 1975-2000: quá độ lên CNXH và thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới.
Đây là câu hỏi rất hay và có tính phân loại thí sinh rõ nét. Đây cũng là lần đầu tiên đề thi yêu cầu học sinh có cái nhìn tổng quan về lịch sử Việt Nam và có kĩ năng phân kì các giai đoạn lịch sử. Theo những giảng viên có kinh nghiệm, đây cũng là kiến thức và kĩ năng rất yếu của học sinh khi học Sử hiện nay nên để đạt được điểm của câu này sẽ không dễ. Sẽ có ít thí sinh làm được câu hỏi này mà đa phần các em dễ sa đà vào kể lể các sự kiện, năm tháng, kết quả là trả lời vẫn không đúng yêu cầu mà lại mất nhiều thời gian. Câu hỏi này này đòi hỏi kiến thức tổng hợp, em nào làm tốt được câu hỏi này chứng tỏ rất am hiểu về lịch sử Việt Nam và có kĩ năng làm bài tốt.
Về ý thứ hai của câu 2, học sinh phải đọc kĩ đề và hiểu được: tập đoàn cứ điểm mạnh nhất mà đề thi nói đến chính là là cứ điểm Điện Biên Phủ mà thực dân Pháp từng coi là pháo đài không thể công phá. Do đó, thời kì mà đề thi yêu cầu khái quát là giai đoạn sau Đông Xuân 1953-1954 cho đến chiến dịch Điện Biên Phủ. Nếu hiểu đề thì câu này cũng không khó, nhưng thí sinh cũng dễ sa đà vào kể lể dài dòng những thông tin không cần thiết.
Câu 3 được TS Nguyễn Quang Liệu đánh giá là hỏi tương đối rõ ràng khi đưa ra mốc thời gian gợi ý là cuối tháng 3/1975 khi chiến dịch Tây Nguyên hoàn toàn thắng lợi và mở ra một giai đoạn mới từ tiến công chiến lược ở Tây Nguyên phát triển thành tổng tiến công chiến lược trên toàn miền Nam. Sau thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên và Huế - Đà Nẵng, TƯ Đảng nhận định: thời cơ chiến lược đã đến, ta có điều kiện hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng miền Nam. Từ đó TƯ Đảng đi đến quyết định “phải tập trung nhanh nhất lực lượng, binh khí, kĩ thuật và vật chất giải phóng miền Nam trước mùa mưa năm 1975”.
Với câu 4a, trước hết thí sinh phải xác định được giai đoạn chiến tranh lạnh diễn ra từ năm nào đến năm nào, từ đó trình bày chính sách đối ngoại của Nhật Bản trong thời gian đó qua các thời kì 1947-1952, 1952-1973, 1973-1989.
Về câu 4b, đây là câu hỏi rõ ràng, dễ hiểu nhất với các thí sinh. Thí sinh chỉ cần nắm được công cuộc xây dựng đất nước của Ấn Độ khi Nhà nước Ấn Độ ra đời năm 1950 cho đến năm 2000. Thí sinh cần trình bày những thành tựu lớn của Ấn Độ trên 3 lĩnh vực chính: kinh tế, khoa học kĩ thuật và chính sách đối ngoại - phần này trong sách giáo khoa Lịch sử lớp 12 đã trình bày rất rõ ràng.
Với những phân tích trên, TS Nguyễn Quang Liệu cho rằng: Nhìn chung, đề ra không khó, nội dung rất rõ ràng. Đề thi cũng đã nhấn mạnh đến những sự kiện quan trọng của mỗi giai đoạn lịch sử. Trong đó, câu 1 và câu 4b là dễ trả lời nhất; câu 2, câu 3 và 4a mỗi câu có một ý mà thí sinh ta phải suy luận thêm mới có thể trả lời đúng yêu cầu. Đặc biệt, câu 2 ý thứ nhất là câu điểm nhấn để có thể phân loại được học sinh khá, giỏi.
Dự đoán về phổ điểm, TS Nguyễn Quang Liệu nói: “Theo tôi, điểm từ 4,5 đến 5,5 sẽ chiếm đa số, phổ điểm từ 0-2 sẽ rất ít nhưng chắc chắn sẽ có những điểm rất cao của môn Sử là 9 hoặc 9,5”.